Website thu phí nhạc online đang lừa khách hàng?
Trên các diễn đàn như vozforums, hdvietnam, nhiều thành viên đã phản ánh một số file nhạc thu phí trên website Nhac.vui, nhaccuatui… dù được “quảng cáo” có chất lượng 320 Kbps nhưng khi kiểm tra bằng một số phần mềm thì chỉ có chất lượng 128 Kbps.
Để kiểm chứng những thông tin trên, chúng tôi đã thử tải file ca khúc “Tình cũ đã qua” do ca sĩ Lệ Quyên và Đăng Khôi thể hiện và ca khúc “Như đã dấu yêu” của ca sĩ Lê Hiếu trên Nhac.vui, Nhaccuatui và một số trang nghe nhạc thu phí khác.
Sau đó, chúng tôi tiến hành kiểm tra phổ tẩn số của file âm thanh, cách thường được những người chơi âm thanh high-end sử dụng để rà soát những file nhạc chất lượng cao “hàng giả”, thông qua phần mềm Spek.
Thật bất ngờ, kết quả cho thấy, ca khúc “Tình cũ đã qua” chỉ có âm thanh ở phổ tần số 16 Khz, trong khi ca khúc “Như đã dấu yêu” có phổ tần lên đến gần 20 Khz. Qua tham khảo ý kiến của một người chơi high-end, nếu một file âm thanh 320 Kbps “xịn” thì dải tần số sẽ lên đến 20 khz, còn những file nhạc 320 Kbps “giả” thì dải tần số chỉ đạt tối đa 16 Khz. Do đó, ca khúc “Tình cũ đã qua” có thể đã bị chuyển đổi từ file chất lượng 128 Kbps lên chất lượng 320 Kbps.
Để chắc chắn, chúng tôi đã thử thu âm bằng phần mềm chuyên dụng và cho ra 2 file chất lượng 128 Kbps và 320 Kbps. Sau đó, file chất lượng 128 Kbps được chuyển đổi lên 320 Kbps bằng phần mềm và đặt tên “320 Kbps fake”. Kết quả cho thấy, đúng là độ phổ tần số file “320 Kbps fake” vẫn giữ nguyên ở khoảng 16 Khz, thấp hơn hẳn so với file nhạc 320 Kbps “xịn” (lên đến dải tần số 20 Khz).
Ca khúc “Tình cũ đã qua” chỉ có độ phổ tần số tương đương ca khúc chất lượng 128 Kbps thay vì chất lượng 320 Kbps như quảng cáo
Trong khi đó, ca khúc thu phí khác là “Như đã dấu yêu” lại có độ phổ tần số cao nhất gần 20 Khz.
Video đang HOT
Ca khúc “Người cô đơn” dù chỉ có chất lượng 128 Kbps nhưng có độ phổ “tương đương” một số file nhạc thu phí
Trên các diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, dù ủng hộ việc thu phí và sẵn sàng chi 1.000 đồng để tải nhạc nhưng chất lượng phải đúng như những gì đã cam kết thay vì “treo đầu dê, bán thịt chó”. Ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty MV Corp thừa nhận, do lỗi kỹ thuật nên đúng là một số ca khúc thu phí đã bị chuyển đổi từ nhạc chất lượng chưa thực sự cao.
Người dùng mua phải các ca khúc này có thể liên hệ với MV Corp để được bồi thường thỏa đáng. Trong tuần tới, MV Corp sẽ thay thế các ca khúc này bằng những ca khúc có chất lượng cao thực sự được chuyển đổi từ đĩa gốc do RIAV cũng như các hãng băng đĩa gửi sang. “Mv Corp rất lấy làm tiếc vì sự cố này và mong người dùng sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi cũng như các đơn vị tham gia thu phí vì một tương lai tươi sáng của nhạc số Việt Nam trong thời gian tới”, ông Công cho biết thêm.
