Vườn lịch sử của thầy trò xứ Thanh
Nằm ngay phía tay phải cổng trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) là vườn lịch sử xứ Thanh. Khu vườn rộng gần 300 m2 có 9 khối đá, mỗi khối gắn với một địa danh hay sự kiện lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa.
Mỗi viên đá trong vườn đều mang dấu ấn riêng của từng thời kỳ lịch sử. Chỗ này là đá ghi danh Ngàn Nưa, nơi Bà Triệu dấy binh chống quân Ngô; chỗ kia là đá ghi danh thành nhà Hồ, một công trình kiến trúc độc đáo được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh là đá Hàm Rồng, nơi vùi xác của hàng trăm máy bay trong kháng chiến chống Mỹ. Cạnh đó có hệ thống pano thuyết minh thông tin các địa danh, sự kiện lịch sử khá ngắn gọn.
“Vườn lịch sử” là tâm huyết của thầy giáo Hoàng Xuân Khánh, hiệu trưởng nhà trường. Thầy lý giải: “Mỗi quê hương, mỗi vùng đất đều gắn với những sự kiện lịch sử và sinh ra những con người kiệt xuất. Phải học và am hiểu lịch sử địa phương thì mới có thể học tốt lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước và tự hào truyền thống cha ông xuất phát từ những bài học lịch sử đơn giản như vậy”.
Tác giả vườn lịch sử, thầy giáo Hoàng Xuân Khánh. Ảnh: Hoàng Phương.
Cuối năm 2009, thầy bắt đầu sưu tầm và dựng các khối đá, khắc biển đồng ghi danh theo trình tự thời gian. Thầy lựa chọn 9 “điểm nhấn” lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa, gồm: núi Đọ, làng cổ Đông Sơn, núi Ngàn Nưa, Xuân Lập (nơi sinh vua Lê Hoàn), khởi nghĩa Lam Sơn, thành nhà Hồ, Hà Trung (quê hương nhà Nguyễn), chiến khu Ba Đình, cầu Hàm Rồng.
Để có “đá ghi danh” mang về đặt trong vườn, tranh thủ cuối tuần, thầy giáo già Hoàng Xuân Khánh lại một mình một xe máy đi tìm đá. Khi lên tận Ngàn Nưa (Triệu Sơn), lúc qua thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc)… để lấy được những viên đá ưng ý nhất. Có viên đá phải đi nhiều lần, chụp ảnh đối chiếu với những biểu trưng, xin phép chính quyền địa phương rồi mới được lấy. Chọn được đá rồi, thầy lại thuê xe chở về. Chi phí vận chuyển, thầy tự lo liệu.
Video đang HOT
Ròng rã gần một năm trời, cuối cùng thầy Khánh cũng chọn được 9 khối đá như ý. Đá ghi danh làng cổ Đông Sơn được lấy tại núi đá đầu làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Đá ghi danh cầu Hàm Rồng lấy ở ngọn núi có cây cầu bắc qua. Trong số đó, viên đá thành nhà Hồ được tạc mô hình mô phỏng thành có một cổng chính và hai cổng phụ. Đá Lam Sơn được sửa lại gần giống hình dáng cụ rùa, gợi nhớ truyền thuyết vua Lê Lợi mượn gươm rùa vàng dấy binh khởi nghĩa.
Tiêu chí chọn đá của thầy Khánh là “không cần cầu kỳ, không cần đẹp, nhưng phải ở chính địa danh lịch sử đó và không làm ảnh hưởng đến di tích”.
Một giờ học của cô trò trường tiểu học Minh Khai 1 tại vườn lịch sử. Ảnh: Hoàng Phương.
Chọn được đá, thầy Khánh bắt tay vào kiến thiết khu vườn. Lúc này, có “mạnh thường quân” biết được mục đích của thầy giáo nên đã tài trợ chi phí xây dựng “vườn lịch sử Xứ Thanh”. Vườn nằm ngay khoảnh đất đầu cổng trường, rộng gần 300 m2, được đổ đất tạo thành những vùng lồi lõm và trồng cây xanh. Tên khối đá được gắn biển đồng.
Các khối đá đặt trong vườn theo trình tự thời gian. Riêng đá Lam Sơn, nơi Lê Lợi dấy binh đánh giặc Minh và đá Hà Trung, biểu trưng cho quê hương nhà Nguyễn (9 chúa 13 vua) được thầy Khánh “ưu ái” đặt ở vị trí ngoài cùng khu vườn, nơi dễ nhìn thấy nhất. Thầy nói, đó là biểu thị lòng thành kính cũng như niềm tự hào của người xứ Thanh dành cho bậc tiên tổ đã có công dựng nước và giữ nước.
Hệ thống pano đặt tương ứng gần với vị trí các khối đá. Nội dung thuyết minh các sự kiện, địa danh lịch sử rất ngắn gọn để ai đọc cũng hiểu và nắm được ý cốt lõi. Như tấm pano thuyết minh cho làng cổ Đông Sơn được ghi “Làng thuộc địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Làng Đông Sơn là làng Việt cổ đại diện cho một giai đoạn lịch sử văn minh Đông Sơn – trống đồng Đông Sơn”…
Từ khi vườn lịch sử ra đời, nó trở thành công cụ giảng dạy lịch sử trực quan, sinh động cho thầy trò trường Tiểu học Minh Khai 1. Hàng ngày, học sinh đều được ngắm nhìn những dấu ấn lịch sử hiện hữu trong vườn trường.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên dạy khối lớp 4 cho biết, khi có bài học liên quan thì cô trò đều được đi “thực tế” tại vườn. Cách dạy thiên về kể chuyện và hỏi đáp ngay tại hiện trường. Như bài học về thành nhà Hồ, trong sách giáo khoa chỉ mô tả chung chung. Khi dạy trực tiếp ở vườn, cô có thể chỉ vào mô hình, giảng cho học trò biết thành được xây dựng từ những khối đá lớn, thành có bốn mặt, mỗi mặt có một cổng chính, hai cổng phụ… Học sinh lĩnh hội kiến thức sử – địa quê hương nhanh, nhớ lâu hơn.
“Giờ học lịch sử tại vườn, học trò hào hứng đặt ra câu hỏi nhiều hơn vì được tiếp xúc với thiên nhiên, học bằng hiện vật trực quan, sinh động”, cô Thủy cho hay.
Quang cảnh khu vườn. Ảnh: Hoàng Phương.
Điều vui nhất với thầy Khánh là sáng kiến vườn lịch sử còn có tác dụng lan tỏa. Các trường lân cận cũng thường xuyên cho học sinh sang tham quan khu vườn khi có bài học liên quan. Năm 2011, sáng kiến “Vườn lịch sử xứ Thanh” được chọn là một trong ba giải pháp của ngành giáo dục và đào tạo tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 và đạt giải khuyến khích.
Thầy Khánh cho hay, đây là giải pháp hoàn toàn khả thi, có thể áp dụng được cho học sinh trung học cơ sở và phổ thông, tùy thuộc vào điều kiện mỗi trường. Ngoài ra, thầy còn đề xuất có thể thiết kế “vườn cây lịch sử” hoặc “vườn tranh lịch sử”, có chú thích rõ ràng, ngắn gọn về kiến thức lịch sử cho học sinh. Có thể kết hợp sa bàn, mô hình trồng cây thêm phần sinh động.
Có một việc khiến thầy Khánh giật mình về sự hiểu biết lịch sử nước nhà của người dân. Hôm khánh thành vườn trường, rất đông người dân đứng xem khối đá và lời thuyết minh về chiến khu Ba Đình (thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), có người hỏi “Hóa ra quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập có xuất xứ từ Thanh Hóa à ?”. Khi được các thầy giáo giải thích, người dân ngạc nhiên, từ ngạc nhiên chuyển sang tự hào. Họ liên hệ tên địa danh Ba Đình được đặt ở nhiều nơi khắp đất nước.
Theo VNE
"Truyện Kiều" không thể là di sản văn hóa phi vật thể
Đó là khẳng định của Bộ VH,TT&DL sau khi Hội Kiều học gửi công văn tới Bộ về việc đề nghị UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá thế giới.
Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, Truyện Kiều là một tác phẩm thi ca kiệt xuất của Việt Nam, nhưng theo định nghĩa của UNESCO về di sản văn hoá phi vật thể thì đây không phải là đối tượng xem xét theo Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Ở thời điểm hiện nay, UNESCO chưa từng xem xét, ghi danh dưới hình thức danh hiệu của Công ước 2003 đối với bất cứ tác phẩm văn học nào.
Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL ủng hộ phối hợp các cơ quan liên quan trong việc đề nghị UNESCO công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới vào năm 2016. Trong thời gian tới, việc phục nguyên văn bản Truyện Kiều có thể sẽ được khởi động.
Theo xahoi
Nghệ An: Năm học mới, thầy trò lại lo chạy lũ Hàng năm, xã Yên Tĩnh, huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) - nơi có 100% đồng bào Thái sinh sống, thường phải hứng chịu nhiều trận lũ quét lớn nhỏ. Vì vậy việc "chạy lũ" đối với người dân và các thầy trò nơi đây đã trở nên hết sức quen thuộc... Trở lại Yên Tĩnh sau gần 1 tháng diễn ra...