Vườn cây ăn quả trên nóc tầng 4
Tuần này anh Nguyễn Văn Giàu được cắt 15 trái dưa lê, đầu tháng có thể cắt một tạ dưa lưới, bên cạnh nho đang chín mọng, ổi, táo sai trĩu.
Từ hai năm trước, anh Nguyễn Văn Giàu, 29 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM bắt đầu tận dụng khoảng sân thượng trên nóc ngôi nhà 4 tầng, rộng 60 m2. Ban đầu anh chỉ trồng rau nhưng sau đó chuyển sang trồng hoa quả.
“Ở nhà phố không có đất đai, lúc đầu tôi cũng không dám nghĩ sẽ trồng được cây ăn trái trên sân thượng, nhưng càng làm càng thấy không gì là không thể”, anh Giàu, chủ một quán ăn, nói.
Vị trí này nhiều nắng, nhiều gió, để trồng được cây anh đã làm giàn cố định. Mỗi loại cây trồng xuống cũng được gia cố để có thể trụ vững trước mưa gió, bão bùng.
Trên vườn hiện có nhiều loại cây như nho, dưa, cóc, ổi, khế, mít, chanh, táo… Anh tập trung trồng nhiều nhất trồng nho và dưa lưới vì hai loại quả này có giá trị cao.
Giàn nho được đặt ở khu vực nhiều nắng nhất. Vườn đang trồng 3 giống nho Ninh Thuận gồm nho 152, 126, black queen. Trồng nho không quá vất vả, cho thu hoạch ổn định. Cây tạo bóng râm nên khi rảnh rỗi, cả nhà anh hay thích ngồi dưới giàn ngắm thành phố.
Từ khi trồng đến khi thu hoạch vụ đầu mất khoảng 9 tháng. Sau đó cứ 4 tháng anh sẽ thu được một lứa. Từ năm thứ hai trở đi cây nho sẽ cho nhiều trái hơn. Mỗi lứa có thể thu được từ 5 kg trở lên.
“Nông dân sân thượng” này cắt trái luân phiên, sao cho mỗi tháng đều có quả chín. Đợt này, giống nho đen 126 đang cho thu hoạch. Gốc này mới trồng 6 tháng, vụ đầu tiên bói được 12 chùm, ước chừng hơn 3 kg.
Trồng dưa lưới kỳ công hơn. Ông bố 3 con mua hạt giống xách tay của Nhật, Thái Lan, trồng theo phương thức hữu cơ. Với 50 gốc, chi phí sẽ mất từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Mỗi vụ dưa kéo dài 3-4 tháng.
Trước đây mới trồng chưa có kinh nghiệm, anh Giàu hay thất bại vì gặp mưa, sâu bệnh hoặc mưa bão. Cũng có lúc anh chưa nắm tốt kỹ thuật nên độ ngọt, độ nặng, vỏ ngoài của quả không đạt như kỳ vọng. “Có vụ bão quật nát vườn, thiệt hại hàng triệu tiền giống, phân hữu cơ. Những lúc đó đã nản, muốn bỏ cuộc”, anh kể.
Sau cả chục vụ, giờ đây anh Giàu tự tin có thể tạo ra những quả dưa ngon gần như dưa nhập khẩu. Một trái dưa lưới nhập khẩu đang có giá không dưới 500.000 đồng.
Gia đình vừa thu hoạch được 15 quả dưa lê Hàn. Hai tuần nữa, 45 gốc dưa lưới, tương đương một tạ cũng cho ăn. Mỗi lần cắt, anh Giàu sẽ chọn ra vài trái ngon nhất bán cho người có nhu cầu, để tái đầu tư tiền hạt giống và phân bón cho vụ sau. Vài chục quả còn lại để vợ con ăn và biếu người thân.
Trên vườn cũng đang có cây ổi lê trồng 2 năm đang gần 40 trái, chừng một tháng nữa nhà anh ăn “không xuể”. Cây táo chi chít quả, có thể ăn từ nay đến hết tháng sau.
Chiều 22/5, anh Giàu hái một rổ táo, hai quả dưa vàng và chùm nho chín mọng đem xuống để gia đình 5 người cùng thưởng thức. “Gốc nho mới trồng ngọt lắm”, anh kể.
Nhờ khu vườn sân thượng, hai năm nay gia đình ít khi phải mua trái cây. “Lúc mới trồng thấy khó khăn, thấy cực, nhưng giờ làm vườn là đam mê. Cảm giác được vã mồ hôi khi lao động, sau đó tận hưởng thành quả mình làm ra rất hạnh phúc”, anh nói.
Ảnh: Nguyễn Giàu
Doanh nhân làm vườn chim trên sân thượng
Không muốn nuôi nhốt chim trong lồng, anh Huyền Anh làm một khu vườn trên sân thượng có cây cổ thụ, suối nước chảy... để hơn 30 chú chim ríu rít suốt ngày.
Sáng 15/5, sau khi ngồi thiền, anh Nguyễn Huyền Anh, 35 tuổi, ở Thuận Phước, phường Hải Châu, Đà Nẵng bước ra vườn chim trên tầng 4 của nhà mình. Ba ngày anh đi công tác, một tổ chim đã ra ràng, bắt đầu chuyền cành. Chúng chuyền theo chim mẹ, từ cây mai chiếu thủy sang cây chanh cổ thụ, đậu lên giò lan bên "suối" rồi thi nhau uống nước, rỉa lông, tắm táp.
Ở góc khác, một tổ chim thạch yến có hai trứng đã nở, một trứng khác có thể chiều sẽ nở. "Ngắm nhìn chúng, tôi thấy thư giãn, hạnh phúc", vị doanh nhân chia sẻ.
Sinh ra ở một huyện vùng núi Nghệ An, từ nhỏ Huyền Anh đã mê cây cối, chim muông. Khi lập nghiệp ở các thành phố lớn, hầu như anh không còn được nghe chim hót nữa nên nung nấu ý định làm một khu vườn nuôi nhiều chim chóc.
Khó khăn ở chỗ anh không muốn nuôi chim trong lồng nhỏ. Việc nhốt trong lồng cũng khiến phải dọn phân, chăm sóc cực hơn, trong khi anh đi công tác liên tục. Cái khó ló cái khôn, anh nảy ra ý tưởng làm một khu vườn lớn, sau đó quây lưới và nuôi chim bên trong.
Khâu chống thấm, chịu lực được làm cẩn thận. Đây là ảnh mặt bằng chống thấm cho khu vườn.
Trên sân thượng rộng khoảng 85 m2, Huyền Anh quây khoảng 40 m2 để làm vườn chim, còn lại làm phòng trà. Tại vườn, một phần quây lưới, một phần lợp kính để chim có chỗ vào tránh mưa.
Cây trên vườn được lựa chọn tỉ mỉ, đảm bảo vóc dáng phù hợp với chiều cao, chiều rộng của vườn. Huyền Anh đi nhiều tỉnh tìm cây, như gốc bằng lăng, mai chiếu thuỷ cổ thụ được mua ở Bình Định. Cây nguyệt quế dáng bay, cây chanh gốc to như gốc bưởi được mua từ một nhà vườn ở Quảng Nam...
Trong hình là cây mai chiếu thủy 30 năm tuổi. Hiện có nhiều tổ chim yến, manh manh, sẻ bảy màu làm tổ.
Các loài chim trong vườn được chọn theo tiêu chí: Phải làm sao cho chúng chung sống hoà bình và cùng loại thức ăn để đỡ tốn công sức. Hiện anh nuôi các loại Finch, cu gáy, chào mào, yến, chim sâu, vành khuyên, hút mật, tiểu mi...
Sau 6 tháng xây dựng, khu vườn trong mơ của anh Huyền Anh hoàn thành cuối tháng 11 năm ngoái. "Lúc đó mừng nhưng cũng lo, không biết chim có sống tốt không", anh nói.
Chẳng ngờ mới qua Tết âm lịch, anh thấy đôi chim hoàng yến làm tổ. Vui quá, ngày nào anh cũng ra xem trứng, ai đến cũng khoe. Ai dè chim sợ, bỏ tổ mất. Trong hình là hai chú chim hồng yến chung sống hòa bình với một chú chim khác.
Rút kinh nghiệm, từ các lần sau anh không dám xem nhiều. Đến tháng 2 có đôi thạch yến đẻ 3 trứng, nở 3 con. "Mình lo y như thời vợ mình đi đẻ. Sợ chim không nuôi nổi con, sợ con nở ra bị rơi. Đi hỏi những người có kinh nghiệm, người thì bảo để chim bố mẹ tự nuôi, người thì khuyên bắt chim con ra nuôi bộ", anh kể. Sau cùng, anh quyết định để chim bố mẹ tự nuôi. Không ngờ chúng nuôi rất khéo. Chỉ độ nửa tháng đã chuyền cành. Ông chủ vườn sung sướng mấy ngày trời.
Trong hình là chim xác pháo.
Ông chủ vườn mát tay nên sau nửa năm, "dân số" khu vườn tăng vù vù. Từ 20 con chim ban đầu, giờ có thêm 11 chim non. "Cái mình thích nhất ở vườn là chim chóc được vô tư bay nhảy, có thức ăn bỏ sẵn để chim ăn, thác nước chảy và lọc liên tục để uống và tắm. Chim có thể làm tổ sinh sản bình thường như ngoài tự nhiên", anh cho biết.
Từ ngày có vườn chim, sáng nào doanh nhân này cũng dậy sớm, thể dục, tập thiền xong là ra tưới cây, xong đó ngồi thưởng trà, nghe chim hót. Nhiều lúc làm việc, kể cả họp hành, anh cũng thích mang máy tính lên ngồi giữa vườn chim. "Mình đang mong chờ đến lúc hoa chanh nở, được ngửi mùi hoa ngát dịu, nghe chim hót", anh hào hứng nói.
Một số loài chim trong vườn.
Ảnh: Anh Nguyen
Ông chủ quán phở trồng cây ăn trái trên sân thượng, người Sài Gòn thích mê Giữa Sài Gòn, khu vườn xanh mát, hoa nở rực rỡ của gia đình anh Chính khiến nhiều người trầm trồ. Khu vườn của gia đình anh Ngô Đức Chính (39 tuổi) nằm trên sân thượng của căn nhà 4 tầng ở Quận 10, TP.HCM. Tổng diện tích khu vườn là 72 m2, được chia làm 2 khu. Một khu trồng hoa, 1...