Vướng vòng lao lý sau một lần bênh con
Nghe đứa con trai 18 tuổi hậm hực về nhà cho viết mình vừa bị đánh, không cần tỏ tường sự việc, ông bố và người chú lập tức xách dao đi “hỏi tội” kẻ dám đánh con mình. Kết quả, người bị thương tích nặng, kẻ vào tù ra khám suốt nhiều ngày nhưng vụ án vẫn chưa khép lại.
Một lần bênh con
Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Văn Thiểu (32 tuổi, quê Bến Tre) phạm tội “cố ý gây thương tích” diễn ra khá đặc biệt.
Kẻ đứng trước vành móng ngựa cố gắng nhận mọi lỗi lầm về mình nhưng người bị hại lại cho rằng đó không phải là thủ phạm chính trong vụ án mà thủ phạm chính là một người khác.
Suốt phiên tòa, không có những lời lẽ đao to búa lớn, mạt sát lẫn nhau, bị cáo cũng không quanh co chối tội nhưng nạn nhân ấm ức vì một lẽ họ cho rằng kẻ gây thương tích cho mình vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Với những người dự khán, phía sau vụ án là bài học không nhỏ về cách ứng xử của người lớn trong việc bênh con và dạy con.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 17 giờ ngày 18/01/2008, Võ Văn Thiểu được một người quen điện thoại báo cháu ruột của Thiểu là Võ Văn Tuấn Thanh vừa bị đánh. Thiểu lập tức sang nhà báo lại cho vợ chồng anh trai là Võ Văn Trung biết sự việc.
Khoảng 15 phút sau, thấy con trai hậm hực về nhà nói mình vừa bị đánh rồi bỏ đi, Võ Văn Trung sợ con bị đánh tiếp nên vội vàng xách con dao dùng để bửng cây ngồi lên xe sang gọi em trai đi cùng. Trước khi đi, Thiểu cũng giấu một con dao tự chế vào trong túi quần.
Khi họ đến khu vực chợ gần nhà thì thấy Thanh đang bị Nguyễn Phát Đạt và Nguyễn Minh Lý vây đánh.
Ngay lúc đó, ông Trung vội dừng xe, Thiểu nhảy xuống xách con dao lao tới cùng cháu đánh Đạt và Lý. Dựng xe xong, Trung cũng cầm dao xông vào cùng con và em trai “xử tội” đối phương.
Video đang HOT
Bị cáo Võ Văn Thiểu tại toà
Thấy Trung cầm con dao lớn xông vào, Lý bỏ chạy, Trung xách dao đuổi theo còn chú cháu Thanh tiếp tục đánh Đạt.
Bị hai chú cháu ép sát về lề đường, Đạt vấp ngã nên bị Thiểu cầm chân lên đâm nhiều nhát theo hướng từ dưới lên. Khi Trung quay lại thấy Đạt đang lê lết bên đường liền lấy cán dao bứng cây đánh mấy cái vào chân rồi chở em và con trai về.
Do vết thương quá nặng, Nguyễn Phát Đạt được chuyển từ bệnh viện huyện lên bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị, tỷ lệ thương tật toàn bộ 66%.
Vướng vòng lao lý
Sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Quá trình điều tra, ban đầu Thiểu khai mình chỉ đánh nạn nhân, không dùng dao đâm nạn nhân còn Trung thừa nhận sau khi đuổi theo Lý không kịp đã quay lại dùng dao bứng cây đâm nạn nhân.
Tuy nhiên, sau đó Thiểu và anh trai bất ngờ thay đổi lời khai. Bị cáo Thiểu nhận chỉ có mình mình đâm nạn nhân, không nhớ bao nhiêu nhát còn Trung cho rằng thấy nạn nhân ngồi lê bên vệ đường ông này chỉ lấy cán dao đánh mấy cái chứ không đâm như lời khai trước đó.
Từ đó, cấp sơ thẩm chỉ truy tố, tòa xét xử và tuyên phạt Thiểu 6 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”, không khởi tố Trung vì cho rằng không có cơ sở.