Theo nguồn tin của chúng tôi, các thành viên của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ phải gửi đĩa CD đến Hiệp hội để lưu giữ. Mặc dù vậy, khoảng 30-40% các thành viên (hãng đĩa) chỉ gửi danh sách các ca khúc của mình dưới dạng văn bản và RIAV phải tìm kiếm các ca khúc này trên mạng để lưu trữ (chất lượng nhạc sẽ không được đảm bảo và đồng đều). Đó là lý do tại sao file nhạc thu phí của MV Corp có chất lượng không đồng đều và một số file được chuyển đổi lên 320 kbps.
Đại diện một số trang web thu phí ngày 1/11 cho biết, vấn đề thu phí tải nhạc trực tuyến hầu như không ảnh hưởng đến lượng người dùng truy cập. Mặc dù vậy, lượt tải các ca khúc thu phí không thực sự cao. Theo đánh giá từ goMusic thì có lẽ do các album được lựa chọn thu phí không phải là các ca khúc hot được quan tâm trong thời điểm hiện tại nên việc thu phí tải nhạc không ảnh hưởng nhiều đến lượng người dùng của trang.
Ngoài ra, cách thức tải nhạc phức tạp cũng là một điểm bất lợi khiến người dùng ngại tải nhạc thu phí. Nếu như trước đây, người dùng một số trang web chỉ cần nhấn nút download để tải bài hát, thì nay sẽ phải đăng kí tài khoản, sau đó thông qua hệ thống thanh toán để tải bài hát. Hệ thống này lại sử dụng một cổng thanh toán riêng của đơn vị thứ ba hoặc dùng thẻ ATM, thẻ cào riêng để thanh toán.
Những cách thanh toán này chưa phổ biến và chưa dễ dàng để tiếp cận, gây khó cho người tải nhạc. Mặc dù vậy, bên cạnh Zing đã ra mắt Zing Store để người dùng có thể thuận lợi trong việc tải nhạc album hay từng ca khúc thì việc goMusic cho phép người dùng soạn tin nhắn theo cú pháp MO đến tổng đài 8130 nhận mã tải nhạc thay vì phải đăng ký thành viên là những “điểm sáng” của ngày đầu thu phí.
Theo ICTnews
Trung Quốc chuẩn bị thu phí tải nhạc online
Từ đầu năm 2013, người dùng có thể phải trả một NDT (khoảng 3.300 đồng) để tải một bài hát, hoặc 20 NDT để download không hạn chế mỗi tháng.
China Daily đưa tin,một số website âm nhạc lớn của Trung Quốc như Kugoo, Koowo, Baidu player hay QQ music đang lên kế hoạch thu phí tải nhạc trực tuyến vào đầu năm sau. Một nhân viên tại hãng đĩa Universal Music Group (Trung Quốc) cho biết việc này vẫn chưa được xác nhận, nhưng "có khả năng rất cao".
Ông cho biết: "Vấn đề này đã được bàn bạc trong rất nhiều năm. Việc thiếu các sản phẩm âm nhạc xuất sắc thời gian gần đây một phần do nạn tải nhạc miễn phí từ Internet, gây tổn thất lớn cho ngành thu âm. Rất nhiều nhà sản xuất ngần ngại đầu tư vào các dự án âm nhạc do quyền lợi của họ không được bảo đảm. Vì vậy, chính phủ, hãng đĩa và những người điều hành website đang tìm kiếm một giải pháp phát triển cho ngành công nghiệp âm nhạc".
Thông tin này đã làm dậy sóng cộng đồng mạng tại Trung Quốc. Phần lớn các bình luận đều tiêu cực khi cho rằng việc tải lên và chia sẻ nội dung miễn phí là một phần quá trình phát triển của Internet. Nhiều người cho rằng quyết định này sẽ khiến các công ty và website âm nhạc có lợi thế độc quyền.
Baidu Player là một trong các website có thể thu phí tải nhạc vào đầu năm sau. Ảnh: China Daily
Chỉ một số ý kiến tuyên bố sẽ ủng hộ nếu chi phí hợp lý. Một blogger cho biết: "Thực ra điều này cũng không phải là xấu. Một bài hát là kết tinh sự sáng tạo và tâm huyết của nghệ sĩ. Vì vậy, trả phí để nghe nhạc là cũng điều chấp nhận được. Việc này sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về bản quyền". Một người khác thì cho biết "phí tải nhạc sẽ khuyến khích các ca sĩ sáng tạo và phát triển".
Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhiều website âm nhạc sẽ hợp tác với 15 hãng đĩa lớn trên thế giới để đưa ra phí thuê bao tải nhạc hàng tháng. Theo đó, người dùng sẽ phải trả 1 NDT (khoảng 3.300 đồng) để tải một bài hát, hoặc 20 NDT để download không hạn chế mỗi tháng.
Một giám đốc cấp cao của QQ Music cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều mức phí để đáp ứng nhu cầu và điều kiện kinh tế khác nhau của người dùng. Những bài hát ít phổ biến hoặc không có chất lượng cao sẽ vẫn được tải miễn phí".
Những người trong ngành cũng có phản ứng trái chiều với thông tin này. Nhạc sĩ nổi tiếng Xiao Ke cho biết ông ủng hộ việc thu phí, nhưng số tiền này nên được trả bởi các website chứ không phải người dùng. Các website âm nhạc thu được rất nhiều tiền quảng cáo nhờ có lượng người dùng đông đảo, mà đa phần là để tải nhạc miễn phí.
Lu Zhongqiang - Giám đốc điều hành của hãng đĩa 13-month Recording cho rằng: "Triển vọng rất khó đoán trước, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng vào sự thay đổi này". Zhang Ping - Giáo sư về sở hữu trí tuệ tại Đại học Bắc Kinh thì đề nghị những chi phí này nên được chính quyền giám sát chặt chẽ để tránh độc quyền.
Hiện tại, các nước châu Á như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... đã thực hiện thu phí tải nhạc trực tuyến. Ở Việt Nam, 5 website âm nhạc ký kết với Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và công ty MV Corp triển khai thu tiền người dùng từ hôm nay (1/11). Mức phí dự kiến là 1.000 đồng cho mỗi lần tải nhạc hoặc thu phí theo thuê bao hàng tháng. Riêng việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí. Mức phí 1.000 đồng này có thể sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế khi chương trình vận hành.
Với số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi các chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%. 55% còn lại sẽ trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm....). Việc chi trả dự kiến được thực hiện theo từng quý. Riêng các nhạc phẩm quốc tế, đại diện một trang nhạc lớn cho biết, họ đang trong quá trình thương lượng bản quyền với Sony Music và Universal để có thể thu phí tải nhạc quốc tế người dùng trong nước cùng vào đầu tháng 11.
Phần đông giới nghệ sĩ Việt Nam nhìn nhận, đến lúc này mới thu phí tải nhạc là đã muộn. Trên trang cá nhân sáng nay, nhạc sĩ Huy Tuấn kêu gọi: "Công cuộc Nghe có ý thức giờ mới là bắt đầu. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu tiếp nhé".
Nhiều cư dân mạng cũng cho rằng đây là chuyện cần thiết và cũng đã đến lúc Việt Nam phải làm giống các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, không ít người băn khoăn vì mức giá mỗi lần tải nhạc 1.000 đồng thoạt nghe có vẻ ít nhưng tính theo lượng người dùng dịch vụ hiện nay sẽ rất lớn và việc phân chia số tiền thu được cho các bên quản lý, chủ sở hữu thực sự của tác phẩm có thể rơi vào tình trạng không minh bạch.
Thùy Linh - Huy Phạm
Theo VNE
Hồ Quang Hiếu tấn công bảng xếp hạng nhạc online Hô Quang Hiêu là môt ca sĩ từng được gọi là "hiện tượng âm nhạc không scandal" với album vol 2 - "Chỉ cân em hạnh phúc". Sau khi nhân được sự ủng hô của khán giả, Hô Quang Hiêu đã thừa thắng xông lên phát hành album vol 3 - "Đừng buông tay anh". Trong album này, tât cả các ca khúc...