Vùng đất trồng giống xoài quả to dài, bán đi 40 nước, ai cũng khen
Đến cuối tháng 4-2020, diện tích đất trồng xoài trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 11.241ha, tăng gấp nhiều lần so với 5 năm trước. Xoài tươi và các sản phẩm từ xoài đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, được người tiêu dùng thế giới khen ngợi.
Xoài-Nguyên liệu dồi dào
Thời gian qua, cùng với việc phát triển nhanh vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ được mở rộng, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp thì kinh nghiệm xử lý cho xoài ra hoa trái vụ của nông dân được nâng lên, đây là tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu xoài. Nếu năm 2015, diện tích trồng xoài của tỉnh An Giang chưa tới 5.000ha thì nay con số này tăng lên gấp đôi. Sản lượng đạt 100.000 tấn/năm.
Xoài tượng da xanh trồng ở tỉnh An Giang là giống được xuất khẩu mạnh sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc những năm gần đây.
“Diện tích trồng xoài xuất khẩu ở các địa phương tăng nhanh do tỉnh có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái có thị trường tiêu thụ tốt, trong đó có xoài.
Vùng nguyên liệu xoài phục vụ cho xuất khẩu của tỉnh hiện nay rất dồi dào, sản lượng tăng cao, chất lượng nâng lên, được người tiêu dùng khắp thế giới chấp nhận. Đây là tiền đề quan trọng để An Giang đẩy mạnh xuất khẩu xoài trong thời gian tới” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Nếu ở huyện Chợ Mới có xoài tượng da xanh, da vàng, da đỏ (xoài Ngọc Vân) thì ở TX. Tân Châu, An Phú có xoài cát Hòa Lộc, xoài Keo; vùng Tri Tôn, Tịnh Biên có xoài cát Chu, xoài thanh ca. Đây là 1 trong 46 giống xoài được trồng trên địa bàn cả nước, phục vụ cho xuất khẩu.
“Diện tích trồng xoài trên địa bàn tỉnh hơn 11.000ha, sản lượng đạt trên 100.000 tấn/năm, một con số rất lớn. Với diện tích và sản lượng như thế, nếu tiêu thụ trong nước thì tính hiệu quả rất kém, chỉ có con đường xuất khẩu thì đời sống nông dân mới được tăng lên, nông thôn mới có thể khởi sắc.
Video đang HOT
Vùng nguyên liệu phục vụ cho chương trình xuất khẩu xoài hiện nay rất dồi dào, vấn đề còn lại là phải có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu” – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn An Sơn Bảy Núi ( xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) Nguyễn Hữu Thắng đề xuất.
Chất lượng xoài tiếp tục được nâng lên
5 năm đưa cây xoài vào danh sách những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đời sống những người trồng xoài khá lên, có hộ thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết nhiều lao động ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã liên kết với các viện, trường tại khu vực ĐBSCL, như: Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang tổ chức tập huấn kỹ thuật, biện pháp canh tác, hướng dẫn nông dân trồng xoài xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, phương pháp xử lý cho xoài ra hoa trái vụ; tổ chức cấp mã vùng trồng; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất như: phương pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt…
Nhờ vậy chất lượng xoài do nông dân trong tỉnh trồng ngày càng nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
“Hai trong nhiều yếu tố quyết định việc xuất khẩu xoài được nhiều hay ít là chất lượng và giá bán. Xoài xuất khẩu, đa phần doanh nghiệp chọn xoài loại 1, cân nặng từ 350-550gr/trái. Xoài đã có chất lượng mà giá bán cho doanh nghiệp cao thì cũng khó tiêu thụ. Hiện xoài Keo xuất khẩu, doanh nghiệp mua từ 28.000-40.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Với giá này, nhà vườn đã có lời, doanh nghiệp cũng có lãi” – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Bình (An Phú, An Giang) Huỳnh Thanh Minh chia sẻ.
Để chất lượng sản phẩm ngày một nâng lên, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã xét cấp 34 mã số (code) vùng trồng với diện tích 972ha. Diện tích này tập trung ở Tịnh Biên, TX. Tân Châu, Tri Tôn, An Phú, Chợ Mới, TP. Châu Đốc.
Ngoài ra, ngành đang tích cực phối hợp các doanh nghiệp như: Chánh Thu (Bến Tre), Cát Tường, Kim Nhung (Đồng Tháp), Hoàng Phát Fruit (TP. Hồ Chí Minh) đẩy mạnh xuất khẩu xoài vào một số thị trường “khó tính” như: Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Châu Âu…
Để kim ngạch xuất khẩu xoài của tỉnh ngày một tăng, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn để nông dân gia tăng sản xuất. Bằng cách làm đó, trong một thời gian không xa, kim ngạch xuất khẩu xoài của tỉnh sẽ tăng lên đáng kể, đời sống nông dân sẽ nâng cao…
“Xoài bị rớt giá trong thời gian cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh, theo tôi việc này chỉ mang tính tức thời. Hiện nay, tại xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới), xoài tượng da xanh được các vựa mua vào từ 18.000-20.000 đồng/kg và tương lai giá này còn tăng nữa, nông dân yên tâm sản xuất, chúng tôi đang sát cánh cùng bà con…” – ông Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.
Minh Hiển
Xoài Úc to bự chín đỏ, mắt nhà vườn cũng đỏ vì ngóng người mua
Hàng trăm héc-ta xoài Úc tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang độ chín đỏ nhưng không có thị trường tiêu thụ bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV đang hoành hành tại Trung Quốc khiến chính quyền phải đóng cửa khẩu.
