Vũng Tàu nhộn nhịp cuối tuần
Du khách từ khắp nơi đổ về thành phố biển vui chơi ngày cuối tuần khiến các trục đường chính luôn kín xe cộ.
Theo Trung tâm Hỗ trợ và Quản lý khách du lịch TP Vũng Tàu, vào tháng 7, lượng khách du lịch đến thành phố biển tăng khá cao. Trung bình ngày thường có khoảng 10.000 lượt khách, con số này tăng gấp 3-4 lần vào dịp cuối tuần.
Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nhận định thời gian cuối tháng 7 và tháng 8 vẫn nằm trong cao điểm du lịch hè.
Đông xe, di chuyển chậm
Du khách từ khắp nơi đổ về thành phố biển vui chơi trong ngày cuối tuần khiến các trục đường chính luôn kín xe cộ. Các nút giao thông xuất hiện tình trạng ùn ứ.
Các tuyến đường trong thành phố đông đúc xe cộ sáng cuối tuần.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 31/7, các tuyến đường ven biển như Thùy Vân, Hạ Long, Hoàng Hoa Thám… lượng xe đông, di chuyển chậm, chủ yếu là ôtô gia đình và xe khách. Tuy không xảy ra tình trạng kẹt xe, du khách vẫn tốn nhiều thời gian hơn để đi lại giữa các điểm đến trong thành phố.
Khoảng 9h, thời tiết tại phố biển nắng đẹp, nhiệt độ khoảng 31 độ C, không gây cản trở đến chuyến đi của khách du lịch.
Hàng quán đông nhưng không phải chờ lâu
Các quán ăn đặc sản của Vũng Tàu như bánh khọt, bánh bông lan trứng muối, lẩu cá đuối… trên đường Hoàng Hoa Thám kín khách ngồi tại chỗ và mua mang về.
Các hàng bánh bông lan trứng muối, khô hải sản tấp nập khách ra vào.
Video đang HOT
“Khách đông nhưng gia đình tôi cũng không phải chờ bàn quá lâu, chỉ tầm 5-7 phút đã có chỗ. Đang trong mùa du lịch nên tôi thấy việc chờ đợi như thế này là bình thường”, chị Thanh Vân (TP.HCM) chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng tranh thủ xếp hàng để mua thêm một vài món đặc trưng của Vũng Tàu về làm quà cho bạn bè, gia đình. Theo ghi nhận của phóng viên, khách sẽ mất khoảng hơn 5 phút chờ đợi.
Nhìn chung, lượng khách đông nhưng chất lượng phục vụ ở các quán ăn tương đối ổn định, chưa ghi nhận tình trạng “chặt chém”.
Đoạn đường lên ngọn Hải Đăng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Ảnh: Huyền Ngọc Đỗ.
Tương tự nhà hàng, quán ăn, các quán cà phê view biển được nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ chọn làm điểm dừng chân nghỉ ngơi và check-in.
“Hai ngày cuối tuần, khách ra vào liên tục. Trong quán lúc nào cũng chật kín người. Tối thứ bảy, nhiều người phải ra về vì không có chỗ”, nhân viên một quán cà phê trên đường Hạ Long chia sẻ.
Không chỉ quán xá, các điểm check-in nổi tiếng của thành phố cũng chật kín người. Từ sáng thứ bảy, đoạn đường lên Hải Đăng đã xảy ra tình trạng kẹt xe.
Dù có thông báo cấm ôtô theo khung giờ, một số xe vẫn di chuyển trên khu vực này dẫn đến tình trạng ùn ứ, gây bất tiện cho nhiều du khách và người dân địa phương.
Khách tăng, khó đặt phòng khi đến du lịch miền Trung
Từ đầu hè đến nay, các điểm đến ở khu vực miền Trung vẫn thu hút được sự quan tâm của cả du khách trong nước và quốc tế.
Khi cao điểm du lịch hè bước vào tháng 7, lượng khách đến tham quan và lưu trú ở các điểm đến nổi tiếng của khu vực miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn... vẫn tiếp tục tăng cao.
Không chỉ đón khách nội địa, các tỉnh thành này cũng ghi nhận lượng khách quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
Du khách khó đặt phòng
Hơn một tháng qua, TP Hội An, Quảng Nam đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Ghi nhận tại khu vực phố cổ, mỗi ngày có 5.000-10.000 lượt khách đến vui chơi.
Quảng Nam cho biết hiện toàn tỉnh có 900 cơ sở lưu trú với hơn 17.000 phòng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho hay trong 6 tháng đầu năm, địa phương đón gần 3 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú.
"Trong những tuần vừa qua, đặc biệt là ngày cuối tuần, các điểm du lịch như TP Tam Kỳ, TP Hội An trong tình trạng kín phòng. Nhiều đoàn khách muốn ở lại nhưng không còn phòng", ông Hồng chia sẻ.
Phố cổ Hội An đón lượng lớn du khách đến tham quan ngay từ đầu hè. Ảnh: Thanh Đức.
Để có được chỗ lưu trú, nhiều du khách đã phải đăng ký từ sớm. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã thành lập đội thanh tra liên ngành nhằm kịp thời xử lý ngay ứng xử, môi trường du lịch, niêm yết giá và những khó khăn mà du khách gặp phải.
Tại Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này đón hơn một triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 5.530 tỷ đồng.
Ghi nhận tại các điểm du lịch như bến tàu Vinpearl Nha Trang, bến cảng du lịch Nha Trang hay các điểm tham quan như Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng... lượng khách đến đông, dịp cuối tuần có lúc xảy ra tình trạng quá tải.
Khảo sát cho thấy công suất phòng khách sạn ở Nha Trang hiện đạt 60-85%, đây là con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Thậm chí một số khách sạn phải từ chối khách vì đã kín phòng.
Thời tiết nắng nóng là một trong những lý do du khách đổ về các bãi biển khu vực miền Trung. Ảnh: Minh Hoàng.
"Dịp này khách sạn luôn trong tình trạng kín phòng, một số thời điểm chúng tôi phải từ chối khách vì không còn chỗ. Khách đến nghỉ dưỡng chủ yếu đến từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên", ông Trần Văn Tùng, Tổng quản lý khách sạn Navada Nha Trang, thông tin.
Tại Bình Định, tính đến giữa tháng 7, ngành du lịch địa phương đã hồi phục sau đại dịch Covid-19 và đang trên đà tăng trưởng .
Tháng 7 mùa cao điểm du lịch, hàng chục nghìn du khách trong nước, quốc tế đã đổ về tham quan, nghỉ dưỡng các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, nhiều nhất là các địa điểm ven biển, đảo.
"Từ nay đến cuối tháng 8, Bình Định sẽ đón thêm ít nhất một triệu lượt khách từ các hoạt động, sự kiện về du lịch. Hiện nhiều resort, khách sạn đã được đặt kín phòng cho tháng tới", ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định nói.
Thu hút cả khách quốc tế
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.
Các chuyến bay đến cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã được nối lại. Đơn cử như các tuyến Cam Ranh - Hàn Quốc, Cam Ranh - Singapore, Cam Ranh - Thái Lan, Cam Ranh - Ấn Độ... ngoài ra các chuyến tàu đến ga Nha Trang chật kín du khách dịp cuối tuần.
"Không chỉ ở Nha Trang, mà các khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài công suất phòng luôn ở mức cao. Du lịch nội địa đang dần hồi phục, cộng thêm nhiều chuyến bay quốc tế đến Cam Ranh đã nối trở lại sẽ là niềm hy vọng lớn cho ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết.
Du khách Hàn Quốc thích thú khi được đến Nha Trang. Ảnh: L.Phát.
Tương tự, Đà Nẵng ghi nhận lượng khách quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi tốt nhưng cũng mới chỉ đạt 15-20% so với cùng kỳ 2019.
"Đến thời điểm hiện nay du lịch nội địa đã hoàn toàn trở lại như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh năm 2019. Đối với du lịch quốc tế tôi kỳ vọng trong thời gian tới và năm 2023 sẽ bùng nổ, điều này còn phụ thuộc vào thị trường quốc tế", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết.
Sáu tháng đầu năm nay, ngành du lịch Bình Định đón gần 2,3 triệu lượt khách, trong đó gần 24.300 lượt khách quốc tế. Bên cạnh loại hình dịch vụ du lịch, du lịch cao cấp, Bình Định đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng.
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như lặn ngắm san hô, các môn thể thao trên biển, vui chơi trên bè ở các thắng cảnh Kỳ Co, Hòn Khô... vẫn hấp dẫn nhiều du khách và cả người dân Quy Nhơn.
Khu du lịch biển Kỳ Co là điểm đến luôn được lựa chọn hàng đầu của khách du lịch mỗi khi đến Bình Định. Để đón lượng khách "bùng nổ" trong mùa hè năm nay, chủ đầu tư đã đưa vào hệ thống lưu trú bungalow với 59 phòng kèm theo hồ bơi và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí tại chỗ như đốt lửa trại, canô, lặn biển ngắm san hô, đánh cá cùng ngư dân...
Du lịch 'delay', bay Phú Quốc mà như bay sang... Nhật Tình trạng delay (hoãn, hủy chuyến) thường xuyên khi du lịch hè 2022 vào mùa cao điểm gây mệt mỏi, khó khăn cho nhiều du khách và công ty lữ hành. Bước vào kỳ nghỉ hè, các tour du lịch đã "nóng" lên, du khách có nhu cầu đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Nha...