Windows thống trị, ai được hưởng lợi? Kỳ 2: Ai vui khi Microsoft Windows thống trị thị trường PC?
Có lẽ trừ những đối thủ trực tiếp, không có ai phàn nàn về việc Windows đang là bá chủ thị trường.
Việc Microsoft đang thống trị thị trường hệ điều hành PC (ít nhất là thị trường PC truyền thống) là điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhiều người lo lắng rằng sự độc quyền gần như toàn bộ của Microsoft sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chất lượng của thị trường này. Thậm chí, một số anti fan cực đoạn còn liên hệ việc PC đang bị tablet lấn át phần nào là do Windows.
Tuy nhiên, chỉ cần suy nghĩ một chút bạn sẽ thấy thích sự thống trị “ngọt ngào” này? Ai là người có lợi khi Windows gần như là hệ điều hành duy nhất trên các PC truyền thống? Câu trả lời khá bất ngờ: gần như tất cả.
Người dùng
Đối tượng đầu tiên và có lợi nhiều nhất chính là chúng ta – những người dùng phổ thông.
Như đã nói ở trên, nhiều người nghĩ rằng việc Windows trở thành duy nhất trên các PC truyền thống sẽ tạo ra một thị trường độc quyền ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung. Tuy nhiên, sức ép của các đối thủ khác (như Mac chẳng hạn), quá đủ để Microsoft phải nỗ lực mỗi ngày. Còn bằng chứng thực tế thì bạn có thể nhìn thấy sự tiến bộ qua từng phiên bản Windows. Vậy người dùng sẽ có lợi gì với sự thống trị tuyệt đối của Windows?
Đầu tiên, hãy xét đến các phần mềm – yếu tố sống còn của bất cứ HĐH nào. HĐH dù có chạy tốt đến đâu mà không có phần mềm hoặc phần mềm không tốt và đa dạng cũng “vứt đi”. Xét về yếu tố này, Windows thống trị tuyệt đối rõ ràng đem lại rất nhiều lợi ích cho người dùng.
Vì chỉ có một lựa chọn duy nhất, rất nhiều (hầu hết) nhà phát triển (NPT) sẽ tập trung sức lực phát triển phần mềm cho lựa chọn này. Do đó, Windows có một kho phần mềm khổng lồ, đa dạng phục vụ cho mọi mục đích. Không có cảnh bạn “ngóng chờ” một phần mềm phát hành phiên bản cho mình (như trên thị trường smartphone). Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các hãng phần mềm sẽ khiến bạn có nhiều lựa chọn tốt hơn cho cùng một mục đích.
Thứ hai, là sự tương thích qua lại giữa các HĐH. Một HĐH duy nhất có nghĩa là bạn có thể dễ dàng chuyển và sử các file tài liệu, công việc với người khác. Nếu đã từng vất vả trong việc chia sẻ, sử dụng các file office trên Mac và Windows, bạn sẽ vô cùng cảm ơn việc tới 90% thế giới đang cùng sử dụng Windows với bạn.
Thứ ba (và cũng là yếu tố cuối cùng tôi đề cập trong bài viết này) là giá thành bản quyền và phần mềm. Việc Windows (và các phần mềm chạy trên Windows) bán được nhiều sẽ khiến cho giá thành mỗi bản sẽ rẻ đi rất nhiều (do chi phí phát triển là cố định).
Các nhà sản xuất phần mềm
Sẽ ra sao nếu thị trường HĐH PC phân mảnh tương tự những gì đang xảy ra với smartphone? Để làm rõ điều đó, chúng ta hãy “ngó” một chút sang những “người anh em” này.
Điểm sơ sơ, hiện tại có cả chục HĐH dành riêng cho smartphone. Đáng nói hơn, có tới 3 hoặc 4 HĐH chiếm thị phần hơn 10% và có ảnh hưởng lớn tới người dùng. Điều này có nghĩa là khi sản xuất một phần mềm, bạn phải tính toán, cân nhắc xem nên sản xuất cho HĐH nào, dành cho đối tượng nào… Đương nhiên, có một lựa chọn là bạn sản xuất cho tất cả các HĐH. Nhưng việc code một ứng dụng chạy tốt trên vài ba nền tảng là điều không hề dễ dàng và hơn nữa, chi phí cho giải pháp này tăng lên nhiều lần khi doanh thu lại không tăng theo tỷ lệ thuận.
