Vượt núi, băng rừng tìm lại giống lúa quý
Để tìm lại giống lúa bản địa quý hiếm đã bị thất truyền, bà Hồ Thị Con – một phụ nữ Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã một mình vượt rừng vào tận Quảng Trị, lặn lội sang tận Lào…
Giống lúa quý thất truyền
Nhắc đến bà Hồ Thị Con, nhiều người trong xã, trong huyện, thậm chí cả tỉnh, cả nước đều biết khi bà là người phụ nữ đầu tiên dám phá bỏ tục “nối dây” (tập tục người phụ nữ Vân Kiều có chồng mà chẳng may người chồng chết trước thì họ sẽ phải tiếp tục làm vợ của anh hoặc em trai chồng).
Bà Hồ Thị Con bên giống lúa nếp đen đang làm đòng mà bà đã cất công tìm lại. Ảnh: P.P
Giống lúa Chà Và và nếp đen là những giống lúa bản địa của người Vân Kiều nhưng nó đã bị thất truyền. Một phần nguyên nhân là do một thời gian dài qua, người Vân Kiều ở Trường Sơn thiếu đất để trỉa lúa, do phần lớn đất đai đều do các nông lâm trường quản lý. Hiện nay, xã đã được UBND tỉnh cắt gần 4.000ha đất cho bà con sản xuất. Với việc tìm lại giống quý của bà Con, sắp tới UBND xã họp cùng các già làng, trưởng bản để quy hoạch cụ thể diện tích đất để trồng và phát triển giống lúa này để xóa đói, giảm nghèo cho người dân và lưu giữ nét bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều.
Năm nay bà Hồ Thị Con (59 tuổi), đã nghỉ hưu. Tưởng rằng, ở cái tuổi này, bà Con sẽ yên tâm nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu. Nhưng cái “bụng” của bà vẫn chưa yên, cái chân buộc phải đi vì có một việc, khi còn công tác bà luôn đau đáu. Đó là tìm lại 2 giống lúa bản địa quý hiếm của người Vân Kiều đã bị thất truyền. Bà Con kể rằng, xưa người Vân Kiều sống du canh, du cư khắp núi rừng Trường Sơn. Trong hành trình của mình, người Vân Kiều đã có 2 giống lúa và nếp rẫy phù hợp với đất đồi rừng, hạt gạo chắc mẩy, thơm dẻo vô cùng đó là giống lúa Chà Và và nếp đen. Khi người Vân Kiều được Nhà nước vận động sống định canh định cư, được cấp những giống lúa mới có năng suất cao hơn và do còn lại ít đất canh tác nên họ đã để thất truyền 2 giống lúa bản địa quý hiếm nói trên.
“Giống lúa Chà Và và nếp đen ngon, quý bởi nó có hạt to, béo, thơm dẻo và giàu chất dinh dưỡng. Ngày xưa người Vân Kiều cực khổ lắm, cuộc sống du cư, du canh nay đây mai đó nên rất thiếu thức ăn. Với hạt gạo Chà Và, hạt nếp đen người Vân Kiều nấu lên ăn kèm muối đâm nhuyễn với ớt rừng xanh, có thể ăn từ năm này qua tháng khác vẫn không ngán, vẫn thấy ngon. Hạt cơm càng nhai càng thấy béo vô cùng. Hàng chục năm không được ăn cơm, ăn xôi nấu từ hạt lúa Chà Và và hạt nếp đen nhưng mình vẫn không thể nào quên được, thế là quyết tâm đi tìm” – bà Con chia sẻ.
Một mình sang Lào tìm lại giống quý
Video đang HOT
Phụ nữ Vân Kiều sảy gạo nếp đen hông xôi đãi khách. Ảnh: P.P
Năm 2014, nhận quyết định nghỉ hưu hôm trước, hôm sau bà Con đã chuẩn bị “cơm đùm, gạo bới”, một mình một chiếc xe máy lên đường. Thấy mẹ chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi dài, các con bà có hỏi nhưng bà chỉ bảo đi thăm thú bà con, chứ không nói đi tìm lại giống lúa.
