WHO: Một nửa dân châu Âu sẽ mắc Omicron trong 2 tháng nữa
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge, cảnh báo nếu tỉ lệ lây nhiễm như hiện tại tiếp diễn, khoảng 50% dân số tại châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong vòng 6-8 tuần nữa.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge – Ảnh chụp màn hình
Khu vực châu Âu theo phân cấp của WHO bao gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á.
Theo giám đốc WHO châu Âu, 50/53 nước và vùng lãnh thổ đã xác nhận có trường hợp mắc biến thể Omicron trong “làn sóng lây nhiễm” đang càn quét từ tây sang đông tại châu Âu.
26 nước/vùng lãnh thổ trong số trên có số ca COVID-19 mới chiếm hơn 1% dân số tính đến ngày 10-1. Khu vực châu Âu cũng là điểm nóng dịch với tuần đầu tiên của năm 2022 ghi nhận hơn 7 triệu ca mắc mới.
Video đang HOT
“Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME) dự báo với tốc độ hiện tại, hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 6 đến 8 tuần tới”, ông Kluge cảnh báo trong cuộc họp báo ngày 11-1.
Nhiều bằng chứng cho thấy Omicron có khả năng lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nghiêm trọng như các biến thể khác. Điều này dẫn tới các quan điểm cho rằng COVID-19 sắp trở thành một bệnh đặc hữu như cúm mùa.
Hôm 10-1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tiếp tục nêu quan điểm này và cho rằng nên thay đổi phương pháp theo dõi sự tiến hóa của COVID-19.
Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, nên áp dụng một phương pháp tương tự như cách theo dõi dịch cúm vì khả năng gây chết người của COVID-19 đã giảm.
Tuy nhiên bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu, đã phản đối điều này và cho rằng COVID-19 vẫn chưa tới mức được xem như bệnh đặc hữu.
Theo bà Smallwood, mức độ lây nhiễm ổn định và có thể dự đoán được là điều kiện cần thiết để COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên với sự xuất hiện của Omicron, mức độ lây nhiễm của dịch trở nên bất ổn và khó đoán định.
“Vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn và virus vẫn đang biến đổi nhanh chóng, đặt ra những thách thức mới”, bà Smallwood nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngày 11-1 và kêu gọi các nước không vội xem COVID-19 như cúm mùa.
WHO nhấn mạnh không thể coi Omicron là biến thể nhẹ
Sẽ là sai lầm nếu xem Omicron là biến thể nhẹ khi trên thực tế biến thể này đang làm gia tăng số ca nhập viện, tử vong trên toàn cầu, đe dọa đến hệ thống y tế trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/1.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Người đứng đầu WHO nêu rõ: "Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt ở những người đã được tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa biến thể này nên được phân loại là nhẹ".
Ông nhấn mạnh đến con số kỷ lục người nhiễm biến thể này cũng như việc Omicron trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước, thay thế biến thể Delta. Ông cho rằng diễn biến này đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân COVID-19. Ông Tedros ví sự lây lan của biến thể Omicron như "sóng thần" vừa nhanh và mạnh, có thể "nhấn chìm" hệ thống y tế trên thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, trong tuần qua số ca mắc mới trên toàn cầu đã tăng 71% so với tuần trước đó và đây là mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định đây chưa phải con số thực tế do còn nhiều xét nghiệm tồn đọng sau dịp lễ Giáng sinh và Năm mới, hay các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải.
Trong những phát biểu đầu tiên của Năm mới 2022, ông Tedros kêu gọi thế giới chia sẻ vaccine công bằng hơn trong năm 2022 để chấm dứt "cái chết và sự hủy diệt" do COVID-19.
Người đứng đầu WHO từng đặt mục tiêu từng quốc gia có 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021 và 40% vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, 92 trong số 194 quốc gia thành viên WHO đã bỏ lỡ mục tiêu, thậm chí 36 quốc gia trong số đó không đạt mục tiêu 10% đầu tiên với lý do phần lớn là không thể tiếp cận vaccine. Ông mong muốn 70% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng vào giữa năm nay, song với tốc độ triển khai hiện nay, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu.
Ông khẳng định sự bất bình đẳng vaccine là yếu tố khiến nhiều người tử vong và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho rằng "rất khó xảy ra" khả năng Omicron là biến thể sau cùng đáng lo ngại trước khi đại dịch kết thúc. Bà kêu gọi mọi người tăng cường các biện pháp bảo vệ bản thân.
Đánh giá về diễn biến dịch bệnh trong năm nay, ông Bruce Aylward, người đứng đầu WHO về tiếp cận công cụ chống COVID-19, cho rằng thế giới không nên để đại dịch kéo dài qua năm sau. Trong khi đó, ông Michael Ryan, Giám đốc xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh nếu không đảm bảo phân phối vaccine công bằng, tình hình dịch bệnh đến cuối năm 2022 sẽ không thay đổi và đó thực sự sẽ là bi kịch lớn.
WHO: Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu giảm mạnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/1 cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tăng sốc tới 71% trong tuần vừa qua so với tuần trước đó, nhưng số ca tử vong mới do dịch bệnh này giảm 10%. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Siliguri, Ấn Độ....