Hãy nhìn sang thị trường PC, với việc Microsoft chiếm khoảng 90% thị phần, Mac khoảng 5 ~ 10% và các HĐH khác không đáng kể, các NSX sẽ có điều kiện tập trung chi phí, sức lực làm một phiên bản trên Windows. Họ chỉ cần bỏ một công (sản xuất trên Windows) để phục vụ 90% thị trường (và đương nhiên doanh thu cũng cao) – điều mà bất cứ công ty phần mềm smartphone nào cũng “mơ”.
Các công ty sản xuất phần cứng
Video đang HOT
Các công ty sản xuất phần cứng cho PC là những người vui nhất khi Microsoft thống trị thị trường HĐH. Khoan, sao lại một HĐH duy nhất? Tất nhiên, tôi vẫn nhớ là Windows “chỉ” chiếm hơn 90% thị phần. Nhưng hãy nhớ, 10% còn lại phân bổ cho Mac (Apple độc quyền) còn lại các HĐH khác như Linux chiếm thị phần quá ít – không đáng quan tâm.
Nhờ sự thống trị này, HP, Dell,… chỉ cần tập trung sức lực sản xuất các sản phẩm tương thích tuyệt đối với Windows và có thể tạm quên đi các “mảnh” khác (như Linux chẳng hạn). Trong khi đó, Intel, AMD (CPU); AMD, Nvidia (VGA) hay những nhà sản xuất linh kiện nói chung, tuy vẫn phải “chia sức” cho Mac nhưng dù sao cũng “đỡ” hơn là cảnh ngộ của các “anh em” smartphone.
Các công ty bán lẻ (đặc biệt dịch vụ hỗ trợ khách hàng)
Những rắc rối trong quá trình sử dụng (tôi đề cập đặc biệt đến phần mềm) là cực kỳ phổ biến và các dịch vụ hỗ trợ khách hàng sẽ là người “chịu trận”. Với PC hay laptop, các nhân viên hỗ trợ sẽ hiểu ngay là Windows và đưa ra phương án hỗ trợ dễ dàng. Hoặc nếu bạn bán cả Mac, mọi việc sẽ chỉ khó lên gấp 2.
Trong khi đó, với smartphone bạn sẽ phải có kiến thức hoặc tốn công tra cứu gấp 3 (hoặc hơn) lần để hỗ trợ cho tất cả các trường hợp cần trợ giúp. Khá vất vả đúng không? Vậy tại sao lại không cảm ơn Microsoft và Windows?
Kết
Tất nhiên, trong bài này tôi không đề cập đến chính Microsoft và một số đối tác thân thiết với Microsoft. Ngoài ra, có một số ít người không vui khi Microsoft vẫn giữ vững sự thống trị là các đối thủ trực tiếp của Microsoft như Apple chẳng hạn. Nếu không phải một trong số ít kể trên, đừng tìm cách hay chờ đợi ngày ngai vàng của Windows bị lật đổ hoặc gần hơn là lung lay.
(Còn tiếp)
Theo Bưu Điện VN
Windows thống trị, ai được hưởng lợi? Phần 1: Windows đã thống trị và thay đổi thế giới như thế nào?
Có đôi khi người ta lo lắng về việc bấy lâu nay Microsoft với Windows đã độc bá thị trường máy tính cá nhân. Nhưng có vẻ như hầu như mọi người đều vui vẻ với việc này.
Nếu cần phải bình chọn ra một cái tên có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới công nghệ nói riêng và cả thế giới nói chung thì Bill Gates với "đứa con tinh thần" Windows là một ứng cử viên sáng giá. Có một câu hỏi đặt ra là liệu sự thống trị của Windows có hại hay có lợi? Liệu có ai có khả năng (hay mong muốn) chấm dứt sự thống trị của hệ điều hành này trong tương lai gần? Ai là người có lợi khi thị trường PC không bị phân mảnh? Hãy tìm hiểu tất cả thông qua series bài viết sắp tới của chúng tôi. Trong phần này, bạn sẽ biết được nguyên nhân và cách thức Windows đang thống trị thế giới.
