WikiLeaks: Ba đời tổng thống Pháp bị Mỹ nghe lén
WikiLeaks đã công bố các báo cáo tình báo mật và các tài liệu kỹ thuật cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ ( NSA) đã ngầm theo dõi hoạt động của các tổng thống Pháp như Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng cựu Tổng thống Jacques Chirac – Ảnh: Reuters
Trong bộ hồ sơ mang tên “Tình báo Elysee” mà WikiLeaks công bố bao gồm các báo cáo tình báo mật của NSA và các tài liệu về các cuộc nói chuyện giữa các quan chức cấp cao của Pháp trong 10 năm qua, theo France24 ngày 24.6.
Những thông tin này được báo Liberation (Pháp) và trang mạng Mediapart đăng tải đầu tiên, nói rằng NSA đã bắt đầu do thám các tổng thống Pháp ít nhất là từ năm 2006 đến tháng 5.2012, thời điểm ông Hollande lên thay tổng thống Sarkozy, theo Reuters.
Những tài liệu này tiết lộ việc NSA do thám tổng thống Hollande và 2 cựu tổng thống Chirac (nhiệm kỳ 1995-2007) và Sarkozy (2007-2012). Văn phòng các bộ trưởng và đại sứ Pháp tại Mỹ cũng bị nghe lén, theo Reuters.
WikiLeaks cho hay, NSA đã theo dõi việc Pháp giải quyết các vấn đề về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và các vấn đề của lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).
Những báo cáo trước đó tiết lộ rằng NSA đã từng ghi âm các cuộc điện thoại cá nhân của thủ tướng Đức Angela Merkel. Vụ việc đã gây ầm ĩ tại Đức và mở ra một cuộc điều tra chính thức về phạm vi hợp tác giữa cơ quan tình báo Đức với Mỹ.
Video đang HOT
WikiLeaks nói rằng trong khi vụ phơi bày các thông tin về Đức chỉ tập trung vào việc các quan chức Đức bị cơ quan tình báo Mỹ theo dõi, thì những công bố mới nhất này đã đưa ra cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động gián điệp của Mỹ đối với các nước đồng minh của mình.
Hơn nữa, các báo cáo còn chỉ ra cách mà Mỹ theo dõi các cuộc gọi về các vấn đề chính trị, kinh tế và tình báo ngoại giao của các lãnh đạo và bộ trưởng Pháp.
Năm 2013, Pháp và Đức từng thúc đẩy đưa ra một bộ quy tắc ứng xử về hoạt động gián điệp sau những báo cáo của WikiLeaks có từ những năm 1970 tiết lộ các quan chức ngoại giao Mỹ thời bấy giờ đã theo dõi chặt chẽ 2 ông Jacques Chirac và Francois Mitterrand, những người sau này trở thành tổng thống Pháp.
Hiện văn phòng tồng thống Pháp chưa đưa ra bình luận gì về những công bố của WikiLeaks, nhưng cho hay tổng thống Hollande đang chuẩn bị cuộc họp với ủy ban quốc phòng để bàn về vấn đề này. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Pháp từ chối bình luận về công bố này.
Ned Price, người phát ngôn NSA nói rằng cơ quan này sẽ không bình luận gì về các cáo buộc về hoạt động tình báo đặc biệt, theo The Guardian.
WikiLeaks cho biết sẽ cung cấp thêm nhiều tiết lộ quan trọng trong tương lai gần. Hồi tuần trước, WikiLeaks đã công bố hơn 60.000 bức điện tín, tài liệu của chính quyền Ả Rập Xê Út và tuyên bố sẽ tiếp tục đưa thêm nửa triệu tài liệu nữa trong vài tuần tới.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Sarkozy và Hollande tái tranh cử tổng thống Pháp, dân không hài lòng
Với việc hai ứng cử viên Tổng thống Pháp là Nicolas Sarkozy và Francois Hollande bắt đầu khẳng định sức mạnh của mình trong nội bộ đảng, chiến dịch bầu cử năm 2017 sẽ lại giống như năm 2012.
