WHO lo ngại dịch bệnh chết chóc gấp 20 lần Covid-19
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cho rằng một hiệp ước về đại dịch sẽ giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh trong tương lai.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus. Ảnh REUTERS
Đài Fox News ngày 21.1 dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus kêu gọi các nước ký kết hiệp ước về đại dịch, giúp thế giới có thể chuẩn bị tốt hơn trong việc đối phó “bệnh X” có thể gây chết chóc gấp 20 lần so với Covid-19.
Ông hy vọng các nước đạt thỏa thuận trước tháng 5 để đối phó “kẻ thù chung” này. Bệnh X có thể sẽ xuất hiện do một loại virus giả định và các nhà khoa học dự báo nó có thể nguy hiểm hơn 20 lần so với Covid-19.
WHO lo ngại dịch bệnh chết chóc gấp 20 lần Covid-19
“Dịch bệnh” chưa từng xuất hiện này được WHO thêm vào danh sách các mầm bệnh để nghiên cứu vào năm 2017 và có thể gây ra “dịch bệnh quốc tế nghiêm trọng”.
Ông Ghebreyesus cho rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho một đại dịch khác sau Covid-19. “Có những điều chưa biết có thể xảy ra và bất cứ điều gì xảy ra chỉ là vấn đề khi nào”, ông dự báo.
Theo ông, thế giới đã có nhiều người tử vong vì Covid-19 do từng không thể kiểm soát dịch bệnh. Theo trang Worldometer, thế giới đã ghi nhận hơn 702 triệu người mắc Covid-19 và 6,97 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
“Họ có thể đã được cứu, nhưng không còn chỗ trống. Không có đủ ô xy. Vậy làm thế nào bạn có thể có một hệ thống có thể mở rộng khi có nhu cầu?”, ông đặt vấn đề và cho rằng việc cùng nhau ứng phó nhờ một thỏa thuận chung sẽ giúp thế giới phản ứng tốt hơn.
Thỏa thuận như thế có thể tập trung tất cả những kinh nghiệm, thách thức đã đối diện và các giải pháp với nhau, vì lợi ích chung toàn cầu, ông phân tích.
Theo WHO, các hội đồng và chuyên gia độc lập đang nỗ lực tìm cách ứng phó tập thể và thời hạn để ký hiệp ước là tháng 5. Việc chuẩn bị có thể bao gồm hệ thống cảnh báo sớm, tổ chức chuỗi cung ứng và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển để thử nghiệm thuốc.
Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng cần phải được xem xét vì các nước giàu từng ứng phó không tốt trong đại dịch Covid-19, khi vất vả đối phó những vấn đề cơ bản như truy vết tiếp xúc.
“Tốt hơn hết là nên lường trước điều gì đó có thể xảy ra vì nó từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, và cần chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta không nên đối mặt với những điều không được chuẩn bị trước, chúng ta cũng có thể chuẩn bị cho một số điều chưa biết”, theo ông Ghebreyesus.
WHO quan ngại sự bùng phát trở lại của COVID-19
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/1 đưa ra cảnh báo về sự lây lan của dịch COVID-19 trong tháng vừa qua, khi số ca tử vong tăng chóng mặt.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh AP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, gần 10.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo trong tháng 12/2023, trong khi tỷ lệ nhập viện đã tăng 42% ở gần 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ.
"Mặc dù 10.000 ca tử vong mỗi tháng thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng mức tử vong vốn dĩ có thể phòng ngừa được này là không thể chấp nhận được", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định chắc chắn rằng các ca bệnh đang gia tăng ở những nơi khác dù chưa được báo cáo, đồng thời kêu gọi các chính phủ tiếp tục giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, tiêm vaccine.
Thêm nữa, ông Tedros cho biết, biến thể JN.1 hiện là biến thể nổi trội nhất thế giới. Đây là một biến thể omicron, vì vậy các loại vaccine hiện tại vẫn có tác dụng bảo vệ nhất định.
Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp trên toàn cầu do virus Corona cũng như cúm, virus rhovirus và viêm phổi.
"Chúng tôi dự đoán những xu hướng đó sẽ tiếp tục kéo dài từ tháng 1 đến những tháng mùa đông ở Bán cầu Bắc", đồng thời lưu ý rằng số ca mắc COVID-19 sẽ gia tăng ở Bán cầu Nam, nơi hiện đang là mùa hè.
Mặc dù những cơn ho, sổ mũi, sốt và mệt mỏi vào mùa đông không có gì mới, nhưng bà Van Kerkhove đặc biệt lưu ý trong năm nay, "chúng ta đang chứng kiến sự đồng lưu hành của nhiều loại mầm bệnh khác nhau".
Các quan chức của WHO khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng khi có thể, đeo khẩu trang và đảm bảo các khu vực trong nhà được thông gió tốt.
Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận cấp cứu của WHO cho biết: "Vaccine có thể không ngăn việc bị nhiễm bệnh, nhưng vaccine chắc chắn làm giảm đáng kể khả năng phải nhập viện hoặc tử vong"
Hạn hán làm gián đoạn cuộc sống của 1/4 dân số thế giới Vài năm gần đây, đời sống người dân trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh và bây giờ là hạn hán. Cánh đồng ngô khô cằn do hạn hán tại Spino d'Adda, Italy, ngày 11/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Những vườn ô liu ở Tunisia héo khô. Sông Amazon ở Brazil chứng kiến mùa khô hạn nhất trong một...