Không chấp nhận phán quyết trên, suốt quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị hại Đạt khẳng định ông Trung mới là người đâm gây thương tích nặng cho bị hại. Một số nhân chứng có mặt cũng khẳng định Trung là người trực tiếp đâm Đạt. Do đó, bị hại đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy án vì cho rằng đã bỏ lọt tội phạm.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, tại phiên tòa lần trước, cấp phúc thẩm nhận định bị hại Đạt bị nhiều vết đâm, trong đó có một vết rộng tới 15 cm, phù hợp với con dao bứng cây có bản rộng của ông Trung chứ không phù hợp với con dao tự chế của Thiểu.
Ngoài ra, theo kết quả giám định, vết thương của Đạt bị đâm theo hướng từ trước ra sau chứ không phải từ dưới lên như lời khai của Thiểu, hai nhân chứng khai thấy Trung trực tiếp đâm, hai nhân chứng thấy con dao Trung cầm dính máu, lời khai của Thiểu và ông Trung có nhiều bất nhất…Từ đó, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu.
Tuy nhiên, kết quả điều tra không thay đổi, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vẫn cho rằng không có cơ sở khởi tố, truy tố Trung về tội “cố ý gây thương tích”. Do giới hạn xét xử (Tòa không thể xét xử nếu Viện không truy tố) nên Tòa tuyên phạt Thiểu mức án 8 năm tù đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Võ Văn Thiểu vẫn một mực khẳng định chỉ có mình thực hiện hành vi phạm tội, người bị hại vẫn giữ nguyên lời khai Trung mới là người gây án.
Được mời lên thẩm vấn, người đàn ông có nước da sạm đen bối rối trả lời từng câu hỏi của hội đồng xét xử. Đứng cạnh cha, gương mặt Thanh cũng lộ vẻ căng thẳng không kém, thỉnh thoảng ánh mắt lại lấm lét nhìn chủ tọa sau mỗi lời khai.
Sau khi xem xét, phân tích lời khai, chứng cứ liên quan, cấp phúc thẩm nhận định có đủ cơ sở kết luận vụ án “cố ý gây thương tích trên” có hai người tham gia đó là Võ Văn Thiểu và Võ Văn Trung.
Để tránh bỏ lọt tội phạm, Tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra nhưng cấp sơ thẩm vẫn không truy tố, xét xử là chưa hợp lý. Từ đó, Tòa tiếp tục tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre truy tố lại.
Phiên tòa tạm khép lại, Võ Văn Thiểu lầm lũi lên xe về trại trước ánh mắt lo lắng của người thân. Võ Văn Trung cùng con trai cũng lững thững bước theo, nét mặt đầy lo lắng. Chỉ vì một lần bênh con, giáo dục con không đúng cách, họ đã trượt chân vào vòng lao lý, sống trong nỗi phập phồng lo âu về tội lỗi của mình.
Theo VietNamNet
Hủy án vì bỏ lọt tội phạm
Cả tòa lẫn viện đều nhận định đủ căn cứ để kết luận vụ án cố ý gây thương tích có cả hai đối tượng cùng tham gia nhưng cấp sơ thẩm chỉ truy tố, xét xử người em là bỏ lọt tội phạm
Ngày 11-10, xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Võ Văn Thiểu (SN 1979, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) kháng cáo về việc tòa sơ thẩm bỏ lọt tội phạm của người bị hại Nguyễn Phát Đạt (SN 1984) trong vụ án cố ý gây thương tích, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre để truy tố, xét xử lại vì bỏ lọt tội phạm.
Giải quyết mâu thuẫn bằng dao
Theo bản án của TAND tỉnh Bến Tre, ngày 18-1-2008, nghe Võ Văn Tuấn Thanh nói bị hai thanh niên đánh, sau đó Thanh bỏ đi nhưng không nói cho gia đình biết là đi đâu, lo sợ Thanh tiếp tục bị đánh, ông Võ Văn Trung (SN 1968, cha của Thanh) lập tức xách theo con dao bứng cây (dài 33 cm, rộng hơn 6 cm) kêu em trai là Võ Văn Thiểu cùng đi (Thiểu đem theo con dao tự chế giấu trong túi quần). Dọc đường, thấy con đang bị hai người khác vây đánh, ông Trung dừng xe lại, xách dao rượt theo một người, còn Thiểu xách dao tự chế xông vào đâm nhiều nhát vào vùng chân trái của anh Đạt khi anh này té ngã.
Bị cáo Võ Văn Thiểu tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11-10
Anh Đạt được người thân đưa đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) rồi bị cắt mất một chân. Theo kết quả giám định, tỉ lệ thương tật của nạn nhân là 66%.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11-10 cũng như xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử trước đây, người bị hại vẫn quả quyết người đâm nhiều nhát vào chân anh chính là ông Trung. Ngược lại, bị cáo Thiểu khăng khăng lúc đánh nhau đã dùng dao tự chế đâm nhiều nhát vào chân anh Đạt; việc gây thương tích cho anh Đạt chỉ có một mình Thiểu thực hiện. Về phía ông Trung thừa nhận rủ Thiểu đi cùng và dừng xe để Thiểu xuống đánh nhau, khi đi có đem theo cây và dao. Ông Trung cũng thừa nhận có dùng cán dao gõ vào chân nạn nhân khi thấy anh Đạt đang bị thương nhưng ông Trung không gây thương tích cho ai.
Không chỉ một thủ phạm
Tại phiên sơ thẩm lần đầu (tháng 9-2008), nạn nhân cùng các nhân chứng khẳng định Trung đã dùng dao gây án nên TAND tỉnh Bến Tre phải hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, CQĐT và VKSND tỉnh Bến Trevẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu. Phiên sơ thẩm tháng 12-2008, TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt Thiểu 6 năm tù, đồng thời bác lời khai của nạn nhân cùng các nhân chứng cho là ông Trung có đâm nạn nhân, vì "lời khai mâu thuẫn, không phù hợp với các chứng cứ đã thu thập được", "không có cơ sở xác định ông Trung phạm tội". Sau phiên tòa, người bị hại kháng cáo vì cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm.
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM ngày 13-7-2009 nhận định: "Đánh giá toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa thấy rõ có căn cứ để xác định Võ Văn Trung đã dùng dao bứng cây đâm Nguyễn Phát Đạt. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Võ Văn Trung là để lọt tội phạm". Vì vậy tòa đã tuyên hủy toàn bộ bản án, trả hồ sơ để điều tra lại.
Sau đó, CQĐT và VKSND tỉnh Bến Tre vẫn cho rằng không có cơ sở để xử lý hình sự ông Trung. Ngày 30-6-2011, TAND tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm tuyên phạt Võ Văn Thiểu 8 năm tù. Đối với ông Trung, do giới hạn xét xử, đồng thời vụ việc cũng từng nhiều lần trả hồ sơ nhưng VKSND tỉnh Bến Tre không thay đổi quan điểm, TAND tỉnh Bến Tre kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ.
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11-10, HĐXX đã trích đọc biên bản hỏi cung ngày 6-5-2008 đối với ông Trung, trong đó, ông Trung khai "thương tích trên người Đạt ngoài tôi, Thiểu gây ra thì không có ai khác tham gia". Ngoài ra, HĐXX cũng trích lời khai nhân chứng về việc họ nhìn thấy ông Trung cầm con dao bứng cây xông vào đâm anh Đạt, con dao ông Trung có dính máu.
Tranh luận tại phiên tòa, đại diện VKSND Tối cao ngày 11-10 đã đề nghị hủy án vì có cơ sở cho thấy hành vi của Võ Văn Trung là cố ý gây thương tích. Đồng tình, Tòa Phúc thẩm cũng nhận định tổng hợp lời khai người bị hại, nhân chứng, người liên quan Võ Văn Trung, đủ căn cứ để kết luận vụ án cố ý gây thương tích có 2 đối tượng cùng tham gia: Đó là bị cáo Thiểu và Trung (chưa bị truy tố, xét xử).
Trước khi vào nghị án, vị chủ tọa phiên tòa nói: "Đã là sự thật khách quan thì không ai có thể thay đổi được. Chắc chắn cuối cùng sự thật rồi cũng phải được làm sáng tỏ".
Theo Người Lao Động
Sarkozy vướng vòng lao lý vì... tấn công Libya? Một số lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Pháp Sarkozy đang phải đối mặt với sức ép pháp lý từ trong nước do can thiệp quân sự vào Libya. Theo Russia Today, những thống kê mới nhất cho thấy, hàng chục nghìn người thiệt mạng trong 6 tháng nội chiến tại Libya, trong số đó có không ít dân thường...