Vương quốc bạch mã quý hiếm ở miền biên ải
Xã Hữu Kiên ( Chi Lăng, Lạng Sơn), là xứ sở gần như của riêng người Tày, cũng chính là “vương quốc ngựa bạch”.
Núi đồi hoang hoải, từng đàn ngựa trắng sải vó, thỉnh thoảng hí vang trời, hệt như cảnh thảo nguyên trong những bộ phim ngoại quốc. Ít ai ngờ, “cảnh trong phim” ấy lại có thể tìm thấy ở xã vùng cao Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Lãnh đạo xã cũng chăn ngựa
Xã Hữu Kiên là nơi cao nhất, xa nhất, địa hình khó khăn nhất của huyện Chi Lăng. Một xứ sở gần như của riêng người Tày.
Những dải núi xếp cao, nối dài, gối lên nhau biến nơi này trở thành một cao nguyên ngút ngàn tầm mắt. Cuộc sống vì thế mà còn trăm thứ khó, nhưng nếu nói về nuôi ngựa giỏi, nuôi ngựa nhiều thì người Tày ở đây chẳng thua kém bất cứ ai.
Ông Mai Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, nửa đùa nửa thật rằng: Vùng cao Hữu Kiên dường như chỉ có người và ngựa mà thôi.
“Hầu như nhà nào cũng nuôi ngựa. Cả xã có khoảng gần 2.000 con. Diện tích đất chủ yếu nằm trên đồi núi. Ruộng chỉ tầm 170 ha, lại chỉ cấy được có một vụ nên chỉ có nghề nuôi ngựa là khả dĩ. Ngày xưa giáp hạt còn đói ăn, bây giờ chỉ cần có một hai con ngựa, thóc lúa có người tự mang đến tận nhà”, ông Minh bảo thế.
Không ai còn nhớ ngựa ở Hữu Kiên nhiều từ bao giờ, chỉ biết trong cộng đồng người Tày ở đây, loài vật này quan trọng lắm. Ban đầu chỉ đơn thuần là ngựa kéo, trải qua thời gian, ngựa Hữu Kiên dần trở thành một thương hiệu. Ngựa to, khỏe, sải vó dài. Có lẽ đồi núi ở nơi cao nhất huyện Chi Lăng chính là yếu tố sản sinh ra những con ngựa tuyệt vời như vậy.
Để minh chứng rằng Hữu Kiên thực sự là vương quốc ngựa có một không hai, ông Minh liệt kê hàng loạt cán bộ xã, những người mà ông bảo là “sau những ngày làm việc đều trở thành những người chăn ngựa”. Ông Nông Quang Đàm, Chủ tịch UBND xã, có hơn chục con ngựa; ông Nông Quốc Mao, xã đội trưởng, có gần hai chục con. Bản thân ông Minh cũng sở hữu 7 con ngựa…
Bạch mã ở vùng cao Hữu Kiên.
Hết giờ công sở, tôi theo ông Minh lên Khau Hương, Kểnh Cung, những ngọn núi cao nhất ở Hữu Kiên. Từng đàn ngựa lóc cóc gặm cỏ gianh. Ông Minh đưa tay lên miệng làm động tác hoét hoét. Đàn ngựa đang ăn đột nhiên ngửa cổ hí vang rồi sải vó chạy về phía chủ. Nếu không quen biết chắc sẽ tưởng đó hẳn là một giám mã thuần thục chứ không phải ông Phó Chủ tịch xã Hữu Kiên.
Cũng chiều ấy, nhiều cán bộ xã sau buổi làm việc vội vàng thay áo quần để lên đồi làm người chăn ngựa. “Tính ra, nuôi một con ngựa, chỉ cần đầu tư giống rồi chăn thả, dăm bảy năm cũng bán được từ 25-30 triệu đồng một con.
Ngựa đẻ mỗi năm một con, chi phí đầu tư ít, rủi ro cũng ít. Có những thời điểm Hữu Kiên rét xuống dưới 0 độ C, có tuyết rơi nhưng ngựa không bao giờ chết. Nếu là ngựa bạch thì có thể bán 50-60 triệu đồng/con. Số tiền mà không một nghề gì ở vùng cao này có thể kiếm được. Thành thử nhà nào cũng phải nuôi một vài con”, ông Minh giải thích.
Nuôi ngựa giỏi nhất ở vùng cao này là lão nông Nguyễn Văn Mong. Người ta phong cho ông đủ các mỹ danh như “vua ngựa vùng cao”, “giám mã đại gia”… nhưng thực tế ông chỉ là người chăn ngựa mà thôi. Một người chăn ngựa rất giỏi và giàu.
Gia đình ông Mong có hơn 20 con ngựa cái đã trưởng thành. Mỗi năm bán khoảng 10 con, mỗi con vài ba chục triệu, túc tắc sống thôi. Nghe bảo, có dạo nhà ông nuôi cả trăm con ngựa nhưng vẫn nghèo, chỉ từ khi tư thương khắp nơi tìm đến Hữu Kiên để mua ngựa nấu cao và phục vụ dân nhậu thị thành mỗi khi đầu tháng để người ta ăn lấy may thì thấy ông xây nhà, mua xe.
Video đang HOT
Mua ôtô có gì mà khó
Trong số 9 thôn bản của Hữu Kiên, Nà Lìa là nơi nuôi ngựa giỏi nhất. Với người vùng cao, vài ba trăm triệu đã là đại gia, Nà Lìa có nhiều người như thế.
Từ dạo có cơn sốt ngựa bạch, họ lại càng giàu. Hai người giàu nhất thôn Nà Lìa là Vi Văn Hiếm và Nông Văn Thậm (cùng SN 1977). Độ hơn chục năm trước, cả Hiếm và Thậm đều chỉ là những gã trai phải bỏ bản làng đi làm thuê đủ thứ nghề. Tha hương vài năm kiếm được chút vốn, họ bèn quay trở về chăn ngựa. Ban đầu mỗi người chỉ đủ tiền mua hai con ngựa giống. Vậy mà giàu.
Bây giờ, Hiếm và Thậm đều là những ông chủ ngựa nức tiếng vùng cao. Trong tay mỗi người một đàn ngựa mấy chục con, trong số đó có gần 20 con ngựa bạch. Nhà cửa khang trang, lại còn sắm cả ôtô để thỉnh thoảng lái lên đồi… chăn ngựa.
Những anh chàng nghèo rớt mồng tơi ngày xưa bây giờ nói chuyện mua ôtô cứ nhẹ tênh, khẩu khí chẳng thua gì các đại gia thành phố: ôtô thì có gì mà khó, chục con ngựa bạch là đủ tiền mua thôi mà. Cuộc sống rất sung túc nhưng thời gian chủ yếu họ đều sống ở lều cỏ trên những ngọn núi cao với đàn ngựa của mình.
Ở Hữu Kiên, có thể nhà nào cũng nuôi được ngựa, nhưng chỉ có loài ngựa bạch mới có thể biến những ông giám mã trở thành đại gia. Lâu nay, tôi cứ tưởng những loài ngựa có lông mày trắng đều là ngựa bạch, hóa ra chả phải. Bởi nếu như thế thì dân Hữu Kiên đã thành đại gia hết rồi còn gì.
Hiếm bảo, ngựa bạch là loài ngựa quý, hội tụ các yếu tố: Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa, trên mình xuất hiện những đốm màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc.
Trung bình mỗi con ngựa bạch trưởng thành bán được khoảng 40 – 50 triệu đồng. Ngựa bạch non cũng khoảng 20 triệu. Còn ngựa có lông màu trắng nhưng không có các yếu tố trên thì chỉ là những con ngựa bình thường… lông trắng mà thôi.
Ở Hữu Kiên có nhiều nhà nuôi hơn 10 con ngựa bạch. Họ là nhà giàu. Những nhà nuôi 1-2 con tuy không giàu nhưng cuộc sống cũng có thể được đảm bảo. Và như thể muốn phô bày sự giàu có, no đủ của Nà Lìa, những người nuôi ngựa trong thôn tự hùn tiền làm con đường bê tông từ trung tâm xã vào thôn dài gần 7 km. Chi phí nghe bảo hết gần tiền tỷ, rất khó tin ở vùng cao, nhưng có ngựa bạch thì không gì là không thể.
Có lẽ cũng không cần nói thêm về giá trị kinh tế của loài bạch mã. Tình cảm của chúng mới là chuyện hay.
Những ông chủ ngựa ở vùng cao Hữu Kiên đều ngậm ngùi mà rằng, bạch mã là loài rất có tình cảm và trung thành, nhiều khi con người còn phải học. Những con tuấn mã cứ tưởng chỉ được cái mã bên ngoài ấy hóa ra cũng tình cảm ra trò.
Một khi bện hơi người rồi thì chỉ cần nhìn thấy từ xa, hay thoảng thấy mùi quen thuộc trong gió là hí vang, cất vó phi tới, vẫy đuôi, rũ bờm, quấn quýt bên chủ. Chính vì vậy mà ở vương quốc ngựa Hữu Kiên, chủ nuôi không bao giờ tự tay thịt ngựa, thậm chí lúc bán cũng nhờ người khác đến dắt hộ.
(Theo_Zing News
Điêu đứng sau bão Thần Sấm
Tưởng chừng như vụ này lúa này người dân Lạng Sơn sẽ được mùa. Vậy nhưng, chỉ trong phút chốc thành quả lao động cả năm của không ít người đã bị lũ sau cơn bão số 2 "oanh tạc", hóa thành... bùn đất.
Nghèo thì chẳng mấy chốc...
Những ngày này, mặc dù cơn bão số 2 đã đi qua, nhưng không khí ảm đạm vẫn bao trùm nhiều nơi ở Lạng Sơn.
Dọc tuyến QL4B đi qua một số huyện Lộc Bình, Đình Lập, bà con đang hối hả ra đồng. Ai ai cũng tất bật quang gánh, người ra đồng để gặt, người thì phơi lúa kín khắp cả mặt đường.
Bà con tranh thủ thu hoạch lúa để tránh bị hư hại
Cơn bão số 2 đã gây ra trận lũ lịch sử, không chỉ làm ngập lụt khu vực thành phố Lạng Sơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân toàn tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê, đã có tới hàng nghìn ha lúa nước bị ngập và hư hỏng, nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn. Khi nước rút, mặt trời ló lên, bà con đã tranh thủ ra đồng gặt để lúa tránh bị hư hỏng.
Ghi nhận thực tế của PV Dân trí tại Lạng Sơn thì phần lớn những cánh đồng lúa trải dài theo tuyến Quốc lộ 4B đều bị xô đổ, nằm rạp xuống mặt đất sau cơn bão do nước sông dâng, lũ tràn qua. Một số ít diện tích lúa ở trên cao không bị nước sông ngập, nhưng gió bão thổi làm đổ tơi tả gây nên thiệt hại nghiêm trọng.
Lúa đều bị nhuốm đỏ bởi bùn đất
Do nhà neo người nên đến chiều ngày 23/7, chị Hoàng Thị Thanh ở xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình vẫn đang cặm cụi gặt nốt diện tích lúa nước cuối cùng. Gánh lúa trên đôi vai gầy còm của chị Thanh trở nên nặng trĩu khi nhuốm màu đỏ của bùn và cát sỏi.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh xót xa: "Gia đình tôi có 8 sào ruộng, năm nay có thể thấy lúa tốt hơn mọi năm, ai cũng hí hửng tưởng chừng được mùa. Nhưng công cả năm chăm lụng, vậy mà chỉ sau một đêm, khắp cánh đồng đều chìm nghỉm dưới nước. Lúa chín sớm còn đỡ, chứ nhà tôi lúa còn non, giờ gặt cũng chẳng để làm gì, chắc chỉ để chăn gà vịt thôi."
Hiện, chị Thanh có một người con đang học dưới Hà Nội, một cháu khác năm nay đang vào lớp 12. Theo chị, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để nuôi sống. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, nông nhàn chị đi bốc vác, lao động ở các cửa khẩu cũng có đồng ra đồng vào trang trải sinh hoạt.
Anh Lường Văn Thiện ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc đang chở chuyến xe "công nông" đưa lúa về nhà tuốt. Trông cảnh bùn đỏ choét chảy từ thùng xe xuống mặt đường, anh không khỏi xót xa.
Những gì còn lại sau khi cơn lũ lịch sử đi qua
"Làm giàu thì khó nhưng nghèo thì chẳng mấy chốc. Cơn lũ xảy ra chỉ trong vài ngày đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong làng điêu đứng. Nhà tôi có khá khá ruộng, mỗi năm ngoài gia đình sử dụng, số gạo còn dư ra đem bán thu được hơn chục triệu đồng. Năm nay, khi biết tin cơn bão về, gia đình đã tranh thủ ra đồng nhưng chỉ gặt được hơn 3 sào, diện tích còn lại đều bị ngập nước. Đã trồng thì phải gặt thôi, thử đem về rửa đi xem có dùng được không. Nếu không thì chắc chỉ cho gia súc, gia cầm ăn thôi".
Lao động cả năm hóa... bùn đất
Chiều 24/7, chúng tôi có mặt tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng - đây là địa phương vùng cao nhưng thiệt hại về nông nghiệp cũng không nhỏ. Theo ông Mao Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, địa phương có địa hình phức tạp nên diện tích để trồng lúa rất ít.
Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khoảng 66%, bà con vùng cao chủ yếu thu nhập chính bằng chăn nuôi và làm nương. Tuy nhiên, trận lũ vừa rồi đã khiến rất nhiều diện tích lúa của bà con bị hư hại, ngô của bà con cũng bị đổ sàn sạt xuống đất, nếu không được thu hoạch sớm sẽ bị hư hỏng.
Nhiều điểm sạt lở trên tuyến QL 4B vẫn chưa được khắc phục
Anh Nông Quốc Lập, người dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên (Chi Lăng) cho biết: "Nước lũ đầu nguồn tràn về đã làm rất nhiều lúa và nương ngô của chúng tôi bị phá hoại. Sống ở trên cao nên lúa trồng được đã rất ít, không ngờ lại bị lũ cuốn làm mất trắng. Vụ này lúa tốt lắm, chỉ khoảng một tuần nữa là có thể thu hoạch được thành quả mỹ mãn. Nhưng chỉ trong phút, công sức lao động cả năm đã hóa bùn đất. Giờ những bông lúa đã bết bát, tiếc công sức thì gặt về thôi chứ lúa như này thì dùng thế nào được nữa".
Theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn chủ yếu là lúa, ngô, dưa hấu và một số cây hoa màu khác. Đa phần những cây nông nghiệp này đều chịu ngập kém, đang vào độ thu hoạch nên khi nước lũ tràn về đã gây thiệt hại rất lớn cho bà con
Lúa bết bát bùn đất, người dân chỉ mang về chăn gà vịt
Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ đã làm ngập úng 5.600ha lúa xuân. Trong đó làm mất trắng 2.300ha; hơn 20.000 cây lâm nghiệp bị gãy đổ; trên 100 tấn phân bón bị hư hỏng; trên 2.300 con gia súc bị chết...
Ngoài ra mưa bão cũng khiến 3 tuyến QL và 9 tuyến đường tỉnh lộ bị chia cắt. Trong đó, có tới 130 điểm sạt lở khối lượng trên 100 nghìn m3; 47 công trình thủy lợi và 20 công trình cấp nước bị hư hỏng... Ước tính thiệt hại lên tới 460 tỷ đồng.
Mưa lũ khiến nhiều con sông chảy qua địa bàn bị sạt lở
UBND tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huy động lực lượng đến hiện trường để hỗ trợ bà con trong công tác khắc phục hậu quả. Trước sự thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo, một số loại giống, vật tư nông nghiệp và 380 tỷ đồng để giúp bà con ổn định đời sống.
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Thêm trung tâm thương mại bậc nhất, Đà Nẵng đã đáng sống? Khu Trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính của Đà Nẵng có diện tích 130ha, được xây dựng tại vị trí sân vận động Chi Lăng. Diện mạo mới của Đà Nẵng UBND TP Đà Nẵng vừa công bố Quyết định của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục...