WHO tăng cường nỗ lực ứng phó với dịch tả bùng phát ở châu Phi
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc bệnh tả ở châu Phi đang gia tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là tại Somalia và Nigeria.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh tả tại bệnh viện ở Masisi, CHDC Congo. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Theo thông báo ngày 19/4 của WHO, tổ chức này đang tăng cường nỗ lực ứng phó nhằm khống chế sự lây lan dịch tả ở Somalia. Báo cáo mới nhất cho thấy kể từ tháng 1 đến nay, Somalia đã ghi nhận 4.032 trường hợp nghi mắc tả, trong đó có 15 trường hợp tử vong tại 26 khu vực của nước này. Đáng lo ngại, đợt bùng phát dịch tả hiện nay diễn ra đồng thời với các dịch bệnh khác, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và hạn hán ngày một gia tăng. Tất cả những điều này làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo ở Somalia khiến nhiều người phải sơ tán.
Theo WHO, dịch tả liên tục lây lan tại 26 khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán ở Somalia từ năm 2022 và khu vực Banadir kể từ đợt hạn hán năm 2017.
Trong khi đó, cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria cho biết dịch tả tiếp tục lan rộng tại 43 khu vực thuộc 12 bang của nước này từ tháng 1/2023, với 1.336 người mắc bệnh, trong đó có 79 người tử vong.
Ở Nigeria, bệnh tả là bệnh lưu hành theo mùa, xảy ra hằng năm, chủ yếu vào mùa mưa và thường ở những khu vực có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
WHO cảnh báo dịch tả ở các nước châu Phi trầm trọng hơn do bão Freddy
Ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hậu quả của cơn bão nhiệt đới Freddy đang đặt ra những rủi ro lớn đối với sức khỏe người dân ở các nước miền Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão này, trong bối cảnh dịch tả đang bùng phát tồi tệ khắp châu Phi.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại một cơ sở y tế ở Lilongwe, Malawi. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn phòng WHO tại châu Phi, trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Cộng hòa Congo, cho biết kể từ khi đổ bộ Madagascar, Mozambique và Malawi, bão Freddy đã làm tăng rủi ro sức khỏe cộng đồng trong thời điểm dịch tả đang bùng phát ở Malawi và Mozambique.
Theo văn phòng WHO, số trường hợp mắc bệnh tả đã tăng hơn gấp đôi ở Mozambique trong tuần qua, từ 1.023 ca lên 2.374 ca tính đến ngày 20/3. Trong khi đó, Malawi đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Số ca mắc mới ở nước này đã giảm từ 1.956 ca vào tuần trước xuống 1.424 ca vào ngày 20/3. Tuy nhiên, tình trạng lũ lụt lan rộng có nguy cơ đảo ngược kết quả chống dịch bệnh này.
Tháng 2 vừa qua, Văn phòng WHO tại châu Phi cảnh báo nếu xu hướng dịch bệnh tiếp tục tăng nhanh như hiện nay, số ca mắc bệnh tả trong năm nay có thể vượt số ca mắc ghi nhận năm 2021 - năm bệnh tả hoành hành tồi tệ nhất ở châu Phi trong gần một thập kỷ, với 141.467 ca nhiễm và 4.094 ca tử vong.
Văn phòng khu vực của WHO cho biết dịch tả đang ảnh hưởng đến 14 quốc gia châu Phi. Dịch bệnh này cũng đang trở nên trầm trọng hơn do khí hậu khắc nghiệt và xung đột quân sự làm tăng tính dễ bị tổn thương, khi người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa và điều kiện sống bấp bênh. Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết: "Với sự gia tăng các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe liên quan đến khí hậu ở châu Phi, rõ ràng là cần phải hành động nhiều hơn nữa để tăng cường sự sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ khí hậu, giúp các cộng đồng có thể đối phó tốt hơn với tác động của các thảm họa thiên nhiên tàn khốc".
1.280 người tử vong trong đợt bùng phát dịch tả mới nhất tại châu Phi Ngày 17/3, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết trong đợt dịch tả đang bùng phát tại một số quốc gia thuộc châu lục này, giới chức y tế đã ghi nhận tổng cộng 53.660 ca mắc bệnh kể từ tháng 2 vừa qua đến nay, trong đó 1.282 ca tử vong. Ba Lan ghi nhận đợt bùng phát...