WHO dự kiến làm việc với Trung Quốc về rủi ro COVID-19 dịp Tết Nguyên đán
WHO dự kiến làm việc với Trung Quốc trong ngày 21-1, bàn về các rủi ro COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 11-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sau khi Trung Quốc (TQ) tuyên bố mở cửa lại sau 3 năm đại dịch, việc hỗ trợ nước này quản lý rủi ro gia tăng COVID-19 trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là không dễ dàng do thiếu dữ liệu, theo kênh Channel News Asia.
Theo WHO, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân TQ sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt là sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, làm tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay WHO vẫn chưa có đủ thông tin từ TQ để đánh giá về sự nguy hiểm của đợt bùng dịch và hỗ trợ TQ kiểm soát dịch bệnh.
Hành khách tại sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa trở lại hồi 8-1. Ảnh: REUTERS
Ông Abdi Rahman Mahamud – Giám đốc bộ phận Điều phối phản ứng và Cảnh báo của WHO cho biết tổ chức này đã làm việc với các đại diện từ TQ và biết được rằng chính quyền Bắc Kinh đã đề ra rất nhiều biện pháp hỗ trợ người dân đi lại an toàn, ngay cả khi đó là từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đến nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Video đang HOT
Ông Mahamud cho biết rằng WHO cũng nhận được các thông tin đánh giá về công tác xét nghiệm dịch bệnh và tình trạng các phòng khám sốt tại TQ, song các dữ liệu hiện tại vẫn chưa đủ để WHO hiểu rõ về tình hình dịch bệnh tại TQ.
Ngoài ra, ông Mahamud cho biết thêm WHO sẽ có một cuộc họp với TQ để bàn về cách giảm thiểu các mối nguy hiểm khi đi lại trong dịp Tết Nguyên đán vào ngày 21-1.
Theo Channel News Asia, TQ bắt đầu mở cửa trở lại hồi 8-1 sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Kể từ đó, số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên, tại một số tỉnh lớn của TQ như Chiết Giang, Hà Nam, tình hình dịch bệnh được cho là đã dần được kiểm soát.
Trung Quốc trả đũa các nước siết kiểm dịch COVID-19
Trung Quốc đã có động thái trả đũa đầu tiên đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số các quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại với du khách Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ đại sứ quán Trung Quốc trên tài khoản WeChat ngày 10-1 cho biết đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc đã đình chỉ cấp thị thực ngắn hạn cho du khách Hàn Quốc. Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh đình chỉ cấp thị thực công việc, du lịch, chữa bệnh, quá cảnh và các vấn đề cá nhân nói chung đối với người Hàn Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết động thái này là do "các hạn chế nhập cảnh mang tính phân biệt đối xử của Hàn Quốc đối với Trung Quốc".
Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tùy thuộc vào việc Hàn Quốc có dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với người dân Trung Quốc hay không.
Người dân đi bên ngoài ga đường sắt Bắc Kinh ở Trung Quốc ngày 7-1. Ảnh: Reuters
Thông báo này được đưa ra một ngày sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin, trong đó ông Tần bày tỏ sự lo ngại về những quy định kiểm dịch của phía Hàn Quốc với du khách Trung Quốc.
Ông Lim Soo-suk, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, chia sẻ trong một cuộc họp báo thường kỳ sau thông báo: "Các biện pháp kiểm dịch tăng cường của chính phủ chúng tôi đối với khách từ Trung Quốc dựa trên bằng chứng khách quan và khoa học".
Cùng lúc đó, theo hãng Kyodo News, Trung Quốc cũng đã thông báo với các công ty du lịch rằng họ ngừng cấp thị thực mới vào Nhật Bản.
Đây được xem là động thái trả đũa đầu tiên của Trung Quốc với các nước áp đặt các biện pháp kiểm dịch COVID-19 đối với du khách từ Trung Quốc .
Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và mở cửa biên giới từ ngày 8-1. Ảnh: Bloomberg
Sau khi Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các biện pháp không khoan nhượng với COVID-19, một số nước (trong đó có Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc...) đã siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các quyết định này, kêu gọi không chính trị hóa đại dịch COVID-19.
Bắc Kinh khẳng định các biện pháp này là phân biệt đối xử, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả. Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích về dữ liệu COVID-19 của họ, cho biết bất kỳ biến chủng mới nào cũng có thể có mức độ lây nhiễm cao hơn nhưng ít nguy hiểm hơn.
Theo báo The Health Times (thuộc Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc), một số quan chức cho biết các ca nhiễm bệnh đã giảm ở thủ đô Bắc Kinh và một số tỉnh của Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh cũng đã qua thời kỳ đỉnh điểm.
Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng Phòng chống Dịch bệnh tỉnh Hà Nam cho biết tỉ lệ lây nhiễm ở tỉnh miền trung có 100 triệu dân này là gần 90% tính đến ngày 6-1. Ông Lý Phán, phó giám đốc Ủy ban Y tế TP Trùng Khánh, thông báo đỉnh dịch ở địa phương này vào ngày 20-12. Tại tỉnh Giang Tô, đỉnh điểm dịch COVID-19 là vào ngày 22-12, còn tại tỉnh Chiết Giang, "làn sóng lây nhiễm đầu tiên đã trôi qua suôn sẻ".
WHO cảnh báo xung đột vũ trang làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Nga, bà Melita Vujnovic cảnh báo các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu có thể "tiếp tay" cho các dịch bệnh như COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác lây lan. Biểu tượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN Trả lời phỏng vấn...