WHO cho lưu hành thuốc trị Ebola chưa qua kiểm nghiệm
Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, WHO đã phải ra quyết định khó khăn khi cho phép lưu hành những loại thuốc trị Ebola chưa qua kiểm nghiệm.
Ngày 13/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức “bật đèn xanh” cho phép sử dụng những loại thuốc thử nghiệm chưa được đánh giá về độ an toàn và hiệu quả nhằm chống lại đại dịch Ebola đang bùng phát ở Tây Phi, trong bối cảnh nhu cầu về “thần dược” trị Ebola đang tăng khủng khiếp.
Hôm qua, một nhóm chuyên gia đạo đức y tế của WHO đã tuyên bố rằng với quy mô đại dịch Ebola hiện nay khiến ít nhất 1.013 người thiệt mạng, việc sử dụng các phương pháp điều trị chưa được kiểm nghiệm trên là phù hợp với đạo đức và cần thiết, bởi hiện chưa có cách nào khác để ngăn chặn dịch Ebola.
Trước tình thế cấp bách, WHO buộc phải cho lưu hành thuốc trị Ebola chưa qua kiểm nghiệm
Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Marie Paule Kieny cho hay cơ quan này đang đứng trước một tình thế vô cùng khó xử khi một số loại thuốc và vaccine chống Ebola đã được chế tạo nhưng chưa được thử nghiệm trên người, trong khi tình thế đang vô cùng cấp thiết với số người chết tăng nhanh chóng.
Cũng trong ngày hôm qua, chính phủ Canada tuyên bố sẽ tặng khoảng 1000 liều vaccine chống Ebola thử nghiệm cho WHO để chống lại đại dịch. Cơ quan Y tế Canada cho biết loại vaccine này đã cho kết quả đầy hứa hẹn trên động vật, tuy nhiên lại chưa được kiểm nghiệm trên người.
Việc WHO chấp thuận cho lưu hành các loại thuốc và vaccine này diễn ra trong bối cảnh các nước Tây Phi đang lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu được cung cấp loại thuốc đã từng cứu mạng hai bác sĩ người Mỹ khỏi cái chết vì Ebola. Loại thuốc mang tên ZMapp này đang được vận chuyển từ Mỹ tới Liberia và sẽ được sử dụng để điều trị cho 3 bác sĩ.
Quyết định này của WHO cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất thuốc trị Ebola sẽ tìm thấy thị trường tiềm năng tại châu Phi để đầu tư cho dây chuyền sản xuất của mình. Tuy nhiên có vẻ như khả năng cung ứng của nhà sản xuất thuốc ZMapp hiện nay đang gặp nhiều hạn chế, khi họ vừa dốc hết sạch kho thuốc của mình để cung cấp cho các nước Tây Phi.
Ngoài ra, hiện người ta vẫn chưa rõ tác dụng của loại thuốc ZMapp này hiệu quả đến đâu trong việc chống lại Ebola. Hai bác sĩ người Mỹ đầu tiên được tiêm loại thuốc này hiện vẫn đang bị cách ly tại một bệnh viện ở Mỹ, trong khi một linh mục 75 tuổi người Tây Ban Nha cũng được tiêm loại thuốc đó đã không qua khỏi.
Bởi vậy, mặc dù chấp nhận cho lưu hành loại thuốc này, song WHO khẳng định họ vẫn đang xem xét liệu đây có phải là biện pháp điều trị đặc hiệu đối với Ebola hay không.
Video đang HOT
Nhiều bác sĩ đang quên mình chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm Ebola ở Tây Phi
Thuốc ZMapp là một hỗn hợp gồm 3 loại kháng thể đơn dòng được chiết xuất từ các tế bào sống nhằm khống chế và vô hiệu hóa virus Ebola bên trong cơ thể. Loại thuốc này đã cho kết quả khả quan trên khỉ, tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá về hiệu quả của nó trên người.
Bởi vậy, ủy ban đạo đức y tế của WHO khẳng định các cơ quan y tế và bác sĩ phải có “nghĩa vụ đạo đức” trong việc thu thập và chia sẻ thông tin về việc sử dụng loại thuốc chưa qua kiểm nghiệm này trên bệnh nhân.
Quyết định trên của WHO đã nhận được sự tán đồng của nhiều chuyên gia y tế, tuy nhiên họ cũng yêu cầu các bác sĩ trước khi tiêm các loại thuốc này cho bệnh nhân phải giải thích rõ với họ rằng đây là loại thuốc chưa qua kiểm nghiệm và tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Ông Eric Kodish, chủ tịch Viện Đạo đức Y tế thuộc Bệnh viện Cleveland, Mỹ nhận xét: “Trong những hoàn cảnh tuyệt vọng, luật chơi cần phải thay đổi, nhưng sự thay đổi đó cần phải được minh bạch. Bệnh nhân và người thân của họ cần phải hiểu được bản chất chưa qua kiểm nghiệm của các loại thuốc này”.
Theo Vietbao
TP.HCM: Yêu cầu 3 bệnh viện lớn sẵn sàng điều trị bệnh Ebola
TP.HCM đã yêu cầu 3 bệnh viện lớn chuẩn bị sẵn sàng nếu phát hiện ra trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Người lớn bị nhiễm Ebola sẽ được đưa đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trẻ em được điều trị tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2.
Sáng 12.8, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM đã thị sát kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Khu vực đo thân nhiệt cách ly kiểm soát dịch ebola ở Tân Sơn Nhất
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế cho biết, sau khi Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo về việc triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh Ebola, Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế đã triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tại khu vực cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất, Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế đã triển khai việc giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh và thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đã đến, lưu trú tại 4 quốc gia (Guine, Liberia, Sierra Leone, Nigeria) đang có dịch Ebola bùng phát.
Mỗi ngày, cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 3 chuyến bay từ khu vực Trung Đông (nơi có thể có những chuyến bay có hành khách từ vùng Tây Phi nhập cảnh về Việt Nam), với khoảng 750 hành khách. Tính đến trưa 12.8, tại TP.HCM mới chỉ có 1 du khách người Nigeria tới Việt Nam nhưng trong tình trạng sức khỏe tốt.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách ở sân bay quốc tế Murtala Muhammed, Lagos, Nigeria hôm 6.8
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tuy đến nay, tại TP.HCM chưa ghi nhận người mắc nhưng Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, bệnh Ebola là căn bệnh rất nguy hiểm có sự lây truyền mạnh, độc lực cao. Do đó, chúng ta cần chủ động phòng ngừa, kiểm soát căn bệnh nguy hiểm này.
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, tùy theo tình huống thực tế, TP.HCM sẽ đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch Ebola cụ thể. Hiện nay, khi chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Ebola nên TP.HCM triển khai thực hiện theo hướng kiểm tra sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế để cách ly kịp thời nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) là "lá chắn" đầu tiên để ngăn chặn bệnh Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nơi đây có bốn máy đo thân nhiệt hành khách từ xa.
Trong đó hai máy hoạt động thường xuyên, hai máy còn lại sẽ bổ sung khi hành khách quá đông. Kiểm dịch viên y tế của trung tâm đã được hướng dẫn những quy trình giám sát, kiểm soát, xử lý dịch bệnh theo quy định.
Kiểm dịch viên y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kiểm tra nội dung khai báo y tế của hành khách và đóng dấu xác nhận đã kiểm tra trước khi hành khách làm thủ tục nhập cảnh, quá cảnh. Tờ khai báo y tế có đủ các nội dung như tên, tuổi, vùng quốc gia xuất phát; các triệu chứng sốt, tiêu chảy, vàng da, xuất huyết, khó thở...
Khi phát hiện hành khách nghi ngờ nhiễm Ebola, kiểm dịch viên y tế áp dụng biện pháp cách ly, điều tra dịch tễ và chuyển đến bệnh viện điều trị bằng xe chuyên dụng. TP.HCM cũng đã yêu cầu 3 bệnh viện lớn chuẩn bị sẵn sàng nếu phát hiện ra trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Người lớn bị nhiễm Ebola sẽ được đưa đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trẻ em được điều trị tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2.
Cả ba bệnh viện nói trên đã bố trí đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị, hóa chất dự phòng để điều trị những bệnh truyền nhiễm. Do dịch Ebola lây từ người sang người nên ngành y tế TP.HCM yêu cầu ba bệnh viện nói trên trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế; bao gồm khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, bao giày, quần áo...
Sở Y tế TP.HCM đang chờ Bộ Y tế ban hành phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh Ebola. Khi chính thức có phác đồ hướng dẫn điều trị, ba bệnh viện nói trên sẽ là đầu mối tổ chức tập huấn điều trị cho nhân viên y tế của các bệnh viện khác và bệnh viện tuyến dưới TP.HCM. Phòng, chống dịch bệnh Ebola cần có sự phối hợp của các sở, ngành. Do vậy, Sở Y tế TP.HCM sẽ cùng ban ngành, đoàn thể tập trung truyền thông nguyên nhân nhiễm bệnh cùng các triệu chứng của bệnh, cách xử lý những trường hợp mắc bệnh, các biện pháp phòng ngừa...
Để truyền thông đi vào chiều sâu, Sở Y tế TP.HCM cùng ban ngành, đoàn thể phát tờ rơi tới tận hộ dân hoặc tổ chức những buổi nói chuyện liên quan đến phòng, chống bệnh Ebola tại khu dân cư. Đồng thời, hệ thống các trạm y tế phường/xã, trung tâm y tế quận/huyện có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại cộng đồng đối với các trường hợp nghi mắc Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày.
Bác sĩ đang chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm Ebola ở Guinea
Riêng đối với cơ sở y tế điều trị, kinh nghiệm cho thấy hầu hết ca bệnh truyền nhiễm đều phát hiện trong quá trình bệnh nhân đang điều trị. Do vậy các bệnh viện sẽ chú trọng những trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola, thực hiện xét nghiệm để chủ động ngăn chặn lây lan.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm khuyến cáo, người dân không nên đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết. Trong trường hợp cấp thiết đi, thì nên tìm hiểu thông tin về dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có các biện pháp phòng tránh. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn.
Tránh tiếp xúc trưc tiếp với người mắc bệnh Ebola, khi cần tiếp xúc với người bệnh thì phải đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ chuyên dụng đúng cách và giữ khoảng cách. Tránh tiếp xúc với dịch tiết, máu, các vậ dụng của người nhiễm bệnh.
Những người trở về từ các quốc gia vùng tây phi trong vòng 21 ngày, nếu có những dấu hiệu sốt, mỏi mệt, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy phát ban ... hoặc từng tiếp xúc với người có dấu hiệu như trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị.
Theo Một Thế Giới
Bộ Y tế khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Ebola Tính đến ngày 12/8/2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.848 trường hợp nhiễm Virus Ebola, trong đó có 1013 trường hợp tử vong. Tất cả số trường hợp mắc và tử vong do vi rút Ebola đều tại 4 nước vùng Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Tại việt Nam bộ Y tế nhận định dịch bệnh do vi rút...