WHO ghi nhận ngày tăng ca nCoV kỷ lục
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 24/7 ghi nhận 284.196 ca nhiễm nCoV mới trên toàn cầu trong 24 giờ, cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo con số kỷ lục trong báo cáo hàng ngày được đăng hôm nay. Ngày tăng ca nhiễm kỷ lục do WHO ghi nhận trước đó là 18/7 với 259.848 ca.
Thêm 9.753 người chết vì Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất được báo cáo kể từ ngày 30/4. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong tháng 7 là 5.000, so với mức 4.600 trường hợp/ngày hồi tháng trước.
5 quốc gia có đà tăng số ca tử vong cao nhất là Peru, Brazil, Mỹ, Mexico và Ấn Độ với lần lượt 3.876, 1.284, 1.074, 790 và 740 người chết được ghi nhận trong 24 giờ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Kolkata, Ấn Độ, hôm 23/7. Ảnh: AFP.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 148.000 người chết. California là bang báo cáo nhiều ca nhiễm nhất với hơn 435.000 ca và liên tục ghi nhận ngày tăng ca tử vong kỷ lục. Một nửa số ca tử vong ở California là tại hạt Los Angeles.
Nhiều bang dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường đã được áp dụng tại hàng loạt địa phương. Thị trưởng thủ đô Washington Muriel E. Bowser ngày 22/7 ra lệnh người từ hai tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi rời nhà và nhiều khả năng tiếp xúc với người khác.
Số người nhiễm nCoV tại Brazil tăng gấp đôi trong chưa đầy một tháng và vượt con số hai triệu hôm 16/7. Nước này báo cáo gần 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm ở Brazil có thể cao hơn nhiều do xét nghiệm hạn chế.
Ấn Độ hôm 17/7 trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có hơn một triệu ca nhiễm, chỉ xếp sau Mỹ và Brazil. Nhiều nhà khoa học cảnh báo nước này còn cách đỉnh dịch đến vài tháng.
Video đang HOT
213 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận gần 16 triệu ca nhiễm và hơn 641.000 ca tử vong do nCoV, trong khi gần 9,7 triệu người đã bình phục.
Internet toàn cầu chia rẽ vì chính trị
Internet toàn cầu đang chia rẽ vì các động thái chính trị và lệnh cấm TikTok của Ấn Độ càng làm gia tăng ngăn cách giữa các nước.
Mạng Internet đang chia rẽ, khiến những người như Anusmita Dutta phải hứng chịu.
Dutta, 24 tuổi, tham gia TikTok cách đây ba năm và đã có hơn 350.000 người theo dõi. Cô quay những video hài hước từ nhà riêng tại Kolkata, miền đông Ấn Độ, với những nội dung mà ai cũng thấy đồng cảm. Cô cũng có thể tìm kiếm hàng loạt video từ khắp nơi nhờ tính năng Discovery của ứng dụng này.
TikTok khiến cô cảm thấy được kết nối với cả thế giới. Việc Ấn Độ ra lệnh cấm TikTok cùng hàng loạt ứng dụng Trung Quốc đã gây thất vọng với Dutta và không ít người dân nước này. "Nhiều nhân tài xuất hiện qua ứng dụng này tại Ấn Độ. Sự biến mất đột ngột của nó rõ ràng là gây chán nản", Dutta nói.
TikTok được coi là dịch vụ Internet đầu tiên của Trung Quốc có cộng đồng người hâm mộ toàn cầu, nhưng nó đang nhanh chóng trở thành nạn nhân ngoài ý muốn do quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và nhiều nước. Điều này là một trong những dấu hiệu cho thấy thế giới kỹ thuật số, vốn được coi là không gian thống nhất vượt mọi ranh giới cũ, đang dần phân chia theo những đường biên giới quốc gia như ngoài đời.
TikTok được tải hơn 610 triệu lần và hiện có 200 triệu người dùng thường xuyên ở Ấn Độ.
Căng thẳng Ấn - Trung đã leo thang kể từ vụ ẩu đả ở vùng biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6. Chính quyền Ấn Độ hồi đầu tuần ra lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, cho rằng chúng đang bí mật chuyển dữ liệu người dùng tới những máy chủ ngoài Ấn Độ.
Quyết định này đã đánh vào nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu. Tuy nhiên, không ai chịu ảnh hưởng nặng hơn TikTok và công ty mẹ ByteDance, khi họ đã xây dựng được cộng đồng người dùng khổng lồ ở Ấn Độ, một phần trong chiến dịch mở rộng toàn cầu.
TikTok đã được tải hơn 610 triệu lượt ở Ấn Độ, so với khoảng 165 triệu ở Mỹ.
Trung Quốc lập "Tường lửa vĩ đại" trên mạng Internet từ nhiều năm trước. Việc chặn những người khổng lồ như Google và Facebook cho phép các công ty Trung Quốc có thể phát triển và chiếm lĩnh thị trường đông dân nhất thế giới, trong khi chính quyền có thể kiểm soát nhiều nội dung trên mạng.
Nhiều công ty đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài, ngay cả khi căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang ngày càng leo thang. Nhiều tập đoàn ngành sản xuất thiết bị và AI đang hứng chịu hậu quả, không chỉ riêng TikTok và ByteDance.
Nhiều chính phủ cũng đang muốn giành lại quyền kiểm soát thương mại và chia sẻ nội dung trên Internet. Liên minh châu Âu đã áp đặt quan điểm cứng rắn khi giám sát những tập đoàn lớn của Mỹ như Apple và Google, buộc họ tuân theo luật pháp địa phương.
