Vùng đất này không chỉ có sâm mà còn có đặc sản hồng giòn
Huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum được biết đến là vùng đất trồng nhiều loại sâm như sâm dây, đương quy…Nhưng khi tới đây, ở thời điểm này, du khách có thể thưởng thức một loại trái đặc sản ăn rồi nhớ mãi-đó là hồng giòn.
Huyện Kon Plông có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây hồng giòn. Chính vì vậy, một số hộ dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm loại hồng này, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Nhằm giúp nông dân trồng hồng giòn thành công, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum cung cấp một một số yêu cầu kỹ thuật cơ bản về trồng và chăm sóc hồng giòn.
Cây hồng giòn được người dân trồng ở Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: Đ.N
Hồng giòn là loài cây thân gỗ nhỏ, có chiều cao trung bình khoảng trên 2m. Cây có lá dạng thuôn dài mọc so le nhau. Hồng giòn được đánh giá là loại cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt trên nhiều điều kiện đất và không cần quá nhiều công chăm sóc tưới tiêu.
Hồng giòn hiện nay được nhân giống bằng phương pháp ghép và chiết là chủ yếu. Căn cứ vào điều kiện khí hậu ở huyện Kon Plông, việc trồng hồng giòn tốt nhất là vào tháng 6 -7 dương lịch. Cây trồng sau 3 năm sẽ cho quả. Hàng năm cây ra hoa vào khoảng tháng 3 và cho quả vào khoảng tháng 7 đến hết tháng 8 âm lịch.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mật độ trồng cây hồng giòn 400 cây/ha đối với đất vườn. Với mật độ này, cây trồng hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m. Đối với đất đồi, mật độ trồng 500 cây/ha. Với mật độ này, cây trồng hàng cách hàng 5m, cây cách cây 4m. Trước khi trồng, bà con nông dân cần đào hố kích thước: 60cm x 60cm x 60cm hoặc 80cm x 80cm x80cm.
Sau khi đào hố, dùng 15-20kg phân chuồng hoai mục, 1kg lân super, 1kg kali clorua và 1kg vôi bột trộn đều với đất lớp đất mặt và lấp hố đào nhô cao hơn mặt hố (việc này chuẩn bị trước khi trồng 1 tháng).
Khi trồng, dùng cuốc đào một hố nhỏ ở tâm hố đã chuẩn bị trước. Sau đó, xé bỏ túi bầu cây, đặt cây vào giữa hố, lấp đất bằng mặt bầu cây giống, nhấn chặt đều, dùng cọc đóng chéo buộc cố định cây và tưới đẫm nước cho cây.
Video đang HOT
Để cây hồng giòn sinh trưởng tốt, bà con cần cung cấp đủ nước cho cây, nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Sau trồng từ 6 tháng đến 1 năm, cây phát triển được 50cm, chúng ta tiến hành bấm ngọn để tạo cành khung cấp. Sau khi cành cấp 1 mọc được 40- 45cm đều ra các hướng chúng ta tiến hành cắt tiếp tạo ra cành cấp 2.
Thời gian đốn tỉa cây hồng thích hợp nhất là vào mùa đông. Có 3 kiểu đốn tỉa tạo các kiểu cây chính như: kiểu hình phễu, hình chữ y và rẻ quạt. Thông thường đốn tỉa cây hồng theo kiều hình phễu là dễ đốn tỉa nhất và cho năng suất ổn định hơn các kiểu tán kia.
Để tạo kiểu tán hình phễu tiến hành đốn như sau: giữ một thân chính cao 0,5m, sau đó cắt ngọn. Để 3-4 cành cấp 1 phân bố đều ra các phía, đồng thời đốn khống chế các cành cấp 1 không để dài quá 45 cm, tạo cành cấp 2. Giữ 4-6 cành cấp 2 phân bố đều ra hai phía. Khi đốn dùng kéo cắt nghiêng một góc 450, vết cắt gọn để hạn chế sâu bệnh qua vết cắt khi gặp mưa.
Khi quả hồng chín thì màu quả chuyển từ xanh sang vàng hoặc vàng đỏ rồi đỏ dần. Khi quả hồng chuyển từ màu xanh sang vàng là hái được. Quả hồng hái xuống dù đã chín ăn vẫn chát (trừ một vài giống) vì trong dịch quả có chất tanin dưới dạng hòa tan, sau khi khử chát, tanin vẫn ở trong quả nhưng chuyển sang dạng không hòa tan nên không cảm thấy chát nữa. Việc khử chát bằng cách dùng chum hoặc vại sành xếp quả hồng vào rồi đổ nước sạch ngập sâu 20cm trong 2-3 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Sau khi ngâm, vớt hồng ra rửa lại bằng nước sạch cho hết nhớt xung quanh quả, để ráo nước một ngày là ăn hoặc bán.
Theo Đào Nguyên (Báo Kon Tum)
Loài cây dại quý hiếm được ví như thần dược "dấu mình" ở Kon Plông
Với mật độ rừng che phủ cao, khí hậu mát mẻ, huyện Kon Plông (Kon Tum) được biết đến là vùng có nhiều loại dược liệu quý. Ngoài những loại dược liệu đã có thương hiệu như sâm dây, đương quy, cà gai leo..., có một loại dược liệu quý khác là chè dây tự nhiên cũng khá nhiều trên các cánh rừng của Kon Plông...
Cây chè dây ở rừng xứ lạnh huyện Kon Plông được người Mơ Nâm nơi đây gọi là "thần dược" trị chữa được một số bệnh viêm loét dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.
Hiện nay, cây chè dây chưa được người dân trồng mà chủ yếu là phát triển tự nhiên. Theo điều tra của ngành chức năng huyện Kon Plông, diện tích chè dây trên địa bàn khá nhiều. Chè dây nằm rải rác ở tất cả các cánh rừng trên địa bàn, nhưng tập trung nhiều nhất ở những cánh rừng trên địa bàn xã Đăk Long, Măng Cành...
A Lang hái chè dây tại khu rừng ở xã Đăk Long. Ảnh: V.P
Những năm qua, người dân mạnh ai nấy khai thác, chưa có cách bảo vệ loài cây quý này. Huyện cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nêu cao ý thức không khai thác theo kiểu tận diệt mà chú trọng để bảo vệ và tái sinh...
Để mục sở thị, chúng tôi theo chân anh A Lang (32 tuổi-người Mơ Nâm), cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Plông vào cánh rừng ở khu vực làng Kon Vơng Kia 1 (xã Đăk Long) tìm cây chè dây.
Dọc Quốc lộ 24, thỉnh thoảng A Lang lại tạt vào những cây thông bên đường và chỉ cho chúng tôi về cây chè dây. Theo lối mòn dẫn vào rừng thông chừng 30 năm tuổi, quan sát một hồi, A Lang phát hiện một dây chè leo to như ngón chân cái quấn chằng chịt vào một cây thông xuống đất.
Dùng rựa chặt ngang dây leo và quấn lại thành từng vòng tròn, A Lang nói: dây chè này khoảng 5 năm tuổi, nhờ sống sâu trong rừng nên sót lại, nếu nằm ngoài bìa rừng đã bị bà con khai thác rồi. Tiếp tục vào sâu bên trong, chúng tôi phát hiện chè dây mọc không ít ở khu rừng này. Dùng rựa vạt thưa một lùm cây, A Lang chỉ cho xem một gốc cây chè dây sần sùi to như cổ tay và cho chúng tôi biết cây chè dây này khoảng 10 năm tuổi.
Vừa nhìn vào gốc chè dây, A Lang vừa cho biết: Phân biệt năm tuổi của chè dây không phải sợi to là sống lâu, mà nhìn vào thấy vỏ càng sần sùi thì chứng tỏ dây chè đó sống lâu.
