Vùng ‘giáp ranh’ tâm chấn ứng phó với động đất
Động đất liên tục xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5.0 ngày 28/7 đã gây rung lắc tại nhiều địa phương trong khu vực.
Vết nứt tại Trạm Y tế xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây sau rung chấn do động đất.
Tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, vùng giáp ranh gần nhất với tâm chấn động đất cũng gây ảnh hưởng đến nhà ở và một số công trình y tế, trường học của địa phương.
Những hình ảnh được ghi lại từ camera của gia đình chị Trần Thị Quy, thôn Huy Em, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây cho thấy rõ tác động của trận động đất có độ lớn 5.0 vừa qua. Chị Trần Thị Quy cho biết, vào lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7, gia đình đang dọn cơm ăn thì ngôi nhà rung lắc mạnh, vữa trên tường rơi xuống, những vết nứt cũ trên tường sau trận động đất đã mở to, sau một lúc chị mới định hình được là động đất.
“Khu vực nhà tôi ở đã nhiều lần cảm nhận rung chấn do động đất, nhưng đây là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay, những vết nứt trong nhà tôi có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà”, chị Trần Thị Quy nói.
Tại trạm Y tế xã Sơn Bua, và một số công trình, trụ sở làm việc của huyện Sơn Tây sau trận động đất có độ lớn 5.0 vừa qua cũng xuất hiện một số vết nứt. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng những trận động đất có cường độ ngày càng mạnh và xảy ra bất ngờ khiến người dân ở Sơn Tây vô cùng lo lắng.
Thiết bị quan trắc động đất ghi nhận dữ liệu tại UBND huyện Sơn Tây.
Ông Đinh Văn Hố, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây cho biết, trận động đất lớn vừa qua gia đình tôi đi làm rẫy hết không có ai ở nhà. Trước đây, tại địa phương cũng từng xuất hiện rung chấn nhẹ, nhưng lần này thì nặng quá, tôi rất lo nếu các đợt rung chấn mạnh như vừa qua tái diễn.
Chị Trần Thị Hạnh, Phó Trạm Y tế xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, lo lắng sau trận động đất có độ lớn 5.0 vừa qua, trụ sở làm việc và nhà lưu trú Trung tâm Y tế xã đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Dù đã quen với nhiều lần rung chấn, nhưng đợt rung chấn những ngày gần đây có xu hướng mạnh lên, khi xảy ra rung chấn mọi người chỉ biết chạy ra ngoài, chứ không biết làm gì hơn.
Trạm quan trắc động đất ghi nhận dữ liệu tại UBND huyện Sơn Tây.
Động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong năm gần đây có xu hướng gia tăng. Đầu năm 2023, Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt trạm quan trắc đất tại UBND huyện Sơn Tây vùng gần tâm chấn huyện để ghi nhận những diễn biến trước, trong và sau động đất, cảnh báo sớm cho chính quền địa phương và người dân. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn ứng phó với tác động của động đất, nhất là rà soát đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập nhà máy thủy điện, thủy lợi.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bách Thiên Lộc cho biết, Công ty đang vận hành Nhà máy thủy điện Đak Ba tại huyện Sơn Tây, sau những trận động đất 10 – 15 phút, công ty cho lực lượng cán bộ, nhân viên đi kiểm tra tổng thể các công trình từ hồ đập, kênh xã, nhà điều hành, công trình công cộng, đánh giá tác động của động đất đến công trình. Hiện sau 2 năm đi vào vận hành và chịu rung chấn do trận động đất mạnh vừa qua, nhà máy vẫn được đảm bảo an toàn.
Kỹ sư Nhà máy thủy điện Dak Ba, huyện Sơn Tây theo dõi hồ chứa qua camera giám sát.
Phó Chủ tịch huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, huyện Sơn Tây gần với vùng tâm chấn nên người dân dần thích ứng với các đợt rung chấn và tác động của động đất.
Sau trận động đất có độ lớn 5.0 vừa qua hiện chỉ một số nhà dân, công trình nhà làm việc trên địa bàn bị nứt nhẹ, chưa có thiệt hại về người.
“Khi có động đất xảy ra, chúng tôi tăng cường thông báo, cắt cử lực lượng thống kê thiệt hại. Huyện cũng lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất, tăng cường truyên truyền cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về động đất, những rủi ro do động đất gây nên; địa phương cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có động đất mạnh xảy ra.
Chưa ghi nhận thiệt hại do trận động đất mạnh nhất xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum
Trưa 28-7, trận động đất mạnh nhất lịch sử xảy ra ở huyện Kon Plông (Kon Tum) khiến nhiều tỉnh ở Tây Nguyên và miền Trung đều cảm nhận rung lắc mạnh.
Chiều 28-7, trao đổi với PLO, ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum), xác nhận địa phương chưa ghi nhận thiệt hại gì lớn do ảnh hưởng bởi trận động đất 5 độ trưa nay. Huyện đã yêu cầu các xã trên địa bàn rà soát, báo cáo.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện trực tiếp phối hợp với các xã nắm bắt tình hình thiệt hại của bà con để kịp thời báo cáo tỉnh để có hướng chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục.
Video: Chưa ghi nhận thiệt hại do trận động đất mạnh nhất xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum
Ông Nguyễn Hồng Thực (ngụ xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) bồng con chạy ra khỏi nhà khi xảy ra trận động đất. Ảnh cắt từ video.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng nhưng trận động đất đã gây rung chuyển một khu vực rộng lớn. Tâm chấn của trận động đất là huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum, nhiều địa phương khác như Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng... đều cảm nhận được rung lắc mạnh. Nhiều người hoảng sợ lao ra khỏi nhà khi có rung chấn.
Ông Trần Văn Nết, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, địa phương gần vùng tâm chấn), cho biết trận động đất đã gây rung chấn mạnh, nhiều vật dụng như bình ly, chậu hoa của người dân đã bị rơi, vỡ.
Người dân địa phương, ông Nguyễn Hồng Thực (ngụ thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng), kể: Lúc trận động đất mạnh xảy ra, gia đình ông đang chuẩn bị ăn cơm trưa. Thời điểm này khá yên tĩnh nên khi rung lắc xảy ra cảm nhận rất rõ.
"Tôi đang chuẩn bị bữa cơm, bỗng thấy rung lắc mạnh. Con tôi đứng bên sợ quá, nó khóc nên tôi lao qua bế chạy ra khỏi nhà. Đây là trận động đất mạnh nhất lâu nay tôi cảm nhận được. Do vùng này bà con nghe nhiều nên cũng ít hoảng sợ" - ông Thực nói.
Tại Gia Lai, anh Hoàng Anh Tây (ngụ TP Pleiku) cho biết: "Lúc động đất xảy ra, nhà tôi bị rung lắc rất mạnh. Cả nhà hoảng sợ đều chạy ra khỏi nhà".
Tương tự, ông Lại Tấn Công (ngụ xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) bày tỏ: "Lần đầu tiên tôi thấy có trận động đất mạnh như vậy. Lúc xảy ra, cả nhà ngồi dưới đất ăn cơm nên cảm nhận rung lắc rất rõ. May mà mọi thứ chỉ rung lắc, không bị thiệt hại gì".
Người dân xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) thường xuyên chứng kiến rung chấn do các trận động đất gây ra và ít lo sợ hơn trước đây. Ảnh: LK
Như PLO đưa tin, trong sáng 28-7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), liên tục phát đi bốn thông báo về trận động đất với tâm chấn ở huyện Kon Plông, Kon Tum.
Trận động đất mạnh nhất là 5 độ, xảy ra lúc 11 giờ 35 phút, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km và được đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Trước đó, trận động đất thứ nhất xảy ra lúc 3 giờ 12, độ lớn 3.4; trận động đất thứ hai lúc 8 giờ 35, độ lớn 3.3 và trận động đất thứ 3 xảy ra lúc 11 giờ 17, có độ lớn 4.1 ở độ sâu chấn tiêu khoảng 8.3 km, cấp rủi ro cấp 0.
Nguyên nhân động đất
Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trận động đất mạnh nhất được ghi nhận là 4.7 độ xảy ra ngày 23-8-2022. Ban đầu, các chuyên gia xác định đây là động đất kích thích do hoạt động tích nước các hồ chứa thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông gây ra. Từ bốn năm nay, trên địa bàn này liên tục xảy ra hàng chục trận động đất/năm.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: Sẽ tiếp tục xuất hiện động đất tại Kon Tum Từ ngày 28 đến trưa 30/7, tại khu vực huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra hàng loạt trận động đất lớn nhỏ; trong đó, trận lớn nhất có độ lớn 5.0. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất...