WHO ca ngợi nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam
Việt Nam ứng phó hiệu quả với Covid-19 nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ và tinh thần hợp tác của người dân, theo Giám đốc Tây Thái Bình Dương của WHO.
“Việt Nam đã cho thấy khả năng lãnh đạo quyết liệt của chính phủ trong việc thực thi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19″, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Takeshi Kasai nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
Theo ông Kasai, sự chỉ đạo mạnh mẽ của chính phủ đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát lây nhiễm nCoV.
Bác sĩ của trung tâm y tế quận Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM ngày 20/4. Ảnh: Quỳnh Trần.
Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác của người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, khẳng định chính ý thức kỷ luật của người dân trong việc tuân thủ các quy tắc xã hội để giảm lây nhiễm cũng đã phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh chết người này.
Video đang HOT
Việt Nam hiện chỉ phát hiện 268 ca nhiễm nCoV, không có thêm ca nào trong 4 ngày qua, và không ghi nhận ca tử vong nào. Số liệu này ít hơn nhiều so với phần lớn các nước Đông Nam Á và nhiều quốc gia trên thế giới. 216 người nhiễm nCoV ở Việt Nam đã hồi phục và 52 người đang được điều trị.
Về Singapore, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với hơn 9.000 ca nhiễm, ông Kasai đánh giá quốc gia này đang đối mặt với những thách thức rất khó khăn khi các ca nhiễm tăng nhanh. Tuy nhiên, ông cho rằng Singapore có hệ thống y tế tốt, năng lực giải quyết rủi ro cao và có kinh nghiệm ứng phó sự bùng phát dịch bệnh nên sẽ đối phó được Covid-19.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 2,5 triệu người nhiễm và hơn 170.000 người tử vong. Dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề về người, hệ thống y tế và tàn phá nền kinh tế thế giới, đặc biệt ở Mỹ và các nước châu Âu.
Huyền Lê
WHO tuyên bố không che giấu Mỹ bất kỳ điều gì về Covid-19
Theo người đứng đầu WHO, tổ chức này không có bất cứ gì che dấu khi luôn có những chuyên gia y tế Mỹ làm việc với WHO ngay thời điểm đó.
Người đứng đầu tổ chức Y tế thế giới - WHO ngày 20/4 bác bỏ các cáo buộc của Mỹ khi tuyên bố tổ chức này đã đưa ra lời cảnh báo sớm về dịch Covid-19 ngay từ ngày đầu tiên và không có gì để che giấu Mỹ.
Được hỏi về phản ứng đối với các cáo buộc gần đây từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng WHO đã phản ứng chậm chạp và che giấu một số thông tin trong giai đoạn đầu, khiến đại dịch lan nhanh, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố trong cuộc họp báo chiều 20/4 tại Geneva rằng đó là lời cáo buộc không hợp lý.
Theo người đứng đầu tổ chức Y tế thế giới, tổ chức này không có bất cứ gì che dấu khi luôn có những chuyên gia y tế Mỹ làm việc với WHO ngay trong thời điểm đó.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ rõ: "Việc có những nhân viên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ - CDC làm việc ở thời điểm đó đồng nghĩa với việc WHO không có bất cứ gì để che dấu Mỹ ngay từ ngày đầu tiên bởi lẽ người Mỹ làm việc cùng chúng tôi.
Họ thông báo những gì họ làm còn WHO thì hoàn toàn cởi mở, không có gì để dấu. Mà không chỉ là việc gửi thông báo cho người Mỹ hay cho các nước khác, chúng tôi luôn muốn tất cả các nước đều nhận được một thông báo như nhau ngay lập tức".
Nói thêm về những cáo buộc từ phía chính quyền Mỹ, Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh, WHO là một tổ chức kỹ thuật nên việc việc chính trị hoá các vấn đề của tổ chức này cũng như cá nhân ông chỉ càng làm cho việc ứng phó với đại dịch Covid-19 trên thế giới thêm phức tạp.
Tuần trước, chính phủ Mỹ đã quyết định ngưng khoản đóng góp tài chính của nước này cho WHO. Ngay lập tức quyết định này bị hầu hết tất cả các nước và các tổ chức lớn trên thế giới, như Liên Hiệp Quốc, EU, G20, phản đối, coi đây là hành động bất hợp lý trong lúc thế giới khủng hoảng.
Đa số giới phân tích cũng cho rằng, dù WHO xử lý giai đoạn đầu của đại dịch không thật sự tốt, nhất là chưa có sức ép đủ lớn với Trung Quốc trong những ngày đầu để sớm tiếp cận các ổ dịch tại Vũ Hán, nhưng việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công WHO vào lúc này là việc chính trị hoá và đổ lỗi cho WHO vì các yếu kém của chính quyền Mỹ trong cách ngăn chặn dịch Covid-19, nơi hiện đang là vùng dịch lớn nhất trên thế giới.
Cũng trong buổi họp báo chiều 20/4 tại Geneva, WHO cũng tiếp tục phát đi cảnh báo với các nước là không nên quá vội vã nới lỏng các biện pháp hạn chế, nếu không dịch sẽ bùng phát trở lại.
Ngoài ra, WHO thông báo cho biết, hơn 1.200 bệnh nhân Covid-19 tại hơn 100 quốc gia đã tham gia các thử nghiệm thuốc điều trị ngay trong tuần này. Dự kiến, hơn 600 bệnh viện tại nhiều nước đã sẵn sàng để tìm kiếm bệnh nhân tham gia thử nghiệm./.
Quang Dũng
WHO khuyến cáo các nước Hồi giáo đề phòng Covid-19 tháng Ramadan Dịp Ramadan, tín đồ Hồi giáo thường tập trung đông người. WHO đã đưa ra khuyến cáo để họ bảo đảm an toàn trong mùa dịch Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra một loạt các khuyến cáo đối với các nước Hồi giáo về các biện pháp nên áp dụng để giảm bớt nguy cơ lây lan dịch...