Vượt dịch Covid-19, Việt Nam mở cửa xuất khẩu nhiều cây trái
Phóng viên Báo NTNN phỏng vấn ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV- Bộ NNPTNT) về những kết quả đạt được trong năm 2020 và những định hướng lớn của ngành trong những năm tới.
Vượt các rào cản kỹ thuật
Năm nay hầu hết các ngành đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Vậy, Cục BVTV đã có những giải pháp gì để thích ứng và thực hiện các nhiệm vụ Bộ NNPTNT giao?
- Năm 2020 là một năm rất nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu làm đứt quãng nhiều khâu trong quá trình sản xuất, đàm phán mở cửa thị trường cũng như xuất khẩu và các dịch vụ logistic khác.
Đối với nhiệm vụ mà Cục BVTV được Bộ giao liên quan đến bảo vệ sản xuất, chúng tôi đang cố gắng bám sát kế hoạch sản xuất của từng địa phương, đặc biệt là bảo vệ thành công 43,5 triệu tấn lúa. Ngoài ra, các cây trồng khác cũng đảm bảo không để thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Cho đến giờ phút này, phải khẳng định rằng, tất cả các vụ lúa cũng như các cây trồng chính đều được bảo vệ thành công và không có thiệt hại đáng kể nào do sâu bệnh gây ra.
Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: P.V
Để bảo vệ sản xuất, chúng tôi đã hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương tập trung sử dụng các biện pháp tổng hợp, trong đó có biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm – 3 tăng”…, đặc biệt sử dụng vật tư đầu vào là phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Nhờ đó, chúng ta đảm bảo được hai yếu tố: Một là góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái và các quần thể thiên địch trên đồng ruộng để phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp hữu cơ; hai là đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm trồng trọt được tạo ra.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Cục BVTV đã triển khai công tác kiểm dịch thực vật phục vụ xuất – nhập khẩu cũng như việc đàm phán mở cửa thị trường như thế nào?
- Hàng năm, cơ quan kiểm dịch của Việt Nam thực hiện kiểm dịch trung bình khoảng 400.000 lô hàng với hơn 70 triệu tấn hàng, trong đó 60% là xuất khẩu, 40% là nhập khẩu.
Năm vừa qua, qua kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch đã ngăn chặn được hơn 5.000 trường hợp bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Chúng tôi đã cùng với doanh nghiệp và các nước đưa ra biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo nguyên tắc ngăn chặn và diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu và các nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Cùng với đó, Cục BVTV đã tích cực đàm phán để giải quyết các rào cản kỹ thuật nhằm mở cửa thị trường. Trong năm 2020, Cục đã tiến hành đàm phán với 19 nước, tập trung vào 10 loại quả Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu. Mặc dù rất khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng tiến độ đàm phán cũng như mở cửa thị trường và kết quả đạt được rất khả quan.
Video đang HOT
Cụ thể, chúng ta đã đàm phán và mời chuyên gia của Nhật Bản sang kiểm tra và tiến hành xuất khẩu thành công vải thiều sang thị trường Nhật Bản; thứ hai, quả bưởi với Mỹ chuẩn bị hoàn tất hồ sơ là xong; thứ ba, quả thanh long ruột đỏ chúng ta cũng làm và chính thức xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Hiện nay, nhiều loại trái cây và củ chúng ta đã đàm phán xong phần kỹ thuật, chỉ chờ phía bạn đưa chuyên gia sang kiểm tra, đánh giá thực tế tại Việt Nam, sau đó hoàn tất các hồ sơ kỹ thuật và ký Nghị định thư chính thức.
Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới khi thế giới không chế tốt đại dịch Covid-19 và có vaccine thì việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán sẽ tốt hơn và chúng ta có thể mở cửa nhiều hơn các sản phẩm trồng trọt của Việt Nam sang thị trường các nước.
Hướng đến nông nghiệp bền vững
Để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, theo hướng hữu cơ, Cục BVTV đã hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương tập trung sử dụng vật tư đầu vào là phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Việc phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học là hai chương trình lớn đã được Ban cán sự Đảng bộ NNPTNT thông qua. Đây là những chương trình rất quan trọng để Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và bảo đảm chất lượng hàng hóa phục vụ cho 100 triệu dân tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Trong 3 năm qua, từ chỗ chúng ta mới chỉ có 8% phân bón hữu cơ thì đến nay đã có 18,5% với tổng số sản phẩm phân bón hữu cơ đã cấp quyết định lưu hành là 4.468 sản phẩm, tăng hơn 4 lần so với thời điểm 2017.
Tổng công suất các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ cũng tăng trong thời gian qua và đến nay đã đạt 3,5 triệu tấn.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp và địa phương đã tham gia, đồng hành với Cục BVTV để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành nhà máy để đến hết năm 2020 đạt 2 triệu tấn và những năm tiếp theo đạt 3-5 triệu tấn.
Tương xứng với đó, đến hết năm 2020, chúng ta đạt ít nhất 1% diện tích đất trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Về chương trình phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học, chúng tôi đã tập trung ưu tiên chính sách để các doanh nghiệp đăng ký và sử dụng thuốc BVTV sinh học nhiều hơn. Đến nay, số lượng thuốc BVTV sinh học đã được đưa vào danh mục là 18,26%, đưa Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN về số lượng thuốc BVTV sinh học.
Cùng với đó, chúng tôi đã lựa chọn các sản phẩm thuốc BVTV sinh học mới, tốt, hiệu quả. Từ đó, phối hợp cùng với khuyến nông và các địa phương tuyên truyền cho người dân.
Hiện nay, nhiều thị trường đang yêu cầu thực hiện vấn đề truy xuất nguồn gốc rất khắt khe, Cục đã có giải pháp nào để triển khai cũng như quản lý chặt chẽ vấn đề này?
- Phải nói rằng hầu hết các nước đều có quy định về truy xuất nguồn gốc. Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, một trong những quy định bắt buộc là các sản phẩm trồng trọt, đặc biệt rau và quả khi xuất khẩu sang EU phải có mã số vùng trồng.
Mã số vùng trồng này được cơ quan có thẩm quyền là Cục BVTV kiểm tra, cấp và thông báo cho EU cũng như đưa lên các trang web của Cục. Và khi xuất khẩu, chúng ta đều phải chứng nhận vào trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Hiện nay, với thị trường Trung Quốc và các thị trường “khó tính” đã mở cửa thị trường, Cục đã cấp được gần 2.000 mã số vùng trồng và khoảng 1.800 cơ sở đóng gói.
Cục BVTV đang hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương để đảm bảo việc cấp mã số vùng trồng phải đúng theo quy định, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và ngăn chặn một cách có hiệu quả việc mạo danh, sử dụng không đúng các mã số vùng trồng đã xảy ra trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông!
Để nông nghiệp hữu cơ bứt phá: Lấy lợi thế vùng miền xây mô hình điểm
Trên mỗi loại cây trồng, vật nuôi phù hợp lợi thế của từng địa phương, việc xây dựng những mô hình điểm là cần thiết. Đây sẽ là địa điểm vừa tham quan, học tập vừa là nơi tạo dựng niềm tin và chuyển giao công nghệ.
Mít xen sầu riêng
Mô hình trồng mít xen sầu riêng của ông Trần Công Minh (ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) được xem là một điểm sáng khi chuyển đổi cách sản xuất từ truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Đây cũng là 1 trong 2 mô hình ở tỉnh Đồng Nai được Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với doanh nghiệp chọn triển khai thí điểm canh tác theo hướng NNHC.
Người dân làm nông nghiệp sạch tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vy
Trên diện tích 14ha, vườn mít 19 tháng tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch, còn sầu riêng đang trong giai đoạn kiến thiết. Chủ vườn cho biết, việc trồng xen 2 loại cây trồng này để tận dụng nguồn phân bón dinh dưỡng. Khi mít cho trái đến khoảng năm thứ 4, thứ 5 thì thoái hóa. Lúc đó, sầu riêng cũng đã bắt đầu có thu.
Thực tế, vườn cây này chỉ mới áp dụng quy trình canh tác hữu cơ từ cuối năm 2019. Do đó khi tiếp cận, vườn cây con có sẵn vẫn đang làm theo cách cũ. Công ty và chủ vườn phải thực hiện giai đoạn 1 là cứu đất và cứu cây nhằm khôi phục các vi sinh vật có ích trong hệ sinh thái. Sau gần 10 ngày phục hồi mới tiến hành giai đoạn nuôi cây.
Công ty TNHH Nông nghiệp - Sinh vật cảnh Việt Nam (đơn vị phối hợp) cho biết, cứ chu kỳ 20 ngày, công nhân sẽ tưới phân vào gốc cây. Sau đó phun thuốc lên tán để phòng trừ sâu bệnh. Tất cả phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh đều là sản phẩm hữu cơ vi sinh do công ty cung cấp.
Bước đầu tiếp cận vườn cây 14ha này bằng quy trình chăm sóc hữu cơ cho thấy, cây trồng sinh trưởng tốt, bộ rễ phát triển mạnh, thân chắc khỏe và lá xanh. Đặc biệt mít đã bắt đầu thu hoạch, cho trái to và chất lượng.
Ông Phạm Minh Lan - Trưởng phòng Quản lý phân bón (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, Cục đã ký kết với 14 doanh nghiệp (DN) trên cả nước và tiếp tục lựa chọn cho các đợt ký kết tiếp theo. Tổng kinh phí cho các chương trình từ tập huấn, trình diễn các mô hình mẫu gần 600 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn của DN là chính.
Trên tổng diện tích hơn 50.00ha, trên các cây trồng chồng chủ lực có giá trị cao của các địa phương, mục đích của chương trình là đưa phân bón hữu cơ thay thế dần phân bón hóa học. "Quá trình tổng kết như thế này đánh giá lại phương thức canh tác làm sao mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân"- ông Lan nói.
Phát huy lợi thế
Theo ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, cần ủng hộ những trang trại, DN sản xuất hữu cơ nếu hội đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật, thị trường. Trên hết, cần có sự lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm và vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường xác định.
Đặc thù đất nông nghiệp ở thành phố là nhỏ lẻ, sen cài dân cư, tập trung chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành. Quá trình đô thị hóa lại diễn ra nhanh, trong khi diện tích canh tác không thể mở rộng và đang có xu hướng giảm dần.
Để khắc phục những những nhược điểm trên, nông nghiệp thành phố đang chuyển dịch sang sản xuất bền vững. Trong đó phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản là nhu cầu nông sản của người dân và duy trì được tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau. NNHC là việc làm cấp thiết, tiếp cận nền nông nghiệp bền vững.
Ở TP.HCM, những mô hình DN làm NNHC đang dần hiện hữu. Như mô hình trang trại 12ha của Công ty TNHH Nông nghiệp Thống Nhất (huyện Nhà Bè) là trang trại hữu cơ đầu tiên của thành phố đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU và JAS cho 2 nhóm sản phẩm rau củ quả, trứng gia cầm. Mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn kết hợp trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của ông Hồ Thanh Huy (huyện Bình Chánh) cũng là giải pháp phù hợp cho nông nghiệp đô thị.
Ông Ngô Thanh Tuyền - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An kể, Hội ND đã phối hợp với huyện Châu Thành triển khai chương trình hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để khuyến khích người dân sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ.
Tập đoàn này sẽ cung cấp quy trình, bao tiêu và hỗ trợ 370 tấn phân hữu cơ để nông dân canh tác. Hiện nay, diện tích thực hiện mô hình đạt 256ha, với 456 hộ tham gia. Đây là một phần diện tích trong mô hình điểm với 842ha thanh long hữu cơ của huyện Châu Thành.
"Tuy diện tích chưa đáng kể, nhưng cá biệt đã có những hộ nông dân sản xuất thanh long tiệm cận hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, phục vụ xuất khẩu thị trường Nhật Bản và châu Âu"- ông Tuyền cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN, sau cái được rất lớn về năng suất, việc sử dụng quá nhiều hóa chất đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, sức khỏe. Hơn nữa, sản xuất nông sản dồi dào nhưng chất lượng không cao nên thu nhập đại bộ phận người dân vẫn thấp.
NNHC đã được Hội ND chú ý, triển khai nhiều mô hình thành công từ những năm 2000. Qua đó xúc tiến thành lập Hiệp hội NNHC Việt Nam, rồi xây dựng các quy định, tiêu chuẩn liên quan.
Tới đây, Hội ND phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để cả nông dân lẫn người dùng nhận thức đúng đắn hơn về NNHC. Hội ND sẽ phối hợp chính quyền, nhà khoa học, DN xây dựng thêm nhiều mô hình điểm để tham quan học tập và nhân rộng.
Tây Ninh: Tiết lộ bí quyết trồng khổ qua leo giàn đẹp như phim khiến loài ruồi vàng "sợ khiếp vía" Từ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau trong quá trình sản xuất, anh Nguyễn Tấn Trung-ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) được một người nông dân mách bảo cách dùng long não treo xung quanh diện tích trồng khổ qua, sẽ ngăn được việc ruồi vàng đục phá trái khổ qua Long não sau khi...