WHO: Vaccine có thể giảm hiệu quả với Omicron
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vaccine Covid-19 có thể ít hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của siêu biến chủng Omicron.
Học sinh tiêm vaccine Covid-19 tại Trung Quốc (Ảnh: AFP).
Báo cáo về Covid-19 hàng tuần do WHO công bố hôm nay 15/12 đã dẫn dữ liệu từ các bằng chứng sơ bộ cho thấy, các loại vaccine Covid-19 hiện tại có thể giảm hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm với biến chủng Omicron.
WHO cho biết sẽ cần thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn về mức độ Omicron có thể né tránh khả năng miễn dịch mà một người có được nhờ tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh trước đó.
“Do vậy, nguy cơ tổng thể liên quan đến biến chủng Omicron đáng lo ngại vẫn ở mức rất cao”, báo cáo nêu rõ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay cũng cảnh báo biến chủng Omicron có thể sẽ trở thành biến chủng “thống trị” ở châu Âu vào giữa tháng 1 năm sau. Bà Von der Leyen cho biết cứ sau 2-3 ngày, số ca nhiễm biến chủng Omicron lại tăng gấp đôi.
Theo chuyên gia Abdi Mahamud của WHO, các mô hình dự báo cho thấy một số quốc gia ở châu Âu, những nước đã vật lộn với làn sóng đại dịch thứ 5, có thể chứng kiến Omicron trở thành biến chủng “thống trị” trong vòng vài ngày tới.
Theo bà Von der Leyen, làn sóng Covid-19 hiện tại ở châu Âu vẫn đang được thúc đẩy bởi biến chủng Delta, nhưng điều quan trọng là phải đẩy mạnh thêm việc tiêm chủng vaccine cũng như mũi tăng cường để đối phó biến chủng mới.
Video đang HOT
Bà Von der Leyen cũng lưu ý rằng châu Âu hiện có thể sản xuất 300 triệu liều vaccine mỗi tháng. Các nước châu Âu cũng đang triển khai nhiều biện pháp để đối phó với làn sóng Omicron.
“Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng sự hoài nghi về tiêm chủng được khắc phục vì cái giá mà chúng ta phải trả nếu mọi người không được tiêm chủng tiếp tục tăng lên”, bà Von der Leyen nhấn mạnh.
Ngoài châu Âu, hàng loạt nước châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron mới. Phần lớn các ca nhiễm mới ở châu Á là những người trở về từ châu Phi và có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi nhập cảnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/12 cho biết kể từ khi bắt đầu xuất hiện ở nam châu Phi vào tháng trước, biến chủng Omicron cho đến nay đã được ghi nhận ở 77 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng “Omicron có thể đã xuất hiện ở hầu hết quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện”.
“Omicron đang lây lan với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ biến chủng nào trước đây”, ông Tedros cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh không nên coi Omicron là biến chủng “nhẹ”.
WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”. Biến chủng này gây lo ngại do chứa tới 32 đột biến trên protein gai – cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus.
Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cảnh báo viễn cảnh thế giới có thể đối mặt với “sóng thần” Covid-19 vì sự lây lan của 2 biến chủng đáng lo ngại là Delta và Omicron. Bà Van Kerkhove cho rằng, chỉ tiêm chủng là không đủ để có thể kiểm soát được 2 biến chủng dễ lây lan này.
Vì sao người Nam Phi vẫn "bình tĩnh sống" trước siêu biến chủng Omicron?
Khi nhiều nước lo lắng chạy đua chống Omicron như tái áp dụng các quy định chống dịch và hạn chế đi lại, cuộc sống ở Nam Phi, nơi được coi là tâm dịch biến chủng mới Omicron, vẫn diễn ra bình thường.
Một phụ nữ được tiêm phòng Covid-19 tại Cape Town, Nam Phi (Ảnh: AFP).
Trong đợt dịch lần ba, vào tháng 3/2020, Nam Phi áp dụng một trong những lệnh cấm cửa nghiêm ngặt nhất trên thế giới với các biện pháp chống dịch ở cấp độ 5. Lệnh phong tỏa này kéo dài 35 ngày nhằm ngăn chặn lây nhiễm, giảm tải cho hệ thống y tế.
Tuy nhiên, giờ đây, mặc dù được cho khu "Khu vực số 0" của siêu biến chủng Omicron có khả năng lây lan hơn nhiều so với chủng Delta, các biện pháp hạn chế chặt chẽ đã trở thành dĩ vãng. Hiện Nam Phi chỉ đang thực hiện các biện pháp chống dịch ở mức 1 (cấp thấp nhất) và có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ sớm thay đổi.
Câu hỏi lớn được đặt ra là: Nam Phi đang liều lĩnh hay họ là một ví dụ điển hình về cách sống trong tương lai sau đại dịch?
Nam Phi đang ghi nhận số ca mắc tăng nhanh trong những ngày gần đây. Vào ngày 27/11, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày ở Nam Phi là 3.220. Đến ngày 8/12, con số này đã tăng lên gần 20.000 ca, con số kỷ lục kể từ khi phát hiện biến chủng Omicron. Đó là ở một quốc gia đã có hơn 90.000 người chết vì Covid-19 và chỉ 25% dân số đã được tiêm đầy đủ. Con số này quá thấp so với phần lớn thế giới, nhưng lại khá cao đối với châu Phi, nơi có tỷ lệ tiêm chủng chỉ là 8%.
Tuy nhiên, bất chấp những con số nghiệt ngã đó, cuộc sống của hầu hết người dân Nam Phi vẫn diễn ra bình thường và chính phủ cũng khuyến khích như vậy.
"Có vẻ như biến chủng mới này dễ lây lan hơn, nhưng số người nhập viện không tăng ở mức báo động, và chính vì lý do đó mà tôi nói rằng chúng ta không nên hoảng sợ", Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết vào ngày 4/12.
Đã quá quen với dịch bệnh?
Những ngày này, trung tâm mua sắm Access Park ở Kenilworth, thành phố Cape Town vẫn đông đúc khi dòng người đi mua sắm Giáng sinh. Tình trạng tắc đường đã trở lại như mức trước đại dịch, bất chấp làn sóng thứ 4 đang bùng lên do chủng Omicron.
Tuy nhiên, tất cả đều đeo khẩu trang, bằng chứng cho thấy biến chủng mới vẫn không hoàn toàn thoát khỏi tâm trí của mọi người.
Ba tuần trước, với con số nhiễm mới hàng ngày ở mức thấp nhất trên toàn quốc là 262 (ngày 14/11), không có gì lạ khi thấy mọi người ra đường không đeo khẩu trang, mặc dù việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là bắt buộc.
Sharon Kockott, 56 tuổi, một người bán hàng rong cho biết: "Tôi không còn sợ hãi như khi bị phong tỏa vào năm ngoái. Tôi đã được tiêm đầy đủ và không nghĩ biến chủng mới này nguy hiểm như một số người vẫn nghĩ", bà nói trước khi tiếp tục đẩy xe chở hàng của mình đi.
Thái độ như vậy của người dân có thể được giải thích một phần là do mức độ miễn dịch tương đối cao của quốc gia này. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Nam Phi, 59% người trưởng thành ở thành thị trong độ tuổi từ 35- 59 có kháng thể với virus sau khi đợt dịch lần hai kết thúc vào tháng 3 (đợt dịch lần ba kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10).
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên ở một quốc gia còn nhiều bất bình đẳng về kinh tế, nơi có khoảng 1/5 dân số sống trong các khu ổ chuột. Việc giãn cách xã hội gần như là không thể, và các chuyên gia cho biết không thể ghi nhận chính xác con số ca nhiễm. Lulama Nobokwana, 46 tuổi, đến từ thị trấn Philippi trên Cape Flats, cho biết: "Tôi ở chung một ngôi nhà gỗ chật hẹp với ba người".
Dường như người Nam Phi giữ bình tĩnh và tiếp tục cuộc sống bình thường vì quá quen với dịch bệnh.
Hầu hết người dân Nam Phi đều quá hiểu về mối đe dọa chết người do Covid-19 gây ra, nhưng vấn đề chỉ là ở một quốc gia cũng phải đối mặt với mức độ lây nhiễm HIV cao, nghèo đói và tội phạm bạo lực, những rủi ro do đại dịch khác, thì Omicron xem ra cũng không phải quá đáng sợ.
Sau sự xuất hiện của Omicron, nhiều nước trên thế giới đã gấp rút thực hiện lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Nam Phi, cùng với một số quốc gia láng giềng khác.
Hầu hết người dân Nam Phi đều nhận thức được rằng, cùng với lệnh cấm du lịch, đất nước của họ đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích vì cho rằng đã không hành động đủ nhanh để ngăn chặn biến chủng mới. Nhưng các nhà dịch tễ học nói rằng những lời chỉ trích "không có giá trị".
"Nam Phi, do có kinh nghiệm trong cuộc chiến chống HIV và lao nên có hệ thống giám sát rất tiên tiến để theo dõi các biến chủng. Điều này đã giúp chúng tôi xác định biến chủng Omicron nhanh chóng nhưng rồi lại phải hứng chịu sự chỉ trích của phần còn lại của thế giới", tiến sĩ Jo Barnes, một nhà dịch tễ học tại Khoa Y tế và Khoa học Sức khỏe Đại học Stellenbosch, cho biết.
Kịch bản tốt nhất và xấu nhất khi thế giới đối mặt siêu biến chủng Omicron Chuyên gia vạch ra các kịch bản đối lập nhau gồm lý tưởng nhất và tồi tệ nhất khi biến chủng nhiều đột biến chưa từng có Omicron xuất hiện và lây lan trên thế giới. Thế giới đã trải qua 2 năm "quay cuồng" vì Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters). Theo The Atlantic, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nhiều...