Điều đáng nói là, 3/4 người Pháp không muốn Tổng thống đương nhiệm hay người tiền nhiệm tiếp tục tranh cử nữa, theo một khảo sát được đăng trên báo. Điều này có thể khiến số phiếu bầu cho đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của Pháp tăng lên, trong khi số người tham gia bỏ phiếu sẽ giảm xuống và tỉ lệ tín nhiệm cũng sẽ bị yếu đi cho dù ai là người thắng cử.
Tổng thống Pháp Francois Hollande chào đón người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy.
Là một nhân vật gây tranh cãi, sau khi thất bại trước Tổng thống Hollande, ông Sarkozy đã trở lại lãnh đạo đảng UMP vào cuối năm ngoái với hi vọng sẽ đánh bại đối thủ chính trong đảng là cựu thủ tướng Pháp Alain Juppe. Ông này sẽ 71 tuổi vào thời điểm cuộc tranh cử bắt đầu.
Ông Sarkozy chính thức khẳng định rằng mình sẽ quay trở lại chính trường trong một hội thảo cuối tuần qua với nhiều người hô vang tên ông sau khi ông nhận được 80% phiếu thuận cho kế hoạch đổi tên đảng thành "Đảng Cộng hòa".
Trong khi đó, vài ngày trước, ông Hollande, vốn bị coi là Tổng thống Pháp ít được ưa thích nhất trong lịch sử và ngay cả trong đảng Xã hội ông cũng gặp phải nhiều sự cạnh tranh, bất ngờ được các thành viên trong đảng ủng hộ các chính sách của ông theo kết quả bỏ phiếu trước khi họp đảng vào ngày 5 - 7/6 sắp tới.
Ngay cả những người gay gắt nhất trong đảng của ông cũng thừa nhận rằng những ý kiến phản đối chính sách ngày càng ôn hòa của ông đã dần cạn kiệt, cộng với việc những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Pháp trì trệ bắt đầu tăng trưởng trở lại đã xuất hiện.
"Đã đến lúc phải tiến về phía trước. Những người ủng hộ đã cho thấy rằng họ không ủng hộ những người ăn không ngồi rồi", bà Karine Berger, một nghị sĩ thuộc đảng Xã hội cho biết.
Bà và những người khác trong đảng đều khẳng định rằng hiện nay việc chọn ra người sẽ tranh cử chính trong đàng cho năm 2017 không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó họ sẽ để ông Hollande có quyền quyết định tham gia tranh cử.
Dù vậy, nhiều sự kiện khác nhau vẫn có thể xảy ra trong hai năm tới. Ông Sarkozy còn phải đối mặt với những người dân theo chủ nghĩa ôn hòa, những người này ủng hộ ông Alain Juppe. "Nicolas Sarkozy có đảng của mình, còn tôi có ý kiến của công chúng", ông Juppe trả lời trước các hãng truyền thông Pháp.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh của ông Sarkozy cũng phụ thuộc vào kết quả của những cuộc điều tra nhằm vào ông và những người thân cận trước đây. Ông phủ nhận bất kỷ hành vi sai trái nào và thề sẽ chống lại những hoạt động "có động cơ chính trị" nhằm gây ảnh hưởng xấu tới ông.
Nếu cả Hollande và Sarkozy không thể thuyết phục người dân của mình, điều đó có thể nâng cao cơ hội cho những người khác trong đảng hay là những đảng cực đoan của Pháp.
Một người trong số đó có thể được lợi từ những cử tri đã chán với việc thiếu những gương mặt mới, đó là lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen.
Bà Le Pen đã nhận được số phiếu bàu đáng kinh ngạc là 18% trong vòng bầu cử đầu tiên trong năm 2012 và dự kiến theo một khảo sát ý kiến, bà sẽ lọt vào vòng hai trong kỳ tranh cử sắp tới, mặc dù khả năng chiến thắng của bà rất ít.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự...
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo Infonet
Mỹ sẽ tiếp tục chương trình theo dõi điện thoại? Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn chương trình theo dõi hồ sơ, điện thoại của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và sẽ gửi dự luật cho Tổng thống Obama ký, Bloomberg cho biết hôm 3.6. Chương trình theo dõi điện thoại của NSA nhiều khả năng được tiếp tục nhưng sẽ có một số sửa đổi...