WHO gửi 1 triệu liều vaccine ngừa bại liệt đến Gaza
Ngày 7/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo gửi hơn 1 triệu liều vaccine ngừa bại liệt đến Dải Gaza sau khi phát hiện virus gây bệnh trong nước thải tại đây.
Rác và nước thải ứ đọng tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza, ngày 24/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ WHO đang gửi lượng lớn vaccine nói trên tới Gaza và việc triển khai tiêm phòng sẽ được tiến hành trong những tuần tới. Dù chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện lâm sàng của bệnh bại liệt, song việc phát hiện virus bại liệt trong nước thải tại Gaza là dấu hiệu cho thấy loại virus này đã lưu hành trong cộng đồng, khiến trẻ em chưa được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh.
Ông Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng các nhân viên y tế cần được tự do di chuyển trong lãnh thổ Gaza để tiêm vaccine, đồng thời nêu rõ lệnh ngừng bắn hoặc ít nhất “một vài ngày yên bình” là cần thiết để bảo vệ trẻ em Gaza bằng các loại vaccine phòng bệnh.
Video đang HOT
Trong khi đó, thành viên nhóm y tế toàn cầu của WHO, bà Andrea King nhận định chiến dịch tiêm chủng sẽ là một thách thức lớn. Vaccine cũng như các nguồn cung cấp thiết bị bảo quản lạnh liên quan là những yếu tố cần được vận chuyển vào Gaza bên cạnh việc lập kế hoạch vi mô tại vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này. Bà Andrea bày tỏ hy vọng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ, các trang thiết bị cần thiết sẽ được chuyển đến kịp thời, đảm bảo lịch tiêm chủng diễn ra đúng kế hoạch vào cuối tháng này, với đợt đầu tiên bắt đầu từ ngày 17/8.
Cùng ngày, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết một chu trình dường như vô tận của hoạt động di dời do bạo lực đang khiến người dân Gaza khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ thiết yếu.
OCHA nhấn mạnh các cuộc giao tranh dai dẳng, các lệnh sơ tán buộc người dân phải di dời nhiều lần cùng hạn chế tiếp cận và các thách thức khác cản trở việc phát hiện sớm trẻ em và phụ nữ cần các dịch vụ về dinh dưỡng, đồng thời hạn chế khả năng của các tổ chức nhân đạo trong việc tăng quy mô hiện diện, hỗ trợ và dự trữ các nguồn “cứu sinh”.
OCHA cho biết thêm, từ ngày 22/7 đến ngày 4/8, 48 đối tác nhân đạo của văn phòng này hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ y tế tại Gaza đã tiếp cận và hỗ trợ cho hơn 250.000 người trên khắp dải đất ven Địa Trung Hải. Ngoài ra, còn có hơn 10 nhóm y tế khẩn cấp hỗ trợ các nhân viên y tế địa phương.
Cũng theo OCHA, các hành động thù địch và các vụ không kích liên tục vào Dải Gaza đã gây thương vong hàng loạt trong những tuần gần đây, làm tăng khó khăn đối với các tổ chức nhân đạo trong việc sơ – cấp cứu và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Điều kiện nước không đảm bảo, vệ sinh kém, cùng tình trạng quá tải cũng đang làm gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh.
Minh Tâm (TTXVN)
WHO cảnh báo 'nguy cơ cao' lây lan virus bại liệt ở Dải Gaza
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ virus gây bệnh bại liệt lây lan khắp Dải Gaza, thậm chí ra ngoài vùng lãnh thổ này, hiện ở mức cao do tình hình vệ sinh và y tế kém ở các khu vực bị xung đột tàn phá.
Người dân đi lấy nước sinh hoạt tại Gaza ngày 17/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu qua video với các phóng viên ở Geneva (Thụy Sĩ) từ Jerusalem, trưởng nhóm phụ trách các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tại WHO ở Gaza và Bờ Tây, ông Ayadil Saparbekov cho biết virus bại liệt tuýp 2 đã được phân lập từ các mẫu nước thải ở Gaza. Ông cảnh báo "nguy cơ cao" lây lan virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine lưu hành ở Gaza, do tình hình ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng tại đây. Cũng theo quan chức này, virus bại liệt cũng có nguy cơ "rất cao" lan rộng ra các nước trên thế giới.
Ông Saparbekov cho biết các nhân viên của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự kiến sẽ đến Gaza vào ngày 25/7 để thu thập mẫu chất thải của con người để đánh giá rủi ro, làm cơ sở để đưa ra các khuyến nghị.
Các quan chức y tế công cộng và các nhóm viện trợ cảnh báo, nếu không có các dịch vụ y tế phù hợp, người dân Gaza đặc biệt dễ bị tổn thương trước dịch bệnh bùng phát.
Virus gây bệnh bại liệt có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu qua đường phân-miệng. Ở một số trường hợp, virus có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và gây tê liệt. Bệnh bại liệt tấn công mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh bại liệt.
Quân đội Israel ngày 21/7 thông báo sẽ bắt đầu cung cấp vaccine phòng bệnh bại liệt cho các binh sĩ ở Dải Gaza. Thông báo cũng cho biết, với sự phối hợp của các nhóm cứu trợ quốc tế, nhiều loại vaccine đã được cung cấp cho hơn 1 triệu người trong số khoảng 2,3 triệu người dân ở vùng lãnh thổ này.
WHO tiến hành đợt sơ tán y tế lớn nhất tại Gaza Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/7 cho biết 85 bệnh nhân đã được sơ tán khỏi Dải Gaza đến Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) để tiếp tục có cơ hội được điều trị khẩn cấp. Em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel nhằm vào bệnh viện dã chiến trong trường học ở Deir al-Balah,...