Hôm chúng tôi đi vào một vài cánh rừng không phát hiện dây chè to như bắp chân, nhưng A Lang nói mình từng thấy dây chè to cỡ đấy ở tận trong rừng sâu. Cây chè dây ấy sống ít nhất cũng khoảng 50 năm tuổi. Khi đó, thân bên dưới không phải dây nữa mà đã hóa gỗ, sần sùi như gốc gỗ nu, dựng đứng. Đặc điểm cây chè này là sống ở xứ lạnh, mọc từ rừng thưa, rừng già, rừng sâu.
Hơn một buổi đi rừng, A Lang đưa chúng tôi về làng Kon Ke 1, xã Đăk Long nơi anh sinh sống và vắt ngay nắm chè xanh nấu nồi nước.
Hơn 30 phút sau, A Lang bưng lên một bình chè lớn nghi ngút khói, nước sóng sánh màu xanh nhạt. Uống vào, nghe vị chát nơi đầu lưỡi, sau nghe vị ngọt nhẹ ở cổ, vị ngọt ngào cứ bám vào mãi không thôi.
Theo A Lang, bà con Mơ Nâm thường dùng chè dây làm thức uống hàng ngày nên hầu như chẳng mấy ai bị đau viêm loét dạ dày. Thức uống này còn hỗ trợ ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt. Cây chè dây không chỉ được sử dụng lá, mà cả dây thân đồng bào Mơ Nâm cũng nấu chung.
Cũng theo A Lang, cây chè dây ngày xưa ở rừng Kon Plông mọc dày đặc, nhưng do khai thác bừa bãi và phát nương làm nương rẫy nên giờ không còn nhiều như trước.
Cách khai thác cây chè dây của bà con dân tộc thiểu số trong vùng không theo quy cách gì nên chè dây ngày càng ít. Chỉ những ai muốn lấy về uống thì không chặt hạ tận gốc mà để nuôi. Nhưng nếu khai thác để bán thì bà con thường chặt cả gốc chứ không theo quy trình nào nên cây không thể tái sinh.
Ông Võ Đình Viết - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Gần đây khi phát hiện cây chè dây quý, mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn khai thác ồ ạt, chưa có ý thức bảo tồn. Trong thực tế, địa phương cũng chưa phân tích công dụng của chè dây và dược tính của chè dây để công bố giá trị của nó nên nhiều người chưa rõ.
Còn người Mơ Nâm địa phương thì họ sử dụng theo kinh nghiệm chữa viêm loét dạ dày, giải độc gan, giải rượu bia... Vì vậy, tại các làng đồng bào bán chè dây rất rẻ. Cây tươi khoảng 5.000 đồng/kg, khô 40.000 đồng/kg, còn các cơ sở thu mua bán 80.000 đồng/kg khô.
"Điều này lại là may, bởi nếu đắt giá, người dân sẽ khai thác vô tội vạ, như thế cây chè dây sẽ bị tận diệt như các loại cây dược liệu khác..."- ông Viết chia sẻ.
Trước nguy cơ cây chè dây bị khai thác ồ ạt, huyện Kon Plông đã đưa vào diện khoanh vùng, bảo tồn và phát triển 35ha cây chè dây nằm dưới tán rừng ở các tiểu khu 271, 474 và 478 thuộc ở xã Măng Cành và một số xã khác trên địa bàn. Đồng thời, huyện cũng đang khuyến khích các tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở để trồng, bảo tồn cũng như sơ chế loài cây này trên địa bàn...
Theo Văn Phương (Báo Kon Tum)
Thực phẩm sạch: Nghỉ lễ đi ngắm cà chua sạch siêu trái ở Tây Nguyên Tận dụng lợi thế khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ từ 16-20 độ C, nhiều nhà đầu tư chọn Măng Đen (Kon Tum) làm nông nghiệp sạch với nhiều loại cây trồng "siêu trái". Vườn cà chua "siêu trái" của Trung tâm ứng dụng cao Măng Đen. Sau 4 trồng, chăm sóc, đến nay khu vườn cà chua Tomato...