WHO thông báo phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Trong một phát biểu trước báo giới, bà Trương Văn Thanh – người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO nhắc lại trường hợp một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa. Đây là ca cúm A/H5N1 thứ 2 được phát hiện trên người tại Mỹ và là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm virus. Theo quan chức này, mối quan ngại hiện hữu là virus dường như đang đi tìm những vật chủ mới và tình trạng virus lan sang nhóm động vật có vú đồng nghĩa rằng chúng đang tiến gần hơn đến con người.
Bà nêu rõ: “Trường hợp bệnh nhân ở Texas là trường hợp đầu tiên con người bị lây cúm gia cầm từ một con bò. Việc lây truyền từ gia cầm sang bò, từ bò sang bò và từ bò sang gia cầm cũng đã được ghi nhận trong những đợt bùng phát hiện nay, điều này cho thấy rằng virus có thể đã tìm thấy những con đường lây truyền khác mà chúng ta đã biết trước đây.
Hiện tại, chúng tôi ghi nhận nhiều đàn bò bị ảnh hưởng ở ngày càng nhiều bang của Mỹ, điều này cho thấy một bước tiến xa hơn về sự lây lan của virus sang động vật có vú. Virus này cũng đã được phát hiện trong sữa của động vật bị mắc bệnh”.
Video đang HOT
Theo bà Trương Văn Thanh, các chuyên gia đã phát hiện “nồng độ virus rất cao trong sữa nguyên liệu” và đang điều tra chính xác thời gian virus có thể tồn tại trong sữa.
Mặc dù vậy, cơ quan y tế bang Texas khẳng định tình hình cúm AH5N1 ở gia súc hiện không gây rủi ro cho nguồn cung cấp sữa thương mại, do các nhà sản xuất sữa được yêu cầu tiêu hủy sữa từ những con bò bị bệnh. Ngoài ra, quá trình thanh trùng cũng giúp tiêu diệt virus.
Bà Trương Văn Thanh khuyến cáo: “Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hành an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã tiệt trùng”.
Cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996 và kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở chim đã tăng theo cấp số nhân, trong khi số lượng động vật có vú bị ảnh hưởng cũng ngày càng gia tăng.
Cúm gia cầm đã dẫn tới cái chết của hàng chục triệu gia cầm và chim hoang dã, trong khi các động vật có vú sống trên cạn và ở biển cũng bị mắc bệnh. Bò và dê đã lọt vào danh sách này vào tháng trước. Giới chuyên gia đánh giá đây là một diễn biến đáng ngạc nhiên, do hai loài vật trên không nhạy cảm với loại cúm này.
Từ năm 2003 đến ngày 1/4 vừa qua, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong tổng số 889 trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người tại 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong do căn bệnh này lên 52%. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy A/H5N1 lây lan từ người sang người. Theo WHO, sẽ có gần 20 loại vaccine ngừa cúm A/H5N1 được cấp phép sử dụng nếu xảy ra đại dịch và những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cụ thể đang lưu hành.
Campuchia ghi nhận cúm gia cầm H5N1 lan rộng
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 23/2, bà Youk Sambath, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia xác nhận đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế đã phát hiện thêm 12 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Prey Veng.
Trong đó, 4 trường hợp đã bắt đầu biểu hiện triệu chứng.
Thông tin trên được công bố sau khi Campuchia hôm 22/2 thông báo một bé gái 11 tuổi đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại làng Roleang, xã Romlech, huyện Sithor Kandal, thuộc tỉnh trên. Đây cũng là ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 đầu tiên được ghi nhận ở Campuchia, theo thông báo của Bộ Y tế nước này, công bố ngày 23/2.
Theo bà Youk Sambath, đội ứng phó khẩn cấp Bộ Y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân để phân tích tại một phòng thí nghiệm ở thủ đô Phnom Penh và kết quả sẽ được công bố vào ngày 24/2. Đội ứng phó khẩn cấp sẽ tiếp tục rà soát những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tại các trường học trong ngày 24/2.
Trong bối cảnh phát hiện những trường hợp nhiễm cúm H5N1, Quốc vụ khanh Youk Sambath kêu gọi người dân làng Roleang tăng cường cảnh giác, giữ gìn sức khỏe và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trước đó, tối 22/2, Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ trên cho biết nước này ghi nhận trường hợp bé gái 11 tuổi tử vong do cúm gia cầm H5N1. Bé gái bắt đầu khởi phát triệu chứng sốt 39 độ C, ho và đau họng từ hôm 16/2. Do tình hình sức khỏe không cải thiện sau khi được điều trị tại địa phương, bé gái đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi quốc gia tại thủ đô Phnom Penh và sau đó tử vong.
Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm kêu gọi tất cả người dân không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết, dù là gia cầm nuôi hay hoang dã. Nếu người dân nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh cần lập tức đi khám để được tư vấn điều trị.
H5N1 là một chủng của virus cúm A, có thể gây bệnh cho người và nhiều loài động vật khác. Đây là tác nhân gây bệnh ở nhiều quần thể gia cầm, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Lo ngại nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm gia tăng đối với con người Trong bối cảnh một loại cúm gia cầm nguy hại tiếp tục đe dọa các loài sinh vật trên khắp thế giới, các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ tình trạng lây nhiễm giữa các loài động vật khác, bao gồm nhiều loài động vật có vú có quan hệ gần gũi hơn với con người. Theo phóng viên TTXVN tại...