WB ước tính Syria cần 7,9 tỷ USD trong 3 năm để tái thiết sau thảm họa động đất
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/3 cho biết các trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 vừa qua sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Syria giảm 5,5% trong năm 2023 và nước này cần 7,9 tỷ USD trong 3 năm để tái thiết.
Cảnh đổ nát sau thảm họa động đất tại làng Atarib, tỉnh Aleppo, Syria, ngày 14/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, WB đã dự báo GDP trong năm 2023 của Syria sẽ giảm 3,2% do xung đột vũ trang tiếp diễn, giá năng lượng và lương thực tăng cao cũng như tình trạng hạn hán dẫn đến mất mùa.
Các tác động tiêu cực của động đất khiến GDP của Syria thu hẹp thêm 2,3% nữa, theo đó giảm 5,5% trong năm nay, khiến tình hình nước này tồi tệ hơn nữa sau 12 năm xung đột.
Video đang HOT
Theo báo cáo Đánh giá nhanh về Thiệt hại và Nhu cầu của WB, thảm họa động đất vừa qua khiến Syria thiệt hại tổng cộng 5,2 tỷ USD, bao gồm 3,7 tỷ USD về hạ tầng và 1,5 tỷ USD về các vấn đề kinh tế liên quan khác. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà ở, giao thông, môi trường và nông nghiệp.
Theo WB, trong số 7,9 tỷ USD ước tính cần để tái thiết, cần dùng 3,7 tỷ USD trong năm đầu tiên và 4,2 tỷ USD sử dụng 2 năm tiếp theo. Trong đó, ngành nông nghiệp có nhu cầu lớn nhất (27%), tiếp theo là nhà ở (18%), bảo trợ xã hội (16%) và giao thông (12%).
Tuyên bố của WB nhấn mạnh: “Sự suy giảm kinh tế gia tăng chủ yếu do các cơ sở hạ tầng bị phá hủy và các hoạt động thương mại bị đình trệ”. Ngân hàng này cũng cảnh báo: “Lạm phát sẽ tăng đáng kể, chủ yếu do khan hiếm hàng hóa, chi phí vận chuyển tăng và nhu cầu chung về vật liệu tái thiết tăng”.
Thảm họa động đất đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người và khiến hàng nghìn người bị thương tại Syria. Gần 1.800 tòa nhà bị sập và nhiều cơ sở hạ tầng hư hại nghiêm trọng. Việc ổn định cuộc sống cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng và tái thiết cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế ở Syria đang khiến cho quá trình phục hồi sau động đất ở nước này trở nên khó khăn hơn nhiều. Các nỗ lực cứu trợ, tái thiết, xây dựng lại nhà cửa và ổn định cuộc sống cho người dân sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh khu vực Tây Bắc Syria hiện vẫn do các lực lượng đối lập kiểm soát.
UNDP ước tính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 100 tỷ USD sau động đất kinh hoàng
Quan chức UNDP cho biết theo các tính toán đến nay dựa trên số liệu của chính phủ và thống kê của các đối tác quốc tế, thiệt hại do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt 100 tỷ USD.
Dọn dẹp đống đổ nát sau trận động đất tại Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 16/2/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Ngày 7/3, bà Louisa Vinton, quan chức thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng thiệt hại do thảm họa động đất trong tháng Hai vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt 100 tỷ USD.
Phát biểu họp báo qua video từ thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, bà Vinton nhấn mạnh theo các tính toán cụ thể cho đến nay dựa trên số liệu của chính phủ và thống kê của các đối tác quốc tế, thiệt hại do động đất tại quốc gia này sẽ vượt 100 tỷ USD.
Theo bà, con số tạm tính này là cơ sở để các nhà tài trợ vận động ủng hộ cho các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại cuộc họp sẽ diễn ra ở Brussels của Bỉ vào ngày 16/3 tới.
Nữ quan chức UNDP cho biết chi phí tái thiết lại các khu vực đổ nát sau động đất sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền thiệt hại nói trên.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nước này sẽ hỗ trợ hơn 10 triệu USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng lại nơi ở cho những người sống sót sau thảm họa động đất.
Hàn Quốc đã cử 142 nhân viên cứu hộ, quân nhân, nhân viên tổ chức phi chính phủ và quan chức bộ ngoại giao tới Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, giúp giải cứu tám người khỏi đống đổ nát và tham gia vào hoạt động tái thiết tại đây.
Trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra ngày 6/2 vừa qua và trên 10.000 dư chấn lớn sau đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 46.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 6.000 người tại nước láng giềng Syria, đồng thời phá hủy hoàn toàn hàng trăm nghìn ngôi nhà và căn hộ.
Đây là đợt thiên tai trầm trọng nhất tại khu vực này trong vòng một thập kỷ qua.
Lan tỏa tình yêu thương Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình....