WHO: Thế giới vẫn ghi nhận 10.000 ca tử vong mỗi tháng do COVID-19
Rủi ro sức khỏe cộng đồng do COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu do virus cùng các biến thể gây bệnh vẫn lưu hành ở tất cả các quốc gia.
Trên đây là cảnh báo của bà Maria van Kerkhove, Giám đốc tạm quyền của WHO phụ trách công tác chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu ngày 12/1 trong một cuộc họp báo đặc biệt ở Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia cấp cao của WHO này cho biết theo ước tính dựa trên phân tích nước thải, số ca mắc COVID-19 thực tế hiện nay cao hơn từ 2 đến 19 lần so với số trường hợp được báo cáo. Bà Maria van Kerkhove cũng cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng hậu COVID (còn gọi là “long-COVID”) ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Video đang HOT
Mặc dù số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hiện mỗi tháng vẫn có khoảng 10.000 ca tử vong do căn bệnh này tại 50 quốc gia trên thế giới. Bà Maria van Kerkhove bày tỏ lo ngại về sự tiến hóa của virus, với biến thể JN.1 của COVID-19 chiếm khoảng 57% số mẫu phân tích của WHO.
Theo Giám đốc Maria van Kerkhove, được xác định theo các tiêu chí cụ thể, gồm các triệu chứng như mệt mỏi nghiêm trọng, suy phổi, các vấn đề về thần kinh và suy tim kéo dài từ 4 đến 12 tháng hoặc lâu hơn sau giai đoạn cấp tính của bệnh, tình trạng hậu COVID là một vấn đề đáng lo ngại. Các ước tính cho thấy rằng cứ 10 ca nhiễm COVID-19 thì có 1 ca có thể dẫn đến tình trạng hậu COVID , bao gồm cả những ca nặng. Bà cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị chứng hậu COVID vì đây là vấn đề quá mới.
Chuyên gia y tế cấp cao WHO cũng cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm cúm ở Bắc bán cầu, với tỷ lệ dương tính với cúm ở mức khoảng 20 – 21% vào tuần thứ 51 của năm 2023. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng đồng thời cả cúm và COVID-19 để giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bà kêu gọi tiêm chủng nhắc lại nhiều hơn do tỷ lệ này ở mức thấp trên toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 12/2023, các số liệu của WHO ghi nhận trên 7 triệu người đã tử vong COVID-19.
CDC Mỹ cảnh báo nguy cơ virus Marburg lây lan từ châu Phi
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa đưa ra cảnh báo đối với đội ngũ y bác sĩ cũng như các cơ quan y tế nước này đề phòng nguy cơ lây nhiễm virus Marburg - loại virus hiếm gặp, nguy hiểm như virus Ebola.
Hình ảnh hiển vi điện tử quét màu của các hạt virus Marburg (màu xanh lam) dính vào bề mặt của các tế bào VERO E6 bị nhiễm bệnh (màu vàng). Ảnh minh họa: Getty Images
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cảnh báo trên được CDC đưa ra sau khi dịch virus Marburg bùng phát ở Guinea Xích đạo và Tanzania. Tính tới ngày 7/4, tại Mỹ cũng chưa ghi nhận ca nhiễm virus Marburg nào và không nước nào khác trên thế giới báo cáo có dịch Marburg, nhưng CDC cho hay vẫn phát cảnh báo nhằm "cung cấp thông tin về những vụ bùng phát dịch này để nâng cao nhận thức về nguy cơ dịch bệnh lây lan tới Mỹ".
Hôm 21/3, Bộ Y tế Tanzania thông báo 8 ngư dân nước này đã nhiễm virus Marburg, trong đó 4 người đã tử vong. Còn ở Guinea Xích đạo, từ ngày 7/2 tới nay đã có 14 ca nhiễm virus Marburg được xác nhận và 10 người trong số đó đã tử vong. Theo CDC, hiện không có bằng chứng 2 ổ dịch ở Tanzania và Guinea Xích đạo có liên hệ với nhau và dường như đó là 2 ổ dịch riêng lẻ do virus lây từ động vật sang người. Hiện CDC đã gửi nhân viên tới 2 nước châu Phi này trợ giúp chống dịch.
Bệnh virus Marburg (MVD) là bệnh hiếm gặp, do virus Marburg gây ra. Virus này được ví như "anh em họ" của virus Ebola. Virus Marburg có thể lây từ động vật sang người, hoặc từ người sang người do dính máu hoặc chất dịch khác bị nhiễm virus, hoặc chạm phải đồ vật dính những chất dịch đó. Thời gian ủ bệnh MVD tính từ lúc phơi nhiễm đến lúc khởi phát triệu chứng kéo dài từ 2 đến 21 ngày.
Theo CDC, khi nào xuất hiện triệu chứng thì bệnh nhân mới có thể lây cho người khác. Các triệu chứng mắc MVD bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ và khớp, ăn không ngon miệng, các triệu chứng liên hệ tới đường ruột, hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân. MVD có thể gây biến chứng nghiêm trọng như chảy máu trong hoặc tổn thương nội tạng.
CDC lưu ý rất khó chẩn đoán MVD, nhiều dấu hiệu hoặc triệu chứng MVD tương tự như những bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét hay sốt thương hàn, hoặc những bệnh sốt xuất huyết do siêu vi có thể phổ biến ở địa phương như sốt Lassa hay Ebola. Điều này đặc biệt đúng nếu chỉ xuất hiện một ca duy nhất. Hiện không có phác đồ điều trị MVD cụ thể, mà các bác sĩ chủ yếu tập trung vào các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân như cân bằng điện giải, duy trì mức oxy và huyết áp.
Theo đánh giá của CDC, nguy cơ MVD lây lan tới Mỹ hiện vẫn thấp, nhưng khuyến cáo bác sĩ làm xét nghiệm cho những ai có triệu chứng hoặc có thể đã tiếp xúc với loại virus nguy hiểm này ở nơi có dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những đợt bùng phát dịch MVD trước đây có tỷ lệ tử vong từ 24-88%, trung bình là 50%.
Tại sao biến thể Covid-19 "Kraken" lại gây lo ngại? Một biến thể Covid-19 mới lần đầu tiên phát hiện vào năm ngoái tại Mỹ và nhanh chóng lây lan trở thành chủng thống trị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nó đã được một số người đặt tên là "biến thể Kraken", đã lan rộng khắp nước Mỹ và hiện đã xác định được ở ít nhất 28 quốc gia...