WHO cám ơn Nga về vắc-xin Covid-19, Anh đang nguy cấp
Thế giới ghi nhận thêm gần 210.000 ca nhiễm mới và khoảng 3.500 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua.
Theo số liệu cập nhật của trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng 22/9, đại dịch tiếp tục hoành hành ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho khoảng 31,5 triệu bệnh nhân và cướp đi mạng sống của trên 968.000 người. Số ca khỏi bệnh đạt khoảng 23 triệu.
Covid-19 đang tấn công Ấn Độ dữ dội. Ảnh: Reuters
Mỹ chịu ảnh hưởng lớn nhất với trên 7 triệu ca nhiễm, tăng hơn 32.000 người so với ngày 21/9. Số bệnh nhân tử vong là hơn 204.400, tăng thêm 300 người.
Ấn Độ lại trải qua một ngày chết chóc với hơn 1.000 người tử vong vì Covid-19, nâng danh sách tổng lên gần 89.000 trường hợp. Số ca mắc bệnh ở quốc gia này đã cán qua mốc 5,5 triệu.
Nga được WHO khen ngợi
“WHO đánh giá rất cao những nỗ lực mà Nga đã thực hiện để phát triển vắc-xin ngừa Covid-19, cụ thể là Sputnik-V. Một lần nữa, chúng tôi muốn cảm ơn Nga vì những nỗ lực tuyệt vời tạo ra một vắc-xin an toàn và hiệu quả”, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge bày tỏ sau buổi hội đàm ngày 21/9 với Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko.
Video đang HOT
Quan chức này nhấn mạnh thêm, Nga đã giúp ông cung cấp viện trợ cho các nước Trung Á trong bối c ảnh đại dịch hoành hành, và nhìn chung đã thể hiện cam kết của mình đối với sự đoàn kết toàn cầu.
Đến nay, Nga đã thương thảo với nhiều nước và nhận được đề nghị cung ứng 1,2 tỷ liều Sputnik-V đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Các thỏa thuận sơ bộ với hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông được đánh giá có thể mang lại cho Moscow ưu thế chính trị và kinh tế đáng nể trên trường quốc tế.
Hiểm cảnh của nước Anh
Người đứng đầu cơ quan y tế Anh Chris Whitty và Trưởng nhóm cố vấn khoa học chính phủ Anh Pattrick Vallance cảnh báo, vương quốc đang ở “thời điểm nguy cấp” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ số 10 phố Downing ở London ngày 21/9, hai ông cảnh báo Anh có thể đối mặt với tỷ lệ tử vong gia tăng theo cấp số nhân trong những tuần tới, nếu chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson không hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây nhiễm của làn sóng dịch bệnh thứ 2.
Theo hai ông Chris Whitty và Pattrick Vallance, Anh đang phải đối mặt với “một mùa đông đầy thách thức”, vì dịch bệnh sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi các nghiên cứu hiện nay cho thấy chỉ khoảng 8% dân số có kháng thể với virus.
Anh hiện có gần 41.800 người chết vì Covid-19, cao nhất châu Âu và đứng thứ 5 toàn cầu. Tổng số ca lây nhiễm ở xứ sở sương mù ở mức gần 400.000 người.
Cộng đồng quốc tế phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran
Hôm qua (21/9), nhiều nước gồm Trung Quốc, Nga và cả các đồng minh châu Âu của Mỹ đều phản đối tuyên bố của Mỹ khôi phục trừng phạt đối với Iran.
Điều này cho thấy, kể từ sau thất bại tại Hội đồng Bảo an vào giữa tháng 8 khi đề xuất kéo dài lệnh cấm vận vũ khí truyền thống đối với Iran, thì cho đến nay, Mỹ vẫn cô độc trong quyết định đơn phương của mình.
Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Reuters.
Trong phản ứng của mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tất cả những gì Mỹ đang làm chỉ là một màn trình diễn sân khấu được dàn dựng nhằm thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chính sách gây áp lực tối đa lên Iran và biến cơ quan có thẩm quyền này thành công cụ hữu hiệu. Màn trình diễn đã không thành công.
Theo đó, Nga coi hành vi của Mỹ là một đòn nghiêm trọng đối với thẩm quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là biểu hiện của việc coi thường các quyết định của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung, điều không thể chấp nhận được không chỉ đối với Nga mà còn đối với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an.
Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell xác nhận, Mỹ không thể khởi động quá trình tái lập các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran. Ông Josep Borrell nhấn mạnh, Mỹ không thể được coi là một bên của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và không thể bắt đầu quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an.
Về vấn đề này, các nghĩa vụ dỡ bỏ lệnh trừng phạt theo Kế hoạch hành động chung toàn diện tiếp tục được áp dụng. Người đứng đầu ngành ngoại giao EU kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại.
Trong bức thư chung gửi lên Hội đồng Bảo an vào hôm qua (20/9), Pháp, Anh và Đức tuyên bố, bất kỳ quyết định hay hành động nào đi kèm với quan điểm tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran cũng sẽ không có hiệu lực pháp lý.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng, thế giới cần phản đối việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để áp đặt quan điểm của mình lên các quốc gia khác. Theo ông Rouhani, đây là một hành động "bắt nạt" và các nước cần phải lên tiếng, nếu không họ sẽ là nạn nhân tiếp theo của Mỹ. "Mỹ đang tiến đến một thất bại nhất định trong động thái trừng phạt của mình. Nước Mỹ đã phải đối mặt với thất bại và phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ và Iran sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước sự bắt nạt của Mỹ", ông Rouhani nói.
Ngày 19/9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế "phản hồi" trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dự kiến, hôm nay (21/9) (giờ địa phương), Mỹ sẽ cung cấp thông tin chi tiết về việc Mỹ sẽ khôi phục lệnh trừng phạt đối với Iran như thế nào. Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với mọi thực thể vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran.
Dư luận cho rằng trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tháng rưỡi nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Trump có thể muốn lấy Iran làm điểm tựa để lấy lòng cử tri. Tuy nhiên, có thể có rất ít các nước tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, vốn đã được gỡ bỏ trong khuôn khổ của Thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm ngăn chặn quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân.
Chính vì thế, nếu Mỹ thực sự trừng phạt các nước bất tuân, có thể sẽ khiến Mỹ đối đầu với chính các đồng minh của mình.
Gần 965.000 người chết vì nCoV toàn cầu Thế giới ghi nhận gần 965.000 người chết vì nCoV trong hơn 31 triệu người nhiễm, dịch có dấu hiệu bùng phát trở lại ở châu Âu. 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 31.216.861 ca nhiễm và 964.724 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 243.569 và 3.898 ca sau 24 giờ, trong khi 22.811.677 người đã bình phục,...