Windows - Thay đổi và thống trị thế giới
Chỉ hơn 20 năm trước, mỗi chiếc máy tính đáng giá cả một gia tài và lượng người biết sử dụng máy tính là không nhiều. Nếu như bạn khoảng hơn 25 tuổi và sử dụng máy tính từ đầu thập kỷ 90, bạn sẽ nhớ bạn phải khổ sở thế giới với giao diện MS-Dos (hay tốt hơn một chút là Win NC) với hàng loạt lệnh phức tạp, lằng nhằng mà hiếm có người dùng phổ thông nào nhớ hết. Tuy nhiên, đến Windows 3.1 mọi thứ đã khác với giao diện người dùng tương đối thân thiện và dễ sử dụng. Đến thời điểm hiện tại, bất cứ ai với khoảng 2 tiếng đồng hồ làm quen cũng có thể dễ dàng sử dụng các tính năng cơ bản của PC.
Tất nhiên, ai có cũng có thể nhìn thấy cách mà Microsoft thay đổi và điều khiển thế giới PC thông qua sự cải tiến các tính năng, thiết kế của Windows. Nhưng sự đóng góp lớn nhất của Windows là việc nó đã thay đổi cách tiếp cận và sử dụng máy tính của người dùng. Tôi tin chắc nếu hệ điều hành MS-DOS với hàng trăm, hàng ngàn lệnh, cú pháp phức tạp là số một thị trường thì PC vẫn sẽ là những cỗ máy kềnh càng, giá hàng ngàn USD (nếu tính cả lạm phát có lẽ phải hàng chục ngàn USD).
Nguyên nhân? Đó là quy tắc cung cầu của thị trường. Thị trường PC ngày nay phát triển mạnh bởi đơn giản nhiều người cần nó, cầu tăng đòi hỏi sự xuất hiện nhiều nhà sản xuất. Lúc này nảy sinh sự cạnh tranh, sản phẩm ngày càng tốt lên và giá rẻ đi. Kết quả là tạo ra nhiều người dùng hơn. Mà nguyên nhân nào khiến cho nhiều người dùng PC? Đó chính là họ có một HĐH đơn giản, dễ sử dụng, thân thiện và đương nhiên, Windows là cái tên được nhắc tới.
Thống trị? Rất nhiều người đã nhắc đến điều này khi nói về HĐH của Microsoft. Không ai phủ nhận sự "độc bá" của Windows trong thập kỷ 90 và những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Tuy nhiên, gần đây, một số người bắt đầu bàn về việc Windows sẽ sớm mất đi ngai vàng của mình khi xuất hiện ngày càng đối thủ mà lớn nhất chính là MacOS - hệ điều hành của Apple.
Con số nhiều người quan tâm và lấy làm "cơ sở" cho luận điểm này là số thiết bị sử dụng Windows truy cập Internet đã giảm xuống dưới 90% và đối thủ Mac đang có con số khá khả quan: khoảng trên dưới 10%. Một số người còn đưa ra luận điểm rằng mốc "thống trị" 90% đã bị phá, Windows sẽ còn giảm nữa. Từ đây, họ cho rằng Windows không còn thực sự hấp dẫn cũng như giữ được vị trí người tiên phong trong giới công nghệ.
Tuy nhiên, một điều mà những người này vô tình hay cố ý quên mất là thị phần mà Windows giảm chủ yếu do sự lớn mạnh của smartphone và các thiết bị cầm tay như tablet - nơi mà Windows đã bị "đá bay" (smartphone) hoặc chưa thể thâm nhập (tablet). Chứ riêng thị trường PC (đặc biệt là desktop), họ vẫn thống trị tuyệt đối. Ngày mà Microsoft và Windows bị "lật đổ" (nếu có) sẽ còn rất xa.
Tại sao Microsoft thống trị lâu đến vậy?
Gần 30 năm thống trị và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Nguyên nhân nào khiến cho Microsoft giữ vững được ngai vàng của mình? Nguyên nhân nào khiến cho các đối thủ lại chấp nhận sự thống trị của Windows lâu đến vậy. Chúng ta sẽ tìm hiểu một phần qua bài viết này.
