WHO nói ca nCoV mới toàn cầu giảm là ‘tín hiệu mừng’
WHO nhận định ca nhiễm mới nCoV toàn cầu giảm ba tuần liên tiếp là tín hiệu có thể kiểm soát các biến chủng, song cảnh báo mọi người dân vẫn cần cảnh giác.
“Số ca nhiễm mới nCoV được báo cáo toàn cầu đã giảm ba tuần liên tiếp. Vẫn còn một số quốc gia ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, song ở cấp độ toàn cầu, đây là một tín hiệu đáng mừng”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 1/2.
Các biến chủng nCoV, đặc biệt là biến chủng được ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tăng khả năng lây nhiễm và giảm hiệu quả của các loại vaccine. Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng việc ca nhiễm mới toàn cầu đang giảm cho thấy nCoV có thể được kiểm soát, “ngay cả với các biến chủng mới đang lan truyền”.
Lãnh đạo WHO cũng cảnh báo các chính phủ và người dân vẫn phải cảnh giác ngay cả khi ca nhiễm mới giảm. “Trong năm qua, từng có những thời điểm ca nhiễm giảm ở hầu hết các quốc gia, song chính phủ đã mở cửa quá sớm và người dân cũng nhanh chóng mất cảnh giác, khiến Covid-19 bùng phát trở lại”, Tedros nói.
Tedros kêu gọi các chính phủ hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích mọi người tuân theo những biện pháp ngăn Covid-19, như thực hiện các bước giúp cách ly dễ dàng hơn hoặc khiến nơi làm việc an toàn hơn.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Geneva hôm 18/1. Ảnh: Reuters
WHO và đại diện của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) cùng ngày cũng phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng mang tên Act Together (Cùng nhau Hành động), để thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán khắp toàn cầu.
Đối với vấn đề vaccine, cố vấn cấp cao của lãnh đạo WHO Bruce Aylward cuối tuần qua cho biết 190 quốc gia tham gia Chương trình Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX) đang có cái nhìn đầu tiên về việc phân bổ vaccine của họ. COVAX được xây dựng để hỗ trợ phát triển vaccine và cung cấp khả năng tiếp cận công bằng cho mọi người.
Theo cơ chế của COVAX, các lô vaccine AstraZeneca sẽ được chuyển đến các quốc gia khoảng tháng 2 đến hết tháng 6. Số lượng vaccine này phụ thuộc vào quá trình sản xuất và các yếu tố khác về hướng dẫn phân phối như quy định, thỏa thuận với bên sản xuất và tỷ lệ dân số mà mỗi quốc gia dự định tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Pan American của WHO cho biết 36 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ đang tham gia COVAX dự kiến nhận được 35,3 triệu liều vaccine AstraZeneca trong giai đoạn đầu tiên.
Hầu hết các quốc gia ở châu Mỹ sẽ nhận vaccine từ COVAX bằng nguồn tài chính riêng, nhưng 10 quốc gia sẽ được nhận vaccine miễn phí do tình hình kinh tế hoặc quy mô dân số của họ.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, thế giới đã ghi nhận hơn 100 triệu người nhiễm và hơn 2,2 triệu người chết do nCoV. Ca nhiễm mới được nhận định giảm ở Tây Ban Nha, Anh, Mexico và Ấn Độ, song đang gia tăng ở Pháp, Brazil, Indonesia và Italy.
Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington dự đoán thế giới sẽ ghi nhận thêm hơn một triệu ca tử vong do nCoV vào đầu tháng 5. Một số loại vaccine vẫn có khả năng chống lại biến thể nCoV, song hiệu quả giảm hẳn, khiến các công ty phải gấp rút nghiên cứu các mũi tiêm bổ sung có thể.
Nhóm điều tra WHO tới phòng thí nghiệm Vũ Hán
Nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu tới Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi Mỹ từng cáo buộc làm rò rỉ virus gây đại dịch Covid-19.
Đoàn xe chở các thanh tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng nay đi qua bộ phận an ninh vào Viện Virus học Vũ Hán, một trong những điểm dừng được chú ý nhiều nhất trong nhiệm vụ của nhóm để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Những chiếc xe đầu tiên dừng lại để đại diện nhóm điều tra trả lời câu hỏi của báo chí.
"Chúng tôi mong đợi một ngày làm việc hiệu quả và đặt ra tất cả những câu hỏi mà chúng tôi biết là cần phải được hỏi", Peter Daszak, thành viên nhóm điều tra WHO, cho biết.
Phóng viên vây quanh đoàn xe chở nhóm chuyên gia WHO dừng trước Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm nay. Video: AFP .
Nhóm của WHO sẽ thăm phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia tại Viện Virus học Vũ Hán và trao đổi ý kiến với các chuyên gia của viện về công việc hàng ngày, hợp tác khoa học quốc tế, nỗ lực và đóng góp chống dịch, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN trước đó đưa tin.
Các nhà khoa học cho rằng Covid-19, xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán và đã giết chết hơn 2,2 triệu người trên toàn thế giới, có nguồn gốc từ dơi và có thể được truyền sang người qua một loài động vật trung gian khác. Tuy nhiên, giới khoa học hiện vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
Ngay từ đầu đã có suy đoán virus có thể đã vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, dù không có bằng chứng nào chứng minh giả thuyết đó. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc Trung Quốc cố tình làm rò rỉ virus, trong khi Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận.
Trung Quốc đang cố viết lại câu chuyện rằng Vũ Hán không phải nơi đại dịch khởi phát, cho rằng Covid-19 đã bùng phát ở nhiều khu vực trên thế giới. Một số nhà ngoại giao và truyền thông Trung Quốc ủng hộ giả thuyết virus có thể có nguồn gốc từ một nước khác.
Cuộc điều tra do WHO dẫn đầu tại Vũ Hán đã bị cản trở bởi sự chậm trễ, lo ngại về việc tiếp cận và tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ. Việc Trung Quốc trì hoãn chuyến thăm của nhóm cũng dẫn đến những lời chỉ trích công khai hiếm hoi từ người đứng đầu WHO đối với Bắc Kinh.
Daszak hôm 2/2 cho biết nhiệm vụ đang tiến hành "rất tốt", vì nhóm đã được đưa vào một trung tâm kiểm soát dịch bệnh động vật. Nhóm cũng tham quan một triển lãm tuyên truyền sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch ở Vũ Hán và tới chợ hải sản Hoa Nam, một trong những cụm lây nhiễm được báo cáo đầu tiên hơn một năm trước.
Cơ chế COVAX sẽ cung cấp hơn 35 triệu vaccine cho Mỹ Latinh và Caribe Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) sẽ bàn giao 35,3 triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) cho 36 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe từ giữa tháng 2 tới cuối tháng 6 tới. Trụ sở Công ty dược phẩm và chế phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca ở Macclesfield, Cheshire (Anh) ngày 21/7/2020....