Vùng chè cổ – điểm du lịch độc đáo
Đến xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) chiêm ngưỡng vườn chè cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm nằm trên những dãy núi cao 1.700m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu trong lành.
Cây chè cổ thụ vốn đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân địa phương, nay được khoác thêm áo mới cùng người dân phát triển ngành Công nghiệp không khói.
Những năm gần đây, khi Công ty Cổ phần Chè Tam Đường đứng ra thu mua búp chè tươi với giá 100 nghìn đồng/kg, Nhà nước hỗ trợ phân bón, nhiều gia đình trong xã đã tích cực chăm sóc để lấy búp, mỗi năm thu 3 – 4 lứa chè, thu nhập khoảng từ 20 – 25 triệu đồng. Cùng với đó, Nhà nước còn hỗ trợ làm đường phục vụ tham quan du lịch, các gia đình tích cực chăm sóc và vệ sinh gốc chè sạch sẽ, tạo cảnh quan để địa phương có điểm nhấn thu hút khách du khách, đây cũng là một trong những định hướng trọng tâm của chính quyền huyện đối với xã Sà Dề Phìn.
Hiện, vùng chè cổ Sà Dề Phìn có hơn 1.000 gốc cây chè cổ thụ, có cây chè cao từ 5 – 6m, thân chè được bao phủ bởi những lớp rêu mốc ngả màu thời gian. Mỗi năm, vùng chè cổ Sà Dề Phìn thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan cũng như tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa. Thực hiện Đề án Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh, huyện Sìn Hồ đã và đang phát triển vùng chè tập trung ở các xã vùng cao và vùng chè cổ trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện trồng mới gần 500ha, trong đó diện tích chè cổ thụ chủ yếu ở xã Sà Dề Phìn và một số xã: Hồng Thu, Phìn Hồ, Tả Ngảo…
Riêng vùng chè cổ Sà Dề Phìn hiện đang nằm trong danh sách được bảo tồn và phát triển. Thực hiện đề án và các nghị quyết của tỉnh, huyện, xã Sà Dề Phìn đã triển khai các biện pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển cây chè cổ gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Video đang HOT
Có đường lát đá, du khách tham quan vùng chè cổ tại xã Sà Dề Phìn được thuận lợi hơn.
Ông Giàng A Tùng – Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết: Từ khi có Đề án Phát triển vùng chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu, xã đã triển khai cho bà con chăm sóc tất cả các cây chè cổ trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ hướng dẫn bà con chăm sóc và phát triển vùng chè cổ. Mỗi cân búp chè sẽ được Công ty Cổ phần Chè Tam Đường thu mua với giá 100 ngàn đồng. Việc này giúp bà con tích cực chăm sóc, bảo vệ và phát triển vùng chè cổ. Thời gian tới, thực hiện Đề án của huyện, xã sẽ tiếp tục mở rộng vùng chè cổ thụ, hướng tới hình thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn.
Từ nhiều năm qua, huyện Sìn Hồ nói chung và xã Sà Dề Phìn nói riêng đã bộc lộ rõ tiềm năng phát triển du lịch, bởi vùng cao này mang trong mình vẻ đẹp kỳ vĩ của miền sơn cước, các bản làng, các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm… Để địa phương phát triển thành điểm du lịch thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách, phát huy được thế mạnh, UBND huyện ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch, đề án xây dựng xã Sà Dề Phìn trở thành địa điểm du lịch cộng đồng, nhờ đó hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đã được cải thiện rất nhiều.
Song song với quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, chính quyền huyện và xã còn quan tâm sửa chữa, nâng cấp, cải tạo đường giao thông phục vụ phát triển du lịch tại trung tâm xã đến các bản, địa điểm ngắm cảnh trong khu vực; xây dựng, nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 128 vào trung tâm xã, chiều dài gần 6km để kết nối giao thông. Đồng thời, xây dựng công trình đường bê-tông từ trung tâm xã tới các bản, cải tạo cảnh quan khu vực hồ thủy lợi để phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch của xã, từng bước tạo dựng cơ sở phục vụ ăn, nghỉ đáp ứng nhu cầu của du khách khi tới xã Sà Dề Phìn ngắm mây thưởng trà và tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Ông Mùa Xái Tùng (bản Sà Dề Phìn) cho biết: Năm nay tôi đã 82 tuổi nhưng sức khỏe tốt nên tôi vẫn tham gia phát cỏ cho những cây chè cổ của gia đình. Vườn chè nhà tôi có khoảng 200 gốc, nếu sau này tôi không còn khả năng chăm sóc, thì tôi lại để cho con cháu. Cây chè giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, giữ đất, giữ nước và cho búp uống hàng ngày. Vài năm gần đây tôi thấy có nhiều khách thường xuyên đến tham quan và mua chè của bà con trong xã. Chè cổ ở đây có vị chát đậm, nước xanh, hương thơm và có vị rất riêng so với các nơi khác, ông, bà tôi ngày trước vẫn nói, uống chè ở đây chữa được nhiều bệnh.
Hiện tại địa phương còn thiếu kinh phí để đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục dành cho du lịch, người dân xã Sà Dề Phìn rất mong được tỉnh, huyện quan tâm bố trí thêm nguồn kinh phí giúp xã phát triển thế mạnh, để các đồi chè cổ thụ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Lai Châu.
