‘Vùng đất của Trump’: Nỗi buồn bên trong nước Mỹ
“Michael Moore in TrumpLand” có thể là món quà ý nghĩa dành cho Hillary Clinton. Nhưng bộ phim tài liệu thực tế chỉ cho thấy một nước Mỹ bị chia rẽ trước thềm thời khắc lịch sử.
Michael Moore in TrumpLand, hay còn gọi là TrumpLand, là tác phẩm mới nhất của Michael Moore – một trong những đạo diễn bậc thầy của dòng phim tài liệu chính trị tại Hollywood.
Hồi trung tuần tháng 10, nhà làm phim 62 tuổi bất ngờ tung ra bộ phim trước sự ngỡ ngàng của công chúng và truyền thông. Nó xoay quanh đề tài nóng bỏng nhất tại xứ sở cờ hoa lúc này: cuộc chạy đua tới vị trí Tổng thống Mỹ giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Phim được dàn dựng hết sức đơn giản thông qua một buổi nói chuyện giữa Michael Moore với các cử tri tại thành phố nhỏ Newark, bang Ohio, nơi mà ông ví là “vùng đất của Trump” bởi tỷ lệ bầu chọn vượt trội dành cho Donald Trump ở vòng sơ loại.
Đạo diễn Michael Moore đặt chân tới một trong những nơi có tỷ lệ ủng hộ Donald Trump cao nhất tại nước Mỹ, tổ chức buổi nói chuyện với họ, rồi dựng nên bộ phim tài liệu Michael Moore in TrumpLand trước sự ngỡ ngàng của công chúng.
TrumpLand muốn chạm tới những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ: từ hiện tượng chia rẽ sâu sắc về chính trị, chủng tộc, tôn giáo, đến tệ phân biệt đối xử với phụ nữ. Để rồi, tác phẩm kết thúc bằng lời đề nghị tha thiết rằng các cử tri hãy bỏ qua những khác biệt cá nhân và bầu cho Hillary Clinton “vì một nước Mỹ tốt đẹp hơn”.
Video đang HOT
Sở hữu bối cảnh đơn giản với rất ít chất tài liệu, có thể nói TrumpLandgần giống các chương trình thời sự châm biếm vốn rất được ưa chuộng tại Mỹ như The Daily Show của kênh Comedy Central hay Last Week Tonight with John Oliver của kênh HBO, hơn là các tác phẩm tài liệu hoàn chỉnh từng gây tiếng vang lớn của Michael Moore như Bowling for Columbine (2002), Fahrenheit 9/11 (2004), hay Sicko (2007).
Nhưng tinh thần trong TrumpLand thì vẫn đậm chất “nhập thế” của Michael Moore: sử dụng chất liệu điện ảnh tài liệu để vừa nói lên sự thật (theo cách nhìn của đạo diễn), vừa khơi gợi khán giả Mỹ đứng lên hành động và thay đổi.
Ngay từ tác phẩm đầu tay Roger & Me (1989) xoay quanh thực trạng công nhân lắp ráp ôtô bị sa thải hàng loạt tại quê nhà Flint, bang Michigan, rồi sau đó là hai tác phẩm đoạt giải Oscar (Bowling for Columbine) và Cành cọ vàng (Fahrenheit 9/11), Michael Moore từng chứng tỏ ông vừa là đạo diễn tài liệu xuất sắc với cách phỏng vấn, khai thác tư liệu, và dựng phim sáng tạo, vừa là nhà hoạt động xã hội và chính trị tài ba với những thông điệp khơi gợi tinh thần phản kháng nơi khán giả.
Nhưng thành công nào cũng có hai mặt. Thông điệp chính trị gây tranh cãi khiến các bộ phim của Moore dần bị nhìn nhận là thiên lệch, hay nặng nề hơn là bóp méo sự thật, và đi ngược lại tinh thần phản ánh sự thật của dòng phim tài liệu.
Là đạo diễn bậc thầy trong dòng phim tài liệu chính trị, Michael Moore chọn cách tương tác trực tiếp với một bộ phận khán giả đặc biệt cho dự án mới nhất.
Các tác phẩm của ông cũng dần dà trở thành “nạn nhân” của nước Mỹ đang ngày một chia rẽ về mặt lý tưởng chính trị và phân biệt giàu nghèo, nơi nhiều khán giả sẵn sàng bỏ qua những tìm tòi đầy ý nghĩa của Michael Moore về thực trạng xã hội chỉ bởi họ có quan điểm chính trị khác với tư tưởng thiên tả của đạo diễn.
