WHO lên tiếng sau khi ông Trump gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng sau khi căng thẳng Mỹ – Trung leo thang vì Tổng thống Trump gọi SARS-CoV-2 là “ virus Trung Quốc”.
Ngày 18/3, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan đã lên tiếng phản đối việc sử dụng từ ngữ “đụng chạm” đến những nhóm sắc tộc nhất định trong dịch Covid-19 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ cách sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” khi mô tả dịch bệnh Covid-19.
Người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan. Ảnh: AFP
“Một điều thực sự quan trọng là chúng ta cần cẩn trọng trong ngôn từ mà chúng ta sử dụng. Chúng ta cần hạn chế việc sử dụng những từ ngữ có thể liên hệ một số cá nhân với virus này. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều cần phải tránh”, ông Mike Ryan cho biết.
Giữa bối cảnh dịch Covid-19 khiến hơn 200.000 người trên toàn cầu nhiễm bệnh và gần 9.000 người tử vong, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục “ăn miếng trả miếng” trên lĩnh vực truyền thông khi liên tục công kích nhau.
“Tôi chắc chắn bất cứ ai đều sẽ cảm thấy hối tiếc khi mô tả virus này gắn với một dân tộc”, ông Ryan nhận định ngày 18/3, mặc dù không nhắc đến tên Tổng thống Trump.
Phát biểu với báo giới về tình hình dịch Covid-19, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông đang trong “cuộc chiến chống lại virus Trung Quốc”. Ngay sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã vấp phải chỉ trích khi một số ý kiến cho rằng việc sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” là kỳ thị.
“Không có sự phân biệt chủng tộc nào ở đây cả, hoàn toàn không. Nó (Dịch Covid-19-ND) đến từ Trung Quốc, đó là lý do tại sao”. ông Trump tuyên bố.
Tổng thống Trump cũng bác bỏ mọi chỉ trích về việc sử dụng từ ngữ trên của ông, đồng thời nói rằng những người Mỹ gốc Á “có lẽ sẽ đồng ý (với cụm từ này) 100%”.
Việc sử dụng ngôn từ như trên của Tổng thống Trump đi ngược với những chỉ dẫn của WHO về việc gọi tên một dịch bệnh, đó là cần tránh sử dụng các cụm từ có đặc điểm địa lý.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar khẳng định: “Chúng ta phải đảm bảo không có ai bị phân biệt đối xử trên vấn đề sắc tộc. Sắc tộc không hề tạo ra virus corona”.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden – người có thể trở thành đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng chỉ trích việc Tổng thống Trump sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc”.
Video đang HOT
Trước đó, Tổng thống chỉ gọi virus gây ra dịch Covid-19 là “coronavirus” hoặc đơn giản là “virus” nhưng việc thay đổi cách miêu tả bằng cụm từ “virus Trung Quốc” ngày 16/3 của ông Trump đã khiến Trung Quốc phẫn nộ giữa bối cảnh một số nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng chính quân đội Mỹ đã mang virus này tới Vũ Hán hồi tháng 10/2019.
Ngày 18/3, Tổng thống Trump cho rằng những nhận định như vậy là không thể chấp nhận được: “Điều đó không thể xảy ra. Việc này sẽ không xảy ra chừng nào tôi còn là Tổng thống”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang vào thời điểm các quan chức WHO đang kêu gọi sự đoàn kết trên toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP
Ấn Độ bị chỉ trích 'che giấu' ca nhiễm vì không mở rộng xét nghiệm
WHO thúc giục các nước xét nghiệm nhiều người hơn để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng Ấn Độ vẫn chưa mở rộng phạm vi, điều này có thể che giấu đi số ca nhiễm thật sự.
Chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ không mở rộng phạm vi xét nghiệm nCoV bất chấp chỉ trích rằng việc xét nghiệm hạn chế sẽ khiến nhiều ca nhiễm Covid-19 ở nước này không được phát hiện.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đang thúc giục các quốc gia xét nghiệm nhiều người nhất có thể để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng Ấn Độ mới chỉ xét nghiệm cho những người mới về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với những ca nhiễm và có triệu chứng sau khi cách ly 2 tuần. Vào 17/3 (giờ địa phương) nước này chỉ mở rộng xét nghiệm cho những nhân viên y tế đang có triệu chứng và phải chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV. Ấn Độ mới chỉ thực hiện khoảng 90 xét nghiệm mỗi ngày, mặc dù có khả năng xét nghiệm tới 8.000 người. Cho tới giờ, số ca được xét nghiệm là 11.500, theo AP.
Người Ấn Độ chờ đợi tại nhà ga, hầu hết đeo khẩu trang để ngừa lây lan dịch. Ảnh: AP.
'Khuyến cáo của WHO là quá sớm'
Quan chức cho biết hướng dẫn của WHO không áp dụng được ở Ấn Độ vì sự lây lan của dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn các nước khác. Balaram Bharghava - người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR), một cơ quan nghiên cứu y tế hàng đầu nước này, cho biết hướng dẫn của WHO là quá "vội vã" đối với Ấn Độ, vì chưa phát hiện sự lây lan trong cộng đồng. "Do đó điều này dẫn đến nhiều nỗi lo sợ, hoang tưởng và kích động hơn", ông nói.
Tuần trước, một công dân Anh đến bệnh viện công ở New Delhi để xét nghiệm nCoV. Họ nói rằng cô không đáp ứng điều kiện để được xét nghiệm ở Ấn Độ và bị từ chối. Người phụ nữ giấu tên nói với nhân viên bệnh viện rằng mình có thể đã có tiếp xúc với một người bị bệnh tại nơi làm việc thuộc ngành dịch vụ, nhưng cô không chắc chắn. Sau khi không được xét nghiệm lần 2, cô rời Ấn Độ để đến Pháp - nơi gia đình cô đang sống.
Ấn Độ biện minh hành động của mình là nhằm ngăn chặn người dân đòi được xét nghiệm bởi việc này sẽ khiến chính phủ không có tiền để chữa các bệnh khác như lao, suy dinh dưỡng và HIV/AIDS. ICMR cho hay, không cần thiết phải mở rộng phạm vi xét nghiệm. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết họ đang chuẩn bị cho việc lây nhiễm cộng đồng bằng cách xây dựng những cơ sở xét nghiệm. Hiện nước này có 52 trung tâm xét nghiệm nCoV.
Do điều kiện xét nghiệm khắt khe, nhiều người có nguy cơ phơi nhiễm với virus bị từ chối xét nghiệm, dấy lên nỗi lo rằng số ca nhiễm của Ấn Độ có thể cao hơn số liệu thực chính phủ đưa ra. Bharghava cho biết những ca nhiễm của Ấn Độ có nguồn gốc "nhập ngoại" từ vùng dịch. Xét nghiệm rộng rãi sẽ được xem xét ngay khi có lây nhiễm trong cộng đồng.
Số ca nhiễm nCoV ở Ấn Độ tăng lên 151 vào 18/3. Ba người đã tử vong vì nCoV, trong đó một người đàn ông 64 tuổi tử vong ở tỉnh Maharashtra hôm qua.
Ấn Độ không mở rộng xét nghiệm để tránh gây áp lực lên các bệnh viện. Ảnh AP.
Ấn Độ đóng cửa hầu hết trường học và các khu vui chơi giải trí, trong đó có rạp chiếu phim. Ấn Độ ngừng nhận khách du lịch và cấm những hành khách không phải người Ấn Độ trên những chuyến bay từ Liên minh châu Âu, Hiệp hội tự do thương mại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh Quốc kể từ 18/3.
Khách du lịch đến từ hoặc quá cảnh qua UAE, Qatar, Oman và Kuwait đều bị cách ly bắt buộc 14 ngày khi đến Ấn Độ. Những người đến từ Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đức đều thuộc diện cách ly nói trên, trong khi hầu hết biên giới với Bangladesh và Myanmar đều đóng cửa.
Mối lo lây lan không được phát hiện
Những mối lo về sự lây lan trong cộng đồng không được phát hiện đang gia tăng. Tiến sĩ Gagandeep Kang - Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ y tế cho biết: "Với diễn biến của dịch bệnh ở những nước khác và mức độ xét nghiệm thấp, tôi nghĩ rằng việc lây lan trong cộng đồng đang xảy ra".
WHO cho biết, tự cách ly khi có triệu chứng nhẹ là việc làm quan trọng. Việc xét nghiệm các ca nghi nhiễm, có tiếp xúc với những ca nhiễm hoặc nghi nhiễm cũng cần thiết. Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh tử WHO nói: "Chúng ta cần được trang bị để phản ứng với tình hình liên tục thay đổi với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sớm nhất nhằm giảm thiểu tối đa tác động. Chúng ta cần hành động ngay".
