WHO khuyến cáo cảnh giác khi nới giãn cách xã hội
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định các quốc gia cần “tuyệt đối cảnh giác” khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhằm ngăn ngừa làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/5, sau khi một số nước ghi nhận mức tăng nhẹ số ca dương tính.
Tại Đức, hàng nghìn người xuống đường biểu tình đòi dỡ bỏ hoàn toàn các quy định hạn chế còn lại. Trong khi đó, nhiều công nhân làm việc tại một lò mổ ở thị trấn Birkenfeld, phía tây nam nước Đức, đã nhập viện vì Covid-19.
Hôm 10/5, Trung Quốc cũng ghi nhận 14 ca nhiễm mới, mức tăng lớn nhất trong 10 ngày. Chính quyền đại lục đã phong tỏa thành phố Thư Lan, thuộc tỉnh Cát Lâm sau khi phát hiện một nguồn lây bí ẩn. Người phụ nữ 45 tuổi không đi du lịch nước ngoài hay có yếu tố dịch tễ, đột ngột mắc bệnh và truyền virus cho chồng, ba chị em gái và một thành viên khác trong gia đình.
Số bệnh nhân tại Hàn Quốc đã tăng đột biến sau khi xuất hiện cụm dịch mới tại các hộp đêm ở Seoul. Đây là lần đầu tiên sau hơn một tháng, nước này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 30.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO trong cuộc họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
“Chúng ta có niềm hy vọng, bởi một số quốc gia đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Tuy nhiên cần phải tuyệt đối cảnh giác. Nếu mầm bệnh còn lưu lại dù chỉ ở mức độ thấp mà không điều tra được các cụm dịch, nguy cơ bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể”, tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói.
Chính phủ các nước cũng đang đau đầu với câu hỏi làm thế nào để mở cửa trở lại nền kinh tế, trong khi vẫn phát hiện các ca dương tính nCoV. Ông Ryan hy vọng Đức và Hàn Quốc sẽ khống chế hiệu quả các cụm dịch, đồng thời ca ngợi công tác kiểm soát và sàng lọc của hai trước đó. Ông cho rằng đây là “chìa khóa” để ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định việc nới lỏng quy định giãn cách xã hội là vô cùng “khó khăn và phức tạp”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện điều này một cách ổn định và từ tốn.
“Cho đến khi có vaccine, các biện pháp hạn chế là công cụ hiệu quả nhất để đối phó với virus”, ông Tedros nói.
WHO nhấn mạnh mức độ kháng thể ở bệnh nhân trên thực tế thấp hơn so với các nghiên cứu trước đó. Điều này có nghĩa người dân các nước vẫn dễ nhiễm virus, dù dịch bệnh có chiều hướng suy yếu.
Mỹ ngăn thông qua lệnh ngừng bắn toàn cầu vì WHO
Mỹ ngăn cản Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu do có nội dung ủng hộ WHO.
Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề xuất hôm 23/3, kêu gọi chấm dứt chiến sự tại các khu vực xung đột trên toàn thế giới để chính phủ các nước tập trung giải quyết Covid-19.
Tuy nhiên, những nỗ lực để nghị quyết được thông qua của Hội đồng Bảo an đã bị cản trở bởi tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ phản đối nội dung kêu gọi ủng hộ hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thời gian đại dịch, còn Trung Quốc nhấn mạnh phải đề cập và ủng hộ WHO.
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 2. Ảnh: AFP.
Tối 7/5, các nhà ngoại giao Pháp đưa ra dự thảo nghị quyết, đề cập tới một "cơ quan y tế chuyên trách" của LHQ, đề cập gián tiếp tới WHO. Dự thảo này ban đầu được cho là nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, tới sáng 8/5, Mỹ đã "phá vỡ im lặng", phản đối cụm từ "cơ quan y tế chuyên trách" và ngăn cản các thủ tục để đưa ra hội nghị bỏ phiếu.
"Chúng tôi hiểu là vấn đề này đã đưa ra được thỏa thuận, nhưng có vẻ như họ (Mỹ) đã thay đổi quan điểm", một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ tại LHQ cho rằng nếu giải pháp ngừng bắn đề cập tới WHO, cần đưa vào nội dung chỉ trích cách Trung Quốc và WHO xử lý đại dịch.
"Chúng tôi cho rằng Hội đồng Bảo an nên đưa ra nghị quyết chỉ giới hạn ủng hộ lệnh ngừng bắn, hoặc nghị quyết mở rộng trong đó yêu cầu quốc gia thành viên cam kết minh bạch và giải trình trách nhiệm trong bối cảnh Covid-19. Minh bạch và dữ liệu đáng tin cậy là cần thiết để giúp thế giới chống lại đại dịch đang và sắp diễn ra", phát ngôn viên Mỹ nói.
Dù nghị quyết chỉ mang tính biểu tượng nhưng nó diễn ra ở thời điểm quan trọng. Từ khi Tổng thư ký Guterres kêu gọi lệnh ngừng bắn toàn cầu, các phe phái vũ trang ở hơn 10 nước đã ngừng bắn. Tuy nhiên, nếu những quốc gia quyền lực nhất thế giới không đồng thuận, sẽ làm lung lay những nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn của ông Guterres.
Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục thảo luận trong tuần tới để giải quyết bế tắc.
Trump hồi tháng 4 tuyên bố cắt ngân sách cho WHO với lý do tổ chức này đã thông đồng với Bắc Kinh, che giấu tính nghiêm trọng của Covid-19 ở Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại, dù WHO và Bắc Kinh đều phủ nhận.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, khiến hơn 4 triệu người nhiễm, hơn 276.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,3 triệu ca nhiễm và gần 79.000 ca tử vong.
Trump: 'WHO là con rối của Trung Quốc' Trump nói Mỹ sẽ sớm công bố kế hoạch tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới sau khi cáo buộc cơ quan này là "con rối của Trung Quốc". "Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một con rối của Trung Quốc", Tổng thống Mỹ Trump nói trong chương trình Fox & Friends hôm 8/5. "Chúng tôi trả nhiều tiền...