Vững bền thành lũy tình người
Không chỉ đến khi dịch Covid-19 xảy ra, tinh thần chung tay vì cộng đồng, tấm lòng “tương thân, tương ái” mới tỏa sáng và trở thành yếu tố cốt lõi, nguyên nhân sâu xa cho những thành công bước đầu của Việt Nam trong nỗ lực khống chế đại dịch.
Được nhìn nhận là một tính cách nổi bật của người Việt, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tinh thần ấy đã trở thành thứ “thành lũy” đặc biệt, làm nên sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam đứng vững trước bao thách thức của thiên tai, địch họa.
Đoàn Thanh niên quận Hà Đông trao gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Thái
Ấm áp nghĩa đồng bào
Theo khảo sát của Tổ chức Dalia Research (Đức) tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục vừa được công bố, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới. Kết quả này không bất ngờ, bởi thời gian qua bạn bè quốc tế được chứng kiến sự đồng lòng và tinh thần “tương thân, tương ái” từ Chính phủ cho đến người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Video đang HOT
Tinh thần ấy có sức lan tỏa lớn lao, góp phần thổi bùng lên “ngọn lửa” nhân văn trong mỗi con người. Từ “ngọn lửa” ấy, những tấm lòng nhân ái xuất hiện, lan tỏa khắp từ Bắc chí Nam. Trên quy mô rộng, các cấp, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã nhanh chóng vào cuộc. Có thể nói, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đều đồng lòng, chung tay với các hoạt động ủng hộ thiết thực, đơn cử như cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô đã ủng hộ một ngày lương, qua đó trao hàng chục tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Nhiều chương trình chung tay phòng, chống dịch Covid-19 được phát động thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp, từ đó, một khối lượng lớn vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuyển miễn phí đến các cơ quan, đơn vị và người dân… Nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh như vệ sinh khử trùng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng đã được các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên… tích cực thực hiện. Bằng trái tim nhạy cảm của mình, các văn nghệ sĩ góp sức bằng những tác phẩm tuyên truyền phòng, chống dịch. Bằng cơ sở vật chất, nhiều doanh nghiệp gác lại hoạt động sản xuất thường kỳ, nhập nguyên liệu để may khẩu trang cung cấp miễn phí. Cùng lúc ấy, ở tuyến đầu chống dịch, hình ảnh những bác sĩ in hằn vết khẩu trang, mồ hôi ướt sũng trong bộ đồ bảo hộ, kính nhòe đi, tạm gác lại tình thân và những giây phút quây quần bên gia đình để “trực chiến”, tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng, lực lượng an ninh và đội ngũ tình nguyện viên ngày đêm canh chốt bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người dân… Những hình ảnh đó đã để lại cảm xúc yêu thương, trân trọng trong mỗi người, góp phần lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng…
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu dừng mọi hoạt động kinh doanh, khó khăn về kinh tế càng lớn hơn, thì đó cũng là lúc mỗi ngày lại có thêm nhiều hoạt động thiện nguyện. Những dòng chữ “Ai cần cứ đến lấy…”, “Nếu khó khăn hãy nhận một phần thực phẩm mỗi ngày/ Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”; “Không sợ hết, xin chỉ lấy đủ dùng, cùng chia sẻ để vượt qua dịch bệnh”… xuất hiện ở nhiều nơi. Những “siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, bữa ăn miễn phí… nối nhau xuất hiện tại nhiều địa điểm khác nhau ở Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố, như một cách lan tỏa tình yêu thương, khơi dậy ý thức chung tay vì cộng đồng.
“Tôi chỉ có cái tâm thôi, còn lại là mọi người giúp đỡ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books đã nói như vậy, sau khi được chứng kiến tinh thần đùm bọc của người dân chưa bao giờ trỗi dậy mạnh mẽ đến thế. “Cây ATM gạo” của ông nhờ có tinh thần “tương thân, tương ái” mà cứ vơi lại đầy; nhiều Mạnh thường quân chở gạo đến góp, chung sức với ông giúp đỡ người nghèo. Còn ông Phạm Duy Hưng, Phó Tổng Giám đốc Apec Group, doanh nghiệp khởi xướng dự án “Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng” cho rằng, sức mạnh của tinh thần “tương thân, tương ái” sẽ luôn đem lại sự tử tế, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng: “Chúng ta, những người bé nhỏ trong một xã hội rộng lớn, dù vòng tay có rộng, có bao la đến đâu cũng chẳng thể vươn dài đủ để giúp đỡ tất cả nếu thiếu tinh thần “tương thân, tương ái” của cộng đồng. Một chút sẻ chia, dù là nhỏ nhất cũng không bao giờ là thừa thãi”. Ông tin rằng những “cơn gió nhỏ” sẽ trở thành “cơn bão lớn” khi cả xã hội cùng chung tay.
Và như thế, khi cả một hệ thống chính trị và người dân đồng lòng vì cái chung, tất cả sẽ tạo nên một “phòng tuyến toàn dân” mà cơ chế hoạt động được “kích hoạt” bởi nghĩa đồng bào.
Tạo nên thành lũy vững chắc
Gia đình bà Trần Thị Tới ( quận Hai Bà Trưng) phát miễn phí bánh bao, bánh mì… cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Thái
Từ những gì đã và đang diễn ra, có thể nói gì thêm về tinh thần “tương thân, tương ái”? Làm sao để tinh thần ấy luôn sôi nổi, nâng bước dân tộc?
Ngược dòng thời gian, có thể thấy tinh thần “tương thân, tương ái” đã có sẵn trong huyết quản của người Việt, tồn tại trong những câu ca dao, tục ngữ dân gian: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Những câu chuyện, hình ảnh về tình người trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn mang âm hưởng của nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Ra đời từ nhu cầu ứng phó với thách thức của tự nhiên, xã hội như vậy, nên khi thử thách qua đi, tinh thần vì cộng đồng, vì cái chung ấy rất dễ có sự nhạt nhòa, thậm chí “ruộng ai người nấy đắp bờ”… Thêm vào đó là tính ỷ lại tập thể, lợi dụng lòng nhân từ để mưu lợi cá nhân. Nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng Biên tập tạp chí điện tử Phụ nữ mới từng cảnh báo về những hạn chế của “cây ATM gạo”, rằng ý tưởng tốt là chưa đủ, cần nắm bắt đầy đủ thực tế. Phát gạo, dù thế nào, cũng giống như việc phát chẩn ngày xưa, tất yếu nảy sinh nguy cơ giành giật hay khởi dạ tham lam, cũng bởi có người nghĩ rằng mình phải lấy hơn phần người khác…
Chính vì thế, để tinh thần “tương thân, tương ái” luôn được duy trì, bồi đắp, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam: “Trước hết, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho mỗi người dân ý thức rõ “tương thân, tương ái” là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam ta, đã là người dân đất Việt thì ta phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy, nhân rộng trong cộng đồng. Tiếp đó, trong bối cảnh hiện nay, phải chuyển tinh thần vì cộng đồng từ sự “ứng phó” thành trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội thông qua giáo dục tổng thể trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội. Cuối cùng, phải biết tận dụng nhiều hình thức để chuyển tải thông điệp “tương thân, tương ái” tới mỗi người thông qua hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ chức quần chúng. Các biện pháp trên cần được tiến hành thường xuyên và phải được hâm nóng một cách có ý thức thông qua các đợt lễ kỷ niệm chung của đất nước và của riêng các tổ chức xã hội”.
Như vậy là cùng với lòng nhân ái được trao truyền qua nhiều thế hệ, những đòi hỏi của cuộc sống mới hôm nay về văn hóa ứng xử, về nếp sống văn minh cũng có ý nghĩa tiếp sức, nuôi dưỡng phẩm chất quan trọng này. Từ đây, chúng ta nhận ra và có thêm niềm tin rằng, dù ở cuộc chiến chống lại dịch bệnh hay bất cứ cuộc chiến cam go và ngặt nghèo nào, con người Việt Nam vẫn lựa chọn đứng cùng nhau, đồng lòng, chung tay cưu mang, chia sẻ để cùng nhau tạo nên thành lũy vững chắc. Truyền thống đoàn kết, đùm bọc từ cội nguồn này đã liên tục được bồi đắp và phát huy mạnh mẽ qua các thời kỳ lịch sử dân tộc, tiếp sức cho đồng bào ta vượt lên thách thức từ thiên nhiên, đẩy lùi những nguy cơ phá hoại của thù trong, vững vàng trước sóng gió, sự đe dọa của giặc ngoài và góp phần hàn gắn những rạn nứt, thương đau, tạo nguồn sức mạnh lớn lao đưa dân tộc ta vững vàng tiến về phía trước.
Ông Vũ Trọng Nghĩa – Trưởng phòng Truyền thông Đại học Kinh tế quốc dân:
“Dịch Covid-19 khiến người lao động tự do gặp khó khăn, vì thế, cán bộ, đảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã quyết định trích một tháng tiền ăn trưa để xây dựng “Cây gạo – NEU” nhằm chung tay hỗ trợ đồng bào. Ban đầu “Cây gạo – NEU” chỉ định phát 15 tấn trong 15 ngày nhưng không ngờ bà con đến nhận gạo rất đông, rồi nhiều nhà hảo tâm cũng mang gạo đến ủng hộ. Có tham gia phát gạo trực tiếp mới thấy tinh thần “tương thân, tương ái” của người Việt Nam rất lớn. Trong những người mang gạo đến ủng hộ “Cây gạo – NEU” còn có cả học sinh nhỏ tuổi; có những người đi ngang qua, thấy chương trình này ý nghĩa đã mua vội thùng mì đặt ở bàn rồi đi ngay, không để lại tên tuổi hay địa chỉ; có người luộc sẵn ở nhà 1.200 quả trứng rồi chia sẵn vào từng túi nhỏ, mỗi túi 5 quả, mang đến tận nơi nhờ nhà trường phát cho bà con… Càng trong hoạn nạn, gian khó tinh thần yêu thương đùm bọc nhau của người Việt Nam càng tỏa sáng…”.
Chống "giặc" Covid -19: Vì sao dân tín nhiệm Chính phủ?
Người dân có tin tưởng, có ủng hộ Chính phủ thì mới sẵn sàng góp công, góp của, không nề hà, không do dự.
Một cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công bố ngày 30/3 cho biết: "so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới". Cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 32.000 người được hỏi. Theo đó, 62% người Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp.
Các y bác sĩ tại tâm dịch Bạch Mai thể hiện quyết tâm chống dịch
Dù không bất ngờ nhưng kết quả khảo sát trên vẫn khiến không ít người Việt Nam "xúc động và tự hào". Nếu được hỏi, chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng dành cho Chính phủ một phiếu "tín nhiệm" khi nhìn lại chặng đường chống dịch đầy cam go, thử thách vừa qua. Dù "thời điểm quyết định" vẫn đang ở phía trước nhưng họ tin rằng, Chính phủ đã hành động đúng ...
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm trong xử lý một đại dịch nguy hiểm và diễn biến khó lường như Covid-19. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Còn nhớ thời điểm dịch mới bùng phát, khi Chính phủ sử dụng các biện kiên quyết như đóng cửa trường học, siết chặt quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc... đã từng xuất hiện những băn khoăn, nghi ngại, liệu có cần thiết phải sử dụng các biện pháp mạnh như vậy hay không? Nhưng có lẽ, chính vì không xa "điểm nóng" Vũ Hán, chính vì có 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc nên Chính phủ đã lựa chọn biện pháp mạnh ngay từ đầu. Nay, khi nhìn lại quãng thời gian khó khăn đó, ai cũng thấm thía, nếu không hành động sớm, không "phòng bệnh hơn chữa bệnh" thì không biết hậu quả sẽ khôn lường thế nào. Đó cũng là điểm cộng đầu tiên mà người dân ghi nhận, Chính phủ đã phản ứng mau lẹ, quyết đoán và hiệu quả.
Lắng nghe và đề cao ý kiến của các chuyên gia, tận dụng tối đa "thời điểm vàng" để khoanh vùng, dập dịch, kiên quyết cách ly và sàng lọc các đối tượng dù tốn kém biết bao công sức và tiền của... nhưng Chính phủ vẫn kiên quyết làm. Người dân được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị chuyển động, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Từ công an, quân đội, y tế cho đến dân phòng, thanh niên, phụ nữ... Đó chính là sức mạnh tập thể, là sự đồng lòng, nhất trí, muôn người như một, cùng hướng đến mục tiêu chung.
Người dân có tin tưởng, có ủng hộ Chính phủ thì mới sẵn sàng góp công, góp của, không nề hà, không do dự. Có ở đâu mà người già góp gạo, góp rau, con trẻ góp tiền mừng tuổi, giới văn nghệ sĩ đi đầu trong quyên góp chống dịch, người Việt ở hải ngoại cũng sẵn sàng chìa vai gánh vác cùng Chính phủ...
Nếu không hành động vì dân, không đặt mục tiêu tối thượng là tính mạng con người, chắc chắn Chính phủ đã không nhận được sự ủng hộ như vậy. Tuyên bố "chống dịch như chống giặc", sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe người dân, chăm lo người nghèo, người mất việc vì đại dịch, chuẩn bị phương án xấu nhất để có cách đối phó tốt nhất... Cách làm của Việt Nam không chỉ được người dân tin cậy mà còn được bạn bè quốc tế ngợi ca. Ngay ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng phải thừa nhận, Chính phủ Việt Nam đã rất giỏi khi đương đầu với đại dịch Covid-19.
Kể từ ca bệnh đầu tiên ngày 23/1 cho đến nay, khi có gần 240 ca nhiễm, Việt Nam chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong. Những ca nhiễm mới dường như không tăng theo quy luật, không tăng theo cấp số nhân. Những ca nhiễm cũ lần lượt ra viện. Đó là kết quả lớn nhất, rõ ràng nhất, trả lời câu hỏi vì sao dân tín nhiệm Chính phủ.
Trong lời kêu gọi toàn dân chống dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết: "Tôi cảm ơn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tin tưởng, ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh".
Trong lá thư gửi về từ châu Âu, một du học sinh chia sẻ:" Nếu không có đợt dịch này thì nhiều người, kể cả tôi không nhận ra Việt Nam mình đáng trở về như thế nào, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới..."
Từng đi qua những năm tháng chiến tranh, từng đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, nay trong trận chiến với "giặc" Covid-19, một loại giặc chưa từng có trong lịch sử, giữ được niềm tin và sự tín nhiệm trong dân, đó là sức mạnh để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách./.
Giáng Hương
Tiền Giang: Vì sao đắp kênh trữ ngọt trở thành trữ mặn? Đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành phía trong đập thép vừa hợp long hơn 5 km (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) bị nhiễm mặn với độ mặn trên 2 phần nghìn. Ngày 20/2, UBND tỉnh Tiền Giang làm lễ hợp long đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành). Đây là đập thép...