Vươn Tới Cung Trăng: Chị Hằng Nga bắn rap “chém đẹp” cả Rap Việt, phim “Trung Thu muộn” khuấy động mùa Halloween đây rồi!
Vươn Tới Cung Trăng là bộ phim hoạt hình gây bất ngờ với sự sáng tạo và thông điệp mới lạ về điển tích châu Á đã có từ rất lâu.
Bài viết không hé lộ nhiều tình tiết của phim. Nếu bạn không muốn bị spoil thì hãy đi xem rồi quay lại đọc nhé vì phim hay lắm!
Thật khó có thể tin được rằng, Netflix lại lựa chọn phát hành một bộ phim lấy chủ đề Trung Thu vào dịp… Halloween. Đúng đấy, bạn nghe không nhầm đâu. Trong lúc cả thế giới nháo nhào quanh mấy quả bí ngô với mớ phim kinh dị thì bỗng nhiên, một bộ phim hoạt hình ra mắt với bánh Trung Thu, chị Hằng, Thỏ Ngọc và rất rất nhiều thứ khác liên quan tới một ngày lễ đã qua xấp xỉ cả tháng trước. Ngộ hén?
Poster của bộ phim đẹp nhưng cũng không thấy có gì hot lắm?
Tôi xem qua trailer của phim. Cũng vui tai nhưng không có gì đặc biệt. Tôi dòm vào poster của phim. Trông nhí nha nhí nhố. Chắc lại một cái tên hạng xoàng trong làng khó nổi. Vươn Tới Cung Trăng (tựa gốc: Over The Moon) chính vì vậy ra mắt chẳng được ai chờ đón, cũng không nhận được mấy sự quan tâm. Dịp cuối năm phim ảnh ra mắt kín lịch, ai mà rảnh đi hóng phim Trung Thu làm gì?
Tò mò vì quyết định ra mắt phim lạ đời của Netflix, tôi quyết định xem Vươn Tới Cung Trăng để xem có gì hot. Và trời đất ơi, bộ phim vượt xa mọi kỳ vọng của tôi rất rất nhiều! Xem xong tim đập chân run thần kinh không vững vì hay gì mà hay thế? Viết ngay bài review cho nóng nè.
30 phút đầu của phim: Tôi nghĩ nhân vật chính bị sảng hay khùng khùng rồi…
Vươn Tới Cung Trăng có một mở đầu khá bình thường. Cô bé Phi Phi là con một nhà bán bánh Trung Thu có tiếng (vậy chắc giàu lắm!), từ bé đã bị bố mẹ nhồi nhét vào đầu mấy chuyện về Hằng Nga, Thỏ Ngọc nên có phần hơi mụ mị, lớn rồi vẫn cứ gào mồm kêu chị Hằng có thật. Nhiều năm sau khi mẹ cô bé qua đời, Phi Phi vẫn cứ ngơ ngẩn mê mẩn Hằng Nga trên cung trăng và câu chuyện về tình yêu dang dở của chị với một anh trai rất ngon nghẻ tên Hậu Nghệ (đây là truyền thuyết bên Trung Quốc chứ không có chú Cuội của Việt Nam nha).
Phim mở đầu khá bình thường, chủ yếu rào trước cho đoạn sau
Niềm tin của Phi Phi vào Hằng Nga trên cung trăng bắt đầu trở thành mê tín dị đoan khi cô bé quyết định… làm tên lửa phóng lên cung trăng để chứng minh chị ta có thật. Vượt qua mọi quy luật vật lý, cô bé chắc tầm 9-10 tuổi bay vọt được lên bầu khí quyển, xong rồi rơi xuống. Rồi xong. Hết phim. Bé gái học đòi làm chủ công nghệ và cái kết bi kịch.
Vô tình tin lời cô chủ và cái kết thảm khốc?
Toàn bộ phần nội dung trên xảy ra trong vòng 30 phút đầu phim khiến tôi – một khán giả tôn sùng tính logic trong điện ảnh – cảm thấy hoài nghi. Cô bé Phi Phi còn nhỏ mà đã lạng lách đánh võng khắp nhà trên con xe quèn, đã vậy còn có khả năng xây tên lửa lên trời cao? Phi Phi học giỏi nhất lớp nhưng lại chưa bao giờ đọc qua quy tắc an toàn giao thông, hay ít nhất là có chút bản năng sinh tồn? Ủa biên kịch có thiên vị trí tuệ của người Trung Quốc quá không vậy?
Từ đoạn sau đó trở đi, tôi rớt hàm xuống đất và hồn vía cũng bay thẳng lên cung trăng
May quá, Phi Phi không bị làm sao bởi vì đã có một thế lực siêu nhiên nào đó hoàn thành nốt phần đường còn lại của cô bé, đưa cô lên cung trăng. Đoạn này thì tôi thấy hợp tình hợp lý, vì dù sao thì Vươn Tới Cung Trăng cũng là phim trẻ em, các yếu tố phép thuật màu được phép xuất hiện. Chuẩn bị tới đoạn gặp mặt Hằng Nga nè.
Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một cốt truyện kiểu Phi Phi sẽ được bế lên mặt trăng, tham gia một cuộc hành trình nào đó lên bờ xuống ruộng, được Hằng Nga giáo huấn cho một bài xong rồi trở về nhà với tâm hồn phơi phới, yêu thiên nhiên yêu gia đình bố mẹ. Quá gọn nhẹ và nhân văn cho một bộ phim trẻ em.
Xong rồi cái hàm tôi rơi xuống đất cái bịch.
Mới đầu nhìn tạo hình Hằng Nga mà hết hồn luôn đó?
Nếu có một từ để miêu tả nhân vật Hằng Nga, người viết bài này xin hô to: Đỉnh! Đỉnh! Đỉnh! Hằng Nga xuất hiện trong chiếc váy ngắn cũn cỡn, thần thái sang chảnh “đỉnh của chóp” và hát nhạc điện tử xuất thần! Trái với hình tượng tiên nữ dịu dàng tha thướt lướt qua lướt lại một mình, Hằng Nga của Vươn Tới Cung Trăng chỏng lỏn, đanh đá và rất có phong cách. Cô nhanh chóng yêu cầu Phi Phi cùng đứa em trai đi cùng phải tìm cho ra bằng được một vật phẩm cô đang cần cho chuyện hệ trọng – không cần biết bằng cách nào (đi làm người ta gọi thái độ này là “result-driven”, hay “chú trọng kết quả”). Đó, nhân vật này cũng khá chuyên nghiệp và có mục đích!
Cung trăng trên phim cũng được hình tượng hóa rất thú vị. Các chi tiết nổi bật của ngày tết Trung Thu như bánh Trung Thu, con Lân, Thỏ Ngọc… cũng được hình tượng hóa, nhân hóa rất đáng yêu và sống động. Làm gì có ai dám nghĩ Thỏ Ngọc lại… đánh DJ không thua gì Mie của Rap Việt cơ chứ?
Thế giới trên cung trăng được xây dựng rất sáng tạo và vui tươi, cũng giống như những gì Pixar đã làm với “thế giới bên kia” trong bộ phim hoạt hình Coco đình đám. Các chi tiết được xây dựng đầy tính bất ngờ, hấp dẫn để vừa có thể kết nối với cốt truyện chính, vừa là hiện thân của những giá trị văn hóa lâu đời nay trong tư duy của người Á. Cái này nói thẳng luôn là Mulan không đủ tuổi!
Sau những phân đoạn hài hước, vui vẻ thì Vươn Tới Cung Trăng cũng có những khoảng lặng đáng để suy ngẫm. Bộ phim không khiến tôi phải ôm gối quằn quại trong phòng kiểu như Up hay Inside Out, nhưng mà việc gì mà phải thế? Thông điệp nhẹ nhàng, ý nghĩa của phim về việc đứng dậy và bước tiếp sau chia tay, mất mát vừa là bài học ấm áp cho các bé, vừa là cái tát vào mặt các anh, các chị lụy tình cho tỉnh người ra. Thật bất ngờ khi ý tưởng này lại được gửi gắm qua một tác phẩm về Trung Thu – vốn thường chỉ được nhắc đến như lễ đoàn viên vui vẻ.
Thế giới trên cung trăng được xây khá lung linh dù rất vô lý
Hằng Nga thời thượng hát pop, nhảy EDM đã đỉnh, bắn rap còn “chém đẹp” Rap Việt với King Of Rap luôn cơ!
Là một bộ phim âm nhạc, Vươn Tới Cung Trăng mở đầu bằng một ca khúc có phần rề rà và nếu bạn nghe bản lồng tiếng thì sẽ hơi ngang một chút. Càng về sau, màu sắc âm nhạc của phim càng trở nên đa dạng hơn rất nhiều, đặc biệt là với sự xuất hiện của Hằng Nga cùng ca khúc giới thiệu tên tuổi, địa vị. Có một đoạn tôi để ý rất kỹ trong bài này, chị Hằng Nga còn múa quạt nha!
Hết hát nhạc pop, Hằng Nga tiếp tục chứng minh là một tài năng trẻ có số có má trong cộng đồng âm nhạc khi đá sang cả… rap. Verse rap của Hằng Nga bản tiếng Anh cực hay và lắt léo, còn bản lời Việt cũng được các anh chị lồng tiếng phối vần nhịp nhàng rất có tâm. Tóm lại, Vươn Tới Cung Trăng là một bữa tiệc âm nhạc vô cùng thịnh soạn và bất ngờ khiến tôi sững sờ hết nấc.
Tôi có thể cảm nhận được sự vất vả của các anh chị lồng tiếng Việt hát muốn bay cả lá phổi ra ngoài khi cố gắng song hành được vocal khá khủng của Hằng Nga trong bản gốc. Đổi lại, khán giả từ trẻ nhỏ cho tới người già đều có thể thưởng thức Vươn Tới Cung Trăng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt với chất lượng tương đương nhau.
Thần thái thì cứ phải gọi là thôi rồi
Nếu Frozen 2 khiến khán giả phải ố á vì trang phục của Elsa khá đẹp, thì Hằng Nga cũng xin mời Elsa cùng tủ quần áo ra chuồng gà. Bà tiên châu Á phối đồ đỉnh thôi rồi, càng xem càng cuốn mắt đến phát mê! Bởi lẽ, thời trang của Hằng Nga đều được thiết kế bởi Guo Pei (Quách Bồi) – nhà mốt Haute Couture đã từng lựa style cho Rihanna và nằm trong top 100 người ảnh hưởng nhất của tạp chí TIME.
Ăn bánh Trung Thu muộn, tại sao không?
Không hiểu vì lẽ nào mà một bộ phim như Vươn Tới Cung Trăng lại ra mắt vào khoảng thời gian khá lâu khi Trung Thu đã kết thúc. Thế nhưng, vấn đề thời điểm vẫn không thể làm lu mờ tiềm năng của tác phẩm hoạt hình rất quan trọng về văn hóa dân gian châu Á này.
Sự khác biệt văn hóa khiến Vươn Tới Cung Trăng nhận về phản hồi trái chiều từ truyền thông phương Tây và phương Đông. Một số trang báo Mỹ không đưa ra nhận định tốt về phim, thế nhưng nó vẫn được khán giả đánh giá 81% trên hệ thống Rotten Tomatoes. Điều ngược lại xảy ra với Mulan, kỳ lạ quá không?
Vươn Tới Cung Trăng với tôi là một bộ phim hài hước, tràn đầy bất ngờ và rất ấm áp, nhân văn, đánh dấu sự hiện diện ngày một lớn mạnh của người châu Á trên màn ảnh. Chính vì vậy, ăn bánh Trung Thu muộn một chút cũng có sao đâu?
Trailer của Vươn Tới Cung Trăng
Vươn Tới Cung Trăng hiện đang được chiếu trên hệ thống Netflix.
Anne Hathaway đang cao sang bỗng hoá yêu nghiệt mồm ác quỷ đầy răng nhọn lởm chởm ở phim mới
Bộ phim mới của Anne Hathaway làm khán giả kinh hồn bạt vía với tạo hình mụ phù thủy ghê rợn cùng nụ cười rộng tới mang tai.
Dịp Halloween năm nay, khán giả sẽ được thưởng thức một tác phẩm đánh dấu sự trở lại của "chị đẹp" Anne Hathaway - chính là bộ phim Phù Thủy, Phù Thủy (tựa gốc: The Witches). Ngay từ khi trailer phim được tung ra, khán giả đã phải "mắt chữ A mồm chữ O" với tạo hình hết sức sang chảnh, thần thái và quý phái của nữ diễn viên trong vai mụ Phù Thủy Tối Cao của phim. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc nhằm che đậy phần tạo hình kinh sợ thật sự của ả.
Đừng để vẻ ngoài vốn "chanh sả" của Anne Hathaway đánh lừa
Cứ tưởng tạo hình ghê rợn ấy sẽ được "ém hàng" cho đến khi phim chiếu, thế nhưng vào ngày 15/10, một đoạn video quảng bá cho bộ phim đã phần nào hé lộ hình ảnh đáng sợ của Anne Hathaway trong tác phẩm kinh dị - hài dịp Halloween này.
Dòng giống phù thủy trong phim cũng sở hữu chiếc mũi "siêu to khổng lồ"
Khác với tạo hình cũ, lần này mụ phù thủy vẫn có vẻ "sang chảnh" hơn nhưng lại sở hữu khuôn miệng rộng đến bất ngờ, có lẽ nếu trang điểm thì sẽ rất tốn son. Nụ cười rộng đến tận mang tai của Anne Hathaway cùng dàn phù thủy độc ác cũng khiến nhiều khán giả sợ hú hồn, không ngờ phim cho trẻ em mà cũng có thể "nặng đô" đến như vậy.
Bình thường xinh đẹp và quyến rũ là vậy...
Ai ngờ tất cả chỉ là dối lừa!
Một số bình luận của fan về tạo hình thật của mụ phù thuỷ:
- Còn đâu chị đẹp Anne của tôi!!!
- Nhìn như Joker vậy?
- Cười ngoác đến mang tai là có thật...
- Vẫn thấy bản gốc đỉnh hơn
- Nhìn kì kì sao ấy...
(Tổng hợp từ Phim Sắp Chiếu)
Thế nhưng, bất kỳ ai đã xem bộ phim Phù Thủy, Phù Thủy bản năm 1990 cũng sẽ biết rằng vẻ ngoài kiều diễm ấy chỉ là vỏ bọc. Thực chất, mụ phù thủy của phim có tạo hình gớm ghiếc và cằn cỗi hơn nhiều. Ngoài ra, chúng còn không có ngón chân, đều bị hói và sở hữu móng vuốt thay vì ngón tay.
Anjelica Huston cũng đã thể hiện một Phù Thủy Tối Cao rất thành công trong phiên bản năm 1990
Dựa trên tiểu thuyết dành cho trẻ em cùng tên của tác giả Roald Dahl từ năm 1983, nội dung của phim kể về câu chuyện của một cậu bé vô tình chạm phải một hội phù thủy bí mật. Những mụ phù thủy này rất ghét trẻ con và đang bày mưu tính kế để biến toàn bộ trẻ con trên thế giới thành chuột. Với sự giúp đỡ của người bà đáng mến, cậu bé này cùng những người bạn của mình phải tìm cách lật đổ kế hoạch đáng sợ của đám phù thủy kia.
Phù Thủy, Phù Thủy cũng tụ họp dàn diễn viên tài năng của Hollywood, bao gồm cả nữ diễn viên Octavia Spencer cũng đã từng giật được tượng vàng Oscar. Ngoài ra, đạo diễn của phim cũng chính là Robert Zemeckis - người đã tạo nên thành công của Forrest Gump đình đám. Đạo diễn Guillermo del Toro lừng danh cũng là người chắp bút viết kịch bản cho phần phim lần này.
Trailer của Phù Thủy, Phù Thủy
Ở thị trường quốc tế, Phù Thủy, Phù Thủy sẽ phải ngậm ngùi phát sóng trên hệ thống truyền hình trực tuyến HBO Max mặc dù vốn được sản xuất để chiếu rạp. May mắn thay, khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội gặp "chị đẹp" Anne Hathaway ngoài màn ảnh lớn từ ngày 6/11.
Phim Âu Mỹ tháng 10 toàn siêu phẩm ma quái kinh dị hết cỡ, mùa Halloween năm nay rộn ràng rồi đây! Một lô các sản phẩm phim ảnh mang đậm phong cách Halloween đang chờ đợi khán giả thưởng thức vào tháng 10 năm nay. Tháng 10 đã đến cũng là lúc nền phim ảnh Hollywood rục rịch chuẩn bị chào đón mùa lễ Halloween. Các dự án phim mới nhất của Netflix mang đậm hơi thở tâm linh - kinh dị - kỳ...