WHO, Indonesia ký MoU thành lập trung tâm đào tạo y tế đa phương
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập một trung tâm đào tạo đa phương và một đội y tế khẩn cấp (EMT) để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/1/2022. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trung tâm đào tạo sẽ được đặt tại Đại học Quốc phòng Cộng hòa Indonesia (RIDU). Với mục tiêu nâng cao năng lực của Indonesia và các nước châu Á khác trong việc ứng phó nhanh với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, trung tâm đào tạo đa phương sẽ cung cấp các gói đào tạo bổ trợ bao gồm nhiều lĩnh vực, như quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, quản lý y tế và hậu cần, cũng như thực hành các bài tập mô phỏng về tác động y tế, xã hội và kinh tế của các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/11, WHO cho biết đại dịch COVID-19 đã bộc lộ một số lỗ hổng trong năng lực quốc gia, đặc biệt là sự sẵn sàng của nhân sự về chuyên môn và khả năng tiếp cận tất cả các khu vực. Mỗi quốc gia được yêu cầu xây dựng năng lực để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp quốc gia bằng cách tận dụng năng lực của khu vực và tiểu khu vực để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bộ Y tế Indonesia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tiêu chuẩn EMT phù hợp với bối cảnh địa phương cũng như hỗ trợ trao đổi kiến thức với các quốc gia khác để tăng cường năng lực EMT trên toàn cầu.
MoU được ký kết giữa Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin của Indonesia cùng Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sáng kiến này được hỗ trợ bởi trụ sở chính của WHO, văn phòng khu vực của WHO tại Đông Nam Á và WHO Indonesia.
WHO kêu gọi các nước đẩy nhanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Các nước trên thế giới cần ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh hơn và rõ ràng hơn bởi những ứng phó hiện nay quá chậm và không nhất quán một cách nguy hiểm.
Quang cảnh lễ khai mạc COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 6/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge ngày 7/11 đã đưa ra lời kêu gọi trên tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Phát biểu tại COP27, ông Kluge nêu rõ: "Biến đổi khí hậu và những cuộc khủng hoảng mà nó gây ra từ lâu đã dẫn tới tình trạng khẩn cấp y tế. WHO và các nước đối tác đã lên tiếng báo động (về tình trạng này)". Ông Kluge kêu gọi những nước tham dự COP27 hành động nhanh chóng hơn và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Kluge, để tránh bị phơi nhiễm và tổn thương trước các đợt nắng nóng, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, các nước cần triển khai gấp các biện pháp thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe của người dân, của xã hội và của hành tinh này.
Ông Kluge nhấn mạnh các vụ cháy rừng thảm khốc ở châu Âu mùa Hè năm ngoái đã thải ra lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí và cướp đi mạng sống của nhiều người. Ông cảnh báo nhiệt độ nóng cực đoan đã gây ra tình trạng sốc nhiệt - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở châu Âu.
Dựa trên dữ liệu của từng nước, WHO ước tính số người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng lên tới 15.000 người vào năm 2022.
Năm ngoái, các hình thái thời tiết cực đoan gây tác động trên quy mô lớn như lũ lụt, bão tố trực tiếp ảnh hưởng tới hơn 500.000 người. Dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ông Kluge cho biết châu Âu là khu vực ấm lên tới tốc độ nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua.
Theo ông Kluge, WHO dự định sử dụng quyền "tập thể của các nước thành viên WTO để đưa vấn đề y tế vào bất kỳ kế hoạch nào ứng phó với biến đổi khí hậu". Ông Kluge nhấn mạnh, điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu không thể đảo ngược tại khu vực châu Âu nói riêng và trên cả Trái Đất nói chung.
WHO: Ít nhất 15.000 người tử vong do nắng nóng ở châu Âu năm 2022 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/11 cho biết từ đầu năm tới nay đã có ít nhất 15.000 người ở châu Âu tử vong vì thời tiết nắng nóng, trong đó Tây Ban Nha và Đức là hai trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoàng hôn chói chang trên bờ biển ở Calais, Pháp ngày...