Vung triệu “đô” để “chạy án” cho chồng
Lo lắng về việc chồng và anh chồng sẽ bị án tử hình về hành vi giết người, Đỗ Thị Phương cùng em gái chồng đã bỏ ra hơn 1,1 triệu USD để “chạy án”. Oái oăm thay, việc “chạy án” không những không thành, người đàn bà này còn liên tiếp lâm vào cảnh tù tội.
Hôm qua (13-8), TAND TP Hà Nội đã đưa Đỗ Thị Phương (tức Phường, SN 1971, trú ở đường Hữu Nghị, TP Móng Cái, Quang Ninh) ra xét xử theo tội “Đưa hối lộ”, theo điểm a, khoản 4, Điều 289-BLHS. Dính líu đến hành vi của vợ Nguyễn Tiến Chung (tức Chung Linh Hột – một trong những “trùm” giang hồ Quảng Ninh đã bị kết án tử hình về tội giết người) còn có: Mạc Văn Nam (SN 1965, ở tổ 42, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị xem xét về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Phạm Trọng Du (SN 1952, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường) cùng Phạm Anh Tuấn (SN 1974, trú ở khu 2, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, Hải Dương) đều bị cáo buộc theo tội “Môi giới hối lộ”.
Đỗ Thị Phương (ngoài cùng, bên phải) cùng các bị cáo liên quan
Liên quan tới vụ án này, ngày 16-8-2011, Đỗ Thị Phương đã bị TAND quận Long Biên xử phạt 8 tháng tù giam về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Nạn nhân bị bắt giữ là Phạm Anh Tuấn, cũng là một trong bốn bị cáo ở phiên tòa diễn ra hôm qua. Nguyên do là sau khi “chạy án” không thành, Phương đã thuê người bắt giữ Tuấn để đòi lại tiền chạy chọt.
Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, giữa năm 2009, anh em Nguyễn Tiến Chung và Nguyễn Tiến Phương (ở Quảng Ninh) can án vào một vụ án giết người. Quá trình hai “trùm” giang hồ đất mỏ bị điều tra, Đỗ Thị Phương rất lo sợ chồng và anh trai chồng bị áp dụng mức án cao nhất nên đã tìm cách “chạy” để thoát khỏi án tử hình. Với ý đồ đó, tháng 9-2009, Phương cùng em gái chồng tên Nguyễn Thị Hằng (hiện đang bỏ trốn) đã tìm gặp Phạm Trọng Du nhờ “đạo diễn” án từ. Ngoài 1,5 tỷ đồng “lót tay”, em chồng Phương sau đó đã 2 lần chuyển thêm cho Du với tổng cộng 600.000 USD nữa để chạy tội. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền từ người thân Chung Linh Hột, Du mới nhận ra đối tượng không thể làm được việc đó. Vì thế mà toàn bộ số tiền nhận “chạy án” sau này đã được Du trả làm nhiều lần cho gia đình Phương, trong đó có cả 1 tỷ đồng ở giai đoạn đối tượng bị điều tra.
Quyết tâm “chạy án” bằng được nên ngay sau khi Du “đầu hàng”, Phương tiếp tục tìm đến nhờ cậy Phạm Anh Tuấn. Sở dĩ Tuấn dám nhận “chạy án” cho anh em Chung Linh Hột là do ngay trước đó, đối tượng này đã quen biết Mạc Văn Nam. Trong con mắt Tuấn thời điểm ấy, Nam là một cán bộ công tác trong ngành tư pháp và là một người đầy uy lực vì có những mối quan hệ “khủng khiếp”. Thế nhưng sau khi vụ án bị phát giác, Nam hiện nguyên hình là một kẻ lưu manh, bịp bợm đầy chuyên nghiệp. Vì trong thời gian bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh, đối tượng đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo cũng với thủ đoạn “chạy chọt”.
