WHO: Đừng dùng thuốc chưa được chứng minh
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các cá nhân, chính phủ không điều trị Covid-19 bằng phương pháp chưa được khoa học chứng minh hiệu quả.
Khuyến cáo được Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 27/3, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên toàn thế giới, các chính phủ và công ty đang nỗ lực tìm phương cách để trị bệnh.
“Trong lịch sử y dược, đã có rất nhiều các loại thuốc hiệu quả trên nghiên cứu, hay trong phòng thí nghiệm, song thực tế lại có hại, hoặc không hiệu quả với con người”, ông Tedros nói.
“Ví dụ dịch bệnh gần đây nhất là Ebola, một số thuốc được cho là hiệu quả, nhưng thực tế không hữu dụng như những thuốc khác khi được so sánh trong thử nghiệm lâm sàng”, ông nói. “Chúng ta phải theo sau bằng chứng. Không thể đi đường tắt”.
Tedros không nêu tên bất kỳ cá nhân cụ thể nào. Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng bị chỉ trích vì tuyên bố chloroquine, một loại thuốc trị sốt rét “có thể được dùng điều trị Covid-19″ vào tuần trước. Trump bảo vệ mục đích sử dụng loại thuốc này bất chấp khuyến cáo của WHO.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại buổi họp ở Geneva. Ảnh: WHO
Trả lời cho câu hỏi liệu ông có tiếp tục khuyến khích sư dụng chloroquine trong điều trị Covid-19 không, Trump nói: “Hiện tại, Mỹ đã có trường hợp tử vong”.
Video đang HOT
Trước đó trong cuộc họp báo hôm 19/3, Trump tuyên bố: “Thông thường, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mất một khoảng thời gian dài để phê duyệt thuốc, và hiện chloroquine đã được FDA phê duyệt rất, rất, rất nhanh chóng, thuốc hiện đã được phê duyệt trong điều trị Covid-19 dưới dạng kê theo toa”.
“Nếu chúng tôi dự định thử nghiệm thuốc tại phòng thí nghiệm trong một thời gian dài, thì ngay bây giờ, chúng tôi có thể thử nghiệm luôn trên bệnh nhân nặng, những bệnh nhân có tỷ lệ tử vong cao”, Trump nói. “Nếu chloroquine hiệu quả thì chúng tôi đã làm được một điều tuyệt vời. Nếu không hiệu quả, ít nhất chúng tôi đã thử”.
FDA ngay lập tức bác bỏ phát ngôn của Trump, khẳng định chloroquine chưa được phê duyệt điều trị Covid-19, cần tiến hành thêm các thử nghiệm cần thiết để xác định tính an toàn và hiệu quả của thuốc.
Một ngày sau, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Mỹ, cho biết bằng chứng chứng minh chloroquine tiêu diệt được nCoV là “không chính xác”.
“Nỗ lực chứng minh hiệu quả của chloroquine với nCOV không được thực hiện trong thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, vì vậy không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố chắc chắn nào”, Fauci nói.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ bắt đầu báo cáo thiếu hụt chloroquine và hydroxychloroquine – một dẫn xuất mới hơn của chloroquine cũng được sử dụng trong điều trị sốt rét.
Ông Tedros còn cảnh báo sử dụng thuốc “ngoài hướng dẫn” để điều trị Covid-19 có nguy cơ đe dọa sức khỏe của nhiều người không mắc Covid-19.
“Cần đảm bảo việc sử dụng các loại thuốc chưa được chứng minh hiệu quả trong điều trị Covid-19 sẽ không gây thiếu hụt các loại thuốc đó trong điều trị các bệnh mà chúng được chứng minh hiệu quả”, người đứng đầu cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.
Lê Hằng
Bệnh nhân Ebola cuối cùng ở Congo xuất viện, dịch bệnh sắp kết thúc
Bệnh nhân Ebola cuối cùng đã được điều trị khỏi tại Congo và xuất viện ngày 3/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Đợt bùng phát kéo dài 19 tháng chính thức sắp chấm dứt.
Người nhận được giấy chứng nhận sống sót là cô Semida Masika. Cô nói rằng cô rất vui mừng được trở về nhà. "Vì tôi là người sống sót cuối cùng (của dịch Ebola), tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc (đến đội ngũ y tế) và tạ ơn Chúa", cô nói.
Các nhân viên bệnh viện ở Beni, thành phố phía đông bắc Congo, đã nhảy mủa, hát ca và đánh trống để ăn mừng sự kiện trọng đại: bệnh nhân Ebola cuối cùng của nước này được chữa khỏi. Lần đầu tiên kể từ khi công bố dịch bệnh vào tháng 8/2018, đến nay Congo mới chính thức không có ca bệnh nào, theo Reuters.
Trong 19 tháng qua, virus đã giết chết 2.264 người và lây nhiễm gần 1.200 người ở Congo, khiến nước này trở thành ổ dịch Ebola tồi tệ thứ hai trong lịch sử. Đứng đầu là dịch Ebola Tây Phi 2013-2016 giết chết hơn 11.000 người.
Congo đã trải qua 14 ngày mà không ghi nhận thêm trường hợp mới nào mắc bệnh. Dịch bệnh sẽ được tuyên bố kết thúc sau 42 ngày không có ca nhiễm mới. Thời gian ủ bệnh tối đa của chủng virus này là 21 ngày.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh bước tiến triển mới của dịch bệnh ở quốc gia Trung Phi. "Đây là tin tức rất tốt không chỉ với tôi mà với toàn thế giới", ông nói trong cuộc họp báo hôm 3/3.
Điều phối viên được chỉ định về dịch bệnh của Liên Hợp Quốc đã từ chức để quay lại với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Congo.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của WHO cảnh báo rằng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, với lý do khó theo dõi tình hình phát triển ở phía đông Congo, nơi tình trạng bạo lực dân quân đang leo thang.
"Vì môi trường an ninh phức tạp, không thể loại trừ việc lây lan Ebola bên ngoài các nhóm được theo dõi hiện thời", phát ngôn viên WHO, Tarik Jasarevic, nói. "Chỉ một ca nhiễm có thể làm dịch bùng phát trở lại".
Đây là đợt bùng phát thứ 10 của Congo kể từ năm 1976. Các cánh rừng nhiệt đới rậm rạp của nước này được coi là ổ bệnh của Ebola.
Khi các ca nhiễm Ebola giảm vào tháng trước, nó đã bị lu mờ bởi sự bùng phát nhanh chóng của virus corona trên toàn thế giới. WHO tin rằng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là "trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu".
Theo danviet.vn
WHO gia hạn tình trạng khẩn cấp dịch Ebola tại Congo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12/2 tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp dịch Ebola tại Congo, mặc dù các trường hợp nhiễm bệnh giảm mạnh là "cực kỳ tích cực". "Miễn là có một trường hợp mắc bệnh Ebola duy nhất ở một khu vực không an toàn và không ổn định như phía đông Cộng hòa Dân...