Vượt vạn dặm tìm ngắm trà mi giữa đại ngàn
hạc sĩ (ThS) Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh ĐH Đà Lạt kể, năm 2008, PGS – TS Trần Ninh, lúc ấy còn là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ông Hakoda (Chủ tịch Hiệp hội trà mi Nhật Bản) cùng đoàn khách Nhật đến nhờ ông Dũng hướng dẫn đi tìm hoa trà mi ở rừng Lâm Đồng.
Hồi đó ông đang say sưa với cổ thực vật, cây thuốc nhuộm… chứ không có khái niệm gì về trà mi. Tuy nhiên, vì các nhà nghiên cứu đã vượt hàng ngàn dặm đến đây nên ông nhận lời dẫn đường.
ThS Dũng khảo sát trà mi trong rừng
Tìm trà mi giữa đại ngàn như đáy biển mò kim
Núi rừng mênh mông biết trà mi ở đâu mà tìm? Ông Dũng trầm ngâm: Dựa vào tài liệu mà các nhà khoa học đã công bố, kiến thức của các chuyên gia trong đoàn, thông tin từ kiểm lâm, người bản địa và cả những thợ rừng nữa. Tuy nhiên càng đi càng thấy thật khó tìm bởi nhiều loài đã mất tích quá lâu trong khi thông tin về chúng rất ít ỏi.
Chẳng hạn, loài trà mi đặc hữu mang tên ngọn núi cao bậc nhất nam Tây Nguyên là Lang Biang đã được nhà nghiên cứu người Pháp tìm thấy năm 1939. Lúc ấy, người phát hiện chỉ ghi chép một vài thông tin về tọa độ, độ cao, phân bố rồi lấy mẫu trà mi ép vào tờ báo, kèm theo tấm ảnh đen trắng giao cho bảo tàng.
Từ đó đến nay, chẳng có ai khác công bố đã nhìn thấy loài này; hồ sơ khoa học cũng không ghi cụ thể địa điểm phát hiện, không chú thích về màu sắc của hoa nên đến tận bây giờ, nhiều người tò mò không biết trà mi Lang Biang có màu gì.
Tương tự, loài trà mi Krempf do ông Krempf phát hiện năm 1912 trên núi Hòn Giao, Khánh Hòa từng bị cho là đã tuyệt chủng. Trong bản mô tả lần đầu không hề có thông tin về hình dáng quả, màu sắc của hoa…
Nhiều nhà nghiên cứu đinh ninh loài trà mi này ra hoa màu trắng, thế nhưng, tháng 10 năm ngoái, khi ông cùng hai cán bộ Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà phát hiện lại trà mi Krempf sau hơn một thế kỷ mất tích mới vỡ lẽ loài này nở hoa màu hồng chứ không phải trắng.
Trà mi rất khan hiếm, hầu hết các loài đều phân bố hẹp, mọc loanh quanh một chỗ, mỗi quần thể chỉ vài chục cây, nhiều nhất là vài trăm cây. Giữa những cánh rừng rộng lớn từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn héc ta thì việc tìm kiếm những quần thể trà mi hiếm hoi, đặc biệt là trà hoa vàng chẳng khác nào đãi cát tìm vàng, mò kim đáy bể…
Thế nhưng, chẳng rõ có phải vì có duyên với trà mi hay không mà ngay trong đợt khảo sát đầu tiên ông đã giúp họ phát hiện được loài cần tìm.
Trà mi trong rừng Lâm Đồng
Video đang HOT
Chứng kiến cảnh 10 người từ 70 – 80 tuổi đồng loạt vỗ tay, reo hò như trẻ nhỏ khi nhìn thấy hoa nở và thái độ cẩn trọng, nương nhẹ khi cắt cành hoa (để nghiên cứu) như sợ làm đau, làm hỏng vẻ đẹp của cây, Thạc sĩ Dũng thực sự ngưỡng mộ niềm đam mê, trân trọng trà mi của người Nhật.
Từ đó, cứ vào khoảng tháng 10 – 11 hàng năm, ông Hakoda đều tổ chức cho các hội viên của Hiệp hội trà mi Nhật Bản đi tham quan trà mi ở rừng Lâm Đồng và lần nào cũng nhờ ông Dũng hướng dẫn.
Đoàn chỉ có một số chuyên gia còn phần lớn là những tín đồ mê hoa, vượt ngàn dặm xa xôi chỉ vì thú chơi tao nhã là thưởng thức trà mi.
Một số người tự nhận là khách amateur đi xem hoa mà kiến thức về trà mi chẳng kém các chuyên gia. Thạc sĩ Dũng học hỏi rất nhiều điều từ họ và nhiễm vi rút mê trà mi từ lúc nào chẳng rõ.
Hai công bố quốc tế về trà mi
Năm 2011, ĐH Đà Lạt được tỉnh giao đề tài Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài trà mi ở Lâm Đồng. ThS Dũng cùng các đồng nghiệp đã lặn lội khắp chốn rừng sâu núi thẳm, chinh phục các đỉnh cao Bidoup 2.287m, Lang Biang 2.167m…
Loài trà hoa vàng được phát hiện đầu tiên trên thế giới
Nhiều chuyến băng rừng vượt suối kéo dài hàng tuần mà nàng hoa cao sang này vẫn bặt bóng chim tăm cá. Nhóm nghiên cứu đã định quay về, nhưng khi nhìn sang khu vực lân cận, thấy sinh cảnh phù hợp với trà mi thì cố nán lại, tiếp tục đi tìm.
ThS Dũng hồi tưởng, gian nan nhất là tìm Camellia Dormoyana – loài trà hoa vàng đầu tiên của thế giới từng được người Pháp phát hiện tại Lâm Đồng vào thập niên đầu của thế kỷ XX và công bố trên Thực vật chí Đông Dương.
Tác giả không ghi cụ thể địa điểm, do đó, để tìm lại loài hoa này, chúng tôi phải tổ chức nhiều chuyến khảo sát với sự hướng dẫn của người dân bản địa, mỗi lần đi – về tới mấy trăm cây số và phải đến chuyến thứ ba mới gặp được tại huyện Đạ Huoai.
Nếu phát hiện trà mi vào đúng thời điểm cây đang trổ hoa thì quá lý tưởng cho việc lập hồ sơ khoa học. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp dù đã nhìn thấy trà mi nhưng phải chờ đến mùa cây ra hoa để quay lại chụp ảnh, lấy mẫu nghiên cứu; gặp hoa rồi lại phải tiếp tục đợi đến lúc đậu quả…
Không ít lần, thắc thỏm chờ đợi hàng tháng trời, đến khi quay lại thì cả vạt rừng, trong đó có trà mi đã bị vạt trọc để trồng cà phê, ca cao…
Đoàn khảo sát như chết đứng vì tiếc nuối, hẫng hụt. Trà mi tự nhiên thường phân bố nhiều ở vùng rừng nghèo kiệt hoặc rừng hỗn giao tre nứa – gỗ. Các loại rừng này dễ bị chuyển đổi thành rừng sản xuất và khi điều đó xảy ra, trà mi sẽ bị chặt bỏ theo.
Nhiều quần thể trà mi quý hiếm đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng không chỉ do rừng bị phá quá nhanh mà còn vì nạn khai thác trà mi trong tự nhiên để làm cây cảnh (mỗi gốc trà mi có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng); thu hái nụ để bán cho Trung Quốc với giá khoảng 1 triệu đồng/kg…
Trong hai năm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 2 loài trà mi mới cho khoa học và tìm lại 9 loài ngỡ đã tuyệt chủng. ThS Dũng kể, khi vào rừng Phát Chi (TP Đà Lạt) khảo sát cây thuốc, ông Nguyễn Tập (Viện Dược liệu tại Hà Nội) nhìn thấy loài cây nghi là trà hoa vàng, liền báo cho TS Trần Ninh, người đã công bố hơn 20 loài trà mi mới cho khoa học.
Hay tin, ông Hakoda cũng bay từ Nhật sang rồi cùng chúng tôi vào tận rừng sâu khảo sát. Nhận định đây là loài mới, chúng tôi đã tiến hành phân tích, công bố trên Tạp chí trà quốc tế năm 2012 với tên gọi là Camellia dalatensis (Trà mi Đà Lạt).
Năm người khác cũng theo ông Hakoda bay từ Nhật sang để tham quan loài hoa này. Đường vào rừng Phát Chi rất xấu, phải thuê những người lái xe thồ chở đi, sau đó tiếp tục lội bộ vài cây số nữa.
Ông Dũng sợ người già không chịu nổi sự giồng sốc, thế nhưng mọi người đều tươi tỉnh, trò chuyện vui vẻ, không ai bỏ cuộc. Đến nơi, họa sĩ Yoko Katuta ngoài 80 tuổi ngồi dưới gốc cây vẽ hoa trà mi luôn. Bà từng vẽ trà mi ở VQG Cúc Phương và tác phẩm này đoạt giải thưởng của Hiệp hội trà mi thế giới.
Năm 2013, bộ ba Hakoda – Trần Ninh – Lương Văn Dũng lại công bố một loài trà hoa vàng mới là Camellia dilinhensis (Trà mi Di Linh) tại hội nghị trà mi ở Nam Ninh (Trung Quốc). Loài này phân bố ở khu vực nào tại huyện Di Linh? Sau một thoáng ngập ngừng, ThS Dũng đáp: Không nên tiết lộ địa điểm cụ thể bởi loài này quý hiếm lắm, hiện chỉ phát hiện được một quần thể nhỏ với 30 cây.
Nếu người khác tìm thấy, bứng đi hoặc chặt phá mất thì không còn cây mẹ để nhân giống, e rằng loài này sẽ tuyệt chủng mất. ThS Dũng chỉ cho biết đường vào khu vực đó hiểm trở lắm, đồi dốc nghiêng hơn 45 độ, có những đoạn phải bò, chống gậy, bám vào dây leo hoặc cây hai bên đường mà đi.
Đại học Đà Lạt đã phối hợp nghiên cứu nhân giống hàng ngàn cây trà mi bằng các phương pháp nuôi cấy mô, giâm hom, chiết cành để cung cấp cho VQG Bidoup-Núi Bà, lập vườn sưu tập trà mi…ThS Dũng nói, các nước Mỹ, Pháp không sở hữu loài trà mi tự nhiên nào nhưng vẫn xây dựng được những vườn sưu tập trà mi khổng lồ, độc đáo thu hút rất đông khách tham quan.
Trong khi Việt Nam là một trong hai trung tâm trà mi lớn nhất thế giới lại chưa có vườn sưu tập nổi tiếng nào thì thật phi lý. Ông Dũng cho biết thêm, Lâm Đồng có tới hàng chục loài trà mi tự nhiên với đủ các sắc màu, mỗi loài có vẻ đẹp riêng với những đóa hoa rực rỡ, sang trọng, lâu tàn.
Chúng tôi đang xây dựng vườn sưu tập trà mi bản địa Lâm Đồng vừa để bảo tồn nguồn gen vừa có sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách tham quan.
Việt Nam có khoảng 60 loài trà mi tự nhiên, đứng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Cũng chỉ hai nước này phát hiện được các loài trà hoa vàng quý hiếm, có giá trị kinh tế và y dược rất cao, đặc biệt nụ hoa chứa một số hợp chất có thể chiết xuất để điều chế thuốc chữa ung thư.
Theo Kim Anh (Tiền Phong)
Vua lửa, nghi lễ cầu mưa và những kỳ bí của đại ngàn
Tầm ảnh hưởng của gươm thần và sức mạnh có thể điều khiển trời đất của các Vua lửa lan truyền trong cộng đồng các bộ tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên, với nhiều huyền tích...
Nghi lễ cúng cầu mưa được minh họa lại bằng tranh vẽ
Sau cái chết đáng tiếc của vị Vua lửa đầu tiên Ksor Chlơi, chức danh Pơtao Pui được truyền cho một người uy tín khác có tên là RơChom TơRũl. Ban đầu cũng như Ksor Chlơi, vị Vua lửa thứ hai này cũng chỉ biết cất giữ gươm thần, thực hiện việc phân xử những điều chưa hợp lý trong cộng đồng người Jarai lúc bấy giờ.
Nhưng sau đó, nhờ một cụ già trong làng có tên Rơchom Bỗ mà việc cúng tế cầu mưa bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, thời gian ấy việc cúng tế không thường xuyên và cũng không được nhiều người nhắc đến trong những câu chuyện kể.
