Vừng đen – Vị thuốc quý
Vừng đen (miền Nam gọi là mè đen) là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và vị thuốc chữa bệnh tốt.
Theo các chuyên gia thực phẩm thì ăn những thực phẩm có màu đen như vừng đen, đỗ đen, gà ác, gạo cẩm… có thể điều tiết khả năng sinh lý của con người, kích thích hệ thống bài tiết tiêu hóa, tuần hoàn làm tăng lượng hồng cầu, da dẻ hồng hào, tóc đen trở lại và kéo dài tuổi thọ.
Vừng đen.
Theo y học cổ truyền, hạt vừng đen có tên thuốc là hắc chi ma. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng hạt vừng đen sao cháy tán bột, mỗi lần uống 12g với ít rượu pha mật hoặc nước gừng để chữa đau lưng. Phụ nữ có thai sắp sinh con thường ăn chè vừng đen để dễ đẻ; sau khi đẻ bị thiếu sữa, đem sao hạt vừng đen với muối giã ăn với cơm hàng ngày. Để chữa nhọt lở lâu ngày không liền miệng, lấy hạt vừng đen 20 – 30g sao cháy, giã đắp hàng ngày.
Phối hợp với nhiều vị thuốc khác, hạt vừng đen được dùng trong những trường hợp sau: Thuốc bổ mạnh gân xương: hạt vừng đen 300g đồ chín, phơi khô, sao vàng; lá dâu non 500g rửa sạch, phơi trong râm hoặc nắng nhẹ cho khô, vò nát bỏ cuống và gân lá, sấy khô. Tán 2 thứ riêng biệt, rây thành bột mịn, trộn đều, thêm dầu mật ong đánh nhuyễn thành khối bột không dính tay, làm viên khoảng 1g. Thuốc có màu đen, hơi mềm, vị ngọt, mùi thơm. Ngày uống 2 lần, sau bữa ăn. Người lớn, mỗi lần 10 – 20g; trẻ em 5 – 10g.
Thuốc an thần, gây ngủ: hạt vừng đen 40g rang chín; hạt đỗ đen 40g sao; hạt muồng 20g sao; lá vông 40g; lá dâu non 40g, lạc tiên 20g, vỏ núc nác 12g sao với rượu. Tất cả làm khô, giã nhỏ, rây bột mịn, thêm đường đủ ngọt luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g.
Chè vừng đen nấu với hạt sen là món ăn vị thuốc an thần thông dụng của nhân dân ta cũng như nhân dân một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
Chữa táo bón: hạt vừng đen 300g rang chín, giã nhỏ, rây bột; lá cối xay 300g thái nhỏ, nấu với 2 – 3 lần nước rồi cô thành cao đặc. Trộn bột với cao, làm thành bánh 5g. Ngày dùng 2 bánh, hãm với nước sôi, uống sau mỗi bữa ăn. Hoặc hạt vừng đen 20g; sinh địa, huyền sâm, mạch môn, sa sâm mỗi vị 16g; thạch hộc 12g. Tất cả phơi khô, sao vàng, tán bột, luyện với mật ong vừa đủ để làm viên, ngày uống 10 – 20g.
Chữa táo bón do trương lực cơ giảm: vừng đen 12g, đảng sâm 16g; bạch truật, sài hồ, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc vừng đen 8g; hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, sài hồ, thăng ma mỗi vị 12g; đương quy, nhục thung dung, bá tử nhân mỗi vị 8g; trần bì, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống.
Chữa tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu: hạt vừng đen, rễ hà thủ ô đỏ, rễ ngưu tất mỗi vị 100g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ rây bột mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g.
Hạt vừng đen ép sống, lấy dầu uống mỗi lần 1 thìa canh với ít rượu để chữa tụ máu, đau nhức, sưng tấy do ngã. Dầu vừng đen còn có tác dụng hạ thấp cholesterol trong máu vì chứa nhiều acid béo không bão hòa.
Ở Trung Quốc, người ta vẫn ưa chuộng một loại trà của cung đình xưa để bồi bổ khí huyết, làm cho da thịt săn đẹp, mịn màng, tăng cường tuổi thọ. Trà gồm hạt vừng đen 375g, gạo tẻ 750g, đậu đỏ, đậu tương, đậu xanh, mỗi thứ 700g, chè búp 500g, tiểu hồi 150g, hoa tiêu 75g, gừng khô 30g, muối tinh 30g. Tất cả sao vàng, tán nhỏ. Ngày dùng 6 – 10g hãm với nước sôi để uống.