Đỏ mắt tìm thương lái
Những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Tý, người trồng xoài Cam Lâm rất lo lắng khi không thấy thương lái tới mua hàng, các vựa xoài đóng cửa im ỉm. Trong khi đó, xoài trong vườn phần lớn đã già, chín đỏ cây, nếu không thu mua kịp, chỉ nửa tháng nữa xoài sẽ chín nẫu, rơi rụng.
Chỉ mới một vài vựa mở cửa thu mua xoài.
Lứa xoài trái vụ sau Tết của ông Võ Trọng Tâm (Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) đang độ chín. "Sáng ra, nghe tin có 1 vựa trên Quốc lộ 1 mở cửa, tôi thấy mừng nhưng nghe đâu họ thu mua giá rất thấp, xoài loại 1 giá chỉ 40.000 đồng/kg. Tôi có 1ha xoài Úc trái vụ, chừng 250 cây. Do trồng trái vụ nên sản lượng không cao, nhưng với giá này thì chỉ tạm đủ chi phí phân, thuốc", ông Tâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc (Tân Hải, Cam Hải Tây), lứa xoài trái vụ trước Tết ông thu được 380 triệu đồng nhờ giá cao, giáp Tết xoài loại 1 giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng sau Tết giá giảm chỉ còn 28.000 đồng/kg. Hiện nay, ông không có xoài để bán song con trai và con rể ông có tổng cộng 3ha xoài đang lo lắng vì xoài trong vườn đã già, chín nhưng không biết cách nào tiêu thụ. Với diện tích này, nếu giá xoài giảm thì sẽ thất thu khoảng 300 - 400 triệu đồng (10 - 15 tấn).
Theo người trồng xoài, mọi năm khoảng mùng 8 Tết, các vựa xoài đồng loạt mở cửa nhưng năm nay đến mùng 10 vẫn chưa thấy rục rịch. Dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV hoành hành ở Trung Quốc buộc chính quyền phải đóng cửa khẩu biên giới Trung - Việt, khiến các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều dội hàng. Vựa xoài không dám mua vì sợ khó tiêu thụ nội địa.
Bà Nguyễn Thị Yến - chủ vựa xoài Yến Tây (thị trấn Cam Đức) cho hay, dịch nCoV ở Trung Quốc khiến thị trường xoài ế ẩm. Tuy nhiên, vì bạn hàng, vựa vẫn tổ chức thu mua để bán ở các tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình... Xoài Úc hiện có giá rất thấp, loại 1: 20.000 đồng/kg; loại 2: 14.000 - 15.000 đồng/kg; loại 3: 7.000 đồng/kg.
Vựa mở cửa hôm mùng 9 Tết nhưng cũng có thể đóng cửa vì không biết thị trường thế nào. Mỗi ngày, vựa thu mua bình quân 5 - 10 rổ (50 - 60 kg/rổ) của những nông dân thân quen, số này chỉ bằng 1/10 so với những năm trước.
Chưa có giải pháp khả thi
Theo nhiều người trồng xoài tại Cam Lâm, sản xuất xoài trái vụ rất khó, tốn kém chi phí nhiều hơn xoài chính vụ, năng suất cũng kém hơn. Tùy thuộc vào thời tiết, có năm được mùa nhưng cũng có năm mất mùa. Nếu xoài chính vụ năng suất bình quân 5 tấn/ha thì xoài trái vụ tốt nhất cũng chỉ bằng 1/2. Do vậy, nếu giá xoài trái vụ không cao, người trồng xoài chắc chắn thua lỗ. Thêm vào đó, chi phí vật tư, thuốc bảo vệ thực vật những năm gần đây liên tục tăng, bình quân 10 - 20%/năm.
Trước tình hình trên, chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp ứng phó. Ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho hay, diện tích xoài toàn xã gần 1.000ha, trong đó xoài Úc chiếm 1/2. Hiện nay, xã chưa có giải pháp gì giúp nông dân. Kênh quan trọng có thể đẩy giá xoài lên cao là siêu thị. Song siêu thị thu mua với yêu cầu rất cao và số lượng cũng hạn chế.
Ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Người trồng xoài Cam Lâm cho biết, toàn huyện hiện có 3.900ha xoài Úc, sản lượng khoảng 500 - 700 tấn. Hiện nay, kênh tiêu thụ chủ lực vẫn là nội địa nên nông dân bị ép giá. Hội muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng khó vì số lượng thu mua hạn chế, giá cũng không cao.
Thời gian qua, Hội có vận động 3 doanh nghiệp là Vạn Hương (TP. Nha Trang), Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) và Đông Phương (TP. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng tiêu thụ xoài, lấy mã code của hội thu mua xoài Cam Lâm. Năm 2019, chỉ có Chánh Thu triển khai thu mua. Tuy nhiên, Chánh Thu lại không đặt Hội thu gom mà tự đứng ra thu mua trôi nổi nên Hội e ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Hội. Thời gian tới, Hội sẽ làm việc với huyện và các doanh nghiệp về vấn đề này.
Hiện nay, người trồng xoài Cam Lâm rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng trong việc tiêu thụ xoài.
Theo V.L (Báo Khánh Hòa)
An Giang: Xoài đất núi vào mùa trái, có bao nhiêu lái "khuân" hết Hợp tác xã Bến Bà Chi, ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) là nơi có trên 60ha xoài, đang vào vụ thu hoạch. Thương lái ở các tỉnh lân cận đến thu mua xoài đất núi với giá khá cao, dao động từ 20.000 - 38.000 đồng/ký tùy loại, năng suất xoài đất núi đạt trên 30...