Hơn 400 triệu trong tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sống ở những thành phố đông đúc. Nhiều người không có nước sạch - đây là điều kiện tiên quyết khiến dịch bệnh lan nhanh hơn. Tiến sĩ Anant Bhan - một nhà nghiên cứu y tế toàn cầu ở Bhopal, Ấn Độ - cho biết: "Lây lan trong cộng đồng là rất có khả năng. Cách duy nhất để biết là xét nghiệm rộng rãi hơn".
Virus chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình như sốt và ho, nhưng bệnh này nguy hiểm hơn đối với người già và những người có tiền sử bệnh lý nền. Ấn Độ có tỷ lệ người già thấp hơn những nước có dịch khác, nhưng hệ thống y tế ở đây vẫn còn hạn chế và đang phải gồng mình với số lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh khác. Nhà nghiên cứu y tế Oommen Kurian chia sẻ: "Điều này cùng với mật độ dân số cao, có thể là thách thức lớn với chúng ta".
Người dân Ấn vẫn tham gia các hoạt động cộng đồng với khẩu trang. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ vẫn đang miễn cưỡng với việc mở rộng xét nghiệm vì không muốn gây hoảng loạn và khiến bệnh viện quá tải. Bên cạnh đó, chi phí cũng là vấn đề. Người dân được xét nghiệm miễn phí, nhưng chính phủ là người chi trả, với mức giá 5.000 rupees (67 USD) cho mỗi xét nghiệm. Trong bối cảnh hệ thống y tế thiếu thốn, số tiền dùng cho xét nghiệm nCoV khiến ngân sách cho những bệnh khác bị thu hẹp. Hàng năm, Ấn Độ chi khoảng 3,7% ngân sách cho y tế.
Covid-19 lây lan ở Ấn Độ vì các quan chức y tế phải vật lộn để duy trì cách ly trong bối cảnh nhiều người chạy trốn khỏi nơi này, phàn nàn về tình trạng vệ sinh.
Ở Maharashtra, 5 người - một trong số họ xét nghiệm âm tính, người khác chờ kết quả - đã tự ý trốn khỏi khu cách ly vào 14/3.
Cưỡng chế
Ấn Độ ban hành luật về dịch bệnh vào thế kỷ 19 giúp chính quyền áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh và trừng phạt những người trốn cách ly. Lav Agarwal, một quan chức Bộ Y tế, cho biết chính quyền không được người dân ủng hộ. Tương tự, ở nước láng giềng Sri Lanka, chính phủ yêu cầu 170 hành khách trốn kiểm tra ở sân bay sau khi quay về từ những nước có dịch phải trình diện với cảnh sát hoặc bị phạt tiền và có thể đi tù.
Aditya Bhatnagar - một du học sinh Ấn Độ ở Tây Ban Nha - miêu tả tình trạng mất vệ sinh ở khu cách ly nơi anh và 50 hành khách khác trên chuyến bay từ Barcelona đang ở kể từ khi hạ cánh xuống New Delhi vào 16/3. Bhatnagar cho biết 8 người một phòng, thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản như ga giường sạch và nhà tắm. Anh cho biết thêm cả nhóm đang đợi kết quả xét nghiệm virus và không được cung cấp khẩu trang cũng như nước rửa tay.
Ông Balaram Bharghava nói: "Tôi không nghĩ những biện pháp này là đủ để ngăn chặn dịch bệnh". Ông cho biết thêm một số hành khách lựa chọn khách sạn tư để cách ly thay vì khu cách ly, họ phải trả 4.000 rupees (55 USD) cho mỗi đêm trong ít nhất 14 ngày.
Huyền Anh (Theo Aljazeera)
Theo ione.net
WHO khuyến cáo tránh dùng thuốc kháng viêm ibuprofen nếu có triệu chứng COVID-19 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người có các triệu chứng của COVID-19 nên tránh dùng thuốc ibuprofen sau khi Bộ Y tế Pháp cảnh báo rằng những loại thuốc kháng viêm như thế này khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Thuốc kháng viêm ibuprofen được bày bán dưới nhãn hiệu Nurofen tại một hiệu thuốc ở Pháp . Ảnh Reuters...