WHO cảnh báo tình trạng khẩn cấp về y tế tại châu Phi liên quan biến đổi khí hậu
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/4 cảnh báo các trường hợp khẩn cấp về y tế liên quan tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng ở châu Phi, nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt và các bệnh lây truyền qua nguồn nước.
Bệnh nhân sốt rét được điều trị tại bệnh viện ở Kaya, Burkina Faso. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo thông báo của Văn phòng WHO tại châu Phi, các trường hợp khẩn cấp về y tế chiếm tới hơn 50% “các sự kiện sức khỏe cộng đồng được ghi nhận tại khu vực trong suốt 2 thập kỷ qua”. Phân tích của WHO cho thấy trong tổng số 2.121 sự kiện y tế cộng đồng được ghi nhận tại châu Phi từ năm 2001 đến năm 2021, có tới 56% là liên quan biến đổi khí hậu.
Bà Matshidiso Moeti – Giám đốc WHO khu vực châu Phi nêu rõ “lũ lụt thường xuyên, các bệnh liên quan nguồn nước và côn trùng mang virus đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng y tế”. Theo bà, tuy châu Phi “góp phần ít nhất trong tình trạng ấm lên toàn cầu, nhưng châu lục này lại đang phải hứng chịu mọi hậu quả”.
Khuyến cáo trên được Văn phòng WHO tại châu Phi đưa ra nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), với chủ đề của năm nay là “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta”.
Ở châu Phi, tiêu chảy là nguyên nhân lớn thứ 3 gây bệnh tật và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên WHO cho rằng tình trạng này có thể được cải thiện đáng kể nếu như người dân được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn. Cơ quan này nêu rõ các bệnh lây truyền qua nguồn nước chiếm 40% các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe liên quan khí hậu trong 20 năm qua.
WHO nêu 10 khuyến nghị giúp tối ưu lợi ích y tế từ chống biến đổi khí hậu
Ngày 11/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành 10 khuyến nghị giúp chính phủ các nước tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe từ việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực, qua đó tránh hậu quả tồi tệ nhất về y tế từ cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Anh) vào tháng 11 tới, WHO đã công bố báo cáo đặc biệt với tiêu đề "The Health Argument for Climate Action." (tạm dịch: Những cơ sở sức khỏe cho hành động vì khí hậu). Trong đó, 10 khuyến nghị mà WHO đưa ra đã nêu bật nhu cầu cấp thiết, hàng loạt cơ hội cho chính phủ các nước để ưu tiên sức khỏe và bình đẳng trong cơ chế khí hậu quốc tế và chương trình nghị sự về phát triển bền vững. Hơn hết, WHO kêu gọi các chính phủ cam kết với mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi một cách lành mạnh và thân thiện với môi trường sau giai đoạn chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ những mối liên hệ mật thiết nhưng mỏng manh giữa loài người, các loài động vật và môi trường xung quanh. Những lựa chọn thiếu bền vững sẽ hủy hoại hành tinh và chính loài người. WHO kêu gọi các nước cam kết thực hiệt các hành động quyết đoán tại hội nghị COP26 để hạn chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C vì đây không chỉ là việc làm đúng đắn mà còn là việc làm vì lợi ích của chính loài người.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh thế giới thời gian qua đã hứng chịu những sự kiện thời tiết cực đoan chưa từng thấy trong khi những tác động khí hậu khác cũng gây thiệt hại ngày càng lớn với cuộc sống và sức khỏe của con người. Những đợt sóng nhiệt, bão và lũ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người. Biến đổi khí hậu và thời tiết cũng đe dọa an ninh lương thực, gia tăng nguy cơ xảy ra các dịch bệnh và tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần.
Báo cáo nhấn mạnh biến đổi khí hậu là mối đe dọa y tế đơn lẻ lớn nhất mà loài người phải đương đầu. Dù tất cả mọi người đều sẽ phải chịu tác động về sức khỏe từ cuộc khủng hoảng này nhưng những tác động sẽ không đồng đều, với hậu quả nặng nề hơn ở những nhóm dễ chịu tổn thương và thiệt thòi
Cùng với bài toán phục hồi hậu COVID-19, báo cáo cũng đặt các vấn đề y tế và công bằng xã hội làm trọng tâm thảo luận tại hội nghị COP26. Báo cáo kêu gọi thực hiện tiến trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo một cách công bằng và toàn diện, đặc biệt là trong mục tiêu từ bỏ than đá, thúc đẩy các mô hình đô thị và các hệ thống giao thông bền vững, lành mạnh và khuyến khích các chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và hợp túi tiền.
Hồi tháng trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định COP26 là cơ hội quan trọng để hoàn thiện cam kết nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, ông nhấn mạnh các mục tiêu gồm giảm phát thải để hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp và cung cấp 100 tỷ USD hằng năm để hỗ trợ các nước đang phát triển hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hỗ trợ tài chính để giảm thiểu tác động và thích nghi.
Bộ Y tế Đức kêu gọi chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế Tỷ lệ ca mắc COVID-19 tại Đức tiếp tục gia tăng trong những ngày qua, song với tỷ lệ tiêm chủng hiện ở mức cao, Bộ Y tế nước này đang kêu gọi chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn quốc. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức. Ảnh: THX/TTXVN...