Vượt biển sinh con
Những phụ nữ bụng mang dạ chửa khăn gói rời nhà vượt hàng chục cây số từ đảo Lý Sơn vào đất liền để… sinh con.
Chiều cuối tuần, khách sạn 502 nằm trong một con hẻm đường Hùng Vương – TP Quảng Ngãi tấp nập người ra vào. Có một điều đặc biệt khác với nhiều khách sạn khác là những người ra vào nơi đây chủ yếu là những phụ nữ có bầu sắp đến ngày sinh. Nhìn khuôn mặt rám nắng và giọng nói “đặc trưng” sẽ không khó để nhiều người nhận ra những phụ nữ ấy đến từ huyện đảo Lý Sơn.
Khách sạn của những bà bầu
Đối với những người dân sống xung quanh khách sạn trên, họ quen gọi nơi đây là khách sạn của những bà bầu Lý Sơn. Gọi là khách sạn cho “sang” chứ thật ra nơi đây chẳng khác nào một khu nhà trọ dành cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Nhiều phụ nữ ở đảo Lý Sơn vượt biển vào đất liền chờ ngày sinh nở
Phòng số 6 khách sạn 502 chỉ rộng chừng 15 m2 nhưng có đến 3 chiếc giường được kê sát nhau. Dưới sàn nhà lỉnh kỉnh những túi xách đủ kiểu đã cũ. Giá mỗi phòng như vậy cho 2người thuê một ngày là 140.000 đồng. Nếu tăng thêm một người thì đóng thêm 10.000 đồng. Căn phòng này là nơi trọ của 6 người đang mang bầu ở Lý Sơn vào chờ ngày sinh nở. Vì ai cũng khó khăn nên họ cùng thuê một phòng để tiết kiệm chi phí.
Chị Phạm Thị Lành (22 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) tâm sự: “Tụi em vào đây chờ tới ngày đến bệnh viện sinh chứ ở ngoài đảo mùa này biển động, có chuyện gì sẽ không xoay xở kịp… Các chị cho biết ở Lý Sơn cũng có bệnh viện nhưng thiếu thốn nhiều thứ, từ thuốc men cho đến y, bác sĩ. Nếu đến ngày sinh mà biển động phải thuê tàu vào đất liền tốn ít nhất 20 triệu đồng. Đó là chưa kể gặp lúc biển động mạnh, chủ tàu sẽ không chịu chạy.
Video đang HOT
Bà Phùng Thị Thủy, chủ khách sạn 502, cho biết lúc nào cũng có 4 phòng cho các phụ nữ mang bầu Lý Sơn ở với khoảng 10 người. Người ở lâu nhất đến vài tháng, người ở ít nhất cũng 1 tháng… cứ hết đợt này đi tới đợt khác đến. Có trường hợp có người thân như mẹ đẻ hoặc chồng… dẫn vào sinh nhưng cũng có người chỉ đi một mình. Sau đó, gần sát đến ngày sinh sẽ có người nhà vào chăm sóc…
Thương nhau như chị em
Trong suốt cuộc trò chuyện cùng các chị, chúng tôi cảm nhận được sự đối đãi chân thành của các chị với nhau. Dù không phải là chị em ruột thịt nhưng họ chăm sóc nhau rất thâm tình.
Chị Dương Thị Kim Anh (34 tuổi, ngụ xã An Hải) cho biết: “Chị em của chúng tôi ở ngoài đó chủ yếu trồng hành, tỏi. Có người chồng đi biển hàng tháng trời mới về nên không thể vào đây chăm sóc được. Do đó, tụi tôi phải tự chăm sóc lẫn nhau. Cũng có trường hợp vào sinh nhưng hết tiền trả viện phí, chị em phải góp mỗi người một ít cho mượn. Lúc về ngoài đó sẽ trả lại”.
Còn theo tâm sự của chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi, xã An Vĩnh): “Tui vào đây được 2 tuần rồi. Bác sĩ nói còn gần 1 tuần nữa mới sinh. Trước khi vào đây chuẩn bị sinh, cả nhà vay được 5 triệu đồng, số tiền ít quá nên ban đầu không dám đi, thế nhưng, bí quá đành liều. Cũng may vào đây “góp gạo thổi cơm chung” với chị em ngoài đảo, ăn uống đỡ tốn. Hy vọng số tiền này đủ để mẹ con tui ăn ở, trả viện phí”.
Giúp người xa quê
Theo bà Phùng Thị Thủy, nhiều trường hợp vào đây chờ sinh rất tội nghiệp, như chồng mất, không có người thân… “Cũng đời phụ nữ như nhau nhưng sao lại có người khổ quá. Bởi vậy nên đối với chị em ở Lý Sơn, chúng tôi luôn ưu tiên đặc biệt như: có xe đưa đón đến bệnh viện mỗi lần khám thai, phần quà chúc “mẹ tròn con vuông” trước khi chị em sinh nở…”- bà Thủy chia sẻ.
Theo Dantri
Đón Trung thu cùng các em nhỏ trên huyện đảo Lý Sơn
Tối 29/9, trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đêm "Trung thu kết nối yêu thương hướng về trẻ em đảo Lý Sơn".
Các em nhỏ ở Lý Sơn chăm chú theo dõi chương trình văn nghệ buổi chiều.
Đến tham dự Tết Trung thu tại huyện Lý Sơn, có dự hiện diện của ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Võ Xuân Huyện - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn và sự tham gia hơn 6.000 trẻ em trên đảo Lý Sơn.
Hàng ngàn em nhỏ đến chung vui.
Ngay từ buổi chiều, hàng trăm trẻ em và học sinh đã quy tụ về Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Lý Sơn vui chơi và dõi theo các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho tối cùng ngày. Trong lúc trẻ em đang háo hức tận hưởng không khí Trung thu, khoảng 16h trời bỗng trút mưa và chương trình phải chuyển vào bên trong hội trường. Tuy nhiên, khi cơn mưa vừa dứt, những con lân lại rộn ràng khắp ngã đường, không khí vui Tết Trung thu ấm dần bất chấp từng đợt mưa nặng hạt.
Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh (bìa trái) và ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quãng Ngãi trao học bổng đến các em
Tổng số tiền huy động từ xã hội gần 2,6 tỷ đồng, trong đó trích 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà bán trú ở đảo Bé (Lý Sơn), tặng 618 suất học bổng và gần 1.700 suất quà cho trẻ em đảo Lý Sơn.
Bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - tặng quà trong chương trình
Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh chia sẻ: "Mỗi dịp Trung thu đến, các trẻ em khắp mọi miền đất nước rộn ràng với tiếng trống lân, những chương trình ca nhạc đặc sắc. Thế nhưng, trẻ em Lý Sơn vốn chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi hơn. Thông qua chương trình này, tôi chúc các cháu đón Tết Trung thu vui vẻ, học giỏi và gặt hái nhiều thành công nhằm góp phần xây dựng quê hương Lý Sơn giàu mạnh".
Có mặt từ rất sớm, em Trần Hồng Quang (ngụ xã An Hải, Lý Sơn) hào hứng theo dõi chăm chú từng tiết mục văn nghệ lạ mặt, em tâm sự: "Đây là lần đầu tiên cháu được xem một chương trình quá hay, chắc có lẽ Trung thu năm nay, trẻ em Lý Sơn được đón Trung thu vui nhất".
Nhà báo Đình Hòa - báo Dân trí trao quà cho học sinh Lý Sơn
Nhân sự kiện tổ chức đêm Trung thu tại Lý Sơn, Quỹ Khuyến học Việt Nam và báo Dân trí trao tặng các em 220 áo sơ mi và 220 chiếc bút viết.
Theo Dantri
Nơi mua nước ngọt giá đắt đỏ nhất miền Trung Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước mưa dự trữ ở các lu, bể chứa của xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cạn kiệt. Người dân nơi đây phải mua nước ngọt với giá hơn 200.000 đồng một khối để sử dụng. Xã đảo An Bình, còn gọi là đảo Bé, huyện Lý Sơn - nơi người dân sử dụng...