WHO công bố Chiến lược đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 vào giữa năm 2022
Ngày 7/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của WHO nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến chung với Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres, ông Tedros tuyên bố: “Ngày hôm nay, WHO phát động Chiến lược đạt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu vào giữa năm 2022″. Tổng Giám đốc WHO nêu rõ theo chiến lược này, đến cuối năm 2021 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 40% dân số và đến giữa năm 2022 đạt tỷ lệ 70%, thông qua việc ưu tiên phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp, nhất là những nước ở châu Phi.
Theo ông Tedro, để đạt được mục tiêu trên sẽ cần ít nhất 11 tỉ liều vaccine và đây là vấn đề về phân bổ chứ không phải vấn đề về nguồn cung. Ông khẳng định “sản lượng vaccine toàn cầu hiện nay là gần 1,5 tỉ liều/tháng, đủ cung cấp để đạt được mục tiêu trên, miễn là vaccine được phân phối công bằng”.
Số liệu của WHO cho thấy hơn 6,4 tỷ liều vaccine hiện đã được sử dụng trên toàn cầu và gần 1/3 dân số thế giới đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, các nước có thu nhập thấp tiếp nhận chưa tới 0,5% lượng vaccine của thế giới. Tại châu Phi, chưa tới 5% dân số được tiêm phòng đầy đủ.
Đầu năm nay, WHO đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, 56 nước trên thế giới không đạt được mục tiêu này. Thực tế này khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham gia cuộc họp báo cùng Tổng Giám đốc WHO phát động chiến lược trên. TTK LHQ Guterres nhấn mạnh: “Bất bình đẳng về vaccine đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch COVID-19, khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, có thể làm tăng thêm hàng triệu người thiệt mạng trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD”.
Ông Guterres nêu rõ nếu dịch bệnh lây lan ở những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp thì nguy cơ xuất hiện biến thể kháng vaccine trở nên lớn hơn, như vậy các nỗ lực tiêm chủng cho người dân ở những nước phát triển giàu có sẽ thất bại. TTK LHQ nhấn mạnh, vì vậy, việc phân phối vaccine không công bằng “không chỉ phi đạo đức mà còn là không sáng suốt”.
TTK LHQ Guterres kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết “cả thế giới đều được tiêm chủng” tại hội nghị thượng đỉnh của G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Italy).
WHO: Dịch COVID-19 tiếp đà lắng dịu trên phạm vi toàn cầu
Trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc mới và tử vong vì dịch COVID-19 trong tuần tiếp tục giảm, thể hiện rõ nét xu hướng lắng dịu đã được xác lập từ tháng 8 vừa qua.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada ngày 14/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo tình hình tuần về diễn biến dịch bệnh COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 6/10, số ca mắc mới và tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tuần từ 27/9-3/10 tiếp tục giảm. Trong tuần thế giới ghi nhận 3,1 triệu ca nhiễm mới và 54.000 ca tử vong.
Số ca mắc mới trong tuần giảm 9% so với tuần trước, trong khi số ca tử vong gần như giữ nguyên. Xu hướng dịch bệnh lắng dịu diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, ngoại trừ châu Âu - nơi số ca mắc mới ở mức ngang với tuần trước đó.
Khu vực có số ca nhiễm giảm nhiều nhất là châu Phi (giảm 43%), kế đến là Đông Địa Trung Hải (giảm 21%), Đông Nam Á (giảm 19%), châu Mỹ (giảm 12%) và Tây Thái Bình Dương (giảm 12%). Tổng số ca bệnh và ca tử vong trên toàn cầu tính từ đầu đại dịch đến ngày 3/10 lần lượt là trên 234 triệu ca và gần 4,8 triệu ca.
Tính theo từng nước, Mỹ đứng đầu về số ca mắc mới trong tuần (760.571 ca, tương đương tuần trước), kế đến là Anh (239.781 ca, tương đương tuần trước), Thổ Nhĩ Kỳ (197.277 ca, tương đương tuần trước), Nga (165.623 ca, tăng 13%), Ấn Độ (161.158 ca, giảm 21%).
WHO bắt đầu vận chuyển vật tư y tế phòng, chống COVID-19 tới Triều Tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đã bắt đầu vận chuyển trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 tới Triều Tiên thông qua cảng Đại Liên của Trung Quốc. Đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Trong báo cáo hằng tuần, cập nhật về tình...