Theo Suckhoevadoisong
Món ăn, thức uống bổ mắt
Nước chanh - cà rốt, sữa đậu đen, trà hoa hòe - hoa cúc, cháo gan heo - đậu xanh lừ những thực phẩm tốt cho sức khỏe, cải thiện và phục hồi thị lực.
Theo Đông y, mắt là khí quan của tạng Can, tinh khí của ngũ tạng, lục phủ đều dồn lên mắt, là nơi tinh khí tụ lại. Muốn mắt sáng, hoạt động tốt, chậm lão hóa, cần phải bổ tạng Can, dưỡng huyết được đầy đủ. Những thực phẩm có tác dụng bổ tạng Can, có ích cho hoạt động của mắt thường gặp là gan động vật (gà, heo, cá), câu kỷ tử, quả dâu tằm, mè đen, hà thủ ô, đương quy, đại táo, hoài sơn, trứng gà, lươn...
Một vài món ăn có tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết, có ích cho mắt, làm sáng mắt.
- Canh trứng gà - câu kỷ tử
Nấu 30 g câu kỷ tử và 10 quả hồng táo (hoặc táo đen) với lượng nước vừa đủ, sôi khoảng một giờ, cho 2 trứng gà vào khuấy đều, nấu thêm đến khi trứng chín. Nêm gia vị cho vừa ăn, dùng ăn trong bữa cơm.
Trứng gà, câu kỷ tử.
- Gan gà chưng câu kỷ tử
Video đang HOT
Gan gà 60 g rửa sạch, xắt mỏng. Câu kỷ tử 30 g, táo đỏ 4 trái (bỏ hột) rửa sạch, để ráo, gừng tươi 2 lát. Các thứ cho vào bát sành, đem chưng cách thủy khoảng 2 giờ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn lúc đói bụng.
Công dụng bổ can thận, bổ huyết, làm sáng mắt. Món ăn này rất tốt cho người bị quáng gà, huyết hư mắt nhìn kém, trẻ em suy nhược, người thận suy già sớm.
- Gan heo nấu táo đỏ
Gan heo 60 g rửa sạch, xắt miếng, ướp gia vị. Táo đỏ 10 trái, hoài sơn (củ khoai mài) 20 g rửa sạch, để ráo. Tất cả cho vào bát sành, đem chưng cách thủy 3 giờ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn lúc đói bụng hoặc trong bữa cơm.
- Canh gan heo, cải bó xôi
Gan heo 100 g rửa sạch, xắt mỏng, ướp gia vị. Cải bó xôi 250 g rửa sạch, cắt khúc ngắn, để ráo. Nấu gan heo vừa chín thì cho cải bó xôi vào, nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn trong bữa cơm.
- Cháo gan heo, đậu xanh
Gan heo tươi 100 g rửa sạch, xắt miếng nhỏ, ướp gia vị. Đậu xanh 60 g và gạo 100 g vo sạch, thêm lượng nước thích hợp để nấu cháo. Đun sôi bằng lửa to rồi chuyển ninh lửa nhỏ, đến khi cháo chín thì cho gan heo vào đun sôi, gan vừa chín là được. Nêm lại gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
Công dụng bổ gan, dưỡng huyết, thanh nhiệt, làm sáng mắt, nhuận da làm đẹp sắc mặt. Món cháo này thích hợp với nhũng người suy nhược cơ thể, thị lực giảm, sắc mặt kém.
- Cháo câu kỷ tử
Câu kỷ tử 30 g rửa sạch, nấu với 100 g gạo tẻ thành cháo nhừ. Chia 2 lần ăn vào lúc đói bụng.
- Cháo đậu đen, câu kỷ tử
Đậu đen 50 g vo sạch, câu kỷ tử 30 g rửa sạch. Hai thứ ngâm nước nóng một giờ cho mềm. Nấu với gạo tẻ 100 g thành cháo nhừ. Chia 2 lần, ăn với đường vàng hoặc mật ong vào lúc đói bụng.
- Canh lươn - hà thủ ô
Lươn (làm sạch) 150 g, hà thủ ô 10 g, đậu đen (ngâm mềm) 60 g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 2 lát mỏng. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi đất, thêm nước vừa đủ, hầm khoảng 3 giờ cho nhừ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng trong bữa cơm.
- Cháo cà rốt, hoa cúc
Cà rốt 60 g gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng. Hoa cúc 20 g cho lượng nước vừa đủ (khoảng 500 ml), đun sôi 20 phút, rồi cho cà rốt, 30 g gạo tẻ vào nấu cùng thành cháo. Nêm muối, dầu ăn và hành. Dùng ăn vào lúc đói bụng.
Món cháo có tác dụng thanh nhiệt, minh mục (sáng mắt), có ích cho người thị lực suy giảm, sốt nóng, nhức đầu.
- Cháo câu kỷ tử, dâu tằm
Câu kỷ tử 30 g, dâu tằm (tang thầm) 30 g, gạo nếp 60 g, đường phèn. Rửa sạch câu kỷ, dâu tằm, rồi nấu cùng gạo nếp. Sau khi chín thêm đường phèn vừa ăn.
Món cháo này giúp bổ can thận, dưỡng huyết, ích trí, làm sáng mắt, có ích cho những người bị giảm thị lực, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, đau mỏi lưng gối, ù tai, tóc bạc sớm... do huyết hư, can thận suy yếu.
- Kim châm (hoa hiên khô) hầm gan heo
Kim châm 100 g, gan heo 300-400 g. Hai thứ rửa sạch, cho vào nồi đất (hoặc nồi inox), thêm ít gừng, muối, nấu với 750 ml nước, đến khi gan chín mềm là được. Chia 2 lần ăn vào lúc đói bụng.
- Cháo cà rốt
Cà rốt 150 g, thịt heo nạc 100 g, gạo tẻ 50 g, gia vị các loại. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt lát mỏng hoặc xắt hạt lựu (có thể mài thành bột). Thịt heo nạc rửa sạch, băm nhỏ, ướp gia vị cho thấm. Gạo tẻ vo sạch, nấu với cà rốt thành cháo nhừ, cho thịt nạc vào đảo đều, cháo sôi lại nêm gia vị vừa ăn.
Dùng vào lúc đói bụng (tốt nhất là ăn vào buổi sáng). Món ăn này có tác dụng bổ tỳ vị, trợ tiêu hóa, dùng cho người lớn, trẻ em suy nhược cơ thể, gầy yếu, tiêu hóa không tốt, thị lực giảm sút, quáng gà, ho, tiêu chảy kéo dài.
- Cháo cà rốt, hoa cúc
Cà rốt 60 g, hoa cúc 20 g, gạo tẻ 30 g, hành, muối, dầu ăn. Rửa sạch cà rốt, xắt miếng mỏng. Hoa cúc rửa sạch, cho vào nồi cùng lượng nước khoảng 500 ml, đun sôi 20 phút, rồi cho cà rốt, gạo tẻ vào nấu thành cháo. Cho hành, muối, dầu ăn để tăng hương vị trước khi dùng.
Một số thức uống có lợi cho mắt
- Nước sinh tố chuối, cà chua
Chuối cắt mỏng 500 g, cà chua xắt nhỏ 300 g, nước cốt cam 2 muỗng canh, nước cốt chanh 1 muỗng canh. Có thể thêm nước đá bào 1/2 chén.
Cho hỗn hợp trên vào máy xay nhuyễn. Đổ ra ly uống liền. Chú ý chỉ lột vỏ và cắt chuối ngay trước khi ăn hay chế biến để tránh bị nhũn và ngả màu.
Món này có tác dụng bổ dưỡng, an thần, giúp tăng cường thị lực, bảo vệ mắt. Rất tốt cho những người bị mất ngủ, thường bị nóng bứt rứt, khó chịu, mỏi mắt, thị lực giảm.
- Kim châm (hoa hiên khô) chưng đường phèn
Kim châm 100 g rửa sạch, để ráo, chưng với 100-150 g đường phèn. Dùng ăn vào buổi tối, trước khi ngủ khoảng 1 đến 2 giờ.
Đây là một món bổ dưỡng, an thần, giải nhiệt độc, làm thư thái tâm hồn, nhẹ nhàng cơ thể. Rất tốt cho những người bị mất ngủ, thường bứt rứt nóng nực, khó chịu.
Kim châm chưng đường phèn bổ dưỡng, an thần, giải nhiệt độc, làm thư thái tâm hồn, nhẹ nhàng cơ thể. Ảnh: yume.
- Trà hoa hòe, hoa cúc
Hoa hòe, hoa cúc, trà xanh mỗi thứ 3 g. Cả 3 nguyên liệu rửa sạch, cho vào trong cốc, ngâm với nước sôi khoảng 5 phút, dùng uống thay trà hàng ngày.
Món này có tác dụng thanh nhiệt, giúp sáng mắt.
- Sữa đậu đen, hồ đào nhục (quả óc chó)
Đậu đen 500 g sao chín thơm, tán thành bột mịn. Hồ đào nhục 500 g sao thơm cho bóc lớp vỏ lụa bên ngoài, để nguội rồi nghiền thành dạng bột nhão. Lấy mỗi thứ 10 g, hòa vào trong một ly sữa nóng, thêm vào một muỗng cà phê mật ong. Dùng uống vào buổi sáng sớm hoặc sau bữa ăn sáng.
Món này có tác dụng tăng cường hoạt động của mắt, bảo vệ mắt, tăng cường chức năng điều tiết, cải thiện chứng mắt bị mệt mỏi do làm việc nhiều, chữa được chứng khô mắt.
- Nước ép cà rốt, sữa bò
Cà rốt 100 g gọt vỏ, rửa sạch, xắt nhỏ. Cho cà rốt, 100 ml sữa bò và một ít mật ong vào máy xay nhuyễn, chia 2 lần uống lúc đói bụng (có thể lược bỏ bã).
Hoặc dùng: Cà rốt 100 g, táo tây 1 trái, hai thứ gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng nhỏ, cho vào máy xay nhuyễn, thêm vào 1 muỗng canh nước cốt chanh và ít đường hoặc mật ong, chia 2 lần uống lúc đói bụng.
Món nước ép cà rốt có tác dụng bổ dưỡng, phòng ngừa nhiễm trùng, tăng sức đề kháng, cải thiện thị lực, có ích cho trẻ nhỏ ho suyễn, suy dinh dưỡng, thường ra mồ hôi trộm.
- Nước chanh, cà rốt
Nước chanh vắt một muỗng canh, táo tây một trái, cà rốt một củ.
Gọt bỏ vỏ táo tây và cà rốt, xắt hạt lựu rồi cho vào máy xay nhuyễn, thêm nước chanh vào khuấy đều, có thể cho thêm ít đường cho dễ uống.
Món này dùng ngay, ướp lạnh hoặc thêm đá lạnh đều được. Ngoài tác dụng giải nhiệt, chống nóng, kích thích tiêu hoá, món ăn này còn giúp cải thiện thị lực, thích hợp với trường hợp mắt bị mệt mỏi do làm việc nhiều.
- Nước sữa chua, cà chua
Sữa chua một hộp, cà chua 2 trái, nước lọc, nước chanh vắt một muỗng canh. Cà chua rửa sạch, xắt hạt lựu, cho vào máy xay cùng các nguyên liệu khác, xay thành nước.
Món này giàu sinh tố A và sinh tố C, có tác dụng bồi dưỡng, chống nóng, bảo vệ mắt, tăng cường thị lực và dưỡng da rất tốt.
- Nước sinh tố đu đủ, sữa bò, mật ong
Đu đủ chín 200 g, sữa bò 250 ml, nước chanh vắt một muỗng canh, mật ong vừa đủ.
Gọt vỏ đu đủ, xắt nhỏ, bỏ hột, cho vào máy xay cùng với các nguyên liệu để xay nhuyễn, dùng uống trong ngày.
Món này có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, tác dụng tăng cường khí lực, bảo vệ mắt, làm sáng mắt, lợi tiêu hóa.
- Nước ép đu đủ, cà rốt
Đu đủ chín, chuối, cà rốt mỗi thứ 100 g. Ba thứ xay trong nước dừa với cùi non nạo. Thêm ít mật ong cho đủ ngọt, dùng uống cách ngày.
Món này có tác dụng bổ dưỡng, an thần, làm sáng mắt. Rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn uống không tiêu, thị lực giảm, mất ngủ, hay bị hồi hộp.
Có thể dùng cà rốt 30-40 g, đậu ván (bạch biển đậu) 12-20 g (sao thơm), hạt sen 12-16 g, nấu với 750 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2-3 lần uống trước bữa ăn. Trường hợp không có đậu ván, hạt sen thì chỉ dùng một nguyên liệu cà rốt 250 g tươi hoặc 50 g khô, nấu với một lít nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần để uống.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội dược liệu TP HCM
Theo VNE
Dừa cạn - Vị thuốc quý Bộ phận của dừa cạn dùng làm thuốc là lá và phần ngọn của cây, phơi khô sắc uống hoặc chế biến thành dạng trà hoặc giã đắp. Dừa cạn còn có tên là bông dừa, hải đằng. Tên khoa học là Catharanthus Roseus (L.) G. - Don Apocynaceae, được trồng nhiều ở nước ta để làm cảnh. Bộ phận dùng làm thuốc...