Vườn đào hay vườn mướp?
Bức thư không dám gửi vợ yêu !
Tối nay, anh nằm gối lên đùi vợ để xem ti vi, còn vợ thì ngồi trông hai đứa trẻ đang nô đùa. Anh đùa với em rằng, “Em làm cho anh nhớ lại tuổi thơ anh”. Em xúc động hỏi lại: “Có phải được nằm trên đùi mẹ không ?”. Anh trả lời một cách thật thà: “Không, em làm anh nhớ lại .. vườn mướp nhà bà ngoại”. Tức thì em hất anh ra, mặt xị xuống mặc cho anh xin lỗi thế nào.
Thế là em giận anh từ tối đến giờ, hỏi không nói, gọi không thưa, nằm quay mặt vào tường vờ ngủ. Còn anh thì đành sang phòng làm việc ngồi đây với cái máy tính, chẳng biết làm gì hơn là viết cho em vài dòng, mà anh chắc cũng chẳng dám đưa em đọc, vì biết đâu lại đổ thêm dầu vào lửa.
Em còn nhớ cái ngày đầu tiên hai đứa mình đi chơi ở cánh đồng ngoại thành không. Lúc đó anh khá bất ngờ vì em chẳng hề mặc nội y. Vòng ngực em căng tròn sức trẻ. Yêu em mười phần, thì cũng mấy phần yêu cái thân hình hấp dẫn của em, nếu lúc ấy nói ra chắc em lại bắt bẻ anh “háo sắc”. Nhưng đàn ông mà, yêu bằng mắt chứ.
Thế rồi chúng ta đã có nhau và có bé Tí bây giờ. Thật hạnh phúc và thương biết bao khi anh thấy em hy sinh vì con. Anh còn nhớ lúc mới sinh bé Tí ở bệnh viện, em ăn rõ nhiều để có sữa cho con, cộng với “nhà máy sữa” của em công xuất khá lớn cho nên em bị căng sữa đến phát sốt, trong khi con còn bé chỉ ti mẹ được một chút. Thế rồi suốt hai năm ròng, em luôn cố ăn thật nhiều để con có đủ sữa, cho đến khi anh nhận ra, nhà máy sữa đã “sập” sau khi cai sữa cho con. Và rồi cả bé Tẹo ra đời, thì ôi thôi..
Chuyện đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi em hy sinh vẻ đẹp của mình vì con, nhưng chuyện anh muốn nói là em muôn đời vẫn có thói quen “thả rông” như thế, bất kể bây giờ “núi lửa” đã phun nham thạch và nguội ngắt, chỉ còn lại “tàn dư” như “vườn mướp” nhà bà.
Nếu như ngày xưa hai “trái đào” treo trên “cây” một cách mời gọi, thì bây giờ, thay vào đó là hai “trái mướp” lủng lẳng theo từng nhịp bước của em. Anh ngượng nhất là khi nhà có khách, em vẫn vô tư đi lại pha nước, gọt hoa quả và làm bếp mặc cho mướp “tung tăng” nhảy nhót trong áo, dù bây giờ, khoảng cách giữa hai “trái mướp” xa nhau như Lào Cai và Mũi Né.
Anh không bao giờ chê em xấu, mà chỉ có cảm giác như bị “ăn cướp” một cảm xúc đặc biệt khi mỗi ngày anh phải chứng kiến em thả rông một cách vô tư.
Anh biết câu nói đùa của anh thật vô duyên, nhưng anh chưa tìm được cách nào tế nhị hơn để nói cho vợ hiểu. Nhân đây anh cũng vào mạng tìm hiểu thì được biết, việc “thả rông” rất tốt cho việc giảm khả năng mắc ung thư vú, nhưng lại rất có hại cho việc “định hình” lại “núi đôi” sau khi sinh. Theo anh thì tốt nhất vợ nên thả rông đúng lúc đúng chỗ, vừa đẹp cho mình lại vừa hấp dẫn trong mắt anh.
Song Bảo
Vết lằn tuổi thơ
Câu hỏi của thằng Ba làm Hân suy nghĩ, có lần má nói, đó là bàn thờ Bà Tổ Cô của ba nhưng bọn nó gọi là gì thì nó không biết. - Gọi là bà đi!
Cơn mưa rào đêm qua làm cho không khí buổi sáng trong sạch lạ kì. Cái cảm giác mơn man của gió sớm cứ vuốt ve qua làn da nõn nà càng làm Hân thích thú. Nó vươn vai ngáp dài sau một đêm ngon giấc. Trời mưa mà đánh giấc thì tuyệt, không suy tư vướng bận điều gì, như thể mưa tắm trôi tất cả những bộn bề trần gian.
Đêm qua mưa lớn, chắc sáng nay thể nào cũng có hàng tá dưa bị nứt, tha hồ ăn. Nhưng phải lỗ một mớ, nghĩ mà thương ba má. Vụ dưa này ngó bộ chẳng ăn nhằm gì, trời mưa hoài. Trái nhỏ thì rụng, trái vừa được mắt một chút thì bị bàn tay của thần mưa bổ làm đôi. Tối tối, nghe ba má than thở mà Hân thấy buồn.
Chuẩn bị xong, Hân cùng hai thằng em lên bãi thay ca cho ba nó về nghỉ. Cả đêm qua canh bãi chắc ba nó đã thấm mệt, thêm phần chống chọi với trận rào xối xả.
Bãi dưa cách nhà nó khá xa. Phải băng qua mảnh vườn trồng hoa lợi của người ta, và cả dòng suối mà chị em nó thường vùng vẫy không biết chán, bị ăn đòn hoài vẫn không kinh.
- Hai ơi! Bắp nhiều chưa?
Video đang HOT
Thằng Út nhìn những mụt bắp bụ bẫm ôm lấy thân cây với ánh mắt thèm thuồng nói. Thằng Ba như đồng suy nghĩ:
- Bẻ một trái nghe Hai.
- Coi chừng bị chặt tay nghe con. Ba ghét nhất là ăn trộm của người ta đó. Ăn đòn rồi "tu".
Nghe Hân răng đe, hai đứa ngậm ngùi bước đi.
Mải mê nghịch cát xây lò, ba đứa không biết được trời đã đứng bóng, chỉ khi nghe tiếng má nó gọi từ bờ suối vẳng qua chúng mới biết đã tới bữa. Vì bận việc nên ba nó không lên thay ca được, nghe má nói thì ba nó đi họp gì ở xã, chiều về sớm ba lại lên thay.
Dù căng bụng vì ngấu dưa chừng chừng nhưng bữa cơm cá bống kho tiêu cũng làm ba đứa xốn xang. Chúng không thèm sớt cơm ra chén, cứ để nguyên trong cà mên, chụm đầu vào mà xúc. Thằng Út láo luyến, dùng tay bốc cá bỏ vào miệng vã ngon lành.
- Mất vệ sinh quá đi! - Hân nạt em.
- Mình là heo mà Hai. - Nó chống chế, miệng còn lẻm bẻm đầy cơm.
Ba chị em nó lúc ngủ cũng như lúc ăn, giống như mấy chú heo con trong chuồng nhà nó, cứ ụi chồng lên nhau mà ngủ.
Nghe có lí cả ba cùng cười. Ăn no say chúng lại lăn ra ngủ. Nhất là thằng Út, nó hệt như một con heo con múp míp và dễ thương.
Gió chiều êm ru, Hân miên man trong giấc mơ của mình, chợt nó bị đánh thức bởi tiếng tắc...tắc lạ kì. Chồm dậy với đôi mắt còn mớ ngủ, nó sực tỉnh khi nhìn phía cuối trại, hai thằng quỷ nhỏ đang ngấu nghiến ngoặm từng hàng bắp ngon lành vào miệng. Tay đẩy củi cho lửa bùng lên.
Vậy là tranh thủ trong lúc Hân ngủ, hai thằng nhỏ rủ nhau bẻ trộm bắp của người ta nướng. Hân tỉnh hẳn, nó vọt ngay ra tra vặn.
Hai đứa nhăn mặt:
- Bắp ngon lắm. Hai thử nè!
Thằng Ba chìa trái bắp nướng đang cắn dở cho nó. Thằng Út thấy vậy ngừng nhai, nó cũng sợ. Hân gườm mắt:
- Nói rồi không nghe hả?
- Ba trái chứ mấy.
- Ngon lắm Hai - thằng Út chào mời.
Rồi nhanh như chớp, Hân chộp lấy trái bắp trên tay thằng em ngoặm vào miệng, hàm răng nhỏ cuộn lấy từng hàng bắp vào miệng đều văng. Cả ba đứa cười thích thú.
- Hai ăn rồi nghe. Có gì chịu đòn chung. Ha...Ha
Thấy vậy, thằng Ba đắc chí rút dưới đụn cát thêm ba quả nữa, quả nào cũng căng bóng như những con sùng cát.
- Ba mà biết thì chết. - Hân không khỏi lo lắng.
- Bẻ trộm của ai đây?
- Của bà Lan già. (Bọn con nít chúng tôi ai cũng gọi bà như thế. Bà già rồi nhưng kiết hết sức, cái gì trong vườn cũng đem bán, thấy mà ghét).
- Có ai thấy mi hái không? - Hân nói như sợ có người nghe, nó lí rí.
- Không biết. - Hình như bà Lan thấy.
- Chết chưa, làm sao đây?
Cả ba đứa mặt lo lắng, bắp không còn ngon tươi nữa. Chỉ một lát sau nỗi lo sợ thành sự thật. Bà già lụi cụi tới gần. Nhanh chóng cả ba vùi tang chứng xuống cát, hành động nhanh làm cát văng vào mắt thằng Út, nó dụi dụi trông tội nghiệp. Nhưng than cháy chèm nhem trên mặt, đã tố cáo chúng một cách trắng trợn. Hết đường chối cãi, bà ta hung dữ la hét. Chúng ngoan cố chối bay chối biến.
Ông trời hôm nay cũng tàn nhẫn, xui thế nào đang lúc dằn co, ba nó đã lù lù ở bờ suối. Cả ba rụng rời, kì này ăn đòn là chắc.
Ba tên tội phạm bẽn lẽn, đứng lại sát nhau như chống lại cái sợ hãi đang trỗi dậy trong lòng. Ba nó dàn xếp xong với bà cụ. Đôi mắt đầy phẫn nộ, ông vớ cành cây cộng sản vụt ngay vào Hân rát buốt. Thằng Ba, thằng Út cũng oà lên.
Ba nó ngày nào cũng dạy, sống trên đời dù nghèo cũng đừng để cho người ta khinh rẻ: "Nghèo cho sạch rách cho thơm". Vì một phút thèm thuồng tầm thường mà lãnh án, ba đứa thút thít hối lỗi.
Bữa cơm tối, má cũng giận, không buồn nói gì làm cả ba cứ nơm nớp. Má còn nói bà già Lan sẽ báo lên thôn giải quyết chuyện này làm gương. Nghe xong cả ba rụng rời, thôi hết đường cứu vãn. Chuyện xấu vỡ lở, danh dự gia đình coi như tiêu, chúng còn dám nhìn mặt ai. Cả bọn trong xóm chắc không để yên chuyện này. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là trận đòn của ba.
Vội vàng và cơm cho hết bữa, ba đứa kéo nhau ra hiên bàn bạc.
Chợt thằng Ba nghĩ ra có lần má nó nói, khi gặp khó khăn gì chỉ cần thắp hương khấn vái, ông bà phù hộ sẽ tai qua nạn khỏi. Hội ý xong, ba chị em nó kéo nhau lên gác như sợ má nó nghe thấy, chúng rủ rỉ nhẹ nhàng. Hân lấy cho mỗi đứa ba nén nhang, ngày thường thì chỉ một thôi, nhưng hôm nay chúng định hối lộ ông bà nên lấy thêm ba cho chắc ăn.
Chợt thằng Út hỏi:
- Khấn gì đây Hai?
- Thì xin cho ba đừng đánh nữa. Bà Lan đừng báo thôn bắt mình. Ngu rứa!
Thằng Út tự dưng khóc oà lên. Nén nhang cháy trên tay run run như nỗi sợ đang dâng lên lạnh lùng trùm lấy nó.
Thằng Ba mạnh dạn:
- Khóc gì, cùng lắm bị đánh vài roi.
Nó mạnh dạn nhưng nỗi sợ như chực trào ra mi mắt.
- Hai! Khấn ai đây?
Câu hỏi của thằng Ba làm Hân suy nghĩ, có lần má nói, đó là bàn thờ Bà Tổ Cô của ba nhưng bọn nó gọi là gì thì nó không biết.
- Gọi là bà đi!
Gọi bà dù không chính xác nhưng không sai. Ba đứa thi nhau lầm bầm trong miệng. Khói hương nghi ngút linh thiêng chứng kiến lòng thành của chị em nó.
Khấn xong, cả ba yên tâm chui vào chuồng. Thường ngày trước khi ngủ ba đứa phải trẫn giỡn, làm ụn ịt như heo, nhưng hôm nay chúng lủi vào nằm yên. Tấm chăn từ từ phủ kín lên chúng nhẹ nhàng. Trời hầm giông nóng bức, rúc trong chăn mồ hôi rịn ra khét mùi làm cả ba nghẹt thở. Thằng Út không chịu nỗi, nhưng chỉ dám he hé tìm chút không khí hiếm hoi.
Nằm trong chăn, nỗi sợ cứ thay nhau trỗi dậy chứ không lắng dịu được chút nào. Mỗi lần nghe tiếng bước chân, chúng lại nín thinh. Cái nơm nớp làm chúng đến khổ sở.
Đêm đó, ba nó không về, tới khuya thằng Út lên cơn sốt. Cả ngày dầm nắng, cộng với nỗi sợ hãi đòn hư, thêm phần tắm hơi cao cấp nên thằng nhỏ phát bệnh. May mà má nó trở ra trông chừng.
Nghe tiếng gà gáy Hân trở dậy. Hôm nay nó không cần ai đánh thức.
Vung gàu kéo nước, sợi dây vô tình quất vào vai nó đau buốt, thì ra là vết lằn chiều qua đang mọng lên rát bỏng, một vết lằn mà mãi vẫn không lặn đi trong kí ức tuổi thơ của nó.
Theo Guu
Thương cho roi cho vọt Vài chục năm sau, dòng đời nhiều biến chuyển... Hồi nhỏ, nó mải chơi lắm, đó là thời kì cấm vận. Khi ti vi là một món quà xa xỉ đối với rất nhiều người thì nhà nó cũng không phải là ngoại lệ. Nó mê những bộ phim truyền hình nhiều tập được phát sóng hàng đêm. Đặc biệt, trong tâm khảm...