Dev Khare, lãnh đạo ở công ty đầu tư Lightspeed India, thừa nhận lệnh cấm ứng dụng Trung Quốc là bước đi mang tính "dân túy" nhằm vỗ về dân chúng, nhưng không phải động thái ngoài dự đoán. "Đó là điều Trung Quốc từng làm trong quá khứ. Nếu đó là điều họ đã làm với phần còn lại của thế giới, chúng ta cũng có quyền làm vậy với họ", Khare nói.
Nikhil Gandhi, giám đốc TikTok Ấn Độ, cho biết đại diện công ty đã được mời gặp các quan chức chính phủ, đồng thời khẳng định TikTok không chia sẻ dữ liệu người dùng Ấn Độ với chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào.
Dù vậy, Trung Quốc đã quen với sử dụng thị trường tiêu dùng làm vũ khí trong những cuộc đối đầu địa chính trị.
Sau khi một lãnh đạo Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) đăng dòng tweet ủng hộ biểu tình ở Hong Kong năm ngoái, truyền hình quốc gia Trung Quốc đã hủy các buổi tường thuật bóng rổ Mỹ. Nước này cũng ngừng nhập khẩu dầu cải từ Canada sau vụ bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vào năm 2018.
Ấn Độ mua nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng lệnh cấm ứng dụng di động do Trung Quốc phát triển cho thấy chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nhằm vào lĩnh vực đặc biệt quan trọng với Trung Quốc. Các công ty Internet Trung Quốc đang dần cạn người dùng mới trong nước, họ coi Ấn Độ là mảnh đất đầy tiềm năng, có thể áp dụng nhiều bài học từ quá trình phát triển nội địa.
Ngược lại, người dân Ấn Độ cũng đam mê nhiều ứng dụng của Trung Quốc, đặc biệt là TikTok.
Một thanh niên Ấn Độ dùng TikTok trước lệnh cấm.
Ankush Bahuguna, một cư dân ở New Delhi, cho rằng nhiều nền tảng mạng xã hội khác có thể thu hút cộng đồng người dùng TikTok khi ứng dụng này bị cấm, nhưng chúng sẽ mất nhiều thời gian để đạt thành công như TikTok.
"TikTok là một trong những nền tảng chấp thuận nhiều nhóm người khác nhau. Tôi chưa từng thấy mạng xã hội nào ủng hộ nam nghệ sĩ múa bụng hoặc các cặp đôi đồng tính như vậy. TikTok dễ sử dụng, cho phép người dùng thu hút chú ý ngay cả khi họ không biết tiếng Anh hay sở hữu máy quay đắt tiền", Bahuguna nói.
Một trong những người như vậy là Saddam Khan, 22 tuổi, nhân viên bốc vác ở ga tàu New Delhi và đang sở hữu hơn 41.000 người theo dõi trên TikTok. Anh đang gánh hai valy trên đầu vào thời điểm nghe tin Ấn Độ cấm ứng dụng này. "Tôi chỉ muốn vứt đống đồ và khóc", Khan nói.
Lượng lớn người theo dõi trên TikTok chưa giúp Khan đổi đời, nhưng anh vẫn buồn rầu khi tham vọng nổi tiếng của mình đã vuột khỏi tầm tay. "TikTok tạo ra hiệu ứng gợn sóng. Những cậu bé từ các ngôi làng nhỏ trở thành ngôi sao chỉ qua một đêm. Nó thay đổi cuộc sống và giúp nâng cao địa vị xã hội của họ", Khan nói thêm.
Giới chức Ấn Độ từ lâu đã ngờ vực ứng dụng này. TikTok bị xóa khỏi các trang ứng dụng của Ấn Độ hồi năm ngoái, sau khi một tòa án kết luận nó phát tán nội dung người lớn, quyết định này sau đó được rút lại. Nhiều chính trị gia cũng chỉ trích TikTok là nền tảng lưu trữ nội dung kích động thù hằn.
Lãnh đạo các công ty công nghệ Ấn Độ hoan nghênh quyết định của chính phủ, trong đó có Naveen Tewari, người sáng lập và giám đốc điều hành InMobi, công ty vận hành hai nền tảng kỹ thuật số gồm Glance và Roposo.
Nhiều người sáng tạo nội dung đã xem lại nền tảng hoạt động trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung lên cao và bắt đầu chuyển sang dùng Roposo. Công ty này đang sẵn sàng chiếm lợi thế khi TikTok bị cấm. "Điều đầu tiên chúng tôi làm sẽ là trấn an hàng triệu người dùng TikTok rằng họ sẽ có nền tảng nội địa. Họ hoàn toàn có thể chuyển sang đó và tiếp tục làm nội dung giải trí, có thể là với nhiều trách nhiệm hơn chút ít", Tewari nói.
Tuy nhiên, một số tổ chức giám sát cho rằng chính quyền Modi thường dùng những chính sách rộng khắp vì mục đích chính trị.
"Đây là hành động có ảnh hưởng chưa từng thấy với người Ấn Độ. Mọi chính sách dựa trên lý do an ninh quốc gia cần xây dựng theo những quy chuẩn chặt chẽ, điều mà chúng ta không thấy ở đây", Apar Gupta, giám đốc điều hành Quỹ Tự do Internet tại Ấn Độ, cho hay.
Siêu bão Amphan cướp đi sinh mạng của ít nhất 106 người ở Ấn Độ và Bangladesh Ngày 22/5, giới chức Ấn Độ cho biết siêu bão Amphan đổ bộ vào bang Tây Bengal, miền Đông nước này và Bangladesh đã làm ít nhất 106 người thiệt mạng và thiệt hại tài sản nghiêm trọng. Ô tô bị phá hủy trong bão Amphan tại Kolkata, Ấn Độ, ngày 21/5/2020. Ảnh: ANI/TTXVN Thủ hiến bang Tây Bengal, Mamata Banerjee cho biết...