Ý thức được điều đó, Michael Moore đã lựa chọn cho TrumpLand hình thức tương tác trực tiếp giữa đạo diễn với khán giả tại một địa phương có lựa chọn chính trị hết sức khác biệt so với bản thân ông.
Giống như các tác phẩm trước đây của Michael Moore, TrumpLand chứa đựng nhiều chi tiết hoàn toàn đủ sức nặng để chạm tới cảm xúc khán giả: từ việc Hillary Clinton phải trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí là bị xúc phạm, đè nén để có được chỗ đứng như ngày hôm nay, cho tới việc cả triệu người Mỹ lẽ ra đã được cứu sống nếu như giới chính trị chịu nghe theo đề nghị của Clinton từ hơn 20 năm trước.
Nhưng cũng đúng như những lời chỉ trích mà Moore thường xuyên vấp phải, TrumpLand mới chỉ đưa ra được bức tranh một chiều về thực trạng chính trị và xã hội Mỹ. Bộ phim chưa thể nêu ra lý do tại sao một ứng viên đầy khiếm khuyết như Donald Trump lại có thể vượt qua vòng sơ loại của Đảng Cộng hòa, để rồi nay đối đầu với Hillary Clinton – một ứng viên có sơ yếu lý lịch gần như hoàn hảo.
Điều đó thể hiện rõ qua việc Michael Moore đặt nặng việc chỉ trích các phát ngôn gây tranh cãi của Donald Trump, hay ca ngợi tinh thần kiên cường của Hillary Clinton trong giai đoạn đầy sóng gió khi bà giữ vai trò Đệ nhất Phu nhân, thay vì tập trung phân tích luận cương tranh cử của hai người, hay cách mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhìn nhận ứng cử viên của họ.
Việc nhà làm phim xóa bỏ khoảng cách giữa đạo diễn và khán giả thông qua không gian gần gũi của Nhà hát Midland tại Newark là một lựa chọn hợp lý khi ông thực sự là người kể chuyện có duyên và lôi cuốn. Nhưng cách đề cập vấn đề chưa toàn diện đã khiến sáng tạo nghệ thuật của Moore không thể phát huy hết tác dụng.
Do đó, ngay cả khi TrumpLand đi đến những phút cuối cùng, người xem vẫn dễ dàng nhận ra những nét mặt nghi ngờ, tỏ rõ sự bất phục giữa đám khán giả trực tiếp ngồi nghe buổi trò chuyện của vị đạo diễn.
Có nhiều điều về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 mà Michael Moore và bộ phim tài liệu TrumpLand của ông chưa thể phân tích thấu đáo. Điều đó khiến giá trị và mục tiêu của tác phẩm bị giảm sút phần nào.
Quả thực khó lòng có thể đối thoại và thuyết phục những người ủng hộ Donald Trump hay những cử tri còn nghi ngờ Hillary Clinton bỏ qua bất đồng để họ dồn phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ.
Bởi Michael Moore xuyên suốt buổi nói chuyện luôn ví von châm biếm ai bầu cho Trump là “những con khủng long sắp tuyệt chủng”, “những người da trắng, nam giới, ghét phụ nữ, yêu súng, và có kinh tế khó khăn”, trong khi ông lại hoàn toàn bỏ quên vụ bê bối e-mail của Clinton.
Những hạt sạn còn tồn tại về mặt nội dung, cùng thời lượng chỉ dài 73 phút và cách dựng phim ít chất tài liệu đã khiến TrumpLand chưa thể đạt hiệu quả về mặt cảm xúc như các tác phẩm trước đây của Michael Moore.
Những người ủng hộ Hillary Clinton hẳn sẽ thích TrumpLand, và bộ phim chắc chắn cũng không thể thu hút được những ai đang đứng về phe Donald Trump.
Nhưng với người xem trung lập, hoặc đơn giản là những ai đứng ngoài cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, cảm giác chung mà bộ phim đem lại chính là nỗi buồn khi phải chứng kiến một nước Mỹ bị chia rẽ, một nước Mỹ nơi những người sở hữu lý tưởng chính trị khác biệt nay chẳng còn tìm thấy được tiếng nói chung về mặt chính sách để xã hội có thể trở nên công bằng hơn cho phụ nữ, để những người bị bệnh tật không còn lo sợ lưỡi hái tử thần chỉ vì họ không có bảo hiểm.
Theo Zing