Thầy cúng Rơchom Bỗ chỉ truyền hết những lời khấn và cách cúng tế gươm thần cho người con gái họ Siu của mình. Vì người Jarai theo chế độ mẫu hệ nên người con gái cũng có thể đảm trách những trọng trách trong cộng đồng. Khi đến tuổi trưởng thành, con gái của Rơchom Bỗ để ý một chàng trai tên là Rơchom Anur và hỏi cưới anh ta làm chồng.
Trong quá trình chung sống, vợ của Rơchom Anur cũng như Rơchom Bỗ đã truyền lại toàn bộ nghi thức cúng tế cho Anur biết. Một thời gian không lâu sau đó, tiếng tăm của Rơchom Anur đã được người trong vùng biết đến. Rồi khi RơChom TơRũl chết vì bệnh tuổi già, thanh gươm được người Jarai trao lại cho RơChom Anur, vị Vua lửa thứ ba. Bắt đầu từ đây, nghi lễ cúng cầu mưa bằng gươm thần bắt đầu hình thành và ngày càng hoàn thiện qua thời gian.
Ngày nay, nghi lễ cầu mưa được Vua lửa thực hiện trên một miếng đất rộng đã được quét sạch sẽ hoặc ngay trong chính ngôi nhà sàn rộng rãi của các Vua. Trong lễ cúng, những lão làng Jarai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải bức chiếu trên vạt cỏ bên cồn đất để Vua lửa ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên những hồi chiêng trống. Những người khác lo nhóm bếp nhen lửa.
Nghi lễ cầu mưa
Lễ vật theo nghi thức phải gồm đủ các thành phần như một ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, gạo, một con heo thui được bỏ nội tạng, cắt ra bày trên đĩa đan bằng tre. Ngoài ra còn có một ghè nước để tại bến nước, một giùi tre cắm một mũi tên phía sau buộc 3 lông đuôi gà trống là linh vật để ở lối dẫn ra khu nhà mồ báo cho "những con ma biết mà về".
Khi lễ vật và các thủ tục cần thiết được hoàn tất, Vua lửa bắt đầu bước vào khu vực hành lễ và tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó Vua lửa sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải. Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng. Vừa khấn, Vua lửa vừa lấy gạo vãi ra chiếu mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ.
Khi làm lễ, Vua lửa lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, Vua lửa cũng không quên cầm cây gươm thần, chỉ hướng từ đông sang tây, vừa luôn miệng cầu khấn, mong Yàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn, con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục, mọi người ai cũng được hưởng phúc của Yàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái.
Lễ cầu mưa diễn ra, trong làng không ai bảo ai, mỗi nhà đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc chung. Ngày làm lễ cầu mưa, cả làng đều nghỉ làm nương cùng tham dự. Tại lễ cầu mưa, thầy cúng dựng 4 cây gậy cao hơn 1m và để trên đó một đài được đan bằng tre, bên trên để một tàu lá chuối, trên đó thắp một cây nến, một miếng thịt vai, một đĩa gạo lẫn muối, 1 chén rượu. Khi nào nến tắt cũng là lúc xong lễ. Những địa phương khác muốn cầu cho mưa thuận gió hòa thì phải mang theo lễ vật gồm "lợn hai người khiêng, ché rượu cũng phải hai người khiêng".
Cúng xong, cũng có khi mây đen ùn ùn kéo đến và đổ mưa tức thì nhưng cũng có khi ngày hôm sau trời mới đổ nước. Thế nhưng, dù thế nào thì khi kết thúc lễ cúng, những chàng trai, cô gái Jarai cũng sẽ bước ra cạnh bếp lửa, thể hiện những điệu múa truyền thống độc đáo của mình làm cho tinh thần của đồng bào càng thêm phấn khởi. Sau những hớp rượu cần chuếnh choáng, ai về nhà nấy và ngày hôm sau họ lại bắt tay tiếp tục vào công việc để thực hiện ước muốn một mùa bội thu.
(Còn nữa)
Theo PLVN
"Âm vang đại ngàn" Tiếp nối thành công của Lễ hội "Sắc Xuân Tây Bắc" ngày 26-4, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Lễ hội "Âm vang đại ngàn" như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành tặng đồng bào các dân tộc của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Diễn ra...