Về nơi mây sà xuống những nóc nhà
Đến Bắc Yên một ngày cuối tuần, trời mưa lất phất, sương mù lảng bảng bay khắp các dãy núi, thi thoảng mây sà xuống những nóc nhà đầu phố.
Cuối tuần, thị trấn trong sương nhộn nhịp hơn ngày thường rất nhiều. Mặc dù đang là mùa hè, nhưng tiết trời nơi vùng cao vẫn se se lạnh, khiến những nam thanh nữ tú dưới xuôi lặn lội lên đây, xúng xính trong bộ áo váy Mông, cảm thấy thích thú.
Quê hương của vợ chồng A Phủ có nhiều thay đổi rõ rệt, nét thay đổi dễ nhận nhất là cách đây mấy chục năm về trước, Bắc Yên chỉ nhộn nhịp vào dịp Tết độc lập của dân tộc. Thời điểm đó rất dễ bắt gặp từng tốp thiếu nữ dân tộc Mông, trên vai với chiếc lù cở nặng trĩu những sản vật của núi rừng, đang ngồi trên lưng ngựa thủng thẳng xuống núi. Xa xa là những chàng trai trẻ dân tộc Mông khoác trên vai chiếc đài cassette buông lời tán tỉnh mấy cô gái nơi chợ tình lãng mạn. Giờ đây, những con ngựa ấy đã được thay thế bằng những chiếc xe máy; những con đường gập ghềnh đầy đá và những con dốc chồn vó ngựa xưa cũ đã được thay thế bằng đường rải nhựa.
Một góc Tà Xùa.
Ngược con dốc cao lên Tà Xùa, đến nửa đường, phóng tầm mắt nhìn xuống thị trấn Bắc Yên lẩn khuất giữa mênh mang sương mờ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Tà Xùa nhiều điểm du lịch cộng đồng được xây dựng, tô thêm vẻ đẹp khiến nhiều du khách khó tính nhất cũng phải nao lòng. Đâu đó tiếng kèn môi vọng về reo rắc bâng khuâng. Những giọt sương bàng bạc đọng lại trên mái tóc, du khách vui cười, cùng hòa mình với một Tà Xùa đang đang được đánh thức tiềm năng du lịch.
Tôi gặp Hoài Anh, ở Hà Nội, từng là du khách đến trải nghiệm ở Bắc Yên, chẳng thể cưỡng nổi vẻ đẹp riêng có của miền sơn cước này, nên anh đã "bỏ phố lên rừng" để đầu tư du lịch cộng đồng ở Tà Xùa. Rót chén chè Tà Xùa vàng óng đưa lên hít một hơi dài, rồi nhâm nhi từng ngụm, Hoài Anh bảo: Hà Nội chẳng thiếu gì các loại chè hảo hạng, nhưng tôi lại "nghiện" loại chè này. Thời tiết Bắc Yên thích thật. Khách dưới xuôi bây giờ lên với Bắc Yên nhiều lắm. Tôi tin nơi đây sẽ còn phát triển hơn nữa.
5 giờ sáng hôm sau, tôi thức giấc bởi tiếng gọi nhau dậy săn mây trên đỉnh Tà Xùa. Từng tốp du khách nhanh chóng chọn cho mình vị trí thích hợp, sẵn sàng smartphone để "tác nghiệp". Hôm nay thật may mắn, vừa dậy đã thấy đám mây trắng bồng bềnh lấp đầy thung lũng, phía xa ánh hừng đông đang hắt lên trời cao. Mây trắng lúc thì đứng yên, lúc thì từ trên đỉnh Tà Xùa trôi ào ào xuống thung lũng, tất cả tạo nên cảnh tượng hùng vĩ, mê hoặc lòng người. Săn mây ở đây đôi khi rất dễ dàng bắt gặp, nhưng cũng có cả mấy ngày cũng không có tí mây nào, hoặc đôi khi cả bầu trời cũng đầy mây xám xịt. Có lẽ cũng vì "hên xui" như vậy, càng khiến nhiều du khách kém may mắn càng muốn đến săn mây bằng được.
Từ Tà Xùa du khách có thể đến Xím Vàng cách đó không xa, nơi đây nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Hoặc những đám mây trắng bồng bềnh ở Sống lưng khủng long chỉ cách vài cây số cũng có thể cho du khách những bức ảnh ngàn like lung linh, ảo diệu. Nơi này, được mệnh danh là một trong những "thiên đường săn mây" đẹp nhất ở vùng núi phía Bắc.
Bắc Yên đang chuyển mình. Dẫu bắt đầu có sự ồn ào nơi phố thị, Bắc Yên vẫn vùi mình giữa sương gió, giữa đại ngàn Tây Bắc đẹp như trong chuyện cổ tích, những bản làng hoang sơ cho du khách ưa thích khám phá. Sâu trong tâm khảm đọng lại với những người sở tại hay những ai trải nghiệm nơi vùng cao gió núi mây ngàn này, vẫn là Bắc Yên lặng lẽ, mãi giữ được nét đẹp riêng có.
Có một Tây Nguyên xanh mát Những đồi chè xanh ngát trong nắng mai khoác lên Tây Nguyên vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, xua tan sự khô nóng của nắng gió nơi đây. Vườn chè Biển Hồ là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai với hơn 1.100 ha được canh tác bằng phương pháp hữu cơ. Hai đồi chè ở Gia Lai là Nông...