WHO ủng hộ “Cấm ép buộc người khác sử dụng rượu bia”
Đây là một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được WHO đánh giá cao.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tác hại “nhãn tiền” của rượu bia là các vụ tai nạn giao thông, là ảnh hưởng tới văn minh xã hội, gây ra bạo lực gia đình và những vụ bạo lực khác sau khi sử dụng rượu bia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
“Rượu bia khiến con người không kiểm soát được lời nói, hành động của mình. Có những hành vi xâm hại nghiêm trọng, như xâm hại trẻ em xảy ra thời gian vừa qua. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh không lây nhiễm. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số các ca tử vong”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Sau 7 năm năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượi, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vẫn bảo vệ lợi ích người dân lên trên hết.
Video đang HOT
Luật phòng chống tác hại của rượu bia tại Việt Nam lần đầu tiên ra đời nhưng đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao vì có những quy định mạnh mẽ.
Trưởng Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park khẳng định, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1/1/2020 tại Việt Nam sẽ là một dấu mốc quan trọng trong việc kiểm soát một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
“Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của luật là bảo vệ người dân, đặc biệt là giới trẻ khỏi những tác động của rượu bia. Luật sẽ cấm việc khuyến khích, ép buộc người khác sử dụng rượu bia, bán rượu bia và sử dụng rượu bia như sản phẩm khuyến mại cho người dưới 18 tuổi, cấm sử dụng rượu bia khi điều khiển các phương tiện giao thông”, ông Park cho biết.
Trưởng Văn phòng Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park phát biểu tại hội nghị.
Ngoài hỗ trợ về chuyên môn WHO tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm kêu gọi ủng hộ luật này.
Theo WHO, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại – tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%./.
Theo VOV
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Gánh nặng do lạm dụng rượu bia là rất lớn
Ngày 16/10, tại Hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại rượu bia vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là Luật khó khăn mà Bộ Y tế đã mất 7 năm xây dựng, bảo vệ mới thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy, để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Lạm dụng rượu bia gây nên nhiều gánh nặng về bệnh tật và các vấn đề xã hội.
Theo Bộ trưởng Tiến, phòng chống được tác hại rượu bia, hạn chế người dân sử dụng rượu bia sẽ giảm bớt được nhiều gánh nặng gia đình, xã hội, hạn chế được bệnh không lây nhiễm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ thêm, trong công việc mới mà bà sắp đảm nhiệm, cũng có nhiều liên quan đến công tác bảo vệ sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, xây dựng thành công Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã khó nhưng để đưa được nó vào cuộc sống, thực thi nghiêm các quy định của Luật còn khó hơn: "Đây là Luật liên quan đến hành vi, thói quen của người dân, đặc biệt, rượu bia là sản phẩm gây nghiện, nên việc điều chỉnh thay đổi hành vi là rất khó".
Theo bà Trang, để Luật đi vào cuộc sống, đầu tiên phải ban hành đầy đủ, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành luật để quy định một cách hoàn chỉnh, giúp việc tổ chức triển khai luật được thông suốt, không vướng mắc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật, không chỉ đến người dân mà đến tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, các quy định về địa điểm bán rượu bia, thời gian bán rượu bia, các quy định địa điểm không uống, các quy định về quảng cáo, khuyến mại... phải được tổ chức thực thi tốt, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Về quy định quản lý rượu thủ công, phải có sự phân công, phân nhiệm trách nhiệm chính không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của UBND các cấp, đặc biệt là UBND xã, phường.
Theo Danviet
Bệnh viện Chợ Rẫy có Giám đốc mới Ngày 11/10, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã tổ chức buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và quyết định bổ nhiệm Giám đốc BV. Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM bổ nhiệm giám đốc mới Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công bố quyết định bổ nhiệm Thầy thuốc ưu tú - BSCKII...