Microsoft quá xuất sắc và bất khả chiến bại?
Nguyên nhân đầu tiên mà nhiều người cho là đáp án của câu hỏi nằm ở sự xuất sắc của Microsoft. Tất nhiên, họ xuất sắc, chắc chắn không người nào có thể kết luận một công ty trị giá 220 tỷ USD có cỡ hơn 2 tỷ người dùng và doanh thu mỗi năm khoảng vài chục tỷ USD là không xuất sắc. Nhưng nếu nói họ bất khả chiến bại, luôn đi đầu trong các công nghệ mới thì không hẳn.
Hãy nhớ đến thất bại cay đắng của Windows Phone tại lãnh địa smartphone trước Symbian - HĐH đang "ngắc ngoải" của Nokia hay sự chậm chạp của Windows trong việc gia nhập thị trường tablet đầy tiềm năng. Các tính năng mới của Windows những phiên bản gần đây cũng không có quá nhiều đột phá và vượt trội so với đối thủ trực tiếp Mac OS X. Thậm chí, một số tính năng Windows còn phải học ở đối thủ.
Vậy, nguyên nhân của sự thống trị không đến hoàn toàn từ sự xuất sắc của Microsoft.
Là kẻ đầu tiên?
Nhiều người nghĩ rằng Windows là HĐH đầu tiên nhưng sự thật lại không phải vậy. Microsoft Windows ra đời bản đầu tiên 1.0 vào tháng 11/1985. Trong khi Mac ra đời vào năm 1984. Còn MS-DOS được Bill Gates xây dựng lại từ QDOS.
Hay nói rộng ra một chút, trong thế giới công nghệ, kẻ đầu tiên chưa chắc đã là người chiến thắng. Hãy nhìn lại những trường hợp gần đây như Google, Facebook hay iPhone và Android. Google ra đời sau Yahoo! nhưng đã đánh bại Yahoo! trên hầu như mọi dịch vụ từ mail cho đến công cụ tìm kiếm. Facebook ra đời sau Myspace nhưng đã khiến cho mạng xã hội này trở thành một trong những vụ mua "hớ" lớn trong lịch sử thế giới công nghệ, iPhone không phải smartphone đầu tiên nhưng nó đang là smartphone số một thế giới, Android ra đời sau nhưng đã trở thành HĐH phổ biến số một trên các thiết bị di động (đặc biệt là smartphone).
Vậy tại sao?
Dường như những nguyên nhân khả dĩ nhất đã khiến Windows đạt được giữ vững ngai vàng trên thị trường PC đã đều đã bị phủ nhận. Vậy đâu là chìa khóa đã dẫn tới thành công của Microsoft?
Chọn đúng "bạn"
Một nguyên nhân khiến cho Microsoft thành công chính là tầm nhìn và cách "chọn bạn mà chơi" của Microsoft. Dường như Microsoft luôn chọn đúng đối tượng để hợp tác và tạo thành những liên minh lớn mạnh. Điển hình nhất là cách mà Microsoft đã bắt tay với Intel và x86 để tạo thành liên minh bất khả chiến bại trong thị trường PC.
May mắn
Thành công của sinh viên chưa tốt nghiệp đại học nổi tiếng nhất thế giới công nghệ có một phần không nhỏ do may mắn. Tất nhiên, ý tôi không nói là Bill Gates thành công nhờ hoàn toàn may mắn và Windows cũng vậy. Tuy nhiên, việc sinh ra vào thời điểm làng máy tính bắt đầu manh nha, lớn lên đúng lúc là may mắn đầu tiên của Bill Gates. Thứ hai, việc IBM đã đồng ý để Microsoft giữ bản quyền Windows đã tạo nên Microsoft ngày nay. Nếu thời điểm đó, IBM kiên quyết, hoặc Microsoft trở thành một bộ phận phát triển phần mềm của IBM hoặc cái tên Microsoft đã bị lãng quen từ lâu.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác là do sự thiếu may mắn hoặc các chính sách của đối thủ đã rộng đường cho Microsoft tiến lên.
