WHO đánh giá nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua đường tình dục
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét các báo cáo về các trường hợp phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong tinh dịch của bệnh nhân, qua đó đánh giá khả năng bệnh có thể lây qua đường tình dục.
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, đến nay WHO vẫn tin rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua tiếp xúc gần gũi giữa người với người. Nhiều ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện trong đợt bùng phát mới nhất tập trung ở châu Âu là những người có quan hệ tình dục với nhau, có tiếp xúc gần.
Trong những ngày gần đây, các nhà khoa học phát hiện các vật chất di truyền của virus trong tinh dịch của nhiều bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Đức và Italy, trong đó có mẫu xét nghiệm cho thấy virus phát hiện trong tinh dịch của một bệnh nhân có thể lây lan cho người khác và bắt đầu quá trình sao chép.
Video đang HOT
Việc phát hiện ra vật chất di truyền của virus trong tinh dịch bệnh nhân không có nghĩa rằng virus lây lan qua đường tình dục như virus HIV gây bệnh AIDS hay virus gây bệnh giang mai, những loại virus đều được biết đến là có thể lây lan qua tiếp xúc với tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc dịch tiết cơ thể khác của người mắc bệnh. Cũng có những loại virus dù có vật chất di truyền được phát hiện trong tinh dịch của bệnh nhân như virus Zika nhưng lại chưa thể xác định việc này có dẫn tới nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục hay không.
Catherine Smallwood, Giám đốc phụ trách theo dõi tình hình bệnh đậu mùa khỉ của WHO tại khu vực châu Âu cho biết hiện chưa rõ liệu những báo cáo gần đây có đồng nghĩa rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua đường tình dục hay không. Có nhiều điều về dịch bệnh này vẫn chưa được chú ý đầy đủ trước đây. Bà cho rằng cần phải tập trung vào nghiên cứu cách thức lây lan dịch bệnh lần này và điều rõ ràng nhất cho đến nay là nguy cơ lây lan bệnh có liên quan trực tiếp tới hành động tiếp xúc da kề da.
Trên 1.300 ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở khoảng 30 quốc gia, chủ yếu là ở châu Âu, kể từ đầu tháng 5. Hầu hết các ca bệnh được ghi nhận ở các nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Đợt bùng phát này gây lo ngại vì bệnh đậu mùa khỉ trước đây rất hiếm khi lây lan ngoài châu Phi, nơi đã coi đây là bệnh đặc hữu. Đặc biệt, phần lớn các ca mắc được phát hiện không có lịch sử đi lại tới châu Phi. Hiện các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu động cơ của đợt bùng phát hiện nay, nguồn gốc dịch bệnh và liệu virus đã có biến đổi gì so với những virus được phát hiện ở châu Phi hay không.
WHO nhóm họp nhằm đánh giá nguy cơ bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 14/6, WHO cho biết tổ chức này sẽ nhóm họp vào tuần tới nhằm đánh giá xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ngoài khu vực Tây và Trung Phi có trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Rõ ràng việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là bất thường và đáng quan ngại. Chính vì vậy, căn cứ Quy định Y tế Quốc tế, tôi quyết định triệu tập cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp (WHO) vào tuần tới nhằm đánh giá nguy cơ đợt bùng phát này trở thành PHEIC". Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 23/6.
PHEIC hiện là mức độ báo động y tế cộng đồng cao nhất theo thang đánh giá của WHO. Vào cuối tháng 1/2020, tổ chức này cũng đã ban bố PHEIC đối với đại dịch COVID-19.
Số liệu thống kê của WHO cho thấy tính đến nay, 39 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh đậu mùa khỉ và 1.500 ca nghi nhiễm. Trong số này có 7 quốc gia thường ghi nhận các ca đậu mùa khỉ từ nhiều năm qua và 32 quốc gia mới xuất hiện các ca bệnh này. Phần lớn số người mắc bệnh ở châu Âu.
Giới chức WHO cho biết dù đang phối hợp cùng các nước thành viên và các nhà sản xuất vaccine nhằm phát triển một cơ chế đảm bảo tiếp cận công bằng với sinh phẩm y tế này, nhưng WHO không khuyến nghị tiêm phòng đại trà nhằm ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm này.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria (NCDC) công bố báo cáo cho biết thêm nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trên khắp quốc gia đông dân nhất châu Phi, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 36 người.
Trong báo cáo cập nhật tình hình bệnh đậu mùa khỉ, NCDC nêu rõ 36 ca bệnh trên được ghi nhận tại 15 bang ở Nigeria kể từ tháng 1/2022 đến nay. Ngoài ra, NCDC hiện đang theo dõi 141 trường hợp khác nghi mắc bệnh này.
Cũng theo báo cáo, một trung tâm khẩn cấp quốc gia về bệnh đậu mùa khỉ đã được thành lập vào tháng 5 vừa qua, sau khi giới chức y tế đánh giá Nigeria có nguy cơ bùng phát dịch cao.
* Cũng trong ngày 14/6, quan chức y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết quốc gia này cho đến nay ghi nhận 5 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy bệnh có thể diễn tiến thành đại dịch.
Phát biểu họp báo, quan chức trên nêu rõ 4 ca bệnh được ghi nhận tại thủ đô Mexico City, trong khi bang Jalisco phát hiện một ca là người trở về từ Mỹ. Ông Lopez-Gatell nhận định nhiều khả năng giới chức sở tại sẽ tiếp tục ghi nhận rải rác các ca bệnh đậu mùa khỉ và thậm chí một vài đợt gia tăng các trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, giới chuyên môn không đưa ra dự đoán căn bệnh này có thể bùng phát thành đại dịch hoặc một hiện tượng tương tự như COVID-19.
WHO sẽ cân nhắc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp đối với bệnh đậu mùa khỉ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 23/6 tới nhằm đánh giá liệu sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay hay không. Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel. Ảnh tư liệu: Reuters/TTXVN...