Trong quá trình Phương, Tuấn và Nam bàc bạc với nhau, mặc dù không lần nào các đối tượng thống nhất giá “chạy án” là bao nhiêu, song trên thực tế tính đến tháng 12-2009, Phương đã phải xuất ra tổng cộng 500.000 USD. Đó là không kể khoản tiền 500 triệu đồng người đàn bà này cùng em chồng đưa cho Tuấn để lo tìm luật sư và chi phí cho việc ăn, ở đi lại. Trong số hàng trăm nghìn đô la Mỹ của Phương, khi thì Nam trực tiếp nhận, khi thì Tuấn nhận, rồi chuyển cho “đối tác”. Vậy nhưng quá trình điều tra, chỉ có đủ cơ sở để quy kết Mặc Văn Nam đã chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng của người thân Chung Linh Hột. Số tiền còn lại, mặc dù Tuấn khai đều chuyển hết cho Nam, nhưng lại không có tài liệu gì để kiểm chứng.
Video đang HOT
Quá trình xét xử, 3/4 bị cáo bất ngờ phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra với lý do bị hoảng loạn nên “khai bừa”, đồng thời cho rằng bản thân không phạm tội như nội dung bản cáo trạng quy kết. Đặc biệt là về các lần giao nhận tiền “chạy án”, lời khai giữa các bị cáo có nhiều điểm rất vênh nhau. Ngoài những vấn đề này, HĐXX cũng nhận thấy cần thiết phải củng cố thêm chứng cứ, tài liệu thì mới đủ cơ sở để kết tội Đỗ Thị Phương và các bị cáo liên quan có phạm tội như truy tố hay không. Vì vậy, sau một ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo An ninh thủ đô
15 năm tù cho kẻ lừa đảo bán chung cư thu nhập thấp
Đây là vụ án lừa đảo nhà chung cư thu nhập thấp lớn nhất tại Đà Nẵng từ trước đến nay được đưa ra xét xử với nhiều nạn nhân bị "dính" và số tiền lừa đảo lên đến hơn 2,6 tỉ đồng.
Ngày 13/8, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với Hồ Bích Nga (SN 1961, trú đường Mai Lão Bạng, phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, sàn giao dịch bất động sản Đà Nẵng (địa chỉ đường Hùng Vương) được Liên doanh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 giao quản lý và đầu tư xây dựng các khu nhà chung cư: Khu chung cư Bluehouse (chung cư dành cho người thu nhập thấp Đại Địa Bảo tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), khu chung cư Ngũ Hành Sơn, khu chung cư An Trung, khu chung cư Nam cầu Trần Thị Lý 1 và khu chung cư Nam cầu Trần Thị Lý 2.
Bị cáo Nga tại phiên tòa
Từ ngày 24/5/2011, Hồ Bích Nga làm nhân viên kinh doanh bất động sản tại sàn giao dịch bất động sản Đà Nẵng (DANAREES). Từ ngày 20/7/2011, bà Nga được bổ nhiệm giữ chức Trưởng nhóm kinh doanh dự án nhà ở xã hội Bluehouse.
Đơn vị giao cho Nga 2 quyển phiếu thu, mỗi quyển 60 tờ, dùng để thu tiền bán hồ sơ nhà ở xã hội được quy định là 10.000 đồng/bộ hồ sơ, trong đó liên 2 đóng dấu treo của sàn giao dịch bất động sản Đà Nẵng dùng để giao cho khách hàng mua hồ sơ.
Ngày 10/8/2011, sàn giao dịch bất động sản Đà Nẵng có quyết định thôi chức Trưởng nhóm kinh doanh dự án nhà ở xã hội Bluehouse đối với bà Nga và quy định rõ bà Nga có nghĩa vụ bàn giao công việc, hồ sơ, sổ sách, tài sản mà mình phụ trách theo quy định của công ty. Sau khi bị bãi nhiệm, bà Nga tiếp tục làm tại phòng giao dịch nhưng chỉ trả lại cho công ty một quyển phiếu thu, còn giữ lại một quyển.
Để có tiền tiêu xài cá nhân, bà Nga nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Qua mối quan hệ quen biết với bà Trương Thị Kim Khuê (SN 1961, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) và ông Ngô Văn Trọng (SN 1973, trú đường Phạm Ngọc Thạch, phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng), bà Nga nói mình quen biết với người làm văn phòng UBND TP Đà Nẵng, có mối làm thủ tục thuê căn hộ chung cư thuộc diện chính sách xã hội tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu).
Để tạo lòng tin, Nga sẽ viết phiếu thu (có đóng dấu treo của Sàn giao dịch bất động sản Đà Nẵng), viết giấy tay nhận tiền hoặc lập hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đưa lại cho người nộp tiền cọc. Đồng thời Nga đưa cho bà Khuê, ông Trọng bộ hồ sơ gồm: Đơn xin thuê chung cư và đơn xin xác nhận không có nhà ở ổn định để photo đưa lại cho người đứng tên xin thuê chung cư làm thủ tục.
Đối với bà Khuê, bà Nga nói chi phí xin thuê căn hộ chung cư Hòa Hiệp Nam là 90 triệu đồng/căn hộ tầng trệt và 75 triệu đồng/căn hộ tầng 2 trở lên. Người có nhu cầu thuê thì đặt cọc trước 65 triệu đồng/căn hộ tầng trên và 50 triệu đồng/căn hộ tầng hai trở lên.
Còn với ông Trọng, bà Nga nói chi phí xin thuê hoặc mua chung cư Hòa Hiệp Nam là 110 triệu đồng/căn hộ tầng trệt và giảm 10 triệu đồng đối với căn hộ từ tầng hai trở lên. Người có nhu cầu thuê hoặc mua thì đặt cọc trước cho bà 25 triệu đồng/căn hộ, số còn lại khi nào bà yêu cầu thì đưa thêm.
Tin lời bà Nga nên từ tháng 8/2011 đến khoảng đầu tháng 2/2012, bà Khuê và ông Trọng đã giới thiệu và nhận tiền cọc của nhiều người đến làm thủ tục thuê căn hộ chung cư rồi mang đến nộp cho bà Nga nhận phiếu thu, giấy nhận tiền hoặc hợp đồng đặt cọc do Nga ký nhận.
Rất nhiều người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến vụ án có mặt tại phiên tòa
Theo đó, bà Trương Thị Khuê đã thông qua Nguyễn Tôn (SN 1965, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), Ngô Thị Kim Chuyên (SN 1964, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), Đặng Thị Mua (SN 1959, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), Trương Thị Xuân Lan (SN 1968, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và Nguyễn Văn Xê (SN 1963, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) để giới thiệu nhiều người thuê và mua, sau đó nộp cho bà rồi bà nộp lại cho bà Nga.
Riêng ông Ngô Văn Trọng, từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2011 đã thông qua Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Hùng (cùng trú quận Liên Chiểu), Phạm Thị Kim Hoa, Nguyễn Đức Đô, Nguyễn Quang Dũng (cùng trú quận Hải Châu) và nhiều người khác để giới thiệu thuê và mua chung cư.
Tổng số tiền mà ông Trọng và bà Khuê thông qua các trường hợp nói trên giới thiệu là 53 căn hộ với số tiền trên 2,6 tỉ đồng. Sau khi nhận toàn bộ số tiền trên, bà Nga đem tiêu xài cá nhân; riêng các hồ sơ xin mua và thuê căn hộ chung cư, bà Nga đem bỏ vào tủ rồi khóa lại.
Bà Nga bị Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng bắt giữ và khởi tố về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào tháng 9/2012.
Sau một ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hồ Bích Nga 15 năm tù và đền bù lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân.
Công Bính
Theo Dantri
Phó giám đốc lừa bán chung cư "ma" cho người thu nhập thấp Do không có tiền tiêu xài nên Phan Trần Nguyễn nảy sinh ý định lừa đảo những người cần mua chung cư thu nhập thấp. Nhận tiền nhưng Nguyễn không hề có căn hộ chung cư nào để bàn giao, nạn nhân đã tố cáo đến công an. Sáng 10/8, Tòa án nhân dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã mở phiên tòa...