Vùng cao Đà Bắc thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
Những năm qua, mạng lưới giao dịch của Ngân hàng Chính sách tỉnh Hòa Bình được mở rộng về các địa phương, các điểm giao dịch đã về đến tận các thôn bản.
Nông dân huyện Đà Bắc thu hoạch lúa. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN
Thủ tục hành chính tinh gọn giúp cho dòng vốn tín dụng ưu đãi đã đến được với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Nhiều hộ gia đình ở huyện vùng cao khó khăn Đà Bắc của tỉnh Hoà Bình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Duyệt, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc trước đây là hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Năm 2018, qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình ông biết đến nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách địa phương để phát triển kinh tế. Gia đình ông đã mạnh dạn làm hồ sơ vay và được giải ngân số vốn 100 triệu đồng.
Ngay sau khi có vốn, gia đình ông đã đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn, đào ao thả cá, nuôi chim bồ câu Pháp… Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng.
Ông Duyệt chia sẻ, nhờ có được nguồn vay của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc, gia đình trồng được 2 ha bưởi Diễn, nhờ chăm sóc tốt nên mỗi năm quả ra nhiều hơn.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo của Nhà nước và nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Video đang HOT
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại Hà Nội, anh Xa Văn Huy trở về quê ở xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc để phát triển kinh tế với nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.
Trải qua nhiều khó khăn những ngày đầu khi kinh nghiệm chưa có, tuy nhiên với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, cùng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc, anh Huy đã từng bước phát triển và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất kinh doanh Nông lâm nghiệp Hiền Lương.
Hợp tác xã chuyên cung cấp cá thương phẩm cho các homestay và các công ty trong tỉnh Hòa Bình, cung cấp cá giống cho các thành viên trong Hợp tác xã và các hộ bên ngoài trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Hợp tác xã của anh Xa Văn Huy đã có hơn 40 lồng nuôi cá đặc sản. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Anh Xa Văn Huy cho hay, nhận thấy việc phát triển sản xuất có hiệu quả, năm 2020 gia đình anh đã tiếp tục vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc để đầu tư mở rộng quy mô hệ thống lồng bè, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi các loại cá thương phẩm mới, mang lại thu nhập ổn định hơn. Hiện tại Hợp tác xã của anh đã có hơn 40 lồng cá nuôi các loại cá đặc sản như cá ngạnh, cá lăng, cá chiên và cá trắm đen…, doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng/năm.
Xác định cho vay vốn giúp người dân giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc đã có nhiều biện pháp phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại địa bàn, các tổ tiết kiệm.
Các thủ tục từ thẩm định, xét duyệt hồ sơ, giải ngân đến việc kiểm trao nguồn vốn cho các hộ vay vốn đều được thực hiện chính xác, nhanh gọn và hiệu quả. Nhiều hộ gia đình nhờ đó đã kịp thời tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Bình Nam, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc cho biết, nhiều năm qua đơn vị đã tổ chức các chương trình tuyên truyền ở những địa bàn sâu và xa trong huyện về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm chuyển tải các nguồn vốn chính sách ưu đãi của ngân hàng một cách nhanh nhất, đảm bảo nguồn vốn không bị tồn đọng, đáp ứng được nhu cầu của bà con nhân dân hộ nghèo và các hộ chính sách khó khăn trên địa bàn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, những năm qua, các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trên địa bàn chuyển biến rất tích cực.
Nhờ đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt các nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách cho vay các đối tượng hộ nghèo giúp người dân mạnh dạn đầu tư con giống, cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế xã hội.
Từ một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, với hơn 50% hộ nghèo thì đến năm 2020 toàn huyện Đà Bắc chỉ còn 23,75% hộ nghèo.
Điều này cho thấy hiệu quả từ các chương trình, giải pháp xóa đói giảm nghèo của chính quyền địa phương trong việc nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho nhân dân.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc cũng đã tổ chức 17 điểm giao dịch tại các xã, bản, thị trấn giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn vay chính sách của bà con hộ nghèo và các hộ chính sách khác ở vùng sâu, vùng xa trở nên dễ dàng và thuận tiện.
Tại địa bàn huyện đã có 245 tổ tiết kiệm vay vốn và trên 9.800 hộ vay. Trong 6 tháng đầu năm 2021 ngân hàng đã thực hiện giải ngân trên 120 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao Đà Bắc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.
Tiếp vốn cho hộ mới thoát nghèo
Sau một thời gian tạm ngừng giải ngân, từ đầu tháng 4, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục cấp vốn cho hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 02 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có hơn 1.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn.
Góp phần thoát nghèo bền vững
Thoát nghèo đã được vài năm nay, gia đình bà Hồ Thị Vinh (thôn Thanh Minh 1, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) vẫn mong được tiếp tục thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH để có thêm vốn làm ăn. Vì thế, chương trình cho vay dành cho hộ mới thoát nghèo thật sự có ý nghĩa với gia đình bà. Năm 2019, bà vay 50 triệu đồng để trồng bưởi và mít nghệ trên diện tích 800m 2 ; đồng thời để dành một số vốn làm nghề thu mua phế liệu. Năm 2020, bà được vay thêm 30 triệu đồng mua máy móc để chồng làm nghề thợ mộc. "Nhờ nguồn vốn ưu đãi này, vợ chồng tôi có thu nhập ổn định, nuôi 3 con ăn học. Hiện nay, mỗi tháng, thu nhập của tôi được 10 triệu đồng, chồng tôi được 7 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống", bà Vinh chia sẻ.
Giải ngân vốn vay ở xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang).
Trông chờ nguồn vốn tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo từ cuối năm 2020, ông Lê Anh Dũng (thôn Thanh Minh 2, xã Diên Lạc) rất phấn khởi khi được NHCSXH huyện Diên Khánh giải ngân 50 triệu đồng vào giữa tháng 4. Ông Dũng cho biết, gia đình ông đã sử dụng số vốn được vay để cải tạo đất, xuống giống các loại rau màu và trồng một số cây ăn trái như đu đủ, chuối. Nguồn vốn được cấp về kịp thời đã tạo điều kiện cho nhiều hộ như gia đình ông Dũng tiếp tục sản xuất, góp phần thoát nghèo bền vững và hạn chế tình trạng phải tìm đến "tín dụng đen".
Chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo được triển khai từ năm 2015 theo Quyết định số 28 ngày 21-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự phát huy vai trò, đáp ứng nguyện vọng về nguồn vốn của người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Theo thống kê của NHCSXH chi nhánh Khánh Hòa, tính đến ngày 31-12-2020, dư nợ tín dụng chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo đạt hơn 309,9 tỷ đồng với 8.241 khách hàng dư nợ. Thông qua chương trình này, hàng ngàn hộ trên địa bàn tỉnh đã ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hộ mới thoát nghèo được tiếp tục vay vốn
Ngày 21-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 02 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28 ngày 21-7-2015 về chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Quyết định có hiệu lực từ ngày 30-3-2021. Ông Lê Văn Thành - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, 3 tháng đầu năm, chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo phải tạm ngừng giải ngân do Quyết định số 28 đã hết hiệu lực, trong khi Quyết định số 02 chưa có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Trung ương theo Quyết định 02, chi nhánh đã tích cực chủ động phối hợp với hội, đoàn thể các cấp, UBND cấp xã rà soát đối tượng và thực hiện các bước để kịp thời giải ngân ngay nguồn vốn khi quyết định có hiệu lực.
Cũng theo đại diện NHCSXH chi nhánh Khánh Hòa, nhu cầu vay vốn của hộ mới thoát nghèo đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, trong khi chương trình cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo lại gặp một số khó khăn, nhu cầu vay ít. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cuối năm 2020, toàn tỉnh có 3.183 hộ mới thoát nghèo, trong đó có 644 hộ ở thành thị và 2.539 hộ ở nông thôn. Do đó, Trung ương đã cho chi nhánh báo cáo Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp điều tiết vốn giữa 3 chương trình cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. NHCSXH chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho ban đại diện cùng cấp thực hiện theo chủ trương chỉ đạo của Trung ương để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tạo sinh kế, giúp giảm nghèo bền vững Tạo sinh kế, giúp hộ khó khăn tăng thu nhập, cải thiện đời sống bằng cách hỗ trợ con giống, phân bón, phương tiện sản xuất... là cách MTTQVN các xã, phường của TP.Vũng Tàu triển khai thực hiện để giảm nghèo bền vững. Bà Nguyễn Thị Hoài (trái), Chủ tịch UBMTTQVN phường 11 trao máy may cho bà Nguyễn Thị Vân. Buổi...