Washington Post: Trump – Kim gặp ở VN có giúp thế giới an toàn hơn
Tờ báo hàng đầu của Mỹ nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội có những ý nghĩa thực chất như giúp thế giới trở nên an toàn hơn.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tràn ngập cờ hoa và kèn trống. Sự phô trương này đã bao phủ một hội nghị bị xem là thiếu thực chất và vắng bóng thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa.
“Với thành tích này, điều gì có thể xảy ra khi hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau sau hai tuần nữa tại Việt Nam?”, Washington Post đặt câu hỏi.
“Ngoại giao là khiến người khác đi theo đường của bạn”, cựu thủ tướng Canada Lester B. Pearson từng ví von. Tuy nhiên, câu nói này đúng với ông Kim nhiều hơn ông Trump.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Trump bắt tay tại Singapore vào ngày 12/6/2018. Ảnh: AP.
Theo Washington Post, kết quả tốt nhất có thể chỉ đơn giản là một bản lộ trình tiếp theo, mở các lối đi và đánh dấu vật cản, giúp cho cả hai bên an toàn hơn trong quá trình kéo dài một thập kỷ hướng tới mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, được xác minh đầy đủ” của Mỹ.
Quan điểm thực dụng của Mỹ
Trong thời gian trước hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài chính quyền Trump đang thúc đẩy một số ý tưởng thực dụng. Tiền đề của các cuộc thảo luận này là phi hạt nhân hóa không phải là sự rút lui đột ngột mà là quá trình theo giai đoạn. Nếu thành công, quá trình này sẽ hình thành động lực riêng và thúc đẩy an ninh.
“Rất khó để Triều Tiên từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và khả năng sản xuất của mình, ngay cả khi nước này tìm cách đàm phán các bước phi hạt nhân hóa một phần nhằm đạt được những sự nhượng bộ quan trọng của Mỹ và quốc tế”, Giám đốc Tình báo Quốc gia Daniel Coats phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 1. Đây cũng chính là cơ sở khiến các quan chức Mỹ không kỳ vọng nhiều vào mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Video đang HOT
Tổng thống Trump vẫn tỏ ra lạc quan trước đánh giá khắc nghiệt này. “Quan hệ của Mỹ với Triều Tiên đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Không có thử nghiệm, hài cốt được trao trả, các con tin trở về. Đây chính là cơ hội tốt cho phi hạt nhân hóa”, ông Trump viết trên Twitter.
Stephen Biegun, đặc phái viên của Trump về Triều Tiên, đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế trong bài phát biểu ngày 31/1 tại Đại học Stanford.
“Triều Tiên có vẻ vẫn chưa đưa ra quyết định tháo dỡ hoàn toàn và phá hủy khả năng (hạt nhân). Tất cả chúng ta đều biết điều đó”, ông nói. Theo ông Biegun, việc cần làm là “thay đổi đường hướng chính sách của họ bằng cách thay đổi hướng đi” của Mỹ.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun trước cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/9/2018. Ảnh: Reuters.
Ông Biegun đã thu thập ý kiến từ các chuyên gia của Stanford và tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế. Hai nhóm này đã chuẩn bị các tài liệu phân tích một số vấn đề cơ bản cho hội nghị ở Hà Nội.
Nhóm chuyên gia của Carnegie tập trung vào tầm quan trọng của việc dỡ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng đối với kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa kéo dài. Để thu thập thông tin cho các khuyến nghị của mình, họ đã tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc.
Thực chất của hội nghị Mỹ – Triều
Nhóm Carnegie nhận thấy sự hạn chế trong việc kiểm chứng đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên do nước này thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại và lưu giữ hồ sơ kém.
Nhóm này cho biết có thể tiến hành “kiểm chứng xác suất”, tức là không kiểm kê toàn bộ kho vũ khí nhưng vẫn đưa ra được đánh giá tổng thể đáng tin cậy về việc Bình Nhưỡng có tuân thủ quy trình hay không.
Nhóm Stanford tập trung vào các biện pháp cụ thể, có thể quan sát được về mức độ suy giảm của mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhóm này cho biết “năm 2018 đã có khoảng ngừng và một số giảm sút” sau khi ông Kim dừng thử hạt nhân và tên lửa cũng như đóng cửa một khu thử nghiệm hạt nhân. Điều đó cung cấp các căn cứ để đánh giá liệu các chính sách ngoại giao trong tương lai có duy trì tiến trình này hay không.
Bốn tên lửa đạn đạo được Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) phóng lên trong cuộc tập trận quân sự trong bức ảnh được KCNA phát hành vào ngày 7/3/2017. Ảnh: AFP/Getty.
“Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí và chương trình vũ khí của mình cho đến khi an ninh có thể được đảm bảo”, các chuyên gia Stanford lập luận. “Sự đảm bảo như vậy không thể đạt được chỉ bằng lời hứa của Mỹ hoặc một thỏa thuận trên giấy tờ, nó sẽ đòi hỏi khoảng thời gian đáng kể để cùng hợp tác và tìm hiểu lẫn nhau có thể kéo dài đến 10 năm”, nhóm chuyên gia nhận định.
Nhóm Stanford cho rằng nên cho phép Bình Nhưỡng giữ lại một chương trình hạt nhân dân sự và một chương trình không gian hòa bình để an ủi và cũng là tạo việc làm cho các nhà khoa học Triều Tiên cũng như tăng khả năng kiểm tra.
Ông Trump chắc chắn sẽ tăng cường truyền thông cho hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Vì vậy, các chuyên gia nên phân tích kỹ các chi tiết của bất kỳ thỏa thuận nào tại hội nghị và liệu thỏa thuận đó có tiếp tục làm giảm mối đe dọa quân sự của Triều Tiên hay không.
“Tổng thống Trump đã sẵn sàng kết thúc cuộc chiến này. Nó đã chấm dứt. Nó đã qua. Chúng tôi sẽ không xâm chiếm Triều Tiên. Chúng tôi không tìm cách lật đổ chế độ Triều Tiên. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một tương lai khác. Nó lớn hơn phi hạt nhân hóa, trong khi nó đứng trên nền tảng phi hạt nhân hóa”, Biegun phát biểu tại Stanford trước khi lên đường sang Triều Tiên đàm phán.
“Hội nghị thượng đỉnh của Trump và Kim… cũng có những điều cơ bản và thực chất có thể làm cho thế giới an toàn hơn”, Washington Post kết luận.
Theo Zing.vn/Washington Post
Bộ sậu tình báo Mỹ vẽ gì trong bức tranh 'đe dọa toàn cầu'?
Ngày 29-1, các lãnh đạo tình báo Mỹ đã có buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về "các mối đe dọa toàn cầu".
Tham gia cuộc điều trần có Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Dan Coats, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Gina Haspel, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Robert Ashley, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Paul Nakasone và Giám đốc Cơ quan Tình báo Địa Không gian (NGA) Robert Cardillo.
Các lãnh đạo tình báo Mỹ phác thảo bức tranh khá bi quan, trái sự lạc quan của chính phủ Trump về các điểm nóng có nguy cơ cao với Mỹ như Triều Tiên, Iran, Nga, Trung Quốc (TQ).
Nga và TQ được nhắc đến nổi bật như hai rủi ro lớn nhất với Mỹ, đặc biệt về chuyện tội phạm mạng. Theo ông Coats, TQ là "một đe dọa do thám mạng dai dẳng và là một đe dọa ngày càng tăng với các hệ thống quân sự và hạ tầng cốt lõi" của Mỹ. TQ có khả năng sẽ sử dụng các tập đoàn công nghệ để do thám Mỹ và đồng minh. Nỗi lo này của ông Coats được Bộ Quốc phòng Mỹ chia sẻ với việc cấm các tập đoàn Huawei, ZTE đưa sản phẩm vào các căn cứ quân sự Mỹ.
Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 29-1. Ảnh: REUTERS
Giám đốc FBI Wray cũng cho rằng "đe dọa phản gián của TQ sâu sắc, đa dạng, toàn diện, nhiều thách thức và nhiều lo ngại hơn bất kỳ đe dọa phản gián nào". Ông Wray cho biết gần như toàn bộ các vụ việc do thám kinh tế FBI điều tra đều có liên quan đến TQ.
Về Nga, ông Coats cho rằng Nga có thể sẽ lèo lái ảnh hưởng chính sách, hoạt động và bầu cử Mỹ.
Theo ông Coats, TQ và Nga đang ngày càng xích lại gần nhau để đối phó Mỹ, trong khi đó Mỹ lại bị nhiều đồng minh lảng ra xa vì bất đồng với các chính sách của Mỹ về an ninh và thương mại.
Tại buổi điều trần, ông Coats đưa ra nhiều quan điểm trái với chính phủ Trump, đặc biệt về Triều Tiên, Iran, IS. Theo ông Coats, Triều Tiên "không có vẻ" sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi đó Iran hiện "không có hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân" như nhiều quan chức chính phủ Trump nói.
Ông Coats nhận định IS sẽ tiếp tục hoành hành Syria cũng như Iraq, chống lại các kẻ thù khu vực và phương Tây trong đó có Mỹ. Trong khi ông Trump cuối năm ngoái thông báo rút quân ở Syria về nước vì cho IS đã bị đánh bại.
ĐĂNG KHOA
Theo PL
Những điểm đáng chú ý trong chiến lược tình báo mới của Mỹ Các cơ quan tình báo Mỹ đang phải đối phó "các mối đe dọa phức tạp và đa dạng chưa từng thấy" từ một loạt các đối thủ, một báo cáo dài 36 trang về chiến lược tình báo mới của Mỹ cho biết. Trung Quốc và Nga là những cái tên được nhắc tới trong chiến lược này. Mỹ rất lo ngại...