Chuyến đi đầu tiên, bà Con vào các huyện miền núi nơi có người Vân Kiều sinh sống ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. May mắn, bà Con tìm được giống lúa Chà Và ở Hướng Hóa, Quảng Trị, tuy nhiên giống nếp đen vẫn bặt vô âm tính. Trở về lại nhà, bà Con cố nhớ lại, cố “định vị” lại xem trước đây có những người Vân Kiều nào ở Trường Sơn đi sinh sống ở nơi khác và đến chơi ở xã…
Nghĩ mãi, cuối cùng bà Con nhớ ra mình có một người bà con hiện đang sinh sống bên đất Lào nhưng cũng đã mất liên lạc hàng chục năm nay rồi. Chỉ là một manh mối nhỏ nhoi, nhưng hôm sau con cháu của bà Con lại thấy mẹ khăn gói lên đường. Từ xã Trường Sơn, chỉ bằng chiếc xe máy bà Con vượt hàng trăm cây số đường nhánh Tây Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng đến cửa khẩu Cà Roòng – Noọng Ma để qua đất Lào.
“Mất hết 2 ngày, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà người bà con ở bên Lào. Chưa kịp hỏi thăm sức khỏe, mình đã hỏi người bà con về giống nếp đen. Mình đã mừng chảy nước mắt khi người bà con nói vẫn giữ được giống nếp đen. Bữa cơm tối hôm đó, người bà con đã nấu cho mình món xôi từ gạo nếp đen. Hàng chục năm trôi qua, cái hương vị của món xôi vẫn không hề thay đổi…”- bà Con kể lại.
Năm 2015, với hạt giống lúa, nếp đã từng thất truyền vừa được tìm lại, bà con đã trồng trên diện tích 2ha đất của gia đình. Vụ thu hoạch đó, bà Con tuốt về hơn 100 bao lúa vừa tẻ vừa nếp. Vậy là sau mấy chục năm vắng bóng, hạt lúa Chà Và, hạt nếp đen thực sự trở lại và hồi sinh trên mảnh đất quê hương của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Bước vào mùa vụ năm 2016, từ 100 bao lúa Chà Và, nếp đen, bà Hồ Thị Con cung cấp hạt giống cho bà con Vân Kiều dọc các bản: Bến Đường, Đá Chát, Chân Trôộng, Thượng Sơn, Trung Sơn, Khe Cát, Dốc Mây, Rìn Rìn… cùng sản xuất.
Theo Danviet
Chân dung "vua giống nếp" miền Tây
Không những được biết đến là một ND có nhiều năm tâm huyết sản xuất lúa giống, ông Từ Bá Đạt - hội viên Hội ND ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) còn được người dân trong vùng mệnh danh là "vua giống nếp". Bởi ông là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo thành công giống nếp thơm đặc sản.
LTS: Với các cấp Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), hội viên nòng cốt chính là những cán bộ, nông dân có trách nhiệm với tổ chức Hội ND, dám nghĩ, dám làm và năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh. Suy nghĩ, hành động của những hội viên nòng cốt đã tác động, lôi cuốn, cổ vũ phong trào, làm lợi cho cộng đồng... Trong chuyên đề Những nông dân "hạt giống đỏ", NTNN xin giới thiệu một số chân dung nhà nông như thế.
Từ ông tổ trưởng nhiệt tâm...
Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây được thành lập năm 2004, với 23 thành viên. Ban đầu tổ được Hội ND chủ trì thành lập với 2 loại hình sản xuất là trồng trọt và chăn nuôi. Về sau, nhận thấy phong trào sản xuất lúa giống tại địa phương phát triển mạnh, ông Đạt với cương vị là tổ trưởng đã mạnh dạn đề nghị Hội ND và các tổ viên chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực lúa giống.
Tổ hợp tác Thạnh Mỹ Tây do ông Từ Bá Đạt làm tổ trưởng cung cấp khoảng 500 tấn lúa giống/năm cho thị trường. Ảnh: C.L
"Giống nếp thơm do anh Đạt nghiên cứu có chất lượng cao hơn các giống nếp khác tại địa phương, tuy nhiên để được công nhận thương hiệu giống cấp quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích anh Đạt nghiên cứu thêm để nâng cao năng suất, mở rộng diện tích trồng". Ông Lương Hoàng Tuấn - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú.
Ông Đạt kể, năm 2004, ông được Trạm Khuyến nông huyện mời tham dự lớp kỹ năng chọn tạo giống lúa. Sau đó ông lại tiếp tục được học lớp nâng cao ở Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Sau khóa học, ông hướng dẫn lại kỹ thuật cho tổ viên, cùng bà con mở rộng diện tích để cung cấp lúa giống cho ND trong vùng.
Đến năm 2005, THT nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Từ đó, thương hiệu lúa giống của THT có tên trong danh sách những nhà cung cấp giống hàng đầu của tỉnh, được ND nhiều nơi tin tưởng.
Ông Đạt chia sẻ: "Để cho hạt lúa giống được tốt hơn, anh em trong tổ bàn bạc mua một máy tách hạt. Khi ấy, máy tách hạt trên thị trường có giá 135 triệu đồng. Vì nguồn vốn của tổ khá eo hẹp nên tôi quyết định tự làm cái máy rẻ hơn. Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng máy cũng hình thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, với chi phí khoảng 100 triệu đồng...".
Khi THT đã đi vào ổn định, cũng chính ông Đạt là người khởi xướng THT hoạt động với phương thức mới. Đó là các thành viên thu hoạch lúa giống giao cho tổ thực hiện các công đoạn sàng lọc, đóng bao và tiêu thụ, lợi nhuận sẽ trích lại 50% cho tổ. Ngoài ra, đối với lúa giống mà thành viên gieo trồng bằng phương pháp cấy, THT sẽ mua với giá cao hơn 10-15% so với giá lúa thương phẩm. Với cách làm này, chất lượng giống không những được đảm bảo mà lợi nhuận của ND cũng được nâng lên.
Sau nhiều năm cải tổ, sắp xếp, đến nay THT có 18 thành viên với 30ha lúa giống. Vốn điều lệ của tổ đến nay đạt hơn 500 triệu đồng, sản xuất và tiêu thụ khoảng 500 tấn lúa giống/năm, đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các tổ viên.
... đến "Vua giống nếp"
Không dừng lại ở đó, từ chuyện bức xúc tại sao nước ta luôn phải nhập nếp Thái trong khi điều kiện đất đai phù hợp để tự sản xuất, ông Đạt tiếp tục nghiên cứu để quyết tâm lai tạo thành công giống nếp thơm mới.
Sau gần 4 năm miệt mài với nhiều lần thử nghiệm, kết quả ông Đạt cho ra đời giống nếp có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng gây bất ngờ cho nhà nông trong vùng. Điều đặc biệt là năng suất giống nếp này vượt trội so với các giống nếp đặc sản của những vùng chuyên canh nếp ở An Giang, hay giống nếp ngoại nhập từ 1- 1,5 tấn/ha.
Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, ông Đạt được Bộ NNPTNT tặng bằng khen ND sáng tạo năm 2009. Ông đạt được Hội ND công nhận danh hiệu ND sản xuất giỏi cấp tỉnh từ năm 2002 đến nay và nhiều hình thức khen thưởng khác...
Ông đặt tên cho giống nếp của mình là BĐ 1, sau đó đổi thành TMT 1, rồi chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều ND trong vùng. Kết quả là ở vụ đông xuân 2013-2014, những ND trồng thử giống nếp này trúng mùa với năng suất vượt trội 10 tấn/ha.
Mặc dù đứa con tinh thần của mình chưa được công nhận giống nếp ở cấp quốc gia, nhưng ông Đạt quyết tâm nuôi dưỡng và tiếp tục giữ gìn nó cho đến cùng. Ông Đạt cho biết, ưu điểm nổi trội của giống nếp thơm đặc sản TMT 1 là khá cứng cây, đẻ nhánh mạnh, kháng sâu bệnh tốt, thích hợp với vùng đất sản xuất 3 vụ/năm. Cơm nếp có mùi đặc trưng, thơm mùi lá dứa, dẻo và mềm. Thời gian sản xuất vụ đông xuân khoảng 97 ngày, hè thu và thu đông khoảng 100 ngày, năng suất từ 9-10 tấn/ha. Hiện ông Đạt đang nghiên cứu để giảm thời gian sinh trưởng của giống nếp còn 90 ngày.
Theo ông Đạt, việc sản xuất ra giống nếp đã khó, mất thời gian gần 4 năm, nhưng việc giống được công nhận còn khó hơn nhiều. Nhà nước nên tạo cơ chế đặc thù để công nhận những nghiên cứu giống của nông dân. "Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lúa nếp giống. Đề nghị Hội ND, ngành nông nghiệp, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để hợp thức hóa giống nếp, nhằm nhân rộng cho vùng sản xuất ĐBSCL, giúp ND làm giàu" - ông Đạt bày tỏ.
Theo Danviet
Vì sao Việt Nam lọt top 3 gạo ngon thế giới? Lọt top 3 gạo ngon nhất thế giới nhưng đến nay gạo Hạt ngọc trời vẫn chưa thể xuất khẩu nhiều sang thị trường các nước. Gạo ngon thế giới nhờ chuỗi giá trị khép kín Lần đầu tiên Việt Nam có loại gạo được Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới (The Rice Trader) công nhận lọt vào top 3 gạo...