Được cả thế giới coi là chuẩn
Một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khiến người dùng chọn Windows là việc... mọi người cũng dùng Windows. Gần như HĐH "chuẩn" của tất cả phần mềm, game,... đều là Windows. Mọi người từ lâu đã coi Windows là "linh hồn" của PC đến mức mà khái niệm PC gần như đã trở thành "PC chạy Windows". Ví dụ điển hình là các máy tính của Apple được gọi là Mac để phân biệt với PC chạy Windows (cho dù Mac cũng là PC).
Chi tiết hơn về vấn đề này sẽ được đề cập trong bài viết sau của series.
Microsoft tập trung vào giá trị cốt lỗi và biết "điểm dừng"
Thực sự nếu so về tính năng, khó có thể nói Windows tốt hơn hay Mac OS X tốt hơn. Đây chẳng qua là ai thích dùng hệ điều hành nào hơn mà thôi. Mac thất thế đơn giản vì Mac OS chỉ chạy trên các PC của Apple.
Đây chính là nguyên nhận khiến Microsoft nói không với việc sản xuất máy tính. Xét cho cùng thì đây là một quyết định khôn ngoan của Microsoft khiến cho các hãng sản xuất máy tính trung thành và duy trì sự thông trị của Windows. Chi tiết, xin mời các bạn xem lại bài viết trên.
Chính cảm giác an toàn và không bị chi phối và cạnh tranh mà Microsoft tạo ra đã khiến các NSX máy tính (như Dell, HP,...); NSX linh kiện (như Nvidia, AMD) hay các hãng phần mềm luôn trung thành và củng cố vị trí thống trị của Windows. Chiến lược của Microsoft đã đặt hãng vào vị trí thống trị và kiểm soát thế giới PC như hiện nay.
Và Windows đã thay đổi thế giới theo cách ôn hòa
Microsoft và Windows đã đem lại sự thay đổi lớn lao cho thế giới công nghệ nhưng bằng cách ôn hòa hơn nhiều nếu so với Apple. Ai sẽ là người thành công hơn thì chưa rõ nhưng cái cách mà Microsoft "xưng vương" dễ chịu hơn hẳn đối thủ. Thông qua Windows, Microsoft "dụ dỗ" thế giới sử dụng HĐH của mình đồng thời "nhả" thị trường phần cứng cho các đối tác. Họ từ từ, nhẹ nhàng thay đổi, chỉnh sửa HĐH hướng người dùng và NSX đến chuẩn riêng. Bằng công nghệ có phần trội hơn cộng thêm sự giúp sức từ các đối tác lớn như Intel, Microsoft đã thành công trong việc "chiếm đóng" thị trường PC.
Hãy nhìn vào cách Apple làm: họ tạo ra một "hệ sinh thái táo", ép người dùng theo những chuẩn mà mình quy định bằng những quy định quá chặt chẽ, Apple tuyên bố với thế giới: "hãy đi theo cách của tôi". Người dùng có thể chấp nhận nhưng các đối tác và NSX khác thì không. Còn lâu mới có chuyện HP hay Dell sản xuất thiết bị chạy iOS.
Bạn nghĩ chẳng qua là do Apple không đồng ý cung cấp? Tất nhiên, cũng đúng thôi nhưng không phải là bản chất của vấn đề. Kể cả, Apple có bán Mac OS, các NSX cũng phải cân nhắc rất nhiều (mà nhiều khả năng là không) chạy theo nền tảng của đối thủ. Hãy nhìn sang thị trường smartphone, Symbian đang thoi thói và iOS thì đang phải "một mình chống mafia".
Vậy việc thị trường PC không phân mảnh và nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Microsoft ai sẽ được hưởng lợi? Những sự rạn nứt trong quan hệ và các ngã rẽ trong chiến lược sẽ ảnh hưởng ra sao đến tương lai của PC trong thời gian tới? Hãy đón đọc trong các bài viết sau.
(Còn tiếp)
Theo PLXH
Apple App Store thống trị thị trường đến 2014 Thị trường ứng dụng di động sẽ đạt doanh thu kỷ lục trong những năm tới, với những đại diện "ưu tú" như Apple App Store, Google Android Market hay BlackBerry App World. Trong năm 2010, ứng dụng di động đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD. Thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 2,1 tỉ...