Vùng hành Thanh Thủy: Phập phồng trước vụ mới
Trước tình hình giá giống tăng cao, thời tiết bất lợi… đã khiến người trồng hành (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) thấp thỏm lo âu trong mùa vụ mới.
Mọi năm, khoảng thời gian này ở vùng hành Thanh Thủy, người dân nhộn nhịp làm đất để xuống giống vụ hành nước, nhưng năm nay khá vắng lặng. Nguyên nhân là do giá hành giống tăng đột biến, người dân chưa dám mua hành về trồng. Ông Dương Văn Quang, thôn Thanh Thủy, than thở: “Mọi năm giá hành giống thường nằm ở khoảng 22.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 32.000 đồng/kg. Vậy mà năm nay bỗng tăng lên 45.000 – 47.000 đồng/kg. Hiện giá hành giống quá cao thế này, trồng khó mà có lãi. Đó là chưa kể các chi phí khác cho cây hành cũng đội lên khá nhiều so với trước”.
Việc sản xuất hành nước ở Thanh Thủy ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Vì giá hành giống cao nên số diện tích trồng hành trong vụ này cũng giảm. Một số hộ đã chọn phương án cắt bớt một phần diện tích để chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, hoặc nhằm tránh tình trạng sản xuất một lượt, bị thương lái ép giá, nhiều hộ đã chủ động trồng lệch vụ. Ông Phạm Văn Xuyến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hải cho biết: “Nếu như mọi năm người dân trồng giống hành Mỹ Tường, thì năm nay tất cả đều chuyển sang giống Inđô mua ở Phan Rang. Đây là loại giống mới được trồng thử nghiệm ở Thanh Thủy trong vụ mùa trước cho năng suất cao, thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, giống hành này có đặc điểm là củ to nên khi trồng cũng hao hơn. Bởi nếu như giống Mỹ Tường cần 1 tấn thì cũng với diện tích đó, giống Inđô cần 1,5 tấn mới đủ, dẫn đến chi phí tăng thêm”.
Theo tính toán của người trồng hành, với giá giống như hiện nay thì khi bán ra, giá hành phải nằm ở mức trên 22.000 đồng/kg mới có lãi. Mặc dù những năm gần đây giá hành có cao hơn trước nhưng chi phí đầu tư tăng cùng với đầu ra không ổn định trong suốt vụ mùa nên vẫn có nhiều hộ bị lỗ vốn.
Nỗi lo dịch bệnh, giá cả
Bên cạnh nỗi lo về giá giống thì tình hình thời tiết bất lợi trong thời gian qua cũng khiến người trồng hành thấp thỏm không yên. Bởi một khi xuống giống mà gặp trời lạnh thì cây hành sẽ không phát triển và dễ bị sâu bệnh tấn công. Đặc biệt là bệnh rầy dòi có khả năng gây mất trắng chỉ sau 3 ngày nhiễm bệnh.
Ngoài ra, thông thường khoảng 5 năm, người trồng hành ở Thanh Thủy phải thay cát cho ruộng vì cát sử dụng lâu trồng hành không đạt năng suất. Hơn nữa, cát được dùng nhiều lần sẽ dễ sinh ra cỏ dại và kéo theo sâu bệnh… Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn cát ngày càng khan hiếm nên nhiều diện tích trồng hành đã gần chục năm vẫn chưa được thay cát. Đây là một trong những mối lo khiến nghề trồng hành ở vùng đất cát này khó phát triển.
Anh Nguyễn Văn Dự – Trưởng thôn Thanh Thủy cho biết, trước tình hình khó khăn về giá giống, nỗi lo dịch bệnh, đầu ra nông sản bấp bênh… chính quyền địa phương đã định hướng cho bà con là không trồng hành đại trà như trước mà chỉ trồng ăn chắc. Theo đó, vùng nào đủ nước tưới thì trồng thường xuyên, còn những chỗ thiếu nước thì chuyển sang trồng cỏ, trồng bắp kết hợp chăn nuôi bò.
Theo Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi)