‘War for the Planet of the Apes’: Cuộc đấu trí giữa người và khỉ
“War for the Planet of the Apes” vượt lên trên tầm một bom tấn giải trí và giúp trilogy “Hành tinh khỉ” mang tính tư tưởng đặc sắc.
Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Matt Reeves
Diễn viên chính: Andy Serkis, Woody Harrelson
Zing.vn đánh giá: 8/10
Sau Logan, War for the Planet of the Apes là bộ phim thứ 2 của năm nay khiến tôi bước ra khỏi rạp mà vẫn chìm đắm trong không khí mà bộ phim tạo ra. Một bộ phim mang màu sắc sử thi, đặt lại vấn đề về giống loài, triết lý tồn tại và sức mạnh của trí não.
Ở đó, có những con khỉ đã vươn đến đỉnh cao của trí tuệ, của một anh hùng, của một nhà lãnh đạo với tầm nhìn sáng suốt. Ở đó, cũng có những con người chìm đắm trong sự tự ngã, ngạo mạn và dần dần điên loạn do ảo tưởng về giống loài.
Những nghiên cứu chỉ ra rằng khỉ có chỉ số thông minh cao và chỉ xếp sau chỉ số thông minh của người. Có đến 99% cấu trúc ADN của con tinh tinh giống với con người. Cấu trúc não bộ của khỉ và con người tương đồng.
Thế nhưng loài người luôn tự cho mình là đạt đến tiến hóa thượng đẳng, còn tất cả các loài còn lại, kể cả khỉ, đều chỉ là những loài động vật chưa tiến hóa hoàn thiện.
Tại sao khỉ giỏi hơn người?
Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Hành tinh khỉ của nhà văn Pháp Pierre Boulle (Tao Đàn vừa xuất bản), được viết từ năm 1963, là chất liệu và cảm hứng cho gần chục bộ phim về hành tinh khỉ, bắt đầu từ năm 1968 đến mới đây nhất là War for the Planet of the Apes (2017).
Tất nhiên, bộ ba gần đây chỉ còn lấy cảm hứng từ concept Planet of Apes mà Pierre Boulle tạo ra mà thôi, và cùng lắm là lấy cảm hứng từ một vài nhân vật (trường hợp này, giới chuyên môn gọi là “based upon characters created by”).
Video đang HOT
Cuộc chiến giữa con người và loài khỉ trong War of the Planet of the Apes.
Dù vậy, để có thể hiểu thấu đáo về loạt phim này cũng như lý giải tại sao loài khỉ luôn vượt lên loài người trong mọi cuộc chiến, thậm chí là loài khỉ thống trị loài người và coi loài người như thú, bị nhốt trong chuồng thì Hành tinh khỉ của Pierre Boulle là một nguồn tham chiếu tuyệt vời.
Tiểu thuyết của Pierre Boulle viết về thời tương lai, năm 2500, một phi thuyền đáp xuống một hành tinh lạ trong hệ mặt trời. Ở đó, bọn họ phát hiện ra loài người như ở Địa cầu, thậm chí xinh đẹp tuyệt mỹ như nhân vật Nova, nhưng bọn họ không nói được, và ăn lông ở lỗ.
Sau khi bị rơi vào một cuộc phục kích của khỉ, Ulysse Merou – một nhà báo, người kể chuyện và viết lại câu chuyện trên Hành tinh khỉ này – phát hiện ra kẻ thống lĩnh của hành tinh Soror (được giải thích là một dạng hành tinh “chị em” với Địa cầu) là loài khỉ. Ở đây, khỉ được phân chia đẳng cấp, có ngôn ngữ riêng, mặc quần áo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn chương…
Còn loài người có hình dáng tương tự như ở trái đất, do một bước chậm tiến hóa nào đó, lại trở thành những con thú bị khỉ đi săn và nhốt trong cũi làm trò mua vui cho khỉ.
Thậm chí, nhân vật giáo sư Antelle, một nhà khoa học thông thái, kẻ đồng hành cùng Ulysse Merou trên chiếc phi thuyền, sau khi bị loài khỉ nhốt trong chuồng với những con người – thú trên hành tinh này cũng bị đồng hóa và đánh mất toàn bộ trí tuệ.
Lý giải về sự thống lĩnh của loài khỉ trên hành tinh Soror, Zira, một con khỉ cái thông minh phát hiện ra những biểu hiện “thông thái” đặc biệt ở Ulysse Merou và làm bạn với anh ta. Zira nói với Merou rằng: “Não của khỉ, phát triển phức tạp và có tổ chức, trong khi não của người hầu như không có sự biến đổi nào”.
Và, “trí não của khỉ phát triển vì chúng có bốn tay khéo léo. Chỉ có 2 tay với các ngón ngắn và vụng về, nên loài người sinh ra đã mang khuyết tật, không thể tiến hóa và nhận thức về vũ trụ…”.
Khỉ cũng cho rằng chúng là loài tiến hóa ưu việt hơn con người, bởi: “Việc có bốn tay là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển tư duy. Nhờ có bốn tay, trước hết loài khỉ có thể leo trèo, nhờ đó hình dung được không gian ba chiều, trong khi đó loài người, do thể chất khiếm khuyết phải đóng đinh trên mặt đất, nên chỉ chìm nghỉm trong không gian phẳng”.
Xem War for the Planet of the Apes, tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết này. Trong trận đại chiến ở cuối phim, khi một trận lở tuyết kinh hoàng xảy ra, loài người dù sở hữu những vũ khí giết chóc, khoa học tối tân lại trở thành những loài động vật yếu ớt “đóng đinh trên mặt đất” và bị vùi lấp trong giây lát.
Ngược lại, loài khỉ, với bản năng sống với tự nhiên, với sự ưu việt của loài 4 tay và hình dung được không gian 3 chiều, nhanh chóng leo lên những ngọn cây cổ thụ trong rừng và sống sót sau trận lở tuyết kinh hoàng.
Quay trở lại với tinh thần của War for the Planet of the Apes, phần 3 của trilogy tiền truyện (xảy ra trước câu chuyện của thời tương lai trong Planet of the Apes) vẫn tiếp tục giữ được tinh thần của 2 phần trước, và phần nào đó nâng nó lên một tầm cao mới.
Gọi là “War”, nhưng phần chiến tranh giữa loài khỉ với loài người chỉ diễn ra ở khoảng 1/3 thời lượng đầu và cuối phim. Khoảng 2/3 còn lại của bộ phim dài 140 phút này là những cuộc đấu trí, những cuộc đối đầu giữa khỉ và người.
Caesar khôn ngoan không khác các nhà quân sự.
Ở đó, hai giống loài đã phát triển gần như ngang nhau về trí tuệ nhận ra bọn họ không thể sống chung hòa bình trên một địa cầu. 2/3 thời lượng để xây dựng và phát triển câu chuyện cho trận đánh cuối cùng của bộ phim, có thể làm nhiều người xem nản bởi nó nặng nề và triết lý mà ít hành động “cứ 10 phút lại có một trận đánh” như công thức của các bom tấn thông thường.
Nhưng cũng nhờ thế, War for the Planet of the Apes vượt lên khỏi tính giải trí và trở thành một trilogy có tính tư tưởng hơn hẳn loạt phim gần đây do Tim Burton đạo diễn, đơn thuần minh họa lại cuốn tiểu thuyết của Pierre Boulle một cách mờ nhạt và thiếu sáng tạo.
Trong 2/3 thời lượng nặng nề để xây dựng, phát triển tâm lý và khá đen tối đó, Caesar (từ diễn xuất mô phỏng bậc thầy của Andy Serkis) hiện lên như một người anh hùng thật sự.
Cảm hứng từ phim chiến tranh kinh điển
Caesar là một con khỉ có trí thông minh siêu việt, được đẻ ra từ phòng thí nghiệm, được nuôi nấng bởi con người, bị con người nhốt vào cũi, đoàn kết với những con khỉ khác để nổi loạn, khởi nghĩa và bỏ trốn vào rừng tạo ra hành tinh khỉ.
Nó tiếp tục chiến đấu trong nội bộ khi có kẻ phản loạn, và phần này là đối đầu trực tiếp với loài người khi viên đại tá tàn bạo đột nhập vào tận hang ổ của nó và giết chết vợ và con trai.
Những biến cố trong cuộc đời nhiều sóng gió khiến Caesar có sự trầm tĩnh, khôn ngoan của một nhà quân sự, một thủ lĩnh tài ba. Caesar tha chết cho 4 tên lính và trả chúng về cho viên đại tá với một thông điệp rằng khỉ chọn hòa hơn là chiến đấu chống con người.
Nhưng khi viên đại tá tàn độc giết chết những người thân yêu nhất của Caesar, thì mục tiêu duy nhất của nó chỉ còn là báo thù. Caesar là một “character” xuất sắc nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi sở hữu những phẩm chất kiệt xuất của một con người, một kẻ phải tự đấu tranh với nội tâm của chính mình giữa yêu thương và lòng thù hận, giữa việc bảo vệ giống loài và xung đột đầy bạo lực với loài người để tồn tại.
Thời lượng gần 1 tiếng đồng hồ Caesar bị bắt và bị tra tấn bởi tên đại tá và một con khỉ đồng loại phản bội. Đó là thời lượng cần có cho cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng giữa loài khỉ và loài người.
Nếu Caesar là một đại diện ưu tú cho sự phát triển trí tuệ và tình yêu thương đồng loại, thì viên đại tá (qua diễn xuất của Woody Harrelson) là đại diện cho sự điên loạn, ảo tưởng và thoái hóa trí não của loài người khi chìm sâu trong những cuộc chiến bất tận.
Caesar phần nào gợi nhớ đến nhân vật viên trung úy Fontaine trong bộ phim xuất sắc A Man Escaped (1956) của đạo diễn người Pháp Robert Bresson hay những bộ phim lấy đề tài vượt ngục xuất sắc khác của Mỹ như The Great Escape (1963), The Shawshank Redemtion (1994).
Còn viên đại tá của Woody Harrelson lại là một phiên bản tàn độc hơn của đại tá Kurtz trong bộ phim Apocalypse Now (1979) của đạo diễn Francis Ford Coppola – một kẻ phải sống quá lâu trong những cuộc chiến tranh bạo lực, những trận chiến đầy xác người và dần dần khiến hắn ta rơi vào sự điên loạn và hoang tưởng.
Gã đại tá tàn độc do Woody Harrelson thủ vai.
Rõ ràng là tay đạo diễn Matt Reeves dành sự “tri ân” không nhỏ cho bộ phim mà anh ta lấy làm cảm hứng. Hôm qua ngồi xem tôi bật cười khi thấy dưới đường hầm trốn thoát của bầy khỉ, có một dòng chữ khắc trên bức tường: “Ape-pocalypse Now” (Sự tận thế của bầy khỉ).
Kịch bản của Mark Bomback, Matt Reeves đào sâu hơn vào sự đen tối và những mâu thuẫn không thể hòa hợp giữa hai giống loài. Phim xây dựng hai nhân vật đối đầu xuất sắc là Caesar và The Colonel – hai hình mẫu của người hùng và kẻ điên loạn.
Ngoài ra, War còn có một hệ thống nhân vật vệ tinh với những character được khắc họa rõ nét: từ những con khỉ đồng hành và cánh tay phải đắc lực của Caesar đến những con khỉ phản bội đồng loại, từ những tên lính tuân phục mệnh lệnh như robot đến những kẻ nô lệ luôn tìm cách vùng dậy.
Và con người duy nhất còn tồn tại đến cuối bộ phim, là cô bé gái bị dịch cúm khỉ, không nói được và được nhóm của Caesar giải cứu. Khi cuộc chiến giữa người và khỉ kết thúc, cô bé ngây thơ này tiếp tục sống với loài khỉ.
Phải chăng, đây là gợi ý cho một trilogy tiếp theo về Hành tinh khỉ, bám sát nguyên tác của Pierre Boulle trên tinh thần sáng tạo hơn? Bởi rõ ràng trong cuốn tiểu thuyết này, Pierre đã mô tả loài khỉ như những động vật tiến hóa cao nhất trong hành tinh của nó, còn loài người chỉ là một bầy thú ăn lông ở lỗ và không có khả năng ngôn ngữ.
Theo Zing