Vùng an toàn dịch bệnh “kiệt sức” vì dịch tả lợn châu Phi
Dù đã đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn và được quy hoạch theo vùng an toàn dịch bệnh nhưng nhiều trang trại ở Thái Bình, Nam Định vẫn bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công, khiến cho người dân thiệt hại nặng nề.
Trại lớn, thiệt hại càng lớn
Là một trong những hộ tham gia vào đề án thí điểm “Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh” của tỉnh Nam Định từ năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Thục (ở xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh), luôn duy trì đàn lợn trên dưới 500 con.
Điểm khác biệt tại trang trại của ông Thục là thức ăn cho đàn lợn được sản xuất tại chỗ với các loại thảo dược nhằm tăng sức đề kháng và giúp sản phẩm thịt lợn có chất lượng vượt trội hơn. Bên cạnh đó, ông Thục còn đưa thêm men vi sinh chủng EM (mua tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trộn vào thức ăn để tăng cường hấp thụ chất. Ngoài ra, ông còn dùng men vi sinh chủng EM đã nhân thành thứ cấp để xử lý chuồng trại, khử mùi hôi.
Ông Nguyễn Văn Thục ở xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, (Nam Định) cố gắng bảo vệ, chăm sóc số lợn còn lại để mong gỡ gạc chút vốn đã đầu tư. Ảnh: Hải Đăng
Dù đầu tư tốn kém nhiều tiền của và có sự giúp sức của chính quyền địa phương, song đầu tháng 5/2019 vừa qua, trang trại của ông Thục vẫn bị DTLCP tấn công, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
“Hôm đàn lợn bị ốm chết, đến khi báo cán bộ thú y về lấy mẫu và có kết quả dương tính với DTLCP, chúng tôi thực sự choáng váng” – ông Thục nói. Khi đó, lãnh đạo địa phương cũng đã tức tốc xuống trang trại của ông Thục để xác minh nguyên nhân nhưng vẫn không tìm được lý do lây truyền bệnh dịch.
“Trang trại của tôi theo mô hình chăn nuôi khép kín. Từ khâu thức ăn, con giống, nguồn nước đến con người đều được vệ sinh, xử lý triệt để nhưng vẫn bị dịch. Chúng tôi rất khó lý giải điều này”- ông Thục băn khoăn.
Khi bị dịch, trang trại của ông Thục đang có khoảng 500 con lợn. Để hạn chế thiệt hại, địa phương đã hỗ trợ cho chủ trang trại tiêu hủy đàn lợn gần 300 con tại ô chuồng có vật nuôi bị nhiễm dịch, lợn ở các ô chuồng còn lại vẫn được giữ lại để tiếp tục theo dõi.
Ông Thục cho biết, hiện tại số lợn giữ lại vẫn an toàn nhưng các đơn hàng cung cấp thịt lợn hữu cơ của ông tại gần 10 cửa hàng ở trong và ngoài tỉnh đã mất hết và phải xây dựng lại từ đầu. “Tính ra chúng tôi bị thiệt hại trên dưới 1 tỷ đồng, trong đó có cả vốn vay ngoài, chưa biết khi nào mới trả được” – ông Thục ngậm ngùi.
Video đang HOT
Cũng theo ông Thục, ngoài trang trại của ông bị bệnh dịch “đánh gục”, nhiều trang trại chăn nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh ở xã Hải Giang, huyện Hải Hậu cũng bị DTLCP tấn công và thiệt hại rất nặng nề. Theo lý giải của các chủ trang trại, nguyên nhân bị dịch bệnh là do quy hoạch chăn nuôi, quy chuẩn vùng an toàn dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Điều đáng nói là các trang trại này nằm trong hoặc gần khu dân cư nên rất dễ bị dính dịch.
Ông Phạm Văn Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Giang đánh giá: “Việc quây khu, quây vùng và quy hoạch chăn nuôi giúp bà con chăn nuôi an toàn dịch bệnh của địa phương vẫn là bài toàn khó.Vì thế nên khi bị dịch tấn công, người chăn nuôi khó tránh khỏi thiệt hại”.
Hiện gia đình ông Thục đang nỗ lực chăm sóc và gây dựng lại đàn lợn sau “bão” dịch tả lợn châu Phi
Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn
Theo ghi nhận của phóng viên, một số trang trại đầu tư quy mô lớn để phục vụ đề án xây dựng thí điểm “Vùng an toàn dịch bệnh” của tỉnh Thái Bình cũng không thoát khỏi “án tử” DTLCP.
Ông Phạm Thành Nhương – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Thái Bình cho rằng, hiện nay DTLCP chưa có vaccine phòng bệnh nên không chỉ trang trại nằm trong vùng an toàn dịch bệnh ở Thái Bình, Nam Định mà tại nhiều địa phương khác trong cả nước cũng gặp khó khăn trong việc đẩy lùi loại bệnh dịch này.
Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Tố Nga – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định khẳng định, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh thực hiện đề án xây dựng thí điểm “Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”. Đến thời điểm xảy ra DTLCP, Nam Định đã xây dựng được 33 trang trại. Tuy nhiên, đến nay đã có 15/33 trang trại bị DTLCP tấn công.
Theo bà Nga, khi triển khai thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, các chủ trang trại trong tỉnh rất phấn khởi và chấp hành đầy đủ các quy định nên không bị dịch lở mồm long móng hay tai xanh, nhưng riêng DTLCP thì không kháng cự được.
Bà Nga cho biết thêm, trong số các trang trại bị DTLCP xâm nhập, có trại đầu tư chăn nuôi rất bài bản như trại của ông Thục ở Trực Thái nhưng vẫn bị dịch như thường, đây là điều rất khó hiểu.
“Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức thêm các hội thảo để lấy ý kiến và tìm ra nguyên nhân, bài học nhằm giúp bà con chăn nuôi an toàn hơn” – bà Nga cho biết.
Ông Nguyễn Phùng Hoan – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay: Chăn nuôi an toàn sinh học đang là yêu cầu tiên quyết nhằm khống chế DTLCP. Vì vậy, ngành chăn nuôi tới đây cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa về các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là theo hướng hữu cơ.
“Trung ương cần nghiên cứu để điều chỉnh các chính sách cụ thể, thậm chí nếu cần thiết thì ngay cuối năm 2019, phải kiên quyết không thực hiện hỗ trợ tiêu hủy đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi không áp dụng các điều kiện về chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh” – ông Hoan kiến nghị.
Theo Danviet
Lúng túng vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều tỉnh "kêu cứu"
Do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan nhanh, gây hậu quả nặng nề, nhiều địa phương đã bất lực và lúng túng trong công tác phòng chống, ngăn chặn dịch nên phải "cầu cứu" Trung ương hỗ trợ.
Mệt mỏi chống dịch
Vào những ngày nắng nóng này, bà Phạm Thị Bình - chủ trang trại ở Nho Quan (Ninh Bình) đang tìm đủ mọi cách để cứu chữa cho đàn lợn còn lại của gia đình thoát khỏi "án tử". Từ chữa thuốc lá theo phương pháp dân gian đến tiêm thuốc kháng sinh, nhưng đàn lợn của bà vẫn nằm thoi thóp chờ chết.
Công tác tiêu hủy lợn bị dịch không đảm bảo vệ sinh ở Nho Quan (Ninh Bình) cuối tháng 5/2019. Ảnh: T.Q
"Hôm trước, tôi đã báo xã tiêu hủy hơn 3 tấn lợn rồi, giờ còn khoảng 4 tấn nữa nhưng e rằng cũng sắp ra đi hết. Chúng tôi thực sự bất lực rồi " - bà Bình ngậm ngùi.
Ông Bùi Đức Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú (huyện Nho Quan) cho biết, lợn chết dịch tại xã đang tăng chóng mặt nên việc tìm chỗ tiêu hủy cũng là cả một vấn đề. "Chúng tôi có 3 chỗ tiêu hủy, nhưng đến giờ đã gần như quá tải, người dân cũng phản đối không muốn cho chôn lợn ở đó nữa nên chúng tôi đang rất bí bách" - ông Toàn nói.
Do lợn bị dịch nhiều, lực lượng cán bộ thú y mỏng, nên việc tiêu hủy không xuể, nhiều hộ dân có lợn chết dịch phải tự túc thuê người đến xử lý. Ví như trường hợp hộ ông Đinh Văn Hùng ở thôn Yên Sơn, xã Phú Lộc (Nho Quan), khi phát hiện lợn nhà bị bệnh, vợ chồng ông đã mượn người đến nhà dùng cuốc, xẻng đào hố chôn 8 con lợn ở khu vườn chuối của gia đình.
"Giờ khu tiêu hủy lợn của xã quá tải, cán bộ làm không xuể nên gia đình tôi tự xử lý cho nhanh, để lâu lợn chết thối ô nhiễm lắm" - ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Công (Nho Quan) cũng cho biết: Từ khi công bố dịch ngày 24/4 đến nay, toàn xã Khánh Công đã tiêu hủy trên 1.000 con lợn với trọng lượng 62 tấn của 40 hộ, trong đó, có hộ bị thiệt hại hơn 300 con. "Do DTLCP lây lan quá nhanh, chúng tôi trở tay không kịp. Điều đáng báo động là hiện bãi chôn lợn đang quá tải, trong khi hàng ngày vẫn tiếp tục có lợn chết nên chúng tôi đang lo không còn chỗ chôn" - ông Tưởng than thở.
Địa phương "cầu cứu" Trung ương
Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, dù DTLCP vẫn đang tiếp tục hoành hành, nhưng tại một số địa phương của Ninh Bình vẫn xảy ra tình trạng xác lợn chết bị vứt ra đường, trôi nổi trên sông, kênh, ao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Ninh Bình đã phải tiêu hủy 42.166 con lợn.
Trước tình hình lây lan nhanh của dịch bệnh, ngày 4/6 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản "cầu cứu" Bộ NNPTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cấp thêm cho địa phương 20.000 lít hóa chất để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Còn tại Hà Nội, đến nay thành phố đã phải tiêu hủy tổng cộng khoảng 16,5% tổng đàn lợn (tổng đàn khoảng 1,8 triệu con). Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, dù thành phố đã có phương án trích nguồn ngân sách dự phòng cho phòng chống thiên tai khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân bị tiêu hủy lợn, nhưng áp lực khu tiêu hủy cũng đang là vấn đề lớn. Thành phố đã phải tính cả tới phương án hỗ trợ cho các hộ dân thuê đất để tiêu hủy lợn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh này sẽ phải hỗ trợ chi phí 900 tỷ đồng, hiện tỉnh đã chi ra gần 300 tỷ đồng, trong đó có cả quỹ để nâng lương chưa dùng đến (được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận). "Giờ mà gặp bão lũ là tỉnh Hải Dương hết tiền" - ông Cương bày tỏ lo lắng.
Ngoài việc hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch, các địa phương cũng cho biết, chi phí hỗ trợ cho công tác tiêu hủy, chôn lấp lợn dịch còn thấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự: "Việc kiểm đếm số lượng lợn chết đã rất vất vả, nhưng khi chôn lấp phải tiếp tục xử lý để tránh trường hợp xảy ra mới đây là xác lợn trương lên, làm mặt đất dềnh lên và bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và công tác phòng dịch. Tưởng rằng diễn ra trong thời gian ngắn nhưng chúng ta không nghĩ được rằng, dịch lại kéo dài lâu thế, do đó việc hỗ trợ ngày công lao động cho đội ngũ kiểm đếm, chôn lấp phải thoả đáng hơn".
Theo Danviet
Chi trăm tỷ, lấy cả quỹ nâng lương để chống dịch tả lợn châu Phi Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và ngày càng kéo dài, nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan tại các địa phương là rất cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các bộ, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần "dập dịch như chống giặc" của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ...