‘Vùng xanh’ ở Hà Nội mong học sinh được trở lại trường
Không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng từ giữa tháng 8, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Sóc Sơn, Ba Vì mong ngóng từng ngày đón học sinh đến trường.
Trong hơn một tuần, từ 27/9 đến 8/10, trường liên cấp Capitole, huyện Sóc Sơn, lén mở cửa, đón học sinh đến học trực tiếp. Ban đầu, khoảng 10-20 trẻ quay lại, sau đó tăng lên gần 50 – phần nào cho thấy ngày càng nhiều phụ huynh có nhu cầu và ủng hộ việc đi học trở lại. Hành động mở cửa trước quy định này bị phát hiện khiến trường bị phạt 30 triệu đồng.
Là người trực tiếp kiểm tra, phát hiện sự việc, bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, cho biết trường Capitole vi phạm, cần xử lý nghiêm và đúng quy định. Tuy nhiên, ở góc độ người quản lý giáo dục, bà cũng mong các trường sớm được cho phép đón học sinh trở lại.
Bà Huế cũng thông tin thêm, tại cuộc họp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với người đứng đầu ngành giáo dục các quận, huyện, đại diện Sở đồng tình rằng một tiết học trực tiếp giá trị hơn nhiều lần học trực tuyến, đồng thời hiểu rõ “người dân đang rất mong mỏi đưa trẻ quay lại trường”.
Học sinh Hà Nội trong một buổi học trực tuyến vào tháng 9. Ảnh: H.K
Trong đợt dịch bùng phát từ 27/4, huyện Sóc Sơn ghi nhận 39 người mắc Covid-19. Từ 25/8 đến nay, huyện không phát hiện ca mắc mới nào trong cộng đồng. Bà Huế cho rằng quá trình học trực tiếp nên được mở cửa dần, tương tự quy trình nới lỏng các dịch vụ, cửa hàng tại Hà Nội. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn gợi ý có thể cho học sinh đầu và cuối cấp khối 1, 6 và 9 đi học trước, sau đó theo dõi diễn biến dịch bệnh.
Việc cho học sinh quay trở lại dần cũng giúp nhà trường dễ quản lý và bắt nhịp với quá trình tổ chức, hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Trong thời gian đó, các khối còn lại vẫn học online, sau khoảng 1-2 tuần, nếu dịch bệnh ổn định, các em cũng có thể trở lại trường.
Đến 14/10, học sinh Hà Nội đã ở nhà hơn 5 tháng, chưa tính thời gian nghỉ vào đầu năm 2021. “Các con đã trải qua một khoảng trống quá dài. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn tác động không tốt đến nền nếp, ý thức học sinh, khiến các con thiếu hụt kỹ năng sống trong môi trường tập thể, hạn chế sự tương tác, giao tiếp với bạn bè”, bà Huế nói.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, cũng cho biết các nhà trường, phụ huynh và học sinh trên địa bàn phần lớn mong ngóng ngày trường học được mở cửa trở lại.
Video đang HOT
Theo CDC Hà Nội, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, huyện Ba Vì ghi nhận 8 ca mắc Covid-19, trong đó ca gần nhất đã từ ngày 13/8. Với bối cảnh này, ông Oanh cho rằng học sinh lớp 6 và 9 có thể được đi học trực tiếp, thậm chí thêm cả khối 12. Học sinh trong độ tuổi này cũng ý thức được tầm quan trọng của các biện pháp phòng, chống dịch và không gặp khó khăn khi thực hiện theo.
“Chúng tôi vẫn đang triển khai tốt việc học trực tuyến nhưng bắt đầu có những khó khăn. Như với khối 1-2, phụ huynh không thể phối hợp kèm cặp con sát sao như trước do đã phải đi làm”, ông Oanh nói về lý do muốn học sinh sớm được trở lại trường. Ngoài ba khối lớp trên, ông cho rằng các khối còn lại có thể đi học trực tiếp vào đầu tháng 11, khi dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, học sinh từ 12 đến 18 tuổi được tiêm vaccine.
Học sinh trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, trở lại trường hôm 2/3, sau đợt bùng phát dịch thứ ba. Ảnh: Ngọc Thành
Dù đến hôm qua, công điện triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký không đề cập việc trường học mở cửa trở lại, nhiều trường ở Ba Vì đã trong tâm thế sẵn sàng.
Ông Oanh cho hay Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tất cả trường học trên địa bàn xây dựng phương án cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chuẩn bị các kịch bản phòng, chống dịch khi học sinh trở lại trường, dựa vào kinh nghiệm đã có từ những năm học trước.
Xét theo dự thảo bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo cùng cơ quan y tế xây dựng cuối tháng 9, ông Oanh tự tin các trường ở Ba Vì đạt khoảng 13 tiêu chí, sẵn sàng mở cửa đón học sinh.
Với khối trường THPT, do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, nhiều trường cũng mong muốn học sinh sớm đi học trực tiếp trở lại. Theo dõi số ca mắc ở Hà Nội hàng ngày, ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, khấp khởi hy vọng mỗi khi thành phố chỉ ghi nhận vài ca mới, lại ở trong khu cách ly.
Dù mong trường học sớm được mở cửa trở lại, ông Dũng cũng có phần lo lắng bởi nếu nóng vội, dịch bệnh bùng phát rồi các em lại quay trở lại học online “thì còn khổ hơn”. Với khoảng 2.000 học sinh, thầy hiệu trưởng đánh giá nếu các em sớm được tiêm chủng, áp dụng từ khối 12 trước, việc mở cửa trường học về lâu dài sẽ yên tâm hơn.
Tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi cũng là nhiệm vụ được Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Tại buổi làm việc với một số Bộ, ngành hôm 12/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu 3 Bộ gồm Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay việc đăng ký tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, để sẵn sàng khi có vaccine sẽ triển khai tiêm nhanh và an toàn nhất cho các cháu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Với trên 8 triệu trẻ ở độ tuổi này, số lượng vaccine để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều, Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ hai mũi cho trên 95%.
Chuyên gia "hiến kế" đón học sinh Hà Nội trở lại trường sớm nhất
Đề cao tinh thần sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, ngành giáo dục thủ đô cần linh hoạt, xem xét sớm cho học sinh đi học trở lại.
Học sinh Hà Nội mong muốn được đến trường "càng sớm càng tốt". Ảnh: Hải Nguyễn
Hà Nội nên đón học sinh quay trở lại trường
Giãn cách xã hội kéo dài khiến học sinh Hà Nội ở nhà làm bạn với máy tính, điện thoại, quanh quẩn trong phòng với lịch học online dày đặc. Chưa dừng ở đó, nhiều phụ huynh còn phải thốt lên "các con trầm cảm mất thôi" khi chứng kiến con trẻ không được trải nghiệm, không giao tiếp và không có bất cứ hoạt động tập thể nào.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xem xét tình hình dịch bệnh, từng bước nới lỏng để sớm có phương án đón học sinh quay trở lại trường học trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng - Nghị quyết quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Chính phủ mới ban hành (Nghị quyết 128) đã đề cao tinh thần sống chung, không e ngại, không sợ hãi trước dịch bệnh. Vì vậy, ngành giáo dục thủ đô cần linh hoạt, xem xét sớm cho học sinh đi học trở lại.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài, không được đến trường cùng thầy cô bạn bè không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức mà còn ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần.
"Chúng ta phải linh hoạt, đổi mới để thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện mới. Theo đó, học sinh Hà Nội cần đi học trở lại để tránh những nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và chất lượng học tập" - ông Nga nói.
Xây dựng phương án cho học sinh trở lại trường
Lấy ví dụ về vụ việc Trường Liên cấp Mầm non - Tiểu học - THCS Capitole (Sóc Sơn, Hà Nội) "phá rào" đón học sinh đến trường sớm, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, quy định xử phạt quá "nặng" và cứng nhắc. Vì đây là trường học thuộc "vùng xanh", ưu tiên một số lớp đến trường, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và chưa để lại hậu quả tiêu cực.
Trước vụ việc trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, ngành giáo dục phải linh hoạt, cân nhắc nguy cơ dịch bệnh và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi học online quá lâu để đưa ra quyết định phù hợp.
"Tất cả địa phương phải đánh giá kỹ nguy cơ, từng nhà trường phải xây dựng kế hoạch đón học sinh trở lại học tập an toàn. Để làm được điều này, Sở GDĐT phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Từ đó, các trường phối hợp với y tế địa phương để đưa ra kế hoạch, đảm bảo đúng quy định" - ông Nga nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, các trường học cho học sinh quay trở lại phải đảm bảo cơ sở vật chất, áp dụng các biện pháp phòng dịch trong trường một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cán bộ, giáo viên, phụ huynh đã được tiêm vaccine đầy đủ để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Đặc biệt, phụ huynh và nhà trường phải phối hợp với nhau, theo dõi sức khỏe con em, đảm bảo an toàn tuyệt đối. "Gia đình và nhà trường phải phối hợp chặt chẽ. Nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm phải báo cáo sớm với nhà trường để đưa ra phương án giải quyết kịp thời" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói thêm.
95% trẻ em 12-17 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vaccine để sẵn sàng trở lại trường
Chia sẻ các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vaccine để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Lộ trình học sinh Hà Nội trở lại trường trong tình hình mới Sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kịch bản chi tiết để đón học sinh trở lại trường học. Ảnh minh họa